CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Hiệu quả từ mô hình giảm nghèo ở Thạnh Trị

| | 0 nhận xét
Thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện “Mô hình giảm nghèo” ở 74 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện. Số vốn mỗi hộ được hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” là 10 triệu đồng, thời gian hỗ trợ 3 năm, nhằm mục đích giúp các hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, mua con giống, vật nuôi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nâng cao mức sống gia đình và vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình thực hiện “Mô hình giảm nghèo”, MTTQ huyện phối hợp với MTTQ cơ sở và các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các hộ gia đình sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế. Sau gần hai năm thực hiện “Mô hình giảm nghèo”, số hộ làm ăn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo chiếm tỷ lệ 60%, một số hộ ổn định sản xuất, đời sống; bên cạnh đó số hộ sử dụng vốn chưa có hiệu quả chiếm tỷ lệ 6,75%, nguyên nhân gặp rủi do trong sản xuất như bị dịch bệnh trong chăn nuôi, mất cắp. Gia đình chị Võ Thị Si Nê, ấp Trương Hiền (xã Thạnh Trị), trước đây vất vả quanh năm, thiếu vốn, không đất sản xuất. Hằng ngày, chị Nê nhận may đồ gia công, làm bánh cho các đám tiệc của bà con trong xóm; chồng chị làm nghề chạy xe ôm. Năm 2011, với nguồn vốn  hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”, gia đình chị Nê đã mở rộng sản xuất, ngoài may đồ gia công, còn mua vải về may đo và bán cho khách, đồng thời làm bánh bán cho bà con trong xóm và nuôi heo. Chính vì vậy, kinh tế gia đình chị đã khấm khá nhiều so với trước và cuối năm 2012 gia đình chị được công nhận thoát nghèo. Ông Trương Tài ở xóm Tro 1 (thị trấn Hưng Lợi) cho biết: Gia đình tôi có 6 người, không đất sản xuất, các con phải đi làm thuê,  cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2011, với nguồn vốn hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi đã đầu tư cho con rể (trước đây làm thuê tại cơ sở cửa nhôm ở TP. Sóc Trăng) mở cửa hàng làm gia công các loại tủ, cửa nhôm, sắt... Hiện cơ sở của gia đình đã có 3 thợ làm việc, hằng tháng sau khi trừ đi các khoản chi phí, còn tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng. Đến nay, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước và có triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới. Chị Nguyễn Thị Huệ ở ấp Vĩnh Thắng (xã Vĩnh Thành) tâm sự: Vợ chồng tôi có 4 người con, gia đình không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Năm 2011, được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”, 1 con heo giống và 7 triệu đồng từ chương trình 135, tôi đã đầu tư vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, gà, vịt. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển chăn nuôi được 3 con heo nái, 1 con heo thịt, 20 con heo con, 200 con vịt, 100 con gà. Hiện gia đình tôi đăng ký phấn đấu thoát nghèo trong năm 2013. Từ “Mô hình giảm nghèo” được MTTQ huyện Thạnh Trị triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện và nhu cầu của hộ nghèo; vừa tạo cho hộ nghèo có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vừa duy trì và bảo toàn được nguồn vốn để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bước đầu “Mô hình giảm nghèo” đã mang lại kết quả đáng phấn khởi và tiếp tục nghiên cứu nhân rộng ở địa phương.
Ông Lý Văn Nho, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạnh Trị cho biết: Thời gian tới, Ủy ban MTTQ huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng “Mô hình giảm nghèo”, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ở địa phương. Trong đó, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện xây dựng dự án nhân rộng “Mô hình giảm nghèo” ở 99 hộ nghèo trên địa bàn huyện (bao gồm: 78 hộ được hỗ trợ vốn từ Quỹ “Vì người nghèo”, 21 hộ được hỗ trợ từ các nguồn vốn do Ủy ban nhân dân huyện quản lý); thành lập Ban điều hành dự án do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng Ban; Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện làm Phó ban.
Có thể nói “Mô hình giảm nghèo” ở Thạnh Trị có ý nghĩa rất thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, theo phương châm giúp hộ nghèo “cần câu” chứ không phải cho “con cá”. Từ “Mô hình giảm nghèo” ở Thạnh Trị rất cần được các địa phương, cơ sở nghiên cứu, nhân rộng, nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ nghèo cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững²
                     Như Quân

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel