Lâu nay, ở Tây Nguyên người ta thường biết đến người
đánh cồng chiêng là những chàng trai của buôn làng. Nhưng ở thị trấn Buôn Trấp,
huyện Krông Ana (tỉnh Đắc Lắc) có một đội chiêng toàn nữ “độc nhất vô nhị”.
Trước năm 1945, sống dọc theo sông Krông Ana, Krông Nô có khoảng 10.000
người Êđê Bih. Khi hỏi về nguồn gốc dân tộc mình thì họ trả lời “Bih Jhô”,
nghĩa là “người Bih đánh chiêng Jhô”. Với người Êđê Bih-một trong 5 dòng Êđê ở
Tây Nguyên, đánh chiêng trong các lễ hội nhất định phải là phụ nữ. Ông Lương Thế
Hằng-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Krông Ana cho biết: Người Êđê Bih
ở Buôn Trấp theo chế độ mẫu hệ và không cho đàn ông tập chiêng. Vì thế, truyền
thống đánh chiêng ở đây được truyền từ đời này qua đời khác cho những người phụ
nữ.
Đón chúng tôi tại nhà sinh hoạt
văn hóa cộng đồng Buôn Trấp là 7 “sơn nữ” đã qua tuổi thanh xuân với bàn tay
gầy guộc, mái tóc điểm bạc và khuôn mặt đầy nếp nhăn. Tất cả đều biết đánh
chiêng, đánh trống từ những ngày thơ bé theo mẹ, theo chị đi dự hội làng. Vừa
gặp mặt, người chơi trống già nhất trong đội là bà H’ Săn Ê Ban (gần 70 tuổi)
vội trần tình: “Mình đang ở ngoài nương xa lắm, nhưng có đứa cháu đến tìm bảo
có khách xa muốn nghe chiêng là mình bỏ nương về đây liền”. Nói xong, bà vui vẻ
gọi mọi người đi thay trang phục truyền thống để biểu diễn cho chúng tôi xem.
Với đội chiêng nữ Buôn Trấp,
tiếng trống là linh hồn dẫn dắt nhịp điệu các bài chiêng và sau đó tiếng chiêng
hòa theo nhịp trống. “Tùng, tùng, tùng...”, tiếng trống bà H’Săn vang lên, 6
người đàn bà trong trang phục truyền thống cầm chiêng hòa theo như một dàn
nhạc. Khi những chiếc dùi (bằng tre, bọc cao su) lần lượt gõ vào núm chiêng,
những tiếng nhạc cất lên nghe như tiếng hát từ đồng ruộng trở về. Bài chiêng
“Drôk tuê-đón khách” mở đầu với âm điệu chậm, nhẹ nhàng chào mừng khách đến
nhà. Đến bài “Tuh mdiê-cúng lúa mới” thì tiếng chiêng nhộn nhịp đuổi nhau,
nhưng tới bài “Tuh khinêa-cúng bến nước” thì nhịp điệu lại trầm lắng... Dường
như tiếng chiêng đã trở thành máu thịt của họ, tất cả hòa lên nhịp điệu cuộc
sống buôn làng. Mỗi bài chiêng được thể hiện trong những không gian lễ hội khác
nhau của buôn làng. Bài “Đón khách” đánh lên để mời khách dùng rượu cần trong
các lễ hội, bài “Cúng lúa mới” đánh vào dịp mùa thu hoạch (tháng 11, 12) và bài
“Cúng bến nước” đánh khi mùa thu hoạch xong (tháng 3) để cúng Giàng (trời).
Buôn Trấp hiện có khoảng 10 bài chiêng thể hiện các lễ hội khác nhau.
Ông Y Rem Ê Ban cho biết: ở
Buôn Trấp có 2 loại chiêng là chiêng K’nah (chiêng nam) và chiêng Jhô (chiêng
nữ). Các chị, em gái của ông được tập từ nhỏ, còn ông cũng như bao chàng trai
trong làng phải lên nương rẫy. Bộ chiêng nam có 10 chiếc, trong đó chiêng lớn
có núm Cúng Ana là mẹ, chiêng bằng K’nah Di (chị cả), chiêng bằng H’liang (chị
hai), chiêng H’luê H’liang (chị ba)... và trống H’gơr là bà. Còn bộ chiêng nữ
nhỏ và nhẹ hơn với 6 chiếc (tất cả đều có núm ở giữa) cũng được phân ra thành 3
cặp chiêng mẹ, chiêng con, chiêng bố như trong một gia đình. Hai chiêng nhỏ
nhất đầu tiên là chiêng mẹ, hai chiêng ở giữa là chiêng con và hai lớn nhất là
chiêng bố. Cùng với chiếc trống bắt nhịp, ba cặp chiêng tạo nên những hợp âm
khác nhau: Hợp âm Ana (cái)-Amí (mẹ), hợp âm Mdú (con)-Anac (con trai hoặc gái)
và hợp âm Kano (đực)-Ama (bố). Chính vì thế, khi những tiếng chiêng vang lên là
tiếng lòng người phụ nữ nói với đất trời, tổ tiên và gia đình.
Đội chiêng nữ Buôn Trấp bao giờ
cũng có 7 người, trong đó 6 người đánh chiêng và một người đánh trống dẫn nhịp.
Khi tiếng trống dạo đầu vang lên thì 2 chiêng mẹ bắt nhịp theo, rồi đến 2
chiêng con hòa nhập đi theo và chiêng bố vang lên cuối cùng. Cứ thế, âm điệu
bài chiêng liên tục quay vòng từ chiêng mẹ đến chiêng con, chiêng bố rồi trở
lại chiêng mẹ. Tùy theo âm điệu bài chiêng, người đánh trống sẽ đánh nhịp
nhanh, chậm và cao, thấp khác nhau rồi đội chiêng tuần tự bắt nhịp theo. Mặc dù
có phân công rõ ràng người chơi chiêng mẹ, chiêng con và chiêng bố, nhưng trong
đội ai cũng biết đánh tất cả các loại chiêng để có thể thay thế nhau khi cần.
Ông Y Rèm Ê Ban cho biết, đánh trống là việc khó nhất khi diễn tấu các bài cồng
chiêng và hiện nay trong đội chỉ có mẹ của ông là bà H’săn Ê Ban biết đánh
trống./.
Đức Công
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)
No comments:
Post a Comment