Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3.763 người có
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng quan trọng trong công
tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,
xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các
thôn, làng trong tỉnh.
Bà con hai làng Ngol và Ia Tung (phường Thắng
Lợi-TP. Pleiku) vẫn còn tấm tắc nể phục cách phân xử hợp tình, vừa ý của già
làng Rah Lan Rak (làng Chuét 2-phường Thắng Lợi-TP.Pleiku). Chuyện là có đôi
trai gái, dù đã yên bề gia thất nhưng trớ trêu lại có tình ý, thường xuyên qua
lại, tòm tem với nhau. Họ hàng nhà chồng người phụ nữ tức giận lắm, bèn lập kế
hoạch rình bắt quả tang và đưa lên làng phạt vạ, còn đòi “xử đẹp” người đàn ông
dám lăng nhăng với con dâu nhà họ. Phía nhà vợ anh chàng kia cũng nổi trận lôi
đình, đòi phải xử cặp đôi phản bội gia đình ấy. Từ chuyện cặp đôi ngoại tình mà
biết bao nhiêu con người trong hai làng giận dữ, hằm hè nhau, dẫn đến mất an
ninh trật tự. Bế tắc, họ nhờ đến già làng Rak phân xử.
Hơn 50 năm nay, ông Rak được bà con kính
trọng, phong làm già làng. Sau một hồi phân giải đúng sai, lẽ thiệt hơn, già xử:
“Nhà bên người đàn ông phạm tội ngoại tình phải đền cho bên nhà chồng của “bồ”
15 triệu đồng và một con heo to cho họ hàng thiết đãi; về phía cô vợ lăng nhăng
kia phải đền cho phía gia đình vợ anh “bồ” 10 triệu đồng và một con heo để gia
đình thiết họ. “Hai người phải đứng ra công khai xin lỗi họ hàng hai bên và cam
kết từ nay không được tái phạm. Vì anh kia là đàn ông nên phải phạt nặng hơn để
làm gương. Nếu đôi ấy tái phạm, làng sẽ phạt gấp đôi”.
Nghe già làng phán, hai bên gia đình và
dân làng ưng cái bụng lắm, không thì hai gia đình kia có nguy cơ tan đàn xẻ
nghé đến nơi, lũ trẻ con sẽ rất khổ. Sau lần xử phạt ấy, hai cặp vợ chồng đó
quay về với nhau, cùng nhau vun đắp cho tổ ấm của mình, hai làng cũng tránh được
những va chạm không đáng có, xóa bỏ hiềm khích giữa họ hàng các bên từ sau vụ
ngoại tình của cặp đôi ấy…
Chuyện già làng đứng ra hòa giải các vụ
xích mích, phức tạp nhỏ chưa tới mức cần pháp luật can thiệp xảy ra ở các làng
bà con người địa phương sinh sống lâu nay vẫn được duy trì. Không riêng gì già
làng Chuét 2, Gia Lai có tới 3.763 người có uy tín đã và đang đóng góp cho cộng
đồng bằng những việc làm tương tự bằng uy tín, sự tín nhiệm của cộng đồng.
Không chỉ hòa giải thành công nhiều vụ mâu
thuẫn trong cộng đồng dân cư, họ còn có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội: vận
động người dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước; là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách tới người dân. Đội ngũ
những người có uy tín trong cộng đồng còn tham gia cùng với chính quyền, đoàn
thể, lực lượng vũ trang đấu tranh vạch trần luận điệu tuyên truyền của các tổ
chức phản động như FULRO, “Tin lành Đê-ga”…; đấu tranh xóa bỏ những tập tục lạc
hậu, xây dựng lối sống văn hóa ở khu dân cư…
Trong những năm qua, lực lượng Công an
luôn xác định người có uy tín là cánh tay đắc lực giúp củng cố và xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đã tranh thủ 7.728 lượt người có uy
tín trong cộng đồng làm lực lượng nòng cốt phục vụ công tác đảm bảo an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Hàng năm, người có uy tín chủ động
phát hiện và cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin quan trọng liên
quan đến an ninh trật tự. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của hệ thống cơ sở thông qua
những người có uy tín đã phát hiện, bóc gỡ 7 bộ khung FULRO, “tin lành Đê-ga”,
72 đối tượng cầm đầu cốt cán, 251 đối tượng liên quan.
Thông qua người có uy tín, chính quyền địa
phương đã tổ chức đưa hàng trăm đối tượng cốt cán FULRO, “Tin lành Đê-ga” ra kiểm
điểm trước dân, tham gia vận động 115 đối tượng từ bỏ “Tin lành Đê-ga” để quay
lại sinh hoạt Tin lành miền Nam Việt Nam, giáo dục quản lý 798 đối tượng FULRO
tại cộng đồng. Qua đó nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân không nghe,
không tin, không làm theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu;
không tuyên truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép, tham gia các tổ chức
phản động…
Đánh giá về công tác phát huy vai trò người
có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá hoạt động này vừa mới được tổ chức, ông
Măng Đung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định: “Cùng với lực lượng chức
năng, đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng đã có những đóng góp rất lớn
trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quan trọng vào việc
đấu tranh phản bác luận điệu tuyên truyền, các hoạt động chống phá của bọn phản
động FULRO; ngăn chặn biểu tình, bạo loạn, trốn sang Camphuchia và giải quyết
các tranh chấp, mâu thuẫn ở thôn, làng, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật
tự ngay tại cơ sở”.
Lê Hòa
No comments:
Post a Comment