CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Sách] 50 năm các Dân tộc thiểu số Việt Nam (1945 - 1995)

| | 0 nhận xét
[Sách] 50 năm các Dân tộc thiểu số Việt nam (1945 - 1995)
Sự hình thành và phát triển quốc gia Việt Nam gồm nhiều dân tộc là thắng lợi lịch sử trong việc tập hợp các cư dân trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ tổ quốc chung, tạo lập nên những điều kiện sinh sống, phát triển cho tất cả các dân tộc. Trong quá trình ấy, các dân tộc thiểu số nước ta cũng đã có những cống hiến to lớn, vẻ vang cho đất nước.

Trước đây, trừ một số dân tộc cư trú ở đồng bằng, ven biển, còn hầu hết các dân tộc thiểu số đều ở miền núi. Nói chung, mỗi dân tộc đều sinh sống ở những vùng nhất định, nhiều trường hợp đã hình thành nên lãnh thổ tộc người tương đối rõ rệt. Các vùng cư trú đó tập trung nhiều tài nguyên của đất nước và là quê hương yêu dấu của mỗi dân tộc.

Là những cư dân trồng trọt, trong quá trình lịch sử, các dân tộc nước ta đã tạo ra những cánh đồng tốt tươi trên các thung lũng như: Lộc Bình, Lạng Sơn, Tràng Định, Hòa An, Chợ mới ở Việt Bắc; Mường Thanh, Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Than (Than Uyên) ở Tây Bắc; ven biển miền Trung, Trường Sơn - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Trên các vùng núi cũng đã hình thành và mở rộng các ruộng bậc thang, nương bãi có thể sản xuất lâu dài, nhất là ở Tây Nguyên. Cho nên, nhiều nơi ở miền núi đã nổi tiếng gạo trắng nước trong, nhiều cây con có giá trị. Đồng thời ở mỗi nơi đều có những nghề thủ công, những mặt hàng thủ công nghiệp nổi tiếng, mang bản sắc văn hóa độc đáo. Trước đây, khi rừng còn nhiều, sông suối còn nhiều ốc, cá, săn bắt và hái lượm cũng thu được nhiều sản phẩm phong phú, giá trị. Cuộc sống của các dân tộc - trừ một số nhóm nhỏ cư dân lệ thuộc vào tầng lớp trên - dù là những cư dân làm nương rẫy du canh, cũng tương đối ổn định, đói kém ít xảy ra.

Tuy có những nét chung, nhưng các làng bản, dù mật tập hay phân tán hoặc kết cấu kiểu pháo đài (ở biên giới), đã được tạo dựng theo những truyền thống khác nhau, găn với cảnh quan ở từng nơi. Những căn nhà lợp ngói âm dương, những căn nhà có khau cút, những căn nhà dài và nhà rông, những ngôi chùa, tháp đều là những vẻ đẹp sinh động thể hiện trình độ sáng tạo trong kiến trúc của cư dân từng vùng, đáp ứng những như cầu sản xuất và đời sống. Tại đó, các thế hệ của từng gia đình luôn gắn bó với cộng đồng làng, bản, buôn, sóc và đây cũng là lực lượng sản xuất, quan hệ xã hội trong thực tế. Nhiều lĩnh vực văn hóa như trang phục, đồ dùng gia đình, phương tiện vận tải, nghi lễ thờ cúng, ca múa dân gian… Ở mỗi nơi đều có những bản sắc riêng… Nếp sống các dân tộc từ cách ăn mặc, ở, quan hệ gia đình và bản mường, đến phong tục tập quán trong sản xuất, trong sinh hoạt đều là nững nét dễ thấy khi tiếp xúc và đồng bào tự hào về những truyền thống tốt đẹp của mình. Ở dân tộc cũng đã xuất hiện những di tích văn hóa cho đến nay vẫn còn được tôn thờ. Ở thời kỳ đường giao thông vận tải ít được mở mang, thì nhiều nơi, các con đường mòn với ngựa thồ, voi thồ, đường sông với thuyền, mảng giữ vị trí quan trọng trong mối liên hệ trao đổi hàng hóa giữa các vùng xuôi ngược; Ở biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, cùng với mối liên hệ đó, chợ đã sớm phát triển.

Nội dung chính của sách gồm các phần: 
- Phần thứ nhất: Các dân tộc thiểu sổ trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc
+ Chương I: Các dân tộc thiểu số trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Chương II: Các dân tộc thiểu số trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai và trong bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975.
- Phần thứ hai: Các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới
+ Chương I: Các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển kinh tế
+ Chương II: Các dân tộc thiểu số trong thực hiện định canh định cư
+ Chương III: Các dân tộc thiểu số trong xây dựng các quan hệ xã hội mới
+ Chương IV: Các dân tộc thiểu số trong xây dựng văn hóa
+ Chương V: Các dân tộc thiểu số trong phát triển giáo dục, đào tạo, y tế - sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình

Tác giả: Giáo sư Bế Viết Đẳng - Chủ biên (Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia - Viện Dân tộc học)
Nhà xuất bản: Khoa học Xã hội
Số trang: 296
Xuất bản: Năm 1995

Để tham khảo nội dung cuốn Sách, đề nghị liên hệ: Phòng Thông tin Tư liệu - Trung tâm Thông tin - Ủy ban Dân tộc

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel