CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Tư tưởng trọng hiền tài thời Lê sơ (1428-1527) thông qua hệ thống văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

| | 0 nhận xét
Văn Miếu– Quốc Tử Giám được coi là biểu tượng của văn hiến Việt Nam nói chung và biểu tượng của văn hiến Thăng Long nói riêng. Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn giữ được 82 tấm bia ghi lại các khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh trong hệ giá trị của hệ thống bia đá, đó là tư tưởng trọng hiền tài thông qua các tấm bia được dựng vào thời Lê Sơ (1428- 1527). Tư tưởng đó được thể hiện trên những bình diện: vai trò của hiền tài đối với quốc gia, cách thức tuyển chọn hiền tài, chế độ đãi ngộ và tôn vinh hiền tài,  yêu cầu đối với hiền tài và trách nhiệm của hiền tài đối với quốc gia. Đội ngũ người hiền tài được đào tạo dưới thời Lê sơ đã đưa nhà Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt, đạt tới vinh quang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thế kỷ XV.  
1. Đôi nét về Văn Miếu – Quốc Tử Giám và hệ thống bia đá
Văn Miếu – Quốc Tử Giám được coi là biểu tượng của văn hiến Việt Nam nói chung và biểu tượng của văn hiến Thăng Long nói riêng. Việc thành lập Văn Miếu vào năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông đã được chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.”(4;tr.384). Sáu năm sau, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất dưới triều vua Lý Nhân Tông, Quốc Tử Giám được thành lập. Sự kiện này, bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có ghi: “Lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó” (5,tr.334). Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn có hai chức năng cơ bản: chức năng tôn giáo và chức năng đào tạo nhân tài. Văn Miếu là nơi tôn vinh Đại Thành Chí Thành Tiên Sư Khổng Tử và các bậc tiên nho. Còn Quốc Tử Giám đóng vai trò là trung tâm đào tạo nhân tài. Sự khẳng định Quốc Tử Giám là trung tâm đào tạo nhân tài được thể hiện rõ nét qua câu đối tại nghi môn của Văn Miếu:
Đông Tây Nam Bắc do tư đạo
Công khanh phu sĩ xuất thử đồ
Tạm dịch:
Khắp cả bốn phương, đông, tây, nam, bắc chỗ nào cũng từ đạo này
Các bậc công, khanh, sĩ, đại phu đều từ con đường này mà ra cả (1;Tr.240)
Quy mô của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời phong kiến so với quy mô Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện tại không có sự thay đổi nhiều. Hiện tại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chiều dài hơn 300m và chiều rộng 70m được bao quanh bởi 4 con phố: Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học và Văn Miếu.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn bảo tồn và lưu giữ được rất nhiều di vật quý nhưng di vật có giá trị đặc biệt quan trọng chính là hệ thống bia đá. Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn giữ được 82 tấm bia được dựng từ năm Hồng Đức năm thứ 15 (1484) đến năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) ghi lại các khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779. Ngày 9/3/2010, hồ sơ 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới”. Sự công nhận này càng khẳng định thêm rằng: Hệ thống 82 tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hàm chứa rất nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, giáo dục, mỹ thuật…
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh trong hệ giá trị của hệ thống bia đá nơi đây, đó là tư tưởng trọng hiền tài thông qua các tấm bia được dựng vào thời Lê Sơ (1428 – 1527). Theo nghiên cứu của Giáo sư Đỗ Văn Ninh trong cuốn “Văn Bia Quốc Tử Giám Hà Nội” thì hiện tại, ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê Sơ còn 12 tấm bia được dựng từ năm Hồng Đức năm thứ 15 (1484) đến năm Quang Thiệu năm thứ 6 (1521). Chúng tôi tìm hiểu tư tưởng trọng hiền tài thời Lê Sơ qua hệ thống văn bia trên những bình diện: vai trò của hiền tài đối với quốc gia, cách thức tuyển chọn hiền tài, chế độ đãi ngộ và tôn vinh hiền tài và yêu cầu đối với hiền tài, trách nhiệm của hiền tài đối với quốc gia.
2. Tư tưởng trọng hiền tài thời Lê Sơ thông qua hệ thống văn bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
2.1. Vai trò của hiền tài đối với Quốc gia
Trong bài văn bia khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí là việc làm đầu tiên”(3; tr.84).
Đây là tư tưởng quan trọng nhất về văn hoá, giáo dục của Thân Nhân Trung. Tư tưởng trên khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với quốc gia, đội ngũ người hiền tài đem lại hưng thịnh cho đất nước. Có thể nói, trong lịch sử văn hoá, giáo dục trước đời Lê Thánh Tông, chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người hiền tài là nguyên khí quốc gia thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung, một câu tổng kết chính xác cho cả một đường lối chiến lược về văn hoá, giáo dục của bất cứ một thời đại nào, một chính thể nào.
Tiếp đến trong tấm bia ghi lại khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448), Đông Các Đại Học Sĩ Đỗ Nhuận cũng khẳng định: trọng hiền tài là một yếu tố quan trọng trong việc trị nước: “Việc trị nước của đế vương chẳng có gì lớn lao hơn là trọng nhân tài, phép tắc. Nhà nước rõ ràng hẳn phải đợi bậc hậu thánh, bởi trị nước mà không kén chọn nhân tài, gây dựng mà không nhờ ở hậu thánh thì đều là cẩu thả” (3;Tr.92).
Nguyên khí chính là gốc của trời đất, không có nguyên khí trời đất không thể vận hành. Cũng giống như vậy, quốc gia không thể vận hành mà không có hiền tài. Bài ký Bia số 5, khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6 (1478) cũng đã khẳng định tư tưởng này: “Hiền tài đối với quốc gia cũng như người có nguyên khí không thể một ngày không có
            Bài ký khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511) do Đông Các Đại Học Sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu Lê Trung soạn cũng khẳng định thêm những tư tưởng trọng người tài: “Trời đất sinh muôn vật tất phải nhờ có bốn mùa mới thành công. Đế vương chăm sóc muôn phương tất phải tìm nhiều người hiền để giúp việc. Cho nên, nhà Ngu không bỏ sót người hiền ở nơi thôn dã mới tiến lên cõi thái bình, nhà Chu có được nhiều người giỏi ở triều đình mới tiến cảnh thịnh vượng. Xuống các đời Hán, Đường, Tống những vua chăm lo trị nước không ai không coi việc dùng người hiền, kén kẻ sĩ là công việc cần làm trước tiên.”(3, tr.145). Lê Trung muốn khẳng định, dùng người tài là một nguyên tắc bất biến không thể không theo. Cũng giống như “trời đất sinh muôn vật tất phải nhờ có bốn mùa mới thành công”
2.2. Coi trọng đào tạo và kén trọng nhân tài qua khoa cử
Xác định vai trò của người tài quan trọng đối với đất nước là vậy. Nhưng làm sao để có được người tài và làm sao để chọn được người tài cũng được đề cập đến rất rõ ràng trong các bài văn bia thời Lê Sơ.
Bia số 4, khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận 7 (1466) viết: “Trời đất vô tâm mà nên đức hóa, nhờ bốn mùa để giúp công; thánh nhân hữu tâm mà không lầm, dùng người tài để giúp trị. Người tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn; phải có đào tạo sau mới có người tài…” (3; tr.106). Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng, người tài không thể tự nhiên mà có. Đoạn trích này đã cho chúng ta một chiến lược rõ ràng trong giáo dục, phải đặt công tác đào tạo lên hàng đầu. Tư tưởng này được tiếp nối trong bài ký khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 18 (1487): “Trời đã mở cho nhà nước cuộc thái bình muôn năm tất phải sinh ra người tài để giúp việc, vì rằng chính trị giáo hóa mà được thịnh vượng là nhờ có người tài giỏi. Người tài giỏi có nhiều là do ở việc bồi dưỡng giáo dục.”(3, tr.129).
Theo tư tưởng được thể hiện trong văn bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê Sơ thì cách tốt nhất để tuyển lựa nhân tài là qua con đường khoa cử: Vẻ vang thay đức Thái Tông Văn Hoàng Đế phúc nối nghiệp lớn, đức rạng nếp xưa, xem xét nhân văn, giáo hóa thiên hạ; lấy trọng đạo sùng Nho làm việc  trước, coi kén tài kính trời là chước hay. Người nghĩ rằng mở khoa thi, kén kẻ sĩ là việc phải làm trước tiên trong phép trị nước. Tô điểm cơ đồ, mở mang giáo hóa thịnh trị là nhờ đó. Sắp xếp chính sự, trau dồi tục hay cũng nhờ đó. Các bậc đế vương xưa đã làm nên sự nghiệp trị bình không ai không đi theo con đường ấy” (Bia số1, khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3, 1442)(3; tr.82).
