Quảng Ninh là một tỉnh nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, với diện
tích 6.100km2, dân số trên 1.2 triệu người với địa hình chủ yếu là
trung du, miền núi và biển đảo. Quảng Ninh có 9 dân tộc trong đó các dân tộc
thiểu số sống chủ yếu ở các huyện miền Đông của tỉnh và tập trung cao nhất ở
các huyện như: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà. Nhiều huyện người
dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao đến 90% dân số như: Ba Chẽ, Bình Liêu. Trong
đó chiếm số đông là người Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ.
Các dân tộc thiểu số ở Quảng
Ninh tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, phần lớn còn
gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt. Trình độ dân trí thấp, các thủ
tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, giao thông đi lại, học tập và việc hưởng các ưu
tiên về chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội chưa được thuận lợi và kịp thời. Việc
cập nhật các thông tin kinh tế - xã hội, khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất còn chậm.
Việc tuyên truyền thay đổi
cách nghĩ, cách làm trong cộng đồng người dân tộc vẫn còn là một thách thức lớn
với chính quyền nơi đây, vì mỗi dân tộc có nét đặc trưng và phong tục, bản sắc
văn hoá riêng nhưng với tinh thần đoàn kết và đồng lòng, cùng tập trung dưới mái
nhà Đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng dòng họ tiên tiến, khu phố,
thôn bản, làng văn hóa và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng
và Nhà nước đề ra.
Trong những năm qua, nhằm
triển khai, thực hiện tốt hiệu quả của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần
IX, X và NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI, XII về công tác dân tộc;
tỉnh Quảng Ninh đã có những chủ trương và chính sách cụ thể về công tác dân tộc,
góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, kinh tế, chính trị -xã hội của địa
phương đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số trong
toàn tỉnh đặc biệt là các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng cao, biên giới,
hải đảo.
Quảng Ninh đã triển khai và
thực hiện tốt các mục tiêu trong chương trình 135 của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Hầu hết các huyện miền núi đường giao thông và điện đã đến được các thôn, bản.
Điển hình như huyện Ba Chẽ, năm 2000 chưa có đường bê tông đến trụ sở các xã
thì đến nay 7/7 xã đã có đường bê tông đến tận trụ sở xã, hệ thống điện lưới đã
đến tận các thôn bản bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của tỉnh. Nhiều cụm
kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp được hình thành và phát triển, góp phần nâng
cao, cải thiện mức sống của người dân như người Tày ở Lương Mông - Ba Chẽ, người
Dao ở Tân Dân – Hoành Bồ, phần lớn đời sống kinh tế các hộ đã khá giả hơn.
Với sự đầu tư của Nhà nước
cùng với sự quan tâm phối hợp và đầu tư của tỉnh, hệ thống trường học phổ thông
cấp I và II, trường phổ thông dân tộc nội trú, hệ thống bệnh viện, trạm y tế được
hình thành ở khắp các huyện, xã trong tỉnh, bộ mặt nông thôn và đời sống của đồng
bào các dân tộc thiểu số được cải thiện hơn.
Với sự quan tâm của tỉnh
về công tác dân tộc việc đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới cơ cấu cây trồng vật
nuôi vào sản xuất của đồng bào dân tộc, miền núi nhiều nơi như Hoành Bồ, Ba Chẽ,
kinh tế vườn của đồng bào dân tộc đã có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Có xã vùng
cao như Lương Mông 95% số nhà dân đã được ngói hóa. Nhiều hộ ở các xã miền núi
đã sắm được các tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt… các hộ dân tộc trang bị được cả
máy móc phục vụ sản xuất, nhiều nơi trong tỉnh, thôn xã người dân tộc đã biết
phát triển thủy điện nhỏ; số hộ đói, nghèo đã giảm rõ rệt, con em các dân
tộc thiểu số được tỉnh thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong chương trình 135
trong việc cử tuyển đi học các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học được ưu tiên
trong việc bố trí việc làm, người dân tộc thiểu số được vay vốn hỗ trợ sản xuất
kinh doanh tại ngân hàng chính sách – xã hội của các huyện, được quan tâm chăm
sóc sức khỏe, hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng, chủ trương đổi mới của
tỉnh và được tập huấn các chương trình khuyến lâm, khuyến nông. Tại các thôn bản
đều có nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng với vốn đầu tư của tỉnh và của huyện,
qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong toàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có
Nghị quyết số 570/NQ ngày 12/2/2007 về việc ban hành quy chế khen thưởng danh
hiệu thi đua già làng trưởng bản tiên tiến tiêu biểu và quy chế này được áp dụng
đối với các già làng, trưởng bản đang sinh sống và làm việc tại các thôn, làng,
khe bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Định kỳ 2 năm một
lần UBND và MTTQ tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị biểu dương các già làng, trưởng
bản, người dân tộc thiểu số tiêu biểu. Các huyện, thị trong tỉnh đều quan tâm đến
các hộ, người dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có địa
phương trong tỉnh như: Thị xã Cẩm Phả còn vận động các doanh nghiệp làm cầu, đường,
thôn cho các dân tộc thiểu số, làm nhà, đỡ đầu cho người dân tộc già neo đơn.
Dự tính năm 2008, Đài Phát
thanh, Truyền hình tỉnh Quảng Ninh sẽ ra mắt chương trình truyền hình tiếng dân
tộc thiểu số (tiếng Dao). Tỉnh Quảng Ninh cũng vận động đồng bào bảo tồn giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc riêng, thôn bản không có tệ
tảo hôn, mê tí dị đoan; thực hiện việc cưới hỏi, lễ tang, lễ hội tiến bộ, an
toàn, tiết kiệm. Thực hiện tốt pháp lệnh dân số, gia đình, trẻ em phấn đấu gia
đình đạt chuẩn quy định văn hóa.
Có thể nói Quảng Ninh
đã thực hiện tốt cơ bản những nguyên tắc về chính sách dân tộc của Đảng đó là:
Đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ về mọi mặt giữa các dân tộc và giúp
đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng
giàu mạnh an ninh và an toàn ở một vùng địa đầu của Tổ quốcr
Lâm văn Dũng
(UBMTTQ Cẩm Phả, Quảng Ninh)
(UBMTTQ Cẩm Phả, Quảng Ninh)
No comments:
Post a Comment