CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Giới thiệu] Tri thức địa phương của người Mường trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên

| | 0 nhận xét
[Giới thiệu] Tri thức địa phương của người Mường trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên
Văn hoá các dân tộc thiểu số như những sợi chỉ màu lấp lánh, vừa đa dạng và độc đáo trên “tấm thổ cẩm” văn hoá Việt Nam. Dân tộc Mường là một trong những dân tộc có số dân cư đông đúc, cảnh quan, môi sinh phong phú. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình dân tộc Mường đã sáng tạo ra một “nền văn hoá thung lũng” đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với đồng bào Mường, 3 loại tài nguyên thiên nhiên được xem là quan trọng nhất gồm: đất, nước và rừng. Đất (tất, tật) là tư liệu sản xuất có giá trị nhất, quyết định sự sinh tồn và no đủ của cộng đồng, gắn liền với sự hưng thịnh, giàu có của làng, đồng thời là một đối tượng thờ cúng quan trọng. Nước là nguồn sống không thể thiếu, là tiêu chí căn cứ hàng đầu của dân tộc Mường khi lựa chọn đất lập làng. Nước còn là biểu tượng văn hoá của dân tộc Mường. Rừng (hầng, rứng) là đối tượng được quan tâm của đồng bào Mường không chỉ bởi giá trị thực tiễn mà còn bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà rừng mang lại cho con người. Cuộc sống của người Mường phụ thuộc vào điều đó, lấy gỗ làm nhà, thu hái lâm sản, động vật rừng để mưu sinh, sử dụng...

Trong quá trình sinh sống và gắn bó tự nhiên, người Mường đã tích luỹ cho mình những tri thức dân gian quý báu về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên phù hợp với điều kiện của địa bàn cư trú. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về tri thức địa phương của đồng bào Mường về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong truyền thống cũng như hiện tại, cuốn sách do Nguyễn Ngọc Thanh và Trần Hồng Thu (Viện Dân tộc học) chủ biên đã tập trung làm rõ các vấn đề về tri thức địa phương trong sử dụng và quản lý tài nguyên đất (đất ruộng nước, đất nương rẫy, đất rừng - vườn - đồi); trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước (nước sinh hoạt, nước canh tác, nước nuôi, trồng và đánh bắt thuỷ hải sản); trong sử dụng và quản lý tài nguyên rừng; đồng thời chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt về tri thức địa phương trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên của người Mường các địa phương khác nhau. Đây là một công trình nghiên cứu công phu sử dụng các phương pháp điều tra thực địa, thảo luận, phỏng vấn để thu thập thông tin. Khảo sát sâu rộng của các tác giả được tiến hành trên hai địa bàn chủ yếu là huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá).

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Dân tộc học
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh - Trần Hồng Thu
Năm xuất bản: 2009
Địa chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Khoa học xã hội; Viện Dân tộc học

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel