Có thể nói: Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh giữ một vai trò quan trọng, thể hiện sáng rõ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp. Người luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hàng đầu. Sức mạnh của toàn dân chỉ phát huy khi được tập hợp trong mặt trận, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất để phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân. Sự thành công của chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh còn thể hiện ở đức độ, sự khoan dung đối với con người, nhất là những người đã lầm đường, lạc lối. Dưới ánh sáng của chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã đi tới thắng lợi cuối cùng trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh tính đến cuộc kháng chiến chống pháp (1945-1954) đã có thời gian kiểm nghiệm và phát triển trên dưới 20 năm. Trong quá trình đó, chiến lược được bổ sung và phát triển hoàn thiện từng bước tuỳ theo tình hình xã hội và nhiệm vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh nội dung kịp thời cho phù hợp nhằm tập hợp lực lượng cho cách mạng ở mức cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khởi xướng - đã đưa chiến lược đó vào thực tiễn lao động, chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc kháng chiến- kiến quốc và có hiệu lực rất lớn.
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, dù có điều chỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ xa rời những nguyên tắc có tính chiến lược. Những nguyên tắc đó thể hiện qua các mặt sau đây:
1. Trong bối cảnh đất nước đã có chính quyền, tiếp tục giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc ( DT) và giai cấp (GC)
Vấn đề lợi ích của các thành phần khác nhau trong xã hội thể hiện qua các cặp phạm trù: “Cá nhân - tập thể; gia đình – xã hội; bộ phận – toàn thể; giai cấp – dân tộc”; quốc gia - quốc tế” (1,133,134).
Các cặp phạm trù này luôn đặt ra cho các lãnh tụ và tổ chức chính trị tiên phong những vấn đề cần giải quyết thoả đáng. Các cặp phạm trù ấy thể hiện mối quan hệ rất phức tạp, chằng chéo và luôn chứa đựng hai mặt của một thể “thống nhất và mâu thuẫn”. Trong quá trình vận động của đời sống thực tiễn nó luôn luôn biến đổi không ngừng. Trong các cặp phạm trù đó, mối quan hệ của dân tộc và giai cấp đóng vai trò cốt lõi. Giải quyết hợp lý mối quan hệ này là một công việc thuộc phạm vi chiến lược và cực kỳ khó khăn.
Việc giải quyết đúng đắn, hợp lý mối quan hệ đó trong tư duy chính trị và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều khía cạnh rất phong phú, sinh động, sáng tạo và độc đáo.
Trong giai đoạn đã có chính quyền, Hồ Chí Minh tiếp tục đánh giá đúng vai trò, vị trí của các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội để tổ chức đưa họ vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời của một thể thống nhất. Nhận thức về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã rất đúng và sáng suốt khi quan niệm: quyền lợi của dân tộc là trên hết nhưng không bao giờ có một dân tộc siêu hình phi giai cấp cũng như không có một giai cấp siêu hình đứng ngoài dân tộc. Dù quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau nhưng tất cả các giai cấp đều tồn tại trong lòng dân tộc. Từ nhận thức khoa học đó, Hồ Chí Minh đánh giá đúng vai trò, vị trí của các giai cấp, tầng lớp xã hội, tôn giáo, dân tộc và đưa họ vào công việc cứu nước rất thành công ở thời kỳ đấu tranh giành chính quyền.
Phát huy và phát triển nhận thức đúng đó, trong cuộc kháng chiến kiến quốc (1945-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lại rất thành công khi tiếp tục tổ chức, đưa họ vào sự nghiệp cách mạng ở giai đoạn mới.
Trong khi đặt vấn đề dân tộc là một nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu, Hồ Chí Minh với cương vị Chủ tịch nước, đã cố gắng cùng Đảng, Chính phủ tìm mọi biện pháp giải quyết lợi ích dân chủ (về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội) cho các giai cấp, dân tộc và tôn giáo.
Cách mạng tháng Tám thành công Việt Nam đã giành được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Giai đoạn tiếp theo, ý chí và nguyện vọng cao nhất của toàn dân là bảo vệ, giữ vững và phát triển những thành quả đó. Trong tuyên ngôn lập nước, ý chí của cả dân tộc đã được khẳng định, cả dân tộc sẽ không tiếc bất cứ thứ gì, kể cả máu xương. Lời thề độc lập đã trở thành hành động trong cuộc kháng chiến - kiến quốc vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết” luôn là tư tưởng chủ đạo trong tất cả đường lối, chủ trương mà Hồ Chí Minh và Đảng đưa ra trong tiến trình kháng chiến.
Lý tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở độc lập dân tộc. Tự do hạnh phúc cho mọi người mới là mục tiêu cao nhất của Người. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện những nghĩa vụ thiêng liêng nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng tìm mọi giải pháp nhằm thực hiện những vấn đề lợi ích dân chủ cho mọi giai tầng mà điều kiện của cuộc kháng chiến cho phép.
Trong khi giải quyết vấn đề dân tộc- giai cấp, dù ở bất kỳ tình huống nào, sự lãnh đạo của Đảng vẫn phải được đảm bảo ở mức cao nhất, đây là nguyên tắc cốt tử trong quá trình hoạch định đường lối. Khi giải quyết những vấn đề quyền lợi hoặc khi phải phân nhượng, quyền lợi của giai cấp công nhân- nông dân không bao giờ bị bán rẻ hoặc bỏ quên.
Trong lịch sử phát triển của phong trào cách mạnh thế giới nói chung và phong trào cộng sản thế giới nói riêng, không ít tổ chức chính trị hoặc lãnh tụ đã mắc phải sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi khiến cách mạng lâm vào thế đơn độc bởi quá coi nặng vấn đê giai cấp đã từng xảy ra vào những lúc, ở những nơi nhất định trên thế giới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cách mạng. Vượt qua được tiền lệ đó, Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm, đó là đại phúc cho dân tộc ta. Hồ Chí Minh không những lãnh đạo cuộc kháng chiến- kiến quốc thắng lợi mà còn giúp đất nước tránh được thảm hoạ của sự chia rẽ cộng đồng sắc tộc, tôn giáo.Những cuộc nội chiến có tính chất huỷ diệt như ở Campuchia cuối những năm 1970, hay những cuộc tranh chấp đã diễn ra ở Đông Âu, Liên Xô (cũ) là bằng chứng về những sai lầm của các nhà lãnh đạo. Tư tưởng biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giai cấp đã vượt hẳn lên trên thời đại hơn nữa còn có giá trị như một sự tiên tri.
2. Trên cơ sở liên minh công nông và trí thức, Hồ Chí Minh đã có biện pháp tổ chức và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng.
Xây dựng MTDTTN, tạo ra cái cốt vật chất để chứa đựng nội dung đoàn kết, đối với Hồ Chí Minh là một vấn đề có tính chiến lược lâu dài. Vì vậy, thống nhất quốc gia trong MTDTTN được xem như một thứ vũ khí sắc bén, quan trọng hàng đầu để chiến thắng mọi loại kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Dưới con mắt duy vật biện chứng và lịch sử, hình thức mặt trận thống nhất, tuỳ từng giai đoạn lịch sử cụ thể, có thể khác nhau, thậm chí cùng một lúc tồn tại nhiều loại mặt trận, nhưng mục đích chính trị của nó không biến đổi.
Lấy Mặt trận Việt minh làm trụ cột và vai trò trung kiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng kiến tổ chức một hình thức mặt trận mới - Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam - tồn tại cùng Mặt trận Việt minh (1946-1951). Đây là sáng tạo độc đáo có một không hai của Hồ Chí Minh ở thế kỷ này. Sự tồn tại của hai hình thức mặt trận cứu nước trong một nước đương nhiên sẽ có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cái cốt vật chất của nội dung đoàn kết có thể trở nên đối lập và là nguồn gốc của sự chia rẽ. Thiên tài của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã cùng Đảng định ra những biện pháp, chủ trương phân định rành mạch địa dư phát triển, đảm bảo tính giai cấp của hai hình thức mặt trận. Việc giáo dục tính tiên phong, trung kiên của cán bộ và hội viên Việt minh thường xuyên được chú ý để phát triển Việt Minh thật sự thành nòng cốt của MTDTTN. Tư tưởng tổ chức và xây dựng mặt trận đó không những đảm bảo tính thừa kế truyền thống mà còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của lịch sử. Khi cuộc kháng chiến – kiến quốc bước vào giai đoạn mới với những yêu cầu mới, sự hợp nhất hai mặt trận đã diễn ra để đảm bảo một mặt trận, một dân tộc dưới sự lãnh đạo của một đảng - Mặt trận Liên Việt đã ra đời. Tuy hợp nhất nhưng tính chất chính trị của mặt trận vẫn không thay đổi, vì vậy càng phát huy được sức mạnh, đẩy nhanh cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nghệ thuật xây dựng, tổ chức mặt trận cho các giai đoạn cách mạng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được phát huy, phát triển lên một tầm cao mới.
3. Từ điểm tựa là khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã xây dựng được một mặt trận đoàn kết với nhân dân thế giới rất rộng rãi và hoạt động đạt hiệu quả cao.
Với sự hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa thực dân ở trình độ “bậc thầy” và một tư duy mở của chủ nghĩa yêu nước hiện đại, trong quá trình hình thành và sáng tạo hệ thống luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã sớm đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam vào phạm trù của cuộc cách mạng vô sản thế giới, đưa cách mạng Việt Nam hoà nhập với dòng cách mạng chung của thời đại. Điều này đã được nêu lên từ năm 1927 trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”.
Trong thời kỳ chống Pháp, Hồ Chí Minh luôn nêu cao bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Ngay từ đầu Hồ Chí Minh chú trọng tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả chính phủ các nước đế quốc. Nguyên tắc cơ bản của Người là: bảo đảm tính độc lập tự chủ về chính trị và tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau giữa các dân tộc, Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới từng bước hiểu ta, cùng với quá trình đó, nhân dân ta cũng hiểu thế giới hơn. Những yếu tố đó làm cho nhân dân ta tin vào mình, vào dân tộc mình mà kiên trì kháng chiến, đây cũng chính là nhân tố quan trọng để thực hiện chiến lược Đại đoàn kết quốc tế nói chung và nhất là đối với các nước ở Đông Dương nói riêng.
4. Nguồn gốc thành công của chiến lược Đại đoàn kết chính là đức độ, uy tín, sự gương mẫu, niềm tin vô hạn và thiên tài cảm hoá con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khác với nhiều lãnh tụ trên thế giới, thiên tài Hồ Chí Minh không dừng lại ở những tư tưởng có tính chiến lược. Sự vĩ đại của Người chính là ở phương pháp luận, là ở đạo đức của Người thể hiện bằng cả cuộc đời hoạt động đầy sôi nổi đã dẫn dắt Cách mạng đi tới thành công, mang lại quyền tự do, hạnh phúc cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Người không bao giờ thiếu sự chân thành trong hành động. Là nhà văn hoá lớn sáng ngời tư tưởng nhân văn, toàn bộ ý chí của Người hướng vào việc đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Tin vào dân là tình cảm tự nhiên của Hồ Chí Minh. Niềm tin ấy được xây dựng từ sự cảm thông sâu sắc và tin vào tính thiện của con người. Vì vậy, Hồ Chí Minh không chỉ đặt niềm tin vào giai cấp cần lao mà vào tất cả mọi công dân nước Việt, kể cả những người trước đây từng có lỗi lầm, nhất thời theo giặc. Niềm tin ấy như ngọn đèn toả rạng, làm thức tỉnh lòng yêu nước của hàng triệu, triệu con tim. Ở mọi cương vị, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc tổ chức nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng tự giải phóng mình. Theo Hồ Chí Minh đi kháng chiến là cả cộng đồng dân tộc.
Niềm tin đối với Hồ Chí Minh cũng không dừng lại ở một giai cấp nào, niềm tin ấy không có ranh giới và không biên giới. Cuộc đời hoạt động đấy sôi nổi của Người đã nhập vào nhân dân và nhân dân cũng hoà vào tấm lòng nhân ái bao la của Người. Nguời nước ngoài, không kể nhân dân lao động, ngay cả các chính khách, các lãnh tụ, các nhà báo, thậm chí cả những sỹ quan trong quân đội đế quốc, ai đã từng một lần được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều được Người dành cho những tình cảm chân thành và đều được cảm hoá bởi đức độ, uy tín và nhân ái.
Một con người, một cuộc đời không chút riêng tư, luôn lo trước nỗi lo của thiên hạ, luôn đau nỗi đau của nhân loại, Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ cán bộ lãnh đạo của cách mạng không chỉ ở Việt Nam mà trong chừng mực nhất định cho cả thế giới. Sức sống của chiến lược Đại đoàn kết do Người thiết kế và trực tiếp thi công sẽ không bao giờ bị chìm vào quá khứ mà mãi mãi toả sáng lung linh trong ký ức của dân tộc. Theo V.I. Lê nin: “…. một người chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng khi nào họ biết giải quyết trước những người khác tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề tổ chức mà những yếu tố vật chất của phong trào húc phải một cách tự phát” (2. 445-446).
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, chiến lược đại đoàn kết đã trở thành một bộ phận trong chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến lược ấy đã giúp nhân dân ta thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước và tiếp tục phát huy sức mạnh ở thời kỳ cả nước cùng chung sức chung lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, chuẩn bị đầy đủ hành trang để bước vào thiên niên kỷ mới cùng nhân loại.
Thế giới vẫn từng ngày đổi thay, có những giá trị tư tưởng nào đó bị vật chất làm đảo lộn, nhưng chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, một nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên thắng lợi triệt để của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX mãi mãi còn nguyên giá trị.
TRẦN MAI THANH
TRẦN MAI THANH
Tài liệu tham khảo
1. Phùng Hữu Phú (chủ biên) (1996), Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minhm Nxb CTQG, Hà Nội.
2. Vũ Khiêu (1983), Bàn về Văn hóa Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội.
3. Viện quan hệ quốc tế (1990), Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao. Nxb Sự Thật, Hà Nội.
4. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (1985), tập 1. Nxb QĐND, Hà Nội.
No comments:
Post a Comment