Bác Hồ
là vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, Người đem ấm no hạnh phúc đến cho
mọi nhà. Bác luôn dành tình cảm sâu nặng với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà
con C’tu huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam ) không bao giờ quên công ơn trời
biển của Người.
Ông Clâu
Năm người ở thôn Pơning, xã Lăng là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống
Mỹ. Trong những năm qua, ông là tấm gương sáng trong công tác vận động nhân dân
trong thôn thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bản
thân ông Clâu Năm được nhận nhiều Bằng khen về thực hiện tốt Cuộc vận động
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và đạt
danh hiệu "Gia đình văn hóa" xuất sắc tiêu biểu và có nhiều thành
tích trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới... Trong ngôi nhà khang trang của
ông, bàn thờ Bác Hồ đặt nơi trang trọng nhất. Phía sau lư hương là chân dung
Người và lá cờ Tổ quốc. Đây là hình ảnh ta dễ bắt gặp nhất trong bất kỳ gia
đình C’tu nào của huyện Tây Giang. Ông Clâu Năm cho biết: Gia đình ông thờ Bác
Hồ như người thân ruột thịt. Ngày rằm, mồng một, lễ tết đều sắm lễ vật, hương
khói chu đáo. Đối với ông, Bác Hồ là vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc,
Người đem ấm no hạnh phúc đến cho mọi nhà. Bác luôn dành tình cảm sâu nặng với
đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bà con
C’tu không bao giờ quên công ơn trời biển của Người. Hồi chiến tranh ác liệt
cũng như hòa bình hiện nay, Bác Hồ luôn hiện hữu trong đời sống của người C’tu.
Ở thôn Pơrning, xã Lăng và cả huyện Tây Giang hầu như nhà ai cũng lập bàn thờ
Bác và làm theo lời dạy của Người. Ông Clâu Năm nhớ lại: Hồi nghe tin Bác đi
xa, nhiều ngày liền ông không thiết gì ăn uống, nghĩ đến Bác là không cầm nổi
nước mắt.
Ông
Alăng Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang tâm sự: Hồi đó, tuy chưa
được gặp Bác Hồ nhưng hình ảnh Bác đã in đậm trong tâm khảm mỗi người dân miền
Tây Quảng Nam .
Ai cũng khắc sâu lời dạy của Người, cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Đảng
giao phó để về chung tay xây dựng quê hương. Nhiều năm trên cương vị lãnh đạo
xã, rồi về huyện công tác, ông luôn làm theo lời Bác dạy, vận động bà con xây dựng
đời sống văn hóa, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ dần các tập tục
lạc hậu, vận động nhân dân tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới. Đặc
biệt là phong trào dồn điền phân đất, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng
nông thôn mới tại xã Anông - quê hương ông. Ông bộc bạch: Công ơn của Đảng, của
Bác bao la như trời biển. Trước đây đời sống bà con C’tu du canh du cư, đói
nghèo và thất học. Nghe lời Bác ai nấy bỏ tập tục đốt nương làm rẫy, chọn đất lập
làng, định cư lâu dài ổn định cuộc sống và hăng hái, tích cực lao động sản xuất.
Nay, hộ nào cũng có nhà kiên cố, bán kiên cố làm bằng gỗ khang trang lợp bằng
tôn Nhà nước (chương trình 134, 135, 30a); có nước sạch, thủy lợi phục vụ đời sống
dân sinh và sản xuất. Tại thôn có trường tiểu học, trạm xá, cơ quan xã được đầu
tư xây dựng mới khang trang. Nhiều con em trong xã đã học cao đẳng, đại học, điều
trước đây không ai dám mơ tới. Toàn xã có 4/4 thôn đã có nhà Gươl (Nhà Văn hóa
sinh hoạt cộng đồng của đồng bào C'tu) và có 1 Gươl xã. Bàn thờ Bác Hồ luôn chiếm
vị trí trang trọng nhất tại nhà Gươl. Mỗi khi sinh hoạt cộng đồng, ai có đặc sản
gì đều dâng lên bàn thờ Bác, hương khói chu đáo, sau đó báo công với Bác. Ông
Bling Đáp, thôn Abanh I, xã Tr’hy là một cựu chiến binh, người C’tu đầu tiên ở
Tây Giang canh tác thành công lúa nước, đưa nước từ cổng trời về tưới tiêu đồng
ruộng. Ông tâm sự: “Có Đảng, có Bác đời sống người C’tu mới được như ngày hôm
nay. Hồi chiến tranh ác liệt, người C’tu một lòng theo Đảng theo Bác. Nay hoà
bình, phải nghe lời Đảng, lời Bác, nỗ lực phát triển kinh tế xoá đói giảm
nghèo. Canh tác lúa nước không có gì là khó. Bà con người Kinh, người đồng bằng
làm được thì người C’tu cũng làm được. Không có nước tưới thì ngăn đập trên núi
lấy ống tre, ống nứa dẫn về”.
Tình cảm
của người C’tu huyện Tây Giang đối với Bác Hồ vô cùng sâu nặng và luôn làm theo
lời Bác dạy, đoàn kết, thân ái. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng rất ít
người vi phạm pháp luật. Chính họ là những người bảo vệ rừng, bảo vệ cột mốc
biên giới hiệu quả nhất. Vào các dịp lễ, tết nếu ai đến nhà đồng bào C’tu sẽ bắt
gặp ngay hình ảnh đầu tiên là lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ được đặt nơi trang trọng
nhất²
Đình
Hiệp
No comments:
Post a Comment