Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hiến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã, đang là một công trình xuyên thiên niên kỷ, vượt thời gian với những giá trị nổi bật của chân - thiện - mỹ, của trí tuệ và tri thức của cả một dân tộc. Việt Nam, vẻ đẹp không chỉ là tiềm ẩn mà đang hiện hữu hào hoa và thanh lịch. Vẻ đẹp ấy luôn, tỏa sáng thông qua sự tiếp cận đa chiều dưới góc nhìn văn hóa của mỗi chúng ta.
“Giải ảo hiện thực…” là cụm từ mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng dùng trong các chuyên khảo văn hóa – lịch sử của Ông lúc đương thời. Đó là những tiếp cận sự vật, hiện tượng, các nhân vật, sự kiện lịch sử trong tổng thể các mối quan hệ đa chiều, phức hợp bằng chính sự trải nghiệm của một nhà nghiên cứu tầm cỡ….
Logo của ngành du lịch Việt Nam “Vietnam the hidden charm: Việt Nam, vẻ đẹp tiền ẩn” đã nói rõ bản chất của du lịch Việt Nam chính là quá trình đi tìm vẻ đẹp của sự tiềm ẩn. Để góp phần làm rõ nội dung, mục đích đó, kế thừa thành tựu của những người đi trước, chúng tôi xin được trình bày đôi nét về “giải mã văn hóa – giải ảo hiện thực” quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) nhằm phục vụ việc khai thác di tích đặc biệt quan trọng này trong hoạt động du lịch. Đây cũng là một món quà mà chúng tôi muốn gửi tới Thủ đô yêu dấu của chúng ta trong ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
1. Giải mã ý nghĩa vị trí ra đời và tồn tại của Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)
- Về sự ra đời của Văn miếu, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Tháng 8, mùa thu năm Canh Tuất (1070) lập nhà Văn miếu tạc tượng Chu Công - Khổng Tử và Tứ phối. Vẽ hình tượng Thất thập nhị hiền trình bày ở Văn miếu, bốn mùa tế lễ - Hoàng thái tử tới đó học tập”.Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên quyển 3 cũng ghi rõ về việc này: “Tháng 8 mùa thu lập nhà Văn miếu, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối, vẽ hình tượng Thất thập nhị hiền bày ở Văn Miếu, bốn mùa tế lễ. Sai Hoàng Thái tử tới đó học tập. Văn Miếu ở phía Nam thành Thăng Long, tức là Văn Miếu Hà Nội bây giờ”. Như vậy, ngay từ khi ra đời Văn Miếu vẫn luôn tồn tại và phát triển ở vị trí hiện nay. Vị trí này có ý nghĩa tích cực, phát triển: theo Kinh Dịch, phía Nam là hành hỏa, hành hỏa tượng trưng cho văn chương. Xây dựng Văn Miếu ở phía Nam kinh thành với mục đích mong muốn văn chương, học vấn, tri thức của các sĩ phu của của đất nước luôn phát triển, hợp với phong thủy truyền thống phương Đông. Tuy nhiên, ai cũng biết không thể “há miệng chờ sung”: không thể chỉ cần đặt Văn Miếu ở phía Nam kinh thành không cần học hành rèn luyện mà văn chương – học vấn vẫn phát triển!...