Khoa cử cũng giúp cho nhà nước ngoài việc chọn được nhân tài còn có thể đánh giá chính xác tài năng cao thấp của từng người: “Khí vận của nhà nước quan hệ ở người tài mà người tài cao thấp là do ở khoa mục.” (Bia số 6, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức 9, 1481)(3;Tr.119).
2.3. Chế độ đãi ngộ và tôn vinh hiền tài
Để khuyến khích những nhân tài sau khi đỗ đạt đem hết khả năng phục vụ cho triều đình, nhà Lê Sơ đã có những chính sách tôn vinh, ban thưởng rất trọng hậu: “Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã quý chuộng bằng khoa danh lại tôn trọng bằng tước trật, ơn ban đã lớn vẫn cho là chưa đủ. Lại còn đề tên ở Tháp Nhạn, ban danh Long Hổ, mở tiệc Văn Hỷ, triều đình mừng được người tài. Không việc gì không làm tới mức cao nhất.” (Bia số1, khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3, 1442)(3;tr.84).
Trước hết, người hiền tài được lập bia khắc tên: “Khen chuộng hưng khởi đức ý hồn hậu, ân vinh thứ bậc, tiết mục rõ ràng, nghiêm trang rực rỡ hơn cả xưa nay. Khắc vào đá tốt, chép thực sự văn hoa, để chốn Hiền quan mà khuyến khích kẻ sĩ.”  (Bia số 2, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6, 1448)(3; tr.93).
Sáng kiến của vua Lê Thánh Tông ở chỗ ngoài việc lập bia khắc tên những người đỗ đại khoa, ông còn tiến hành đọc to tên người đỗ đạt cho thiên hạ rõ. Năm 1481, trong một kỳ thi Hội, sau khi đã thi Đình, nhà vua ngự ra điện Kính Thiên để làm lễ xướng danh, rồi cho viết tên người trúng tuyển lên giấy vàng, yết ra ngoài cửa Đông Hoa (tức cửa Đông kinh thành Thăng Long): “Ngày 22, vua ngự điện Kính Thiên. Loa truyền việc thi đã xong. Lễ quan mang bảng vàng yết ngoài cửa Đông Hoa cho sĩ tử xem lại. Lại ban mũ áo yến tiệc để tỏ lòng ưu đãi. Ân huệ thật là dồi dào” (Bia số 3, khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4, 1463)(3, tr.97). Người đỗ đại khoa được nhà vua thân hành ban cho áo mão và được dự yến tiệc của vua ban: “Ngày mồng 3 tháng 3, xướng danh treo bảng để tỏ rõ cho sĩ phu thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để biểu dương, cấp mũ đai xiêm áo để tô điểm, thết yến ở Quỳnh Lâm để tỏ ân huệ, cho ngựa tốt về quê để tỏ ý ân cần” (Bia số 1, khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3, 1442) (3, tr.83). Đây vừa là một đặc ân lớn lao cho người đỗ đạt vừa là niềm tự hào vinh hiển không chỉ cho riêng người đỗ mà cho cả họ hàng, làng xóm.
Bên cạnh đó, nhà nước sẽ tổ chức cho những người đỗ đạt được vinh quy bái tổ. Những bậc hiền tài được vua ban cho trở về bái lạy tổ tiên để tỏ lòng biết ơn chân thành đối với đấng đã có công sinh thành dưỡng dục, chia sẻ vinh quang với những người đã ân cần săn sóc mình trong những tháng năm miệt mài đèn sách.
2.4. Yêu cầu đối với hiền tài và trách nhiệm của hiền tài đối với quốc gia
Bên cạnh việc tôn vinh, đối đãi, ban thưởng rất trọng hậu cho hiền tài, nhà Lê Sơ cũng đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nhân cách của người hiền tài và trách nhiệm của bậc hiền tài đối với quốc gia khi đã tham gia vào bộ máy chính quyền: Kẻ sĩ mong được khắc tên lên bia đá này tất phải làm sao “danh” xứng với “thực”, sửa  đức hạnh, yên phận mình, bắt chước Văn Hiến giữ lòng, đừng theo lòng quay quắt của Công Tôn, đức thanh liêm phải như Triệu Duyệt Đạo, tính cương trực phải như Phạm Cảnh Nhân. Người ở chức Thị Tụng thì phải nghĩ sao để dâng được mưu hay. Người nắm việc kỷ cương thì nghĩ sao khiến chính sự trong sạch. Người cai trị địa phương thì lo làm sao làm tỏ đức vua mà thấu tình dân. Người giữ quyền chăn dân thì lo sao cho đủ dân  sinh mà bền gốc nước.” (Bia số 3, khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4, 1463) (3, tr.99). Đông các Hiệu thư Đào Cử, người soạn bài văn bia này đã đưa ra một phạm trù trở thành tư tưởng chỉ đạo cho các bậc hiền tài sau khi đã được ghi danh trên bảng vàng, bia đá đó là vấn đề giữa “Danh” và “Thực”. “Danh” phải xứng với “Thực”. “Danh” đã có, đã được tôn vinh thì “Thực” chính là danh tiết và việc làm cụ thể của hiền tài trong việc phò vua giúp nước.
Những bậc hiền tài phải dốc hết lòng đem tài “kinh bang tế thế” đem lại lợi ích cho dân cho nước:“Đề tên bia đá là để ghi nhớ việc tốt, lưu truyền về sau, lẽ nào lại khi có khi không được? Những người được đề tên trong thời gian ấy tất phải suy nghĩ để hiểu ý dựng bia của triều đình ở chỗ là càng ngày càng cố gắng làm con hiếu, tôi trung, ngày thường thì dám nói ngay, can thẳng, tôn trọng nhà vua, làm lợi cho dân. Lúc có việc thì phải vì nước mà quên nhà, thấy nguy thì không tiếc tính mạng, khiến người đời chỉ từng tên mà nói: “Người này trung, người này trực, người này biết tiến cử người thiện, ruồng kẻ tà, có ích cho nước, người này giữ vẹn danh tiết bề tôi, không hổ với khoa mục. Như thế bia đá càng lâu càng không mòn.” (bài ký khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 9 (1468) (3, tr.120). Trách nhiệm của hiền tài tiếp tục được đặt ra trong bài ký khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức, năm thứ 18 (1487): “Những người có tên trên tấm bia này hân hạnh biết bao! Phải nên trung nghĩa hẹn lòng, danh thực là một, thi hành những điều đã học để nên sự nghiệp to lớn vẻ vang khiến cho thiên hạ đời sau trông ngóng thanh danh mà kính mến là bậc hiền liệt, may ra trên không phụ ơn nuôi dưỡng của triều đình, dưới không uổng chí thờ vua giúp nước mà đời mình ấp ủ. Được như thế thì tấm bia này sẽ mãi mãi không mòn.” (3, tr.131).
Bên cạnh phạm trù “Danh” và “Thực”, bài ký Khoa thi Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511) còn đưa ra phạm trù “Ngọc” và “Đá” để giáo dục danh tiết cho bậc hiền tài: “Nếu ai ngoài là ngọc, trong là đá, tiếng như phượng hoàng mà cánh tựa diều hâu, bẻm mép như bôi cột mỡ mềm mại như nhẫn đeo tay thì người đời sau sẽ chê rằng: kẻ ấy học lối xiên lệch giống như Công Tôn Hoằng, kẻ này phản lại kinh điển giống như Vương An Thạch” (3, tr.147).
3. Nhận xét chung
Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, chấn hưng giáo dục là chìa khoá mở cửa vào tương lai dân tộc. Văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò quan trọng đối với sự nghiệp chung của đất nước. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ, và luôn luôn minh chứng lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài
            Trong lịch sử Việt Nam, triều Lê sơ có đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thời phong kiến: “Từ khoa thi Hội đầu tiên vào năm 1442 đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1526, nhà Lê Sơ đã mở 26 khoa thi đào tạo được 988 tiến sĩ. Đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông là đỉnh cao nhất của chế độ giáo dục, thi cử trong toàn bộ thời kỳ phong kiến Việt Nam. Chỉ riêng 37 năm dưới triều vua Lê Thánh Tông, có 12 khoa thi Hội với 501 người thi đỗ tiến sĩ, trong đó có 10 người đỗ Trạng nguyên. Nếu đem con số ấy so sánh với tổng số 2325 người đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ từ nhà Lý đến Duy Tân, trong đó có 30 người đỗ Trạng nguyên, thì thấy rằng chỉ trong vòng 37 năm dưới triều Lê Thánh Tông, số Tiến sĩ đã chiếm đến 20%, trong đó số Trạng nguyên chiếm trên 30% tổng số Tiến sĩ và Trạng nguyên trong toàn bộ lịch sử khoa cử thời phong kiến nước ta.” (3, tr.387).
