Vấn đề dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động
lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân tộc là một bộ phận hữu
cơ trong toàn bộ công tác cách mạng của Đảng; do đó chính sách dân tộc luôn được
Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đảm bảo các dân tộc bình đẳng, đoàn kết,
tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Điện Biên là tỉnh biên giới, có đông đồng
bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, MTTQ
các cấp trong tỉnh luôn xác định vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người uy
tín tiêu biểu các dân tộc luôn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân,
có tiếng nói quan trọng, sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, đưa chủ trương,
đường lối của Đảng, Nhà nước tới bà con nhân dân trong các làng, bản, dòng họ;
đồng thời vận động thuyết phục mọi người thực hiện làm theo. Các cấp uỷ, chính
quyền, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên quan tâm bằng nhiều hình thức để phát
huy vai trò già làng, trưởng dòng họ, người uy tín trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên,
chủ trì phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thành công 4
hội nghị biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người uy tín tiêu biểu các dân tộc
trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã bình xét hàng ngàn vị già làng, trưởng
dòng họ, người có uy tín được hưởng chính sách theo Quyết định 18 của Chính phủ.
Các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín thể hiện trên các lĩnh vực đã
có những đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội,
quốc phòng, an ninh ở địa phương, cơ sở.
Trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy
tín tích cực tuyên truyền, giáo dục con cháu và nhân dân chấp hành các chủ
trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự quản ý điều hành của
chính quyền các cấp. Tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các
đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng về “Chiến
lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” đến các tầng lớp nhân dân.
Tham gia hòa giải và giải quyết những mâu thẫn ở khu dân cư, xây dựng củng cố mối
quan hệ giữa các gia đình ngày càng đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được gắn bó bền
chặt. Phối hợp với chính quyền, lực lượng công an viên, dân quân ở cơ sở tích cực
đấu tranh làm hạn chế di dịch cư tự do và lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo,
tuyên truyền lôi kéo gây mất ổn định trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với tổ an ninh
khu dân cư vận động con cháu, gia đình, dòng họ và nhân dân ký cam kết phòng,
chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 1.685 khu dân cư triển
khai phòng chống tội phạm, với 182 hòm thư tố giác tội phạm, nhân dân cung cấp
trên 2.000 tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn,
đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Tiêu biểu trong công tác giữ gìn
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư đó là: Ông Mai Vĩnh
Linh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ; ông Giàng A Tằng, xã Sín Chải; ông Vừ A Cầu,
xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa; ông Vừ Chớ Nính, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo;
ông Điêu Văn Vấn, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; ông Nguyễn Văn Tại, xã Thanh
Chăn, huyện Điện Biên; ông Cứ Chừ Tú, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông; ông Nguyễn
Công Nuôi, khối 1 thị trấn Mường Ảng; ông Pờ Á Sinh- xã Sín Thầu, huyện Mường
Nhé...
Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm
nghèo, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tích cực tham gia lao động
sản xuất, phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,
chăn nuôi. Tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai
hoang, cải tạo ruộng bậc thang, xây dựng trang trại, sản xuất, kinh doanh, phát
triển dịch vụ; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
nhân dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Điển hình những tấm gương làm
kinh tế, cho thu nhập hằng năm từ 80 triệu đến trên 200 triệu, đó là các gia
đình: Ông Lò Văn Hặc (phường Noong Bua, TP.Điện Biên Phủ); ông Hoàng Hải Đông
(xã Noong Luống), ông Vàng A Dua (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên); ông Lờ A Sử (xã
Xá Nhè, huyện Tủa Chùa); ông Hạng Dụ Chúng (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà); ông
Lò Văn É (xã Ẳng Cang), ông Hờ Giống Nếnh (xã Nậm Lịch, huyện Mường Ảng).v.v...
Hưởng ứng Cuộc vận động “Ngày vì người
nghèo”, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã vận động nhân dân nêu
cao tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, quan tâm giúp đỡ người nghèo,
người có hoàn cảnh khó khăn và gương mẫu tham gia các hoạt động từ thiện, nhân
đạo; góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên địa
bàn tỉnh. Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” cấp xã thu được 1.578 triệu đồng;
cấp huyện 5.559 triệu đồng; cấp tỉnh 24.674 triệu đồng (bao gồm quỹ Trung ương
và các tỉnh, thành chuyển đến). Từ nguồn Quỹ, MTTQ các cấp đã hỗ trợ làm mới
3.409 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 50 nhà; hỗ trợ người nghèo chữa bệnh, hỗ trợ học
sinh nghèo, hỗ trợ cây, con giống, gia súc làm sức kéo, tư liệu sản xuất... Quỹ
đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh thu được trên 5 tỷ đồng; qua đó hỗ trợ làm mới và sửa
nhà 190 căn nhà, tặng 242 sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách. Hiện Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam đã cấp Bằng công nhận đã xóa nhà dột
nát cho 13 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông
thôn mới, các già làng, trưởng dòng họ, người uy tín đã tích cực phối hợp với cấp
ủy, chính quyền, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở vận động nhân dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Hằng năm,
các dòng họ đã triển khai thực hiện quy ước, hương ước và tổng kết đánh giá với
các nội dung như: thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, ăn ở hợp vệ sinh,
người chết không để lâu trong nhà, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, ốm đau phải
đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không đốt phát rừng bừa bãi, bảo vệ
nguồn nước, bảo vệ môi trường. Vận động con cháu sinh đẻ có kế hoạch, không
sinh con thứ 3, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2011, đã có 59.113 hộ gia
đình đạt văn hóa, chiếm 56,8%; có 641 khu dân cư đạt văn hóa, chiếm 39%; phong
trào văn hóa văn nghệ được duy trì và phát triển, toàn tỉnh có 955 đội văn nghệ
quần chúng thường xuyên hoạt động. Điển hình như: Ông Vũ Kiệm (phường Mường
Thanh), ông Điêu Chính Bách (phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ); ông Quàng
Văn Pâng (xã Thanh Nưa), bà Lò Thị Niên (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên); ông
Lường Văn Ổng (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng); ông Lò Văn Hương (xã Mường Luân),
ông Lò Văn Trực (xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông); bà Lành Thị Hạnh (xã Mường
Mùn), ông Lò Văn Xiên (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo); ông Vũ Xuân Mai (thị trấn
Mường Chà), ông Si A Vần (xã Sa Lông, huyện Mường Chà).
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng
chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh, thông qua việc
xây dựng quy ước, hương ước trong dòng họ, trong thôn bản, tổ dân phố, các vị
già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã động viên gia đình con cháu, dòng
họ và nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Tham gia
góp ý kiến với cấp ủy, trưởng thôn, bản, tổ dân phố giúp họ hoàn thành nhiệm vụ
được Đảng và nhân dân giao phó, cùng với MTTQ cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân,
Ban công tác Mặt trận thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối
với các chức danh do hội đồng nhân dân cấp xã bầu. Ngoài ra, còn giám sát cán bộ,
đại biểu dân cử, đảng viên ở khu dân cư. Phối hợp tổ chức các buổi tiếp xúc cử
tri của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt kết quả tốt.
Các vị già làng, trưởng dòng họ, người có
uy tín cùng nhân dân ở khu dân cư luôn đoàn kết và đề cao cảnh giác chống luận
điệu tuyên truyền, kích động, lôi kéo chia rẽ khối đại đoàn kết, không tin,
không làm theo kẻ xấu; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật Nhà nước, đồng thời vận động con cháu, dòng họ và nhân dân tích
cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân
dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời, vận động
gia đình, con cháu, dòng họ và nhân dân không trồng cây thuốc phiện; không trồng,
không hút, buôn bán tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy. Từ năm 2006 – 2011,
toàn tỉnh đã xóa bỏ 30,3 ha cây thuốc phiện do một số hộ vùng cao lén lút trồng
ở nơi xa xôi hẻo lánh rất khó phát hiện và triệt phá. Vận động gia đình con
cháu, dòng họ và nhân dân không di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai, không phá
rừng; tích cực trồng cây công nghiệp và làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong khu dân cư kịp thời giải quyết
các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra ngay tại cơ sở. Tiêu biểu như: Ông Vàng Chứ
Phỏng (xã Phình Giàng), ông Quàng Văn Mọn (xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông);
ông Hồ Sáy Vàng (xã Sa Lông), dòng họ Tao (xã Chà Nưa), dòng họ Vàng (xã Si Pa
Phìn, huyện Mường Chà); dòng họ ông Mùa A Sình (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng);
dòng họ Lầu (phường Sông Đà, TX Mường Lay)…
Hoạt động của các vị già làng, trưởng
dòng họ, người có uy tín đã phát huy tốt phương châm "Sống vui, sống khỏe,
sống có ích"; là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn
thể chính trị - xã hội ở cộng đồng dân cư; là động lực to lớn, cổ vũ, động viên
các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đã có nhiều
tấm gương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu được Đảng, Nhà nước
và các cấp, các ngành ở địa phương, cơ sở ghi nhận và được tặng thưởng nhiều phần
thưởng cao quý. Trong đó, tại Hội nghị biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người
có uy tín lần thứ 4 đã có 5 Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 20 Bằng
khen của UBND tỉnh, 30 Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh và 20 Giấy khen của Công
an tỉnh Điện Biên được trao tặng cho các vị đại biểu tiêu biểu dự hội nghị.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền,
MTTQ và các đoàn thể các cấp trong tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện một số
nhiềm vụ trọng tâm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng dòng họ,
người có uy tín ở địa phương như: Phối hợp, quan tâm, tạo điều kiện để các già
làng, trưởng dòng họ, người có uy tín phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng
đồng dân cư; tăng cường phối hợp trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân
dân, gia đình, dòng họ chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật Nhà nước, của địa phương và cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân
dân, gia đình, con cháu thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh
tế- xã hội, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng
ở cơ sở. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, trước hết là sự hòa thuận
trong cộng đồng, trong từng thôn, bản, gia đình, dòng họ; xây dựng mỗi gia
đình, mỗi thôn, bản là một điển hình văn hóa; thực hiện phương châm "Nghe
dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin". Tăng cường công tác tuyên truyền,
vận động bằng nhiều hình thức để đồng bào các dân tộc nhận thức rõ, hạn chế và
từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong địa bàn dân cư. Đẩy mạnh
thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện tốt hương
ước, quy ước thôn, bản; xây dựng thôn, bản, gia đình văn hóa. Thông qua đó,
phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc,
khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, - xã hội, giữ gìn
quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Trọng Bình
No comments:
Post a Comment