- Vị trí Văn Miếu từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại độc lập, riêng biệt, tách rời các khu vực dân cư xung quanh. Văn Miếu-Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam thành Thăng Long, xưa thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc là làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Xung quanh Văn Miếu xưa là những khu đất trống với thảm cỏ và hồ nước. Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp tiến hành qui hoạch thành phố trong việc xác định ranh giới các khu vực và có kế hoạch mở rộng, xây dựng Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu. Bằng hàng loạt các Nghị định của Tổng trú sứ, sau này là Toàn quyền Đông Dương và Đốc lý Hà Nội, chính quyền thuộc địa đã phân thành phố ra làm hai khu vực chính là khu vực dành cho người Âu và người bản xứ. Từ năm 1895 đến năm 1927, thực dân Pháp chính thức bắt tay vào việc mở rộng quy hoạch thành phố Hà Nội sau khi hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam. Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho sáp nhập nhiều tổng, xã vào thành phố để mở rộng quỹ đất, thuận lợi cho công tác quy hoạch các tuyến phố mới theo kiểu ô bàn cờ, tạo thành những đại lộ và khu phố khang trang thường được gọi là “khu phố Tây,” có tính thẩm mỹ cao. Trong giai đoạn này, các làng Văn Chương, Thanh Miến, Thịnh Hào xung quanh Văn Miếu được qui hoạch thành các khu phố. Các con đường được qui hoạch và mở rộng, tách Văn Miếu – Quốc Tử Giám ra khỏi nhà cửa của dân cư các làng xung quanh. Từ đó đến nay, xung quanh VM- QTG bốn mặt đều là phố, cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Sự tách biệt quần thể di tích này tạo sự tôn nghiêm đồng thời là điều kiện thuận lợi cho sự chiêm ngưỡng, hướng tâm của du khách và người dân qua đường về chốn miếu đường, trung tâm của đạo học Việt Nam. Sự độc lập tương đối như vậy, hình như cũng muốn nói “văn chương phải có một khoảng trời riêng”, văn chương không thể “nhuốm mùi dưa mắm”, văn chương phải “vượt ra ngoài, vượt lên trên cơm áo gạo tiền”…
- Văn Miếu – Quốc Tử Giámnói riêng, các Văn Miếu ở các địa phương nói chung thường được xây dựng cạnh các ngôi chùa của Phật giáo hoặc ngược lại. Quanh VM-QTG hiện nay có ít nhất hai ngôi chùa: chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ tự) và chùa bà Nành (Thiên Phúc tự) đều trên đường Nguyễn Khuyến ngay sát VM-QTG. Việc xây dựng Văn miếu bên cạnh các ngôi chùa phải chăng thể hiện sự “gần gũi” trong đời sống tinh thần của người Việt? Thể hiện sự “đồng tôn”, “đồng đường” của Tam giáo ở Việt Nam?. Cũng có thể do sự chi phối của địa hình, sự lựa chọn về mặt phong thủy ở nơi xây dựng mà các di tích thường được xây dựng gần nhau, đấy là những khu đất cao, có cảnh phong quang, thuận tiện giao thông.v.v… Với người học trò dù là ngày xưa hay ngày nay, họ vẫn quan niệm “học tài – thi phận”, học và thi vẫn nhờ Thầy, nhờ Phật. Trước ngày đi thi, người sĩ tử đến cầu xin đức Phật phù trợ, giúp mình thi đỗ, đăng khoa. Hình như, với đại đa số người dân Việt, Phật ở trong tâm họ còn Nho ở cùng họ. Mối quan hệ Người dân với Phật là mối quan hệnội tâm - Mối quan hệ Người dân với Nho là mối quan hệ nội tại… Họ ứng xử bằng cả tâm và tài trong các mối quan hệ xã hội của mình. Tất cả những điều đó đã tạo nên một khuôn dung văn hóa Việt với tất cả những gì riêng có, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam!
2. Giải mã ý nghĩa một số công trình, di vật đặc trưng trong quần thể VM-QTG
- Tứ trụ: từ con đường Văn Miếu, qua hai bia Hạ mã giới hạn ở hai bên di tích, du khách bước chân vào khu vực Văn Miếu qua hệ thống tứ trụ. Đây gọi là những Trụ biểu, “trụ biểu lồng đèn” có tác dụng định vị nơi “ngự” của Thần/ Thánh, báo hiệu cho dân chúng, tín đồ biết để chuẩn bị tâm thế cho tôn kính trước khi đi qua hoặc vào yết kiến Thánh Thần. Tứ trụ còn mang những biểu tượng thiêng về Thần và thế giới thần linh; tôn vinh, ca ngợi Thần thông qua các hình tượng, biểu tượng trong điêu khắc, trang trí, văn tự; góp phần tôn vinh và làm đẹp cảnh quan cho công trình di tích; làm rạng rỡ ngôi vị Thần… Trên một đoạn đường ngắn từ hệ thống Tứ trụ đến Văn Miếu môn, cha ông ta hình như muốn nhắn gửi “bức thông điệp văn chương” đến những Nho sinh – sĩ tử theo một nguyên lý liên hoàn: “Tứ trụ tạo tam môn - Tam môn qui nhất lộ - Nhất lộ khai vạn phúc - Vạn phúc hội Văn môn…”. Nguyên lý này là nguyên lý của sự phát triển thông qua con đường học vấn: bốn cột trụ tạo ra 3 cửa (tam môn đồng hành); ba cửa qui về 1 con đường, con đường học tập (tam tài đồ hội); con đường đó mở ra vạn điều Phúc, sự học hành đem lại phúc ấm cho con người; Vạn phúc ấy sẽ hội tụ tại cổng Văn này! Chỉ với những hình tượng như vậy đã cho thấy: đây là chốn hội tụ và lan toả của tri thức và học vấn!
- Văn Miếu môn là một công trình được xây dựng vào những năm thuộc nửa đầu thế kỷ XIX bằng chất liệu bê tông, gạch ngói, mang đậm ảnh hưởng của sự giao thoa phong cách kiến trúc Á - Âu dưới thời nhà Nguyễn. Mặc dù vậy, cổng Văn Miếu vẫn mang đầy đủ các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông dưới dạng thức: “thượng lâu - hạ môn”: trên lầu - dưới cổng. Kiến trúc ba cửa ra vào với Chính môn - Tả môn - Hữu môn như thể hiện tư tưởng “Tam môn đồng hành”,“Tam tài đồ hội”: cả Trời - Người và Đất đều hội tụ ở cửa Văn này. Hai bên tả hữu phía trước cổng Văn miếu đều có bảng rồng, bảng hổ tạo nên sự trùng phùng tương ngộ. Dường như ở chốn văn đàn, Hổ biểu trưng cho học vị Cử nhân, Rồng biểu trưng cho học vị Tiến sĩ? Phải chăng hình tượng như vậy như muốn nói đây là chốn “long hổ tương phùng”, anh tài 4 phương tụ hội, tỏ mặt anh hùng. Điều đó càng cổ vũ, động viên, khích lệ các Nho sinh sĩ tử phấn đấu học tập, luyện rèn. Cũng ở mặt sau ở Văn miếu môn có hình tượng “ngũ vị tôn ông” trong một tấm phù điêu đắp nổi 5 người đàn ông cầm các đồ vật biểu trưng cho sự sang quí của người quân tử có học. Phải chăng đây chính là hình tượng Đức Khổng Phu Tử cùng 4 người học trò của Ngài?
- Phía trước và phía sau của Văn Miếu môn có hai đôi rồng đá. Cả hai đôi rồng này có lẽ đều đã được tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX cùng với thời gian xây dựng Văn Miếu môn – cổng Văn Miếu. Điều đáng nói là hai đôi rồng trước và sau cổng Văn Miếu đã được cha ông ta tạo tác khác nhau. Đôi rồng đá hướng ra phía trước, chúng tôi gọi là “hướng long”: rồng hướng ra phía trước là đôi rồng chưa thành hình rõ rệt, vẫn là những đám vân xoắn hội tụ lại thành hình rồng, cho nên đây còn gọi là “long vân: rồng mây”. Nó biểu tượng cho người Nho sinh, nho sĩ mới bắt đầu rời ghế nhà trường đi vào cuộc sống, hướng về phía trước như những con rồng đang thành hình, đang vươn mình phát triển. Đôi rồng phía sau cổng là đôi “long thú: rồng dạng thú”, rồng đã thành hình, đã trưởng thành. Vì là con vật không có thật, là con vật biểu tượng nên hình tượng Rồng là hội tụ của rất nhiều con vật. Điều đó có thể thấy rõ qua con rồng này: “sừng nai, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, râu dê, mình rắn, vẩy cá chép, móng vuốt chim ưng.v.v…”. Đôi rồng này quay đầu vào bên trong VM-QTG nên chúng tôi gọi là “hồi long”: rồng quay trở về. Đôi rồng thú này biểu trưng cho người nho sĩ sau khi ra trường đã thành đạt, đã “hóa rồng” trở thành những mệnh quan của triều đình phong kiến, giữ những vị trí khác nhau trong thể chế chính trị xã hội nhưng vẫn quay trở về bái yết Thầy của mình là Khổng Tử cùng các Tiến sĩ Nho học đang hiện diện bên trong Văn miếu. Chỉ bằng hai đôi rồng đá kể trên, “Hướng long” và “Hồi long”, cha ông ta đã nhắn gửi tới các thế hệ con cháu sau này thế ứng xử của người xưa về “Đạo học” của người quân tử!
- Sau Văn Miếu môn là 5 khu vực tương ứng với ngũ luân - ngũ thường của người quân tử nho học: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Kể từ ngoài vào trong là 5 khu vực:
1. Khu nhập đạo.
2. Khu thành Đức – đạt Tài
3. Khu hiện thực – biểu tượng
4. Khu Đại thành
5. Khu Thái học
Khu nhập đạo là khu người nho sinh sĩ tử nhập vào với đạo học, đạo của Thánh hiền rồi cố gắng để trưởng thành. Ở nơi bắt đầu khu vực thứ hai: khu thành Đức – đạt Tài với hệ thống cổng đã cho thấy cha ông ta luôn đặt Đức và Tài ngang nhau nhưng đặt Đức trước, Tài sau. Người sĩ tử phải được giáo dục, rèn luyện cả đức và tài để trở thành những người con của đất nước. Hình tượng cá chép chầu bầu rượu trên nóc Đại trung môn gợi lại hình ảnh về trường thi huyền thoạitrên thác Hồ Khẩu (thác miệng bình) trên sông Hoàng Hà chảy trên địa phận tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) - nơi đã diễn ra cuộc thi “cá vượt vũ môn - hóa rồng”. Hình tượng cá chầu bầu rượu trên nóc Đại trung môn như vừa muốn nhắc nhở các học trò: “phía trước các bạn là những cuộc thi” vừa muốn động viên khích lệ những người sĩ tử “hãy cố lên để hóa rồng”!
- Khu vực thứ 3: khu hiện thực và biểu tượng với hiện thực là các tấm bia Tiến sĩ đã trở thành di sản tư liệu thế giới, vinh danh những người đỗ đạt, khoa bảng để trở thành nguyên khí của quốc gia; biểu tượng là Khuê văn các in hình trên bóng nước Thiên Quang. Gác sao Khuê, ngôi sao biểu tượng của tri thức, học vấn là một công trình hiện thực – một “bông hoa kiến trúc” đặc sắc, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 nhà Nguyễn (1805) nhưng lại là biểu tượng về sự tỏa sáng của tri thức và học vấn. Sắc đỏ của kiến trúc gác Khuê Văn biểu tượng cho văn chương hòa cùng màu xanh cây lá để quyện vào nhau rồi cùng soi mình trên sóng nước trong xanh của giếng Thiên Quang. Vầng tròn tỏa sáng những tia sáng của tri thức, học vấn được đặt trên một nền vuông, cao, vững chắc trong biểu tượng về “trời tròn, đất vuông” về “Trời Cha - Đất Mẹ”. Biểu tượng của tri thức và học vấn này không tách rời Công cha – nghĩa Mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục… Gác sao Khuê được đặt trên 4 trụ bê tông vuông vững chãi. Trang trí trên 4 cột trụ vuông là hình tượng “diệp long: lá hóa rồng”. “long vân: mây hóa rồng”, “long thú: thú hóa rồng” trang trí ở Văn Miếu môn; “ngư long: cá hóa rồng” ở Đại trung môn; “diệp long: lá hóa rồng” trên Khuê văn các và “hỏa long: rồng lửa” trên toàn Tiền tế điện Đại Thành cùng “trúc hóa long”, “tùng hóa long” trong điện Đại Thành… đã nói lên một chủ đề xuyên suốt trong tổng thể khu di tích VM-QTG là “chủ đề HÓA RỒNG” – chủ đề phản ánh sự biến đổi và phát triển không ngừng của nền giáo dục đào tạo nước nhà; phản ánh sự tiến bộ, trưởng thành của các Nho sĩ qua từng chặng đường. Thông qua những đồ án trang trí, điêu khắc, hình tượng các con vật hay cỏ cây hoa lá đều có thể hóa rồng, người xưa muốn nói lên quan niệm “hữu giáo vô loại” trong thế giới quan Nho giáo.
- Bước vào khu vực thứ tư: khu Đại Thành với cửa Khổng, sân Trình, đây là khu quan trọng nhất của Văn miếu với điện Đại Thành thờ Khổng Tử và Tứ phối cùng Thập triết. Tòa Tiền tế với nhiều di vật quí, những bức hoành phi nội dung sâu sắc với y môn, mộc môn, chuông khánh, hạc đồng… tạo nên sự tôn nghiêm, qui chuẩn, cao sang. Nhang án trong nhà Tiền tế với hình tượng trang trí về mặt trời và các linh vật đã nói lên sự cao sang, minh triết. Mặt trước của nhang án cùng với các đồ án trang trí về linh vật là 5 chữ Hán lớn được bố trí ở 4 góc một cách cân đối theo thứ tự phải trước, trái sau, trên trước dưới sau. Chính giữa mặt trước nhang án là chữ “Di” và 4 góc là các chữ “Ngưỡng - Cao - Toản - Kiên”. Chính giữa mặt sau nhang án là chữ “Tại” và 4 góc là bốn chữ “Chiêm - Tiền - Hốt - Hậu”. Tất cả đều được chạm nổi theo lối chữ triện, bài trí hài hòa với các ô trang trí hoa văn. Ý nghĩa của các chữ Hán này nói lên ý nghĩa cao siêu trong giáo lý và tôn vinh, đề cao Nho giáo. Cách đọc như sau:
1. Ngưỡng di cao: (Đạo Nho) càng trông lên càng thấy cao.
2. Toản di kiên : Càng hợp lại càng thấy vững chắc.
3. Chiêm tại tiền: Xem đạo lý tưởng như trước mắt, tưởng như nắm được.
4. Hốt tại hậu: Bỗng chốc lại biến ra sau.
Những người đến với Văn miếu, đứng trước nhang án chiêm bái Khổng Tử, chiêm bái Tiên hiền cũng chính là chiêm bái, ngưỡng vọng giáo lý, điển chương, kinh điển Nho giáo theo những niêm luật chặt chẽ, qui chuẩn. Sự động viên, khích lệ, ngợi ca ấy khiến các sĩ tử càng yên tâm, vững bước trên con đường học hành, tiến về phía trước.
- Nhân vật trung tâm trong điện Đại Thành là Đức Khổng Tử và Tứ phối uy nghi lộng lẫy. Tượng Đức Khổng Tử được quyền tri phủ phủ Thuận An là Nguyễn Kim Hoa quê xã Bá Thủy huyện Gia Phúc cho tạo tượng Tiên Thánh vào ngày mồng 8 tháng 8 năm Vĩnh Khánh thứ nhất (năm 1729). Tấm biển gỗ đặt trước chân của Ngài đã nói lên điều đó. Đây là một pho tượng chân dung rất sống động với mũ áo trang nghiêm. Khuôn dung Ngài được tạo tác trong tướng “ngũ lộ” (trán dô, mắt lồi, răng hô, yết hầu lộ, rốn lồi) và thế tay ấn “thiên nhân hợp đức” để trấn an, thu phục nhân tâm. Tượng được tạo tác từ năm 1729 và tồn tại ở đó trong sự tôn kính nhưng đến năm 1808 có chỉ lệnh của vua Gia Long thay tượng Thánh bằng bài vị để thờ. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép về việc này: “Năm Gia Long thứ 7 (1808) chuẩn lời tâu: thể thức bài vị ở Văn miếu và đền Khải Thánh các hạt cùng kiểu mẫu chế độ nhà miếu, hạt nào đã có miếu cũ vẫn chiểu thể thức nhạc cũ chế tạo lại bài vị để thờ, hạt nào miếu cũ nguyên có thần tượng, đều chọn nơi đất sạch sẽ mà chôn, để khỏi tội khinh nhờn thất lễ”. Đằng sau chỉ lệnh này ở các Văn Miếu thuộc về các trấn, tỉnh, nhất loạt thần tượng Khổng Tử đã được thay bằng bài vị. Riêng ở VM-QTG, các sĩ phu Bắc Hà, sĩ phu Hà thành trải qua bao cơn binh lửa, can qua cùng những sự đổi thay thế sự lúc ấy vẫn nặng lòng hoài cổ với triều đình nhà Lê, dẫu chưa “tâm phục, khẩu phục” Gia Long nhưng họ không thể không chấp hành chỉ lệnh này. Họ bèn bí mật dời tượng Khổng Thánh Tiên sư đưa sang thờ ở khu vực Thổ Khối (Gia Lâm) nay là quận Long Biên (Hà Nội) và tạo tác một khám thờ với tấm Thần vị có ghi rõ “Đại Thành Chí Thánh Tiên sư Khổng Tử Thần vị” đưa vào thờ Ngài trong điện Đại Thành theo như chỉ lệnh của vua Gia Long. Vạn vật vần xoay, vào những năm 1960 – 1962, ở Trung tâm điện Đại Thành, chỉ có ảnh của Ức Trai Nguyễn Trãi, người ta đã định đưa Ức Trai vào thờ ở vị trí của Khổng Tử nhưng cũng thời gian đó, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đặt trụ sở làm việc tại VM-QTG. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng làm việc và tiếp đón các cố vấn, chuyên gia quân sự Liên Xô tại đây. Đích thân Đại tướng đã hướng dẫn cho các chuyên gia quân sự Liên Xô về văn hiến Việt Nam, về danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Đại tướng không đồng tình với việc đưa Nguyễn Trãi vào thờ ở vị trí trung tâm của điện Đại Thành. Sau đó, các cán bộ của Sở Văn hóa Hà Nội đã chuyển tượng Tiên Thánh Khổng Tử và Tứ phối từ bên Gia Lâm dời lại về vị trí hiện nay, còn khám thờ Ngài tạo tác năm 1808 được đặt lùi ở phía sau tượng Tiên Thánh như chúng ta thấy hiện nay. Sự thay đổi đối tượng thờ phụng tại khu trung tâm của VM-QTG cũng phản ánh sự đổi thay của chính sự. Nhưng dù vật đổi sao dời thì những chân giá trị vẫn vĩnh hằng!
- Đằng sau điện Đại Thành là khu Thái học mới được khánh thành năm 2000 trên khu vực của đền Khải Thánh thời Nguyễn. Ở Khải Thánh môn (nay là Thái học môn) có tượng hai võ sĩ đá cầm chùy đứng canh hai bên vốn mới được đưa về VM-QTG từ Văn chỉ Thọ Xương ở ngõ Văn Chỉ, số 222 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào những năm 60 của thế kỷ XX. Khi đó khu Thái học vẫn là khu Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Thị. Phải chăng những người di chuyển đã có ý trong việc dời tượng võ sĩ đá đứng trước cửa để canh gác, bảo vệ cho cha mẹ thể hiện đạo hiếu của người làm con dưới thời phong kiến. Đặt võ sĩ bảo vệ cho Cha Mẹ mình chứ không bảo vệ cho mình (Khổng Tử) là bởi người xưa luôn quan niệm “Vạn ác Dâm vi thủ - Triệu thiện Hiếu vi tiên!”: Trong vạn điều ác thì tà dâm đứng đầu - trong triệu điều thiện thì Hiếu đễ đứng đầu!
- Điểm chốt cuối cùng của quần thể VM-QTG là nhà Thái học, công trình có độ cao và kích thước lớn nhất. Điều đó cho thấy, chiều cao các công trình kiến trúc từ ngoài vào trong, từ trước vào sau cũng phần nào phản ánh tiến trình phát triển đi lên từ thấp đến cao trong “Hành trình tri thức”. Khu Thái học với Tả vu, Hữu vu và Tiền tế, Chính đường trong thờ tượng Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An cùng 3 vị vua: Lý Thánh Tông - Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông, những vị vua có công với nền học vấn nước nhà. Hai bên nhà Thái Học có lầu chuông và lầu trống. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên do gì mà lẽ ra theo nguyên tắc “tả chung, hữu cổ” thì lầu chuông và lầu trống hiện nay phải đổi vị trí cho nhau mới phù hợp với truyền thống. Điều đặc biệt là ở sau Hữu vu của khu Thái học có một ngôi miếu nhỏ thờ Mẫu. Đây thực sự là một điểm nhấn đặc biệt trong việc thờ phụng của cha ông ta. Điều đó cho thấy, trong văn hóa truyền thống Việt Nam dưới thời phong kiến, cha ông ta vốn rất trân trọng tôn vinh người phụ nữ. Điều đó thể hiện qua câu nói “nhất vợ nhì giời” và việc hiện diện điện Mẫu ở VM-QTG nơi tối cao Nho học thời phong kiến là minh chứng sống động cho sự tôn vinh người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.
VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM, di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội luôn là nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc văn hiến dân tộc. Đã có rất nhiều tư liệu viết về di tích này, bài viết này không trình bày hết về các nội dung khác có liên quan mà chỉ muốn cung cấp thêm một vài điểm nhấn văn hóa – lịch sử thông qua việc giải mã các hình tượng kiến trúc – điêu khắc đã và đang tồn tại trong khu di tích. Bài viết nhằm góp thêm những tri thức cần thiết giúp cho các Hướng dẫn viên du lịch tham khảo, học tập để nội dung hướng dẫn tham quan ngày càng đặc sắc và chính xác hơn, đem lại những cách nhìn khác đúng đắn, sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam cho đông đảo các đối tượng du khách trong nước và du khách quốc tế.
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2010
D.V.S
No comments:
Post a Comment