            Chính vì có chính sách đào tạo, kén chọn người tài và đối đãi với người tài rất trọng hậu mà thời Lê Sơ đã sản sinh ra rất nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Đội ngũ trí thức Nho học - sản phẩm giáo dục khoa cử thời Lê sơ như Bùi Xương Trạch, Đào Công Soạn, Bùi Cầm Hồ, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Như Đổ, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh…trở thành những trụ cột góp phần đưa quốc gia phong kiến Đại Việt phát triển cường thịnh trên nhiều mặt.
            Về chính trị: Bộ máy quan liêu hành chính và chuyên môn thời Lê sơ được kiện toàn từng bước. Trong triều đình, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhà vua là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu là Thượng thư, giúp việc có 2 Thí lang. Bên cạnh đó, còn có Lục khoa với chức năng theo dõi, giám sát và Lục tự với chức năng điều hành. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc tử giám, Nội thị sảnh… Đội ngũ nhân tài đứng đầu các khoa thi đã được sử dụng vào vị trí các chức quan quan trọng như Thượng thư Bộ Hộ Vũ Hữu, Thượng thư Bộ Hộ Đào Công Soạn, Đô ngự sử Bùi Xương Trạch, Hàn lâm viện Đại học sĩ Vũ Vĩnh Trinh, Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Thiên Túng, Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trực, Thượng thư Bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nguyễn Như Đổ, Đô ngự sử Lương Như Hộc…
            Về ngoại giao: Thời Lê sơ lĩnh vực bang giao với nhà Minh vẫn rất phức tạp như các vấn đề giải quyết hậu quả sau cuộc chiến, vấn đề biên cương trên đất liền và biển đảo, buôn bán, cống nạp…Tất cả các việc ngoại giao được triều đình trao cho các Tiến sĩ, Trạng nguyên đảm nhiệm và họ đều hoàn thành tốt như Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ 3 lần đi sứ, thám hoa Quách Đình Bảo…
            Về xã hội: Xã hội Đại Việt thời Lê sơ là một xã hội tương đối ổn định và phát triển, đồng thời là một xã hội mang tính đẳng cấp đã chín muồi. Có hai đẳng cấp chính: quan liêu và thứ dân. Quan liêu là đẳng cấp cầm quyền, cai trị, đồng thời cũng được coi là tầng lớp ưu tú của xã hội, yêu nuôi và giáo hóa dân chúng. Đội ngũ quan chức thời Lê sơ là những tri thức Nho sĩ được tuyển lựa kỹ lưỡng (chủ yếu qua khoa cử), được rèn luyện và kiểm soát chặt chẽ (bởi nhà vua, các quy chế, bộ Lại và chế độ khảo khóa). Đầu thời Lê sơ, các công thần chủ yếu là quan võ (tham gia từ đầu cuộc khởi nghĩa), sau dần dần chuyển sang các quan văn (những người đỗ đại khoa). Với việc mở rộng khoa cử, các Nho sĩ trí thức bình dân đã có điều kiện tham gia chính quyền, tạo nên sự bình đẳng tiến thân. 
            Về văn hóa: Chính việc trọng người hiền tài cũng như nền giáo dục khoa bảng phát triển vào thời Lê sơ đã đào tạo được đội ngũ nhân tài đáng kể cho đất nước. Họ chính là chủ nhân của dòng văn hóa bác học, có đóng góp nhiều cho văn hóa dân tộc ở các lĩnh vực văn học, sử học, địa lý học, toán học, y học… như các công trình Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh,Thiên Nam ngữ lục của Đỗ Nhuận, Bản thảo thực vật toát yếu của Phan Phu Tiên, Bảo anh lương phương của Nguyễn Trực, Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh …
            Thiết nghĩ, những tư tưởng trọng hiền tài thời Lê Sơ cũng vẫn là những viên ngọc sáng, chắc hẳn sẽ tồn tại mãi với thời gian và góp phần tích cực vào trong quá trình xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo của nước nhà nói chung và Thăng Long- Hà Nội nói riêng trong thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, tiến đến thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu.

ĐỖ TRẦN PHƯƠNG - NGUYỄN THÀNH NAM

Tài liệu tham khảo
1. Phạm Văn Khoái (2004), Giáo trình Hán Nôm dành cho du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2. Phan Huy Lê (2007), Lịch sử và Văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
3. Đỗ Văn Ninh (2001), Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông Tin, Hà Nội.
4. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2001), Đại Việt Sử ký Toàn Thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Khâm định Việt Sử Thông giám cương mục, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel