Vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ở nước ta hiện nay chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số (DTTS) và miền núi. Có thể nói, đây vẫn là “rốn nghèo”, là nơi tập
trung nhiều người nghèo nhất. Trong số hơn 10 triệu người nghèo nhất cả nước hiện
nay, hầu hết là cư dân nông thôn miền núi và đồng bào DTTS. Xóa đói giảm nghèo
(XĐGN) vì vậy, luôn là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự
nghiệp của toàn dân, phải được tiếp tục thực hiện đồng thời cùng với quá trình
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thành tựu của chính sách xóa đói, giảm
nghèo
Nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban
hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách năng động, phù hợp với mục tiêu kiên
trì xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; đồng thời bảo đảm sự công bằng, dân
chủ và an sinh xã hội (ASXH). Chính phủ đã nỗ lực triển khai đồng bộ 8 Chương
trình mục tiêu quốc gia, huy động nhiều nguồn lực của xã hội vào cuộc (bao gồm
cả Chương trình 134, 135 giai đoạn II và quyết liệt thực hiện Nghị quyết
30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện
nghèo) hướng mạnh vào các vùng nông thôn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng đặc biệt
khó khăn, vùng đông DTTS để giảm nghèo nhanh ở những vùng nghèo nhất. Do đó, ở
vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 60% (năm 1997) xuống 47% (đầu năm
2006) và còn 28,7% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 4% - 5% số hộ nghèo, có
nơi giảm được 7% - 8%. Tính chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 20% đầu
năm 2006 xuống 11,3% vào cuối năm 2009. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS miền
núi phía Bắc đạt hơn 10%, miền Trung 12%, Tây Nguyên 12,5% và Nam Bộ là 12%. Cơ
cấu kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của người nghèo được
cải thiện đáng kể.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia,
trong 5 năm (2006 - 2010) đã có khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn
sản xuất; triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng 8.500
mô hình trình diễn hướng dẫn cách làm ăn cho 3,7 triệu lượt người nghèo; khoảng
150.000 lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí, trong đó, trên 60% đã tìm được
việc làm, tăng thêm thu nhập. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển
khai ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, thành phố, với 27.566 hộ tham gia mô hình trình diễn,
đã tự gia tăng thêm 15% ngày công lao động, thu nhập tăng từ 20% - 25% và có
15% số hộ thoát được nghèo. Khoảng 2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được
đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; bình quân đạt
9,15 công trình/xã; 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu
lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, 2,8 triệu được hỗ trợ sách vở; khoảng
500.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. 17 tỉnh, thành phố, 306 quận, huyện với
5.931 xã, phường, thị trấn được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công nhận hoàn
thành chương trình xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo. 100% số xã có đường
giao thông đến trung tâm (trong đó 75,2% số xã có đường giao thông từ trung tâm
xã đến thôn, bản đi lại được bằng xe gắn máy); 100% số xã có trạm y tế và có đủ
trường tiểu học và trung học cơ sở (trong đó trường, lớp học kiên cố 83,6%);
67,5% số xã có công trình thủy lợi nhỏ; 91,8% số xã có điện đến trung tâm xã; đầu
tư công trình nước sinh hoạt tập trung hoặc phân tán, cung cấp cho 67,8% số hộ
dân...
Nỗ lực thực thi chính sách bảo đảm an sinh
xã hội
Với ba chức năng: phòng ngừa rủi ro; giảm
thiểu rủi ro; và khắc phục rủi ro, các chính sách ASXH được triển khai trên ba
phương diện, đó là:
- Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia
thị trường lao động cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định cho đồng bào
DTTS. Thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào
được thụ hưởng tín dụng ưu đãi cho vay vốn phát triển sản xuất với mức vay 5
triệu đồng/hộ, lãi suất 0%. Trong hơn một năm, đã giải ngân hơn 86 tỉ đồng cho
hơn 18 nghìn hộ vay; được ưu tiên trong dự án đào tạo nghề thuộc Chương trình Mục
tiêu quốc gia. Chính phủ ban hành các Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg; số
1342/2009/QĐ-TTg hỗ trợ di dân và thực hiện định canh, định cư bảo đảm
cho đồng bào DTTS ổn định đời sống. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ giáo dục được
thực hiện bằng nguồn vốn từ Chương trình 135 giai đoạn II. Mặt khác, đối với học
sinh, sinh viên là người DTTS diện nghèo học tại các trường phổ thông dân tộc nội
trú và trường chuyên nghiệp còn được tăng thêm mức học bổng và được miễn 100% học
phí, được cấp tiền mua sách vở, đồ dùng học tập tại các trường dự bị đại học; đối
tượng học sinh DTTS diện nghèo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông thụ hưởng
chính sách hỗ trợ hằng tháng được mở rộng...(theo các Quyết định số
82/2006/QĐ-TTg; Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg và Quyết định số
101/2009/QĐ-TTg) đã tạo cơ hội học tập cho hàng nghìn học sinh là người DTTS diện
nghèo.
- Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT): Luật Bảo
hiểm Y tế ban hành năm 2008 cho thấy, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước
trong việc hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng BHYT đối với người nghèo, cận
nghèo, người DTTS, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, và đối tượng hưởng trợ
giúp xã hội.
- Chính sách trợ giúp xã hội: Đối tượng được
trợ giúp xã hội (TGXH) thường xuyên, từng bước được mở rộng. Nếu năm 2005, khu
vực nông thôn có khoảng 390 nghìn người được thụ hưởng thì tới năm 2009 tăng
lên trên 970 nghìn người. Mức chuẩn để tính trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng
lên từ 120 nghìn đồng lên 180 nghìn đồng (năm 2010) và được bảo đảm bởi ngân
sách nhà nước. Nhiều mô hình TGXH được tổ chức phù hợp với nhu cầu của từng
nhóm đối tượng. Phong trào xã hội hóa chăm sóc đối tượng được mở rộng đã bổ
sung đáng kể cho nguồn lực còn hạn chế từ ngân sách. Tính đến tháng 12-2008, cả
nước có khoảng 571 cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng 14.613 người. Hơn 1/3 trong
số đó là các cơ sở ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong thực hiện chính sách
XĐGN vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự vững
chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao, đặc biệt là ở những huyện miền núi,
vùng cao, biên giới. Việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu; việc cho vay
tín dụng ưu đãi chưa gắn với hỗ trợ và hướng dẫn về sản xuất, khuyến nông một
cách hiệu quả. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ còn thấp,
dẫn đến mặt bằng học vấn của người dân chưa được nâng lên như mong muốn; tỷ lệ
tái mù chữ ở những nhóm dân tộc rất ít người còn cao. Đồng bào DTTS ở nhiều
nơi vẫn khó tiếp cận với dịch vụ y tế do chi phí cho khám chữa bệnh cao, đi lại
khó khăn, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp. Diện hưởng TGXH thường xuyên mới
chỉ đạt khoảng 1,23% số dân (so với 2,5% - 3% của nhiều nước trong khu vực).
Quy định về điều kiện được thụ hưởng chính sách còn quá chặt chẽ (Mức chuẩn để
tính trợ cấp chỉ bằng 32,5% so với chuẩn nghèo nên đời) sống nhiều đối tượng
TGXH còn khó khăn...
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu
trên có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính đó
là: Các chương trình giảm nghèo triển khai nhưng chưa bao quát toàn diện công
tác giảm nghèo; các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo được ban hành
nhiều nhưng lại mang tính ngắn hạn, chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ
nên chưa tác động tích cực vào đời sống; nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm
nghèo còn phân tán, dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề
bức xúc nhất, địa bàn trọng điểm nhất; thiếu giải pháp cụ thể giữa việc thực hiện
chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội; việc tổ chức phối hợp chỉ
đạo thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và kém hiệu quả; cơ
chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở chủ động với sự tham gia của người
dân bước đầu được thực hiện nhưng còn nhiều lúng túng; công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho người dân còn nhiều hạn chế, chưa khơi dậy được ý thức tự
giác vươn lên của người nghèo.
Định hướng phát triển kinh tế gắn với
giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đảng ta khẳng định: “Khuyến khích làm giàu
hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững”. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi
với xóa đói giảm nghèo... Tập trung triển khai các chương trình xóa đói, giảm
nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa nguồn lực và
phương thức xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát
triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để xóa đói, giảm nghèo bền vững;
tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ
người khác thoát nghèo. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tiếp
tục kiên trì quan điểm xuyên suốt và có tính định hướng chiến lược là: “Thực hiện
có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước
và từng chính sách phát triển”.
Theo hướng đó, cần xây dựng một chương
trình giảm nghèo chung, bền vững và toàn diện, bao gồm hệ thống các chính sách
giảm nghèo; lồng ghép và chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương
trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhằm huy động tối đa mọi nguồn
lực xã hội hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội có hiệu quả nhất. Đặc biệt
là ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng miền
núi và đồng bào DTTS.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách hiện
hành có điều chỉnh:
- Chính sách hỗ trợ lao động nghèo, người
thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định và tham
gia thị trường lao động. Xây dựng chính sách tín dụng chung cho dễ triển khai
và quản lý; mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho 4.190 xã vùng khó khăn theo
Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg; thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông
thôn, trong đó, ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS; mở rộng đối tượng ở các xã vùng
khó khăn được hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và đối tượng lao động
thuộc hộ nông nghiệp có mức thu nhập từ trung bình trở xuống được vay vốn ưu
đãi để đi xuất khẩu lao động.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ
di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS; tập trung vào các giải
pháp gắn với đặc thù của các vùng kinh tế: di dân ra khỏi các địa bàn dễ bị lũ
quét, sạt lở đất ở các vùng miền núi phía Bắc; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi cho dân cư ở địa bàn bị ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; di dân
ra khỏi những vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ miền Trung.
- Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
(BHYT) theo Luật BHYT nhưng cần có giải pháp hỗ trợ đối với 40% số dân nông
thôn hiện chưa tham gia BHYT. Mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội
(TGXH) thường xuyên đối với: (1) người già không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH
hội từ 85 tuổi xuống 80 tuổi trong giai đoạn 2011 - 2015 và xuống 75 tuổi giai
đoạn 2016 - 2020; và (2) bổ sung nhóm đối tượng là diện nghèo kinh niên. Điều
chỉnh mức chuẩn để tính mức trợ giúp xã hội bằng 40% mức sống tối thiểu.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu
Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Xây dựng
các dự án gắn với đặc thù của các vùng có tỷ lệ nghèo cao. Tập trung vào các
chính sách hỗ trợ giảm nghèo gắn với tạo việc làm.
- Đẩy mạnh thực hiện chính
sách hỗ trợ dân cư nông thôn tiếp cận đến các dịch vụ xã hội bằng cách triển
khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ (điện, đường, trường, trạm,
thông tin); Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường
nông thôn; Chương trình Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2020 ở các
xã vùng khó khăn vùng bị tác động bởi thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí
hậu. Dành đủ nguồn lực cho công tác duy tu, bảo dưỡng và phát triển các nhóm sử
dụng, bảo vệ công trình.
Thứ hai, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về định hướng giảm
nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai
đoạn 2011 - 2015.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo mới được
thực hiện lồng ghép hài hòa với các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo
hiện hành, bao gồm:
- Nhóm chính sách tạo điều kiện về sinh kế
cho người nghèo như Chính sách tín dụng ưu đãi giúp các hộ nghèo có sức lao động
để họ có vốn phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế,
tăng thu nhập và tự vượt nghèo; Chính sách hỗ trợ dạy nghề miễn phí giúp cho
người nghèo có cơ hội tìm được việc làmtrên thị trường lao động với mức
thu nhập khá; Cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo
làm nông nghiệp ở nông thôn được hỗ trợ bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng áp dụng
kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh và có kỹ năng xây dựng kế hoạch
sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm… để tăng thu nhập...
- Nhóm chính sách tạo cơ hội để người
nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo;
Chính sách hỗ trợ về y tế giúp cho người nghèo được bình đẳng trong chăm sóc sức
khỏe, khám, chữa bệnh; Chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sạch dùng trong
sinh hoạt; Chính sách trợ giúp pháp lý giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết
pháp luật tránh rơi vào nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là đồng bào DTTS
và Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thông tin
để củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, tránh sự lôi kéo của các thế lực thù địch,
từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, bảo tồn và phát triển nền văn
hóa dân tộc.
- Nhóm chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện, xã, thôn, bản nghèo thông qua việc
đa dạng hóa huy động các nguồn bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu
Chính phủ, vốn ODA và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
- Các dự án hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp
thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm:
Dự án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo; Dự án hỗ trợ phát
triển kinh tế - xã hội đối với các xã và thôn, bản nghèo (ngoài huyện, xã
nghèo); Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông; Dự án nâng
cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Ngoài ra, cần thí điểm
xây dựng một số chính sách mới về hỗ trợ nông dân có mức thu nhập từ trung bình
trở xuống mua BHXH tự nguyện; về xây dựng chương trình hỗ trợ việc làm tạm thời
cho người lao động nghèo bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm bằng những việc
ngay tại địa phương như tham gia các dự án phát triển nông thôn, thu gom rác thải,
vệ sinh môi trường; về chính sách Nhà nước hỗ trợ bổ sung tiền đi lại và sinh
hoạt phí cho trẻ em là DTTS diện nghèo đi học với mức hỗ trợ tối thiểu cho các
tỉnh nghèo. Các tỉnh còn lại tùy theo khả năng có thể tự lo mức hỗ trợ cao hơn.
Gia đình chỉ được nhận hỗ trợ khi việc đi học của trẻ được nhà trường xác nhận
và có sự giám sát của địa phương. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đẩy
nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn
vùng dân tộc và miền núi; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất
hàng hóa, tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho
đồng bào các dân tộc một cách bền vững, giảm khoảng cách chênh lệch phát triển
giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước; thực hiện xây dựng nông thôn mới
tại các địa phương nghèo nhanh chóng vươn lên để mọi người dân thực sự được thụ
hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn
Văn Hồi
No comments:
Post a Comment