CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Sách] Dân số và phát triển của Dân tộc Brâu và Rơ Măm ở Tây Nguyên (2002)

| | 0 nhận xét
[Sách] Dân số và phát triển của Dân tộc Brâu và Rơ Măm ở Tây Nguyên
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề dân số và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có dân số ít đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm của dự luận xã hội, của báo chí, của các nhà nghiên cứu khoa học… Bởi vậy giải quyết vấn đề dân số và phát triển không chỉ dừng lại trong sự phát triển nội tại của dân số mà phải gắn dân số với phát triển kinh tế - xã hội của từng cộng đồng dân tộc nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em. Trong quá trình hội nhập, chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc không đồng đều nhau, đặc biệt đối với các dân tộc có dân số ít như Brâu và Rơ Măm.

Cho đến nay, đã có một số bài nghiên cứu đăng tải về hai dân tộc này, song những nghiên cứu đăng tải về hai dân tộc này, song những nghiên cứu đó mới chỉ dừng lại mô tả một số khía cạnh về tập quán sinh hoạt, canh tác… chưa đưa ra được một cái nhìn tổng quan về mọi mặt từ điều kiện tự nhiên, dân cư dân số đến đời sống vật chất và văn hóa tinh thần… của dân tộc Brâu và Rơ Măm, để từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp thích hợp giúp cho việc tìm hiểu, đầu tư và phát triển hai dân tộc này.

Người Brâu và Rơ Măm là hai tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me. Hiện nay người Brâu cư trú ở xã Bờ Y huyện Ngọc Hội và người Rơ Măm cư trú ở xã Mo Ray huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, giáp biên giới các nước Đông Dương. Họ có mối giao lưu quan hệ với người đồng tộc ở Lào và Campuchia. Mặc dù sau 27 năm giải phóng, người Brâu và Rơ Măm đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm song đời sống kinh tế, các điều kiện về dịch vụ y tế, giáo dục và hưởng thụ văn hóa cũng như những điều kiện về cơ sở hạ tầng ở địa bàn mà người Brâu và Rơ Măm sinh sống hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khả năng thích ứng của hai dân tộc người này còn rất thấp, đơn cử như đối với dân tộc Brâu, từ năm 1992 đến 1995 thông qua nguồn vốn định canh, định cư, ngân sách Nhà nước đã đầu tư vào đây gần 1 tỷ đồng xây dựng làng định cư ĐăkMế, hy vọng thay đổi tập quán du canh, du cư, thực hiện định canh, định cư, ổn định đời sống. Do chưa quen với cư trú ổn định và với phương thức canh tác mới, người Brâu và Rơ Măm hiện vẫn kéo nhau vào rừng làm nương rẫy. Và do vậy, tình trạng đói nghèo vẫn tiếp tục diễn ra; giao thông liên xã đỡ khó khăn, song đường từ thôn lên rẫy phải mất 6 đến 8 giờ đi bộ; điện đã về đến xã Bờ Y nhưng đồng bào Brâu vẫn chưa có điện thắp sáng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe đồng bào, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng hữu sinh vô dưỡng đã dẫn tới việc mức sinh tuy cao nhưng dân số vẫn phát triển chậm, do tỷ lệ tử vong cao. Ở người Rơ Măm theo điều tra năm 1999 trung bình một phụ nữ sinh 7 lần chỉ có 4 đứa trẻ sống quá 5 tuổi. Nhiều trẻ em tuy đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được đến trường.

Ở hai dân tộc này hiện còn tồn tại nhiều đặc điểm xã hội, văn hóa cổ truyền như: hôn nhân vẫn còn theo chế độ mẫu hệ, tục vợ chết được lấy em vợ hoặc phụ nữ cũng có thể được lấy hai chồng; chú cháu cùng lấy chung một vợ (Brâu), hiện vẫn còn một số nam nữ tự xăm mình, xăm mặt (Brâu) và ở cả (Rơ Măm) vẫn còn một số người giữ tập tục cưa răng cửa hàm trên…

Nội dung chính của sách gồm các phần: 
- Chương I: Dân số của dân tộc Brâu và Rơ Măm
- Chương II: Tác động của tập tục hôn nhân, sinh đẻ, nuôi dạy con, tang ma, vệ sinh môi trường đến chất lượng dân số của dân tộc Brâu và Rơ Măm
- Chương III: Chăm sóc sức khỏe và KHHGĐ ở đồng bào Brâu và Rơ Măm
- Chương IV: Tác động của các yếu tố kinh tế
- Chương V: Giải pháp và kiến nghị

Tác giả: Ts. Nguyễn Thế Huệ
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc
Số trang: 242
Xuất bản: Năm 2002

 Để tham khảo nội dung cuốn Sách, đề nghị liên hệ: Phòng Thông tin Tư liệu - Trung tâm Thông tin - Ủy ban Dân tộc

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel