Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà
Bình, nơi sinh sống của hầu hết là dân tộc Thái, đã vượt qua cái đói nghèo trở
thành một làng văn hoá tiêu biểu của tỉnh Hoà Bình, nổi danh với sự kết hợp hài
hoà: Làng văn hoá, làng du lịch.
Bản Lác cách trung tâm xã 15 km và cách phố Vãng (nay là thị trấn Mai
Châu) 2 km, có địa hình thuận lợi cho đi lại, tham quan, du lịch. Bản Lác có
diện tích đất tự nhiên 429 ha, đất canh tác 33,9 ha, trong đó đất trồng lúa
24,1 ha, còn lại là đất trồng cây mầu và chuyên dụng khác. Cả bản có 112 hộ,
trong đó có 110 hộ sản xuất nông nghiệp.
Theo tài liệu lịch sử, người
Thái ở Mai Châu ngày nay (trong đó có bản Lác) thiên di về đây khoảng 600 năm.
Lịch sử sinh, tồn đã hun đúc cho người Thái bản Lác truyền thống đoàn kết,
tương thân, tương ái để cùng nhau sinh sống, làm ăn, xây dựng bản làng từ bao
nhiêu đời nay.
Mô hình kinh tế ở bản Lác là
hợp tác nông-lâm nghiệp chăn nuôi và dịch vụ (trong đó nổi lên là dịch vụ du
lịch). Trên cơ sở đó vận hành theo phương thức khoán gọn đến từng hộ gia đình,
điều tiết sản xuất, phân phối nhằm mục đích nâng cao mức sống của nhân dân, đảm
bảo cân đối giữa lợi ích của người lao động và lợi ích tập thể. Nhờ đó, kinh tế
ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể trong những năm gần
đây, như năm 2003 đạt 480 kg thóc/người và 3 triệu động/người; đến năm 2007 đạt
580kg thóc/người và 6,5 triệu đồng/người.
Nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò,
lợn, gà, dê, thả cá... Có hộ trồng dâu, nuôi tằm, hàng năm thu bình quân 1,5
tấn kén, đồng thời trồng bông làm nguyên liệu để dệt thổ cẩm, hàng năm tiêu thụ
100.000 mét vải cho khách du lịch và bán ra thị trường. Một số hộ tận dụng rơm
rạ để sản xuất nấm. Đặc biệt đã từ nhiều năm nay, học tập các hộ đi đầu làm du
lịch, hiện nay số đông các hộ đã đăng ký kinh doanh du lịch, làm thêm nhà nghỉ,
mua sắm thêm các tiện nghi tốt hơn để phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi, ăn uống,
bán quà lưu niệm, hàng thổ cẩm, mỹ nghệ... tạo nguồn thu đáng kể, góp phần nâng
cao mức sống của nhân dân.
Từ chỗ là một bản nghèo đói trong
những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay bản Lác đã đổi thay nhiều, vươn lên cải
thiện đời sống, số hộ có xe máy 75%, dùng điện nước 100%, sử dụng nước sạch
71%, có ti vi 98%, có điện thoại 80%, nối mạng Internet 9%... Về văn hoá, xã
hội đã có thay đổi to lớn. Nhiều người dân nơi đây còn nhớ cách đây hơn hai
chục năm bản Lác còn là một bản nghèo, đói, bỗng nổi lên sự kiện phát hiện bãi
vàng ở địa phận bản. Vàng không nhiều nhưng cũng làm chao đảo một bản nhỏ vốn
an lành. Từ đây nhiều tệ nạn xã hội len lỏi vào bản Lác: Say rượu, đánh nhau,
cờ bạc xảy ra trên địa bàn, con em bỏ học đi làm vàng, chẳng có mấy học sinh
học hết trung học phổ thông cơ sở... Bãi vàng tan để lại cho bản Lác tàn phế
nặng nề. Sau nhiều năm, cán bộ, nhân dân bản Lác mới dần dần vực lại phong trào
xây dựng bản. Con đường đi lên là trở lại với truyền thống đoàn kết, tương thân
tương ái, từng bước củng cố các tổ chức đoàn thể, chăm lo phát triển kinh tế,
xây dựng đời sống văn hoá, quan tâm đến việc học hành của con em.
Xây dựng bản Lác phát triển
toàn diện theo tiêu chí của các làng văn hoá. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hoá” thật sự là luồng gió lành, tiếp thêm cho bản Lác sức
sống mới. Bản Lác xây dựng quy ước, hương ước, xây dựng nhà văn hoá, xây dựng
sân vận động, đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao, xây dựng 2 đội bóng đá, 2
đội bóng chuyền, 4 đội văn nghệ quần chúng. Đó là các thiết chế, các tổ chức
hoạt động phục vụ đời sống văn hoá, giáo dục thể chất của bà con trong bản,
đồng thời cũng là lực lượng phục vụ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ theo yêu cầu
của du khách. Con em ở bản Lác đi học đến năm 2008 đã có 10 em tốt nghiệp đại
học và một số các em đang học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp ở các trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Đến thời điểm này, người dân
bản Lác đã tự hào với những kết quả đã giành được trong cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” không còn tệ nạn xã hội như nghiện hút ma
tuý, mại dâm, trộm cắp... Bản làng sống trong sự an vui thanh bình làm an lòng
du khách gần xa và đã được nhiều du khách khen ngợi cảnh đẹp của bản và phong
cách văn minh, hiếu khách của dân bản.
Với những thành tích đã đạt
được, bản Lác đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, phần thưởng của các cấp,
các ngành và đặc biệt tại Hội nghị biểu dương làng văn hoá tiêu biểu của tỉnh
Hoà Bình lần thứ nhất tổ chức tháng 11/2008, bản Lác đã vinh dự được tuyên
dương làng văn hoá tiêu biểu của tỉnh Hoà Bình giai đoạn (2003-2008) và nhận
Bằng khen và phần thưởng của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình./.
No comments:
Post a Comment