CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế - xã hội

| | 0 nhận xét
Với 54 dân tộc, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là đông nhất, chiếm 86,2% dân số (khoảng 74 triệu người), các dân tộc khác chiếm 13,8% (khoảng 12 triệu người). Đa số các dân tộc thiểu số đông dân nhất sống ở miền núi và vùng sâu, vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cùng nhau phát triển. Sự phát triển của từng dân tộc luôn gắn chặt với sự phát triển chung của đất nước, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đòi hỏi phải tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về an ninh - quốc phòng. Đây là một trong những nhân tố quy định cho sự phát triển bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc ở nước ta không đều nhau. Dân tộc Kinh đông nhất và là dân tộc phát triển nhất, là lực lượng chủ yếu, trong phát triển kinh tế - xã hội. Một số dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng,… có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao, trong khi nhiều dân tộc thiểu số trình độ phát triển còn thấp. Thực tiễn cho thấy, nhìn chung, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số còn thấp, lạc hậu, khoảng cách về sự phát triển; khoảng cách về giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng.

Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, Đảng ta cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần: “Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Có thể thấy, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc ngày càng sáng tỏ, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương và thực hiện chính sách dân tộc nhất quán, với những nội dung cơ bản là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Trên nền tảng đó, tình hình miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản đã được Hiến pháp xác định và được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điểm đáng chú ý, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Nếu như Quốc hội khoá XI, số đại biểu Quốc hội có 68 đại biểu trong tổng số 498 đại biểu, chiếm 13,65%, thì đến Quốc hội khoá XII, số lượng này đã tăng lên 78 đại biểu trong tổng số 493 đại biểu, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số lên 15,82%.... Tình đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố, góp phần quan trọng để hình thành và phát triển kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc, tạo nền tảng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư như Chương trình 135 về Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (Nghị quyết 30a của Chính phủ); chính sách định canh định cư; chính sách trợ giá;… đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng dân tộc và miền núi luôn đạt tỷ lệ 8 - 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/năm. Không còn hộ đói kinh niên; công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả to lớn, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010; bình quân mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo. Các huyện vùng dân tộc đã có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Nhờ đó, các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi, đồng bào dân tộc khám, chữa bệnh được thuận lợi hơn. Đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển phong phú hơn, nâng cao hơn. Văn hoá truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hiện, đã có 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã...

Cũng theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đã hoàn thành, và đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về vấn đề giáo dục, theo Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ Giáo dục và Ðào tạo, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đang ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh các dân tộc. Kết thúc năm học 2009-2010, cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú gồm: 6 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 294 trường thuộc tỉnh và 239 trường huyện với khoảng 84 nghìn học sinh dân tộc theo học. Năm học 2009-2010 có 5.506/5.919 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú thi đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 93,02%. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá của các trường đạt hơn 95%. Để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng Dự thảo Hướng dẫn thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những hạn chế, đó là: Kinh tế ở miền núi và các vùng đồng bào dân tộc vẫn còn chậm phát triển; tập quán canh tác còn lạc hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất còn hạn chế. Các nhà máy chế biến nông sản chưa nhiều, làm cho chất lượng lượng sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở như giao thông thấp, làm cho việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Tuy thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện đáng kể (4,2 triệu đồng/năm), nhưng so với bình quân chung của cả nước (25,2 triệu đồng), thì khoảng cách thu nhập còn khá lớn (thấp hơn 6 lần). Mặt khác, tốc độ bình quân giảm nghèo mỗi năm từ 3-4%, năm 2010 chỉ còn 28,8% hộ nghèo, nhưng còn khá cao so với bình quân chung của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%). Điểm đáng chú ý, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục.

Hệ thống giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế tuy đã được đẩy mạnh, nhưng nhìn chung, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển. Một số bản sắc tốt đẹp trong văn hoá của không ít dân tộc thiểu số đang bị mai một. Mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào còn thấp. Mặt khác, do trình độ dân trí còn thấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý nhìn chung thiếu, yếu về năng lực tổ chức, làm cho năng lực chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị ở nhiều vùng dân tộc và miền núi chưa cao....

Để “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; Đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; Cần tiếp tục nghiên cứu ban hành những chính sách mới để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, đáp ứng được yêu cầu mới; Đa dạng hoá nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án đầu tư ngoài việc tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng cơ sở để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, cần xác định những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư như xoá đói giảm nghèo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng thiết chế văn hoá,… ở vùng dân tộc và miền núi. Nhanh chóng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc trên cơ sở xây dựng được chiến lược quy hoạch cán bộ; Tăng cường lực lượng cán bộ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực có năng lực, phẩm chất đến công tác ở vùng dân tộc; Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; Đẩy mạnh công tác vận động đồng bào dân tộc, thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng nhiều hình thức, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản./.

Hiền Anh
http://cpv.org.vn

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel