Hơn 20 năm sau ngày lập làng A Bung (xã
Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bước sang một trang mới. Dân làng
không còn sống trong cảnh du canh, du cư. Họ đã là chủ của những trang trại cà
phê bạt ngàn, mầu xanh của sự no ấm. Người đã đồng cam cộng khổ với dân làng từ
những ngày "khai sinh" ra làng đến nay chính là ông Quỳnh Nhất (người
dân tộc Tà Ôi), Trưởng thôn A Bung, xã Nhâm.
Người lập làng A Bung
Ông Quỳnh Nhất, 64 tuổi, được bầu làm trưởng
thôn từ khi còn ở làng cũ. Trước giải phóng, đồng bào dân tộc Tà Ôi cư trú sát
biên giới Việt - Lào. Với tập quán du canh du cư, cứ vùng đất này bạc màu, bà
con lại sang vùng đất khác phá rừng làm rẫy. Cái nghèo, cái đói cứ bủa vây khi
hết mùa lúa bà con lại không biết làm gì mà ăn, chăn được con bò, con dê thì bị
thú rừng ăn thịt. Từ khi Việt Nam
và Lào ký Hiệp định Biên giới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương đưa người
dân đến tái định canh định cư ở vùng đất mới. Ròng rã mấy tháng trời, Trưởng
thôn Quỳnh Nhất đi khảo sát và quyết định chọn vùng đất A Ló, nơi có con suối
Hê Lơ chảy vắt qua chân đồi làm nơi định cư cho cả làng A Bung.
Khi cuốc những nhát cuốc đầu tiên, những
quả bom còn sót lại trong chiến tranh hiện ra khiến nhiều người chán nản. Thế
nhưng, Trưởng thôn A Bung vẫn kiên trì vận động bà con, là người đầu tiên đến dựng
nhà và trồng cây. Bà con bắt đầu nghe theo, ông lại chăng dây đóng cọc để phân
đường, nhà nọ sát nhà kia để thành ngôi làng mới đông đúc. Ngày cả làng về thôn
A Bung, dân bản thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ báo cáo rằng đã về nơi ở mới.
Ở thôn A Bung, gia đình nào cũng lập bàn
thờ Bác Hồ. Ông Quỳnh Nhất cho biết: "Ðồng bào Tà Ôi có niềm tin vào Cụ Hồ,
vào Ðảng. Những già làng như chúng tôi phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối
thì bà con sẽ làm theo. Nhiều lúc lời nói phải như cái đinh đóng vào cột, nhưng
có việc cũng phải mềm dẻo như sợi mây. Có như vậy, bà con trong thôn, bản mới
quý trọng, tin yêu mình". Bí quyết ấy đã giúp ông có đủ niềm tin, nghị lực
để lập làng.
Khó khăn thuở mới lập làng ông Quỳnh Nhất
nhớ không xuể. Thời điểm ấy ít khi ông có mặt ở nhà, ngoài lúc ra nương trồng
trọt ông còn đi khắp bản để hỗ trợ dân làng khi nhiều gia đình thiếu sức lao động.
Không ít nhà thiếu cái ăn, ông quyết định bán con bò của gia đình để mua sắn hỗ
trợ hộ thiếu đói chờ đến ngày thu hoạch bắp, lúa trên nương rẫy.
"Có sức người sỏi đá cũng thành
cơm"
Không lâu sau đó, đất không phụ lòng người
khi làng A Bung đã bạt ngàn mầu xanh của nương bắp và lúa nước. Bà con đã đủ ăn
nhưng ông Quỳnh Nhất vẫn chưa dừng lại ở đó, ông lại khăn gói sang các bản làng
bên để tìm hiểu cách trồng chuối. Cây chuối thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu
ở A Bung nên lớn rất nhanh, quả to, buồng dài mọc quanh nương rẫy. Dân làng
chưa kịp mừng thì lại đối mặt với khó khăn khi chuối không tiêu thụ được. Ai có
sức thì gùi ra chợ bán, bán không kịp, chuối chín rụng đầy rẫy bởi làng chưa có
đường nên xe ô-tô không vào thu mua được. Sau một thời gian suy nghĩ ông quyết
định thôn phải làm đường để lưu thông hàng hóa. Ông đã vận động cựu chiến binh
và thanh niên làm theo. Con đường vào thôn A Bung được mở rộng hơn 5m, tạo điều
kiện cho xe ô tô vào thu mua hàng hóa của nhân dân. Những việc ông làm đã đem lại
niềm vui, lợi ích thiết thực cho dân làng, từ đó từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn,
mọi người đều nhất nhất nghe theo ông.
Năm 1997, huyện A Lưới tài trợ giống cà
phê trồng để thoát nghèo, nhưng không ai dám nhận vì cà phê trồng lâu cho thu
hoạch. Trưởng thôn A Bung lại xung phong nhận 200 cây cà phê trồng xen cây sắn.
Bà con trong bản làng bắt đầu chuyển hướng đi theo cách trồng trọt mới của ông.
Họ bán sắn, chuối và gia cầm để mua giống cà phê. Chưa tròn ba năm, cả làng A
Bung tưng bừng như mở hội khi vụ thu hoạch cà phê đầu tiên, cứ mỗi ha cà phê có
năng suất từ 10 đến 15 tấn, lãi ròng 40 triệu đồng. Hai năm sau, diện tích đất
trống đồi trọc ở xã Nhâm đều đã phủ mầu xanh của cây cà phê.
Như thử ý chí và nghị lực của dân làng A
Bung, mọi người chưa kịp mừng thì cà-phê cứ héo lá dần rồi chết. Bởi khi cây
cà-phê bắt đầu lên tốt thì gặp mưa. Mưa to dầm dề từ ngày này sang tháng nọ.
Lúc ấy, ông Quỳnh Nhất lo lắng, nếu tình trạng cà phê chết kéo dài, mọi người bị
đói sẽ bỏ làng mà đi. Bà con sẽ lại phát rẫy, phá rừng, lại vi phạm vào vùng
biên giới. Bằng mọi cách, phải cứu cây cà phê để giữ lấy làng. Hồi ấy chưa
thông dụng điện thoại như bây giờ, trời lại mưa gió, về huyện mà hỏi cán bộ
nông nghiệp là cả một đoạn đường xa cách trở. Ông Quỳnh Nhất đội mưa gió ra rẫy
nhà mình nhổ những cây cà phê bị chết và cây đang chết dần lên thì thấy rễ cây
bị thối do nước mưa ngâm dài ngày. Ông quyết định đào những cây cà phê đã trồng
quá sâu cho lên ngang mặt đất. Thấy hiệu quả dân bản làm theo ông và đã cứu được
hàng chục ha cà phê. Một số hộ dân cà phê bị chết, rơi vào cảnh túng đói, già
làng lặng lẽ dắt năm con bò nhà mình xuống huyện bán rồi mua cây mới về tặng những
hộ đó.
Không dừng lại ở đó, già làng Quỳnh Nhất
còn lặn lội lên phòng nông nghiệp huyện nhờ giúp đỡ. Cán bộ nông nghiệp không
những giúp trồng cà phê mà còn hướng dẫn cách trồng ngô cho nhiều hạt. Nhờ
vậy, trang trại nho nhỏ của ông Quỳnh Nhất có đến 4.000 cây quế, 1,5 ha cà phê,
10 sào ruộng nước, 1.000 gốc chuối ba lùn, buồng dài, trái to tròn, chăn nuôi lợn
thịt, thả gà, vịt trong vườn. Ông còn đào bốn hồ thả cá với diện tích rộng đến
một ha. Ông Quỳnh Nhất luôn giữ vững vị thế dẫn đầu xã Nhâm về thu nhập kinh tế
và chính ông là người đi đầu vận động bà con trong làng làm theo. Không riêng
gì ông Quỳnh Nhất, bản A Bung đổi đời từ cây cà phê, quế và cả chuối nhờ học hỏi
những kinh nghiệm, cách làm kinh tế từ cán bộ nông nghiệp huyện, từ khắp nơi mà
ông đã mang về để giúp bà con trong thôn bản. Khi đã có kinh tế ổn định, già
làng Quỳnh Nhất vẫn không ngừng vận động bà con mở đường nông thôn vào bản để
thuận lợi cho ô-tô vào ra bản mua nông, lâm sản, khuyến khích con em trong bản
đến trường để học lấy cái chữ xua đi đói nghèo.
Chúng tôi đến thăm nhà của ông Quỳnh Nhất,
ngôi nhà gỗ mái ngói treo đầy giấy khen, từ cấp xã đến Trung ương, đều là những
thành tích về xóa đói giảm nghèo, cán bộ già làng, trưởng bản, người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng thôn A Bung tâm sự: Ông vui nhất vẫn là
những lần được ra Thủ đô Hà Nội dự hội nghị điển hình Cựu chiến binh xóa đói,
giảm nghèo, biểu dương đại biểu nông dân các dân tộc thiểu số sản xuất kinh
doanh giỏi và Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc... Mỗi lần được đi dự hội nghị,
ông lại tranh thủ chuyện trò, học hỏi kinh nghiệm từ những gương làm kinh tế giỏi
khắp nơi để áp dụng ngay trên nương rẫy quê mình. Ông là người không chỉ giỏi
làm kinh tế mà còn giỏi trong công tác xã hội. Dù việc nhà bề bộn song ông cũng
tham gia vào công việc đoàn thể của thôn, xã, huyện với nhiều chức danh như Trưởng
thôn A Bung, Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Chi bộ thôn, đại biểu Hội đồng Nhân
dân huyện nhiệm kỳ 2004 - 2009.
Công Hậu
No comments:
Post a Comment