Bà
Lê Thị Tấm, 80 tuổi, dân tộc Tày ở đường Ngô Gia Tự, thành phố Bắc Giang, tỉnh
Bắc Giang, người may mắn 10 lần được gặp Bác Hồ cho biết: "Tôi có được cuộc
sống ngày hôm nay là nhờ vào Đảng và làm theo lời dạy của Bác Hồ đấy!".
Bà Lê Thị Tấm, quê ở
xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hoá (Thái Nguyên). Năm 1945, mới 15 tuổi, cô gái Tày
xinh đẹp Lê Thị Tấm hàng ngày cùng đội tuyên truyền vũ trang của Việt Minh đi
vào từng bản tuyên truyền, giác ngộ đồng bào. Chính những ngày tháng hoạt động
cách mạng, bà Tấm may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên, khi Bác về dự
Hội nghị Việt Minh tại Định Hoá. Lần thứ hai, khi Bác về thăm Trại Thương binh
tại làng Quỳ. Lần gặp thứ ba là thời gian Bác làm việc tại lán Nà Lừa. Vào ngày
mùa, Bác thường tranh thủ vượt qua khu rừng cọ sang xã Thanh Định gặt lúa cùng
với bà con và thăm hỏi động viên mọi người. Lần gặp thứ 4 là khi máy bay địch
ném bom xuống trường mẫu giáo của con em cán bộ cách mạng. Lớp học của cô giáo
Thuý có hai cháu không chạy kịp đã trúng bom. Nghe tin, ngay sáng sớm hôm sau,
Bác đã đến cởi áo đắp lên thi thể các cháu và khóc rồi nói với mọi người:
"Bố mẹ các cháu còn bận ở chiến trường, các cô, các chú hãy an táng cho
các cháu cẩn thận...". Hình ảnh ấy khiến những người có mặt không ai cầm
được nước mắt và tự nhủ phải quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần
cho kháng chiến chóng thành công. Một lần khác, Bác về dự Đại hội Phụ nữ toàn
quốc tại Đại Từ. Hôm đó, cả hội trường được nghe Bác nói chuyện, động viên phụ
nữ đoàn kết các dân tộc, giúp nhau tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt.
Bác chia sẻ với chị em phụ nữ phải vất vả chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già để chồng
yên tâm ra chiến trường...
Hoà bình lập lại, bà
Tấm được gặp Bác khi Người về thăm xã Tân An (huyện Yên Dũng), xã Tam Sơn (huyện
Tiên Sơn), tỉnh Hà Bắc (cũ). Ấn tượng sâu đậm nhất là lần bà được gặp Bác tại
xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang) đúng vào ngày cưới của mình
8-02-1955 (tức ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch). Lúc ấy, chồng bà - ông Mai
Thanh Sơn là Bí thư Huyện uỷ Hiệp Hoà, còn bà là Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Định
Hoá (tỉnh Thái Nguyên). Cả hai đều là cán bộ trong đoàn công tác cải cách ruộng
đất của hai tỉnh về dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2. Bác về Xuân
Cẩm, thăm hộ nông dân được chia ruộng đất; thăm nơi ăn chốn ở của anh chị em
cán bộ cải cách; làm việc với Ban Cán sự Đoàn uỷ đoàn cải cách; dự hội nghị tổng
kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang. Bà còn nhớ, tại
thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, nói chuyện với các đại biểu dự hội nghị, Bác nhắc
nhở, động viên anh chị em làm cải cách ruộng đất là vất vả. Muốn làm được tốt,
anh chị em phải kiên trì, chịu khổ; phải giản dị, khiêm tốn, biết dựa vào dân,
gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở,
cùng làm) với dân thì nhân dân mới tin tưởng nói hết với mình và mới không mắc
sai lầm. Đồng thời, anh chị em phải đoàn kết thương yêu, gắn bó nhau để cùng
hoàn thành nhiệm vụ. Trong không khí nghiêm trang, Bác cười, giơ tay bắt nhịp
bài hát "Kết đoàn" cho mọi người hát theo. Cả hội trường xúc động, đứng
bật dậy, tiếng vỗ tay vang lên hoà theo tiếng hát.
Bà tâm sự: Hạnh phúc
lớn nhất của đời mình là nhiều lần được gặp Bác Hồ. Chính những lời Bác dạy và
tấm gương đạo đức của Người đã giúp bà vượt qua bao chặng đường thử thách, gian
nan trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Bà bảo: "Tôi học được rất nhiều đức
tính của Bác như sự giản dị, khiêm tốn, gần dân, quý trọng dân, lo cho dân,
thương yêu người nghèo, lòng nhân ái, vị tha, cần cù, nhẫn lại, tiết kiệm, chí
công vô tư. Về nghỉ hưu ở Khu phố 3, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, bà
vẫn tích cực tham gia các hoạt động tổ dân phố, 4 khoá liền bà làm Bí thư chi bộ,
tham gia Chi hội trưởng Người cao tuổi. Hiện giờ tuổi đã cao, sức khoẻ không được
tốt, bà vẫn không bỏ một buổi họp tổ dân phố nào. Hàng ngày, bà đọc báo, xem ti
vi để nắm bắt các vấn đề thời sự ở địa phương, kể chuyện về Bác cho các cháu học
sinh. Bà là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo.
Nam
Giang
No comments:
Post a Comment