Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 4 nghìn người
là bà con các dân tộc thiểu số với 6 dân tộc anh em nằm rải rác ở 10 huyện miền
núi (trong đó có 5 huyện vùng cao). Với đặc điểm địa hình đi lại khó khăn và là
nơi tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào, có 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường
tiểu ngạch qua Lào và Đông bắc Thái Lan chính vì vậy mà các thế lực thù địch
luôn lợi dụng địa hình và trình độ dân trí còn thấp của bà con nơi đây nhằm lôi
kéo, kích động và chia rẽ, truyền đạo trái phép gây phức tạp tình hình an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên.
Để tăng cường khối đại
đoàn kết toàn dân và tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng
và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời với quan
điểm: "Có chính sách động viên bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò
của những người có uy tín trong cộng đồng bào các dân tộc trong việc thực
hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư, vùng dân tộc
miền núi" tại Hội nghị lần thứ VII BCH Trung ương Đảng khóa X đã xác định.
Nhận thức rõ được vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc
thiểu số miền núi, BCH Đảng bộ tỉnh đã có kết luận số 09 KL/TW ngày 28/3/2008,
Ban Thường trực MTTQ tỉnh có Đề án 07/ ĐA/MTNA "Xây dựng đội ngũ người có
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An" và hướng dẫn cho
MTTQ huyện và cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện.
Thực hiện tốt cuộc vận động
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", MTTQ cấp
huyện và cơ sở trong tỉnh đã phát động phòng trào "Làm việc tốt"
trong đội ngũ gìa làng, người có uy tín và đã xác định những tiêu chí cụ thể cơ
bản là những người có cương vị trong dòng họ, sự đóng góp cho sự phát triển của
đồng bào dân tộc, người có tri thức và năng lực trình độ để tiếp thu những chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có khả năng vận dụng vào thực tế cuộc
sống để tuyên truyền và vận động quần chúng thực hiện. Từ những kết quả đạt được
của phong trào "Làm việc tốt" từ những năm trước, năm 2006 MTTQ các
cơ sở đã thực hiện bình xét và công nhận 315 người có uy tín tiêu biểu của các
dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động như phát động tiêu chí "5 không,
6 cần", tổ chức hướng dẫn ký cam kết với các nội dung: không di cư tự do,
không truyền đạo trái pháp luật, không vượt biên trái phép, không tái trồng cây
thuốc phiện, gia đình không có người tàng trữ và vận chuyển các chất ma tuý,
dòng họ không có người tảo hôn trái luật hôn nhân gia đình, không có con cháu bỏ
học, đăng ký giúp nhau vượt khó xoá đói giảm nghèo... Năm 2007, để phong trào
được tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng MTTQ tỉnh đã tổ chức hội
nghị tổng kết toàn tỉnh và nâng cuộc vận động trở thành phong trào "Làm
nhiều việc tốt". Trên cơ sở đó hàng năm MTTQ các xã đã tổ chức hôi nghị
già làng, trưởng bản để phát động đăng ký các chỉ tiêu cụ thể cho từng người có
uy tín trực tiếp đăng ký nhận những công việc phù hợp với mình. Đến nay, số người
đạt tiêu chí người có uy tín tăng lên 1822 người và được tuyên dương ở cấp huyện
632 người.
Hiện nay, người có uy
tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là các già làng,
trưởng bản, trưởng các dòng họ, những cán bộ đảng viên đã về hưu tiêp tục tham
gia công tác xã hội và có cả những thầy mo, thầy cúng.... là những người có
tình yêu quê hương, đất nước và am hiểu về phong tục tập quán ở dân tộc mình,
thông qua họ mà đồng bào bày tỏ tâm tư nguyện vọng và giải quyết những khó khăn
vướng mắc của mình trong cuộc sống gia đình và cộng đồng. Từ thực tế cho thấy
hoạt động của những người có uy tín da dạng và khá phong phú thông qua các hình
thức tuyên truyền miệng, trao đổi, tư vấn nên nhiều chủ trương, chính sách pháp
luật của Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng đến được với đồng bào...
Tuy vậy, do điều kiện
nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động như hội nghị tập huấn, tham quan học tập,
chỉ đạo MTTQ xã chỉ đạo cả bề rộng lẫn bề sâu chưa đáp ứng đủ, vì vậy số lượng
người có uy tín trong đồng bào dân tộc hiện nay là qúa thấp so với già làng,
trưởng bản, trưởng các dòng họ và đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể đang cư trú
ở các thôn bản và chưa sử dụng hết những ưu thế và tiềm năng của đội ngũ người
có uy tín trong quá trình vận động và tập hợp đồng bào vào khối đại đoàn kết
các dân tộc... Trên cơ sở nội dung tiêu chí của người có uy tín cơ bản được xác
định, MTTQ các cấp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chuẩn mực của
người có uy tín của đồng bào các dân tộc thiểu số với những đóng góp của
họ trên cương vị là người đứng đầu các cộng đồng, dòng họ, khu vực nơi sinh sống
của đồng bào dân tộc các vùng, miền, địa phương một cách phù hợp. MTTQ xã cần tạo
điều kiện để người uy tín tham gia vào Uỷ ban Mặt trận, các ban ngành,
đoàn thể thường xuyên gần gũi, động viên gíup đỡ để họ có tự tin và phát huy
vai trò của mình trong cộng đồng.
Để tiếp tục tạo dựng niềm
tin của đồng bào dành cho lực lượng những người có uy tín, đối với cá nhân mỗi
người có uy tín cần tiếp tục củng cố những yêu cầu cơ bản về nhận thức, thái độ
và nhận thức đúng đắn về cuộc sống của đồng bào khu dân cư nơi mình sinh sống,
luôn tin tưởng vào khả năng cộng đồng và các mối quan hệ trong cộng đồng, biết
lắng nghe điều hành và phân tích trao đổi, thực hiện phương pháp cùng tham gia
vào các hoạt động chung của cộng đồng.
Cấp uỷ, chính quyền tạo
điều kiện về mọi mặt, nhất là kinh phí hoạt động, hỗ trợ phụ cấp cho người có
uy tín để hàng năm MTTQ tổ chức phát động phong trào, tổ chức tập huấn, cung cấp
các thông tin và tài liệu cần thiết, tạo điều kiện đi tham quan học tập kinh
nghiệm và tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với những
công việc tốt, cần ưu tiên để người có uy tín được tiếp nhận một số dự án vừa
và nhỏ, quan tâm tạo điều kiện để lực lượng này xây dựng cuộc sống gia đình và
trở thành tấm gương trong các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần đắc lực
trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh
Lò Thị Kim Ngân
No comments:
Post a Comment