Ưu tiên cho học sinh nội trú
Do việc đi lại gặp nhiều khó khăn, trường lại xa làng, bản
nên hầu hết học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của
tỉnh đã theo học tại các trường dân tộc nội trú và các lớp nội trú dân nuôi. Hiện
toàn tỉnh có 9 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với 82 lớp học dành cho 2.600 học
sinh. Để tăng khẩu phần ăn, bảo đảm sức khoẻ cho học sinh, đáp ứng được yêu cầu
học tập và sinh hoạt tại các trường Dân tộc nội trú, từ năm 2006, Nhà nước đã
tăng mức trợ cấp cho mỗi học sinh từ 160 lên 280 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, học
sinh còn được hỗ trợ đồ dùng học tập, các vật dụng trong sinh hoạt, tiền tàu xe
vào các dịp hè và nghỉ tết; Được chi toàn bộ tiền điện, nước và kinh phí tổ chức
các hoạt động văn hóa, thể thao để nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện.
Bên cạnh mô hình các trường dân tộc nội trú được sự hỗ trợ
của Nhà nước, để tạo thêm điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số tại các xã đặc
biệt khó khăn được đến lớp, tỉnh Lào Cai đã mở các lớp nội trú dưới hình thức
dân nuôi. Do Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đối với học sinh nội trú dân
nuôi nên tỉnh đã tiến hành lồng ghép hình thức giáo dục này với việc thực hiện
dự án củng cố và phát huy hiệu quả phổ cập giáo dục tiểu học để hỗ trợ cho mỗi
học sinh bậc Tiểu học và THCS theo hình thức nội trú dân nuôi 10 nghìn đồng/tháng
thực học. Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn
thuộc diện nội trú nhưng theo học tại các trường công lập, bán công được hỗ trợ
50% mức trợ cấp cho học sinh các trường nội trú chính quy. Đồng thời, thực hiện
công tác xã hội hóa giáo dục, tỉnh đã vận động chính quyền và người dân đóng
góp vật chất và ngày công lao động hỗ trợ cho các lớp dân nuôi. Toàn tỉnh hiện
có 160 trường học các cấp có mô hình nội trú dân nuôi với gần 700 lớp học dành
cho 7.600 học sinh nội trú.
Những hạn chế cần được khắc phục
Để việc thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh là
con em của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được thực
hiện theo đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với tình hình của tỉnh, Ban dân
tộc HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tại một số địa phương và đơn vị liên quan.
Bên cạnh những việc đã làm được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế trong
việc thực hiện chính sách hỗ trợ với học sinh các trường dân tộc nội trú và học
sinh các lớp nội trú dân nuôi. Đó là việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ
của Nhà nước ở một số trường dân tộc nội trú chưa tốt: Một số trường triển khai
cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập chậm nên phụ huynh học sinh phải tự mua
cho con em mình; Một số trường thực hiện chế độ trợ cấp và các hỗ trợ khác chưa
đúng với thời gian quy định và mức đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, điều kiện
sinh hoạt và học tập của học sinh một số lớp nội trú dân nuôi còn nhiều khó
khăn. Hiện mới có một số trường ở Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà tổ chức nấu
ăn tập chung cho học sinh nội trú, số còn lại học sinh tự tổ chức nấu ăn theo
nhóm nên chất lượng bữa ăn không được bảo đảm. Mặt khác, một bộ phận nhân dân
do trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên đóng góp cho học sinh nội trú dân nuôi rất
ít...
Để khắc phục những hạn chế trên cần đến giải pháp đồng bộ của
các cấp, các ngành. Trước sự biến động của giá cả thị trường, Nhà nước cần tăng
mức hỗ trợ cho học sinh ở các trường dân tộc nội trú, đồng thời mở rộng phạm vi
hỗ trợ về kinh phí xây dựng nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và một phần trong định
mức sinh hoạt đối với học sinh nội trú tại các xã đặc biệt khó khăn. Việc xét
duyệt đối tượng được hưởng trợ cấp và hỗ trợ của Nhà Nước cần được tỉnh tiến
hành nhanh, gọn nhưng vẫn phải bảo đảm công khai, công bằng và đúng quy định. Tỉnh
Lào Cai cũng cần xúc tiến nhanh hơn chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho học sinh
các lớp nội trú dân nuôi; Mức hỗ trợ cần được nâng từ 10 đến 20 nghìn đồng/tháng
thực học của một học sinh. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách đầu tư đồng bộ để tổ
chức hình thức đào tạo liên thông, tạo điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số
tiếp tục được theo học ở cấp THPT. Ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động các tổ chức và nhân dân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác
xã hội hóa hoạt động giáo dục.
Nguồn: Người đại biểu Nhân Dân
No comments:
Post a Comment