CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Rừng xuân Tây Bắc

| | 0 nhận xét
Núi ngàn Tây Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và đam mê, quyến rũ. Song mùa xuân có một vẻ đẹp không mùa nào có được. Trên nền xanh non mướt mát căng đấy nhựa sống, là những sắc mầu tinh khôi, hài hòa đến tuyệt đỉnh của các loại hoa rừng, mà mỗi sắc mầu, mỗi hương thơm như thấm đẫm, tan hòa trong thiên nhiên, trong mỗi bản mường, trên muôn sắc mầu thổ cẩm tay búp măng rừng thêu dệt, trên sắc má đào thơm thơm thiếu nữ và trong ánh mắt cười lung linh của người già, trẻ nhỏ, đơn sơ mộc mạc thế.thôi nhưng say đắm lạ kỳ.
Tây Bắc núi non trùng điệp. Khi nàng xuân khoác tấm áo choàng như sương như khói nương ánh bình minh lướt trên đỉnh núi, lòng thung, bàn tay dịu hiền, ấm áp như bàn tay thân thương của bà, của mẹ, của em chạm vào vạn vật. Đất bỗng chuyển mình trong cồn cào sinh nở, những rừng cây thu mình lại tránh cái giá rét của mùa đông giá như thoáng ngỡ ngàng rồi bừng tỉnh e ấp những chồi xanh, những dòng suối đang nhẹ nhàng róc rách thì thầm bản tình ca mùa đông, bỗng reo vui ngời muôn ánh bạc, trên những cành cây xù xì thô ráp chợt hé muôn nụ xuân, ngơ ngác trước sự hoàn sinh diệu kỳ của vạn vật, rồi đua nhau bừng nở những bông hoa đầy hương sắc chào xuân mới.
Xuân Tây Bắc ngàn thứ hoa rừng, những hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa ban, hoa chuối, hoa dó, các loại lan rừng... những loài hoa có tên và không tên. Khắp núi ngàn như được dát bằng một tấm thảm nhung gấm đủ sắc mầu, ngây ngất hương thơm, lan toả một sức sống diệu kỳ bất tận. Mỗi làn gió xuân nhẹ thổi, muôn sắc mầu lại hân hoan, nao nức trong những đợt sóng xanh reo vui đuổi nhau xa tít tắp. Những bông hoa dập dờn, thấp thoáng như muôn ngọn lửa ấm áp. Nếu hoa lê, hoa mận, hoa ban, hoa dó... trắng đến nao lòng, thì hoa đào phớt hồng lại như gợi bao nỗi niềm về một mùa hò hẹn. Mùa hoa mận đến sớm nhưng thật là độc đáo, vừa mới chiều qua đấy thôi, những nụ hoa còn e ấp, chúm chím nét cười duyên trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai)... cho lòng người cứ thấp thỏm đợi chờ, vậy mà sáng xuân nay đã mênh mông một mầu trắng đến nghiêng cả đất trời. Cái khoảng khắc diệu kỳ đến nao lòng ấy để lại trong ta một ấn tượng khó phai. Chỉ một bước chân mà cái khoảng cách của hai mùa Đông - Xuân bỗng trở thành gần gũi. Còn sắc hồng phơn phớt của hoa đào Tây Bắc lại như một thông điệp của mùa xuân. Đào Tây Bắc không rực rỡ kiêu sa, nhưng lại đi vào chiều sâu của không gian và thời gian và tình người đằm lắng. Những cánh hoa đơn hồng nhạt, dung dị, mà không kém phần thanh cao ấy chuyên chở cả mối tình bất tử. Người xưa đã dùng dòng máu từ trái tim yêu nhuộm thắm những bông hoa trên tấm thổ cẩm dệt bằng khát vọng một tình yêu trắng trong chung thủy mãi hồng trên khắp non ngàn và trái tim của người Tây Bắc. Người Mông Tây Bắc còn gọi hoa này là “Tớ Dảy”, người Mông có câu: “Làm mùa xem hoa tớ dảy/ Xây lứa đôi xem bàn tay”. Hội chơi núi đầu xuân “Sài sán”, từng đôi trai gái Mông ô hồng nghiêng chao, đôi mắt huyền tình tứ, sắc hoa đào hồng trên má thắm, tiếng khèn, đàn môi, kèn lá thổn thức cả rừng xuân. Du khách chỉ một lần được chiêm ngưỡng hoa đào Tây Bắc chắc sẽ không khỏi trầm trồ thán phục vẻ đẹp dung dị nhưng thánh thiện ấy, để rồi ký ức cứ ùa về rộn rã trong nhịp vó ngựa của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ gửi nhành đào báo tiệp tới Ngọc Hân công chúa và cứ tự hỏi: Có phải tự ngàn xưa hồn thiêng dân tộc đã hòa trong sắc hoa đào, nên những cánh hoa đào rơi như những giọt nước mắt hồng, khi quân giặc treo và bắn người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính vì không chịu chỉ nơi ở của du kích, cùng những hạt mầm của cây đào Tô Hiệu xanh biếc trên đá xám nhà giam đã bừng nở những mùa xuân bất diệt cho dân tộc.
Nếu hoa đào được coi là hoàng hậu của mùa xuân, thì hoa ban lại được coi là hoa của tình yêu, của lòng hiếu thảo. Người Thái Tây Bắc có bao nhiêu câu chuyện tình về hoa ban, câu chuyện nào cũng thấm đẫm một khát vọng về tự do hôn nhân và tình yêu đôi lứa. Mỗi bông hoa năm cánh trắng ngần tỏa hương thơm dịu như búp tay em, trên nền lá xanh trung trinh hình tim hai nửa. Có phải vậy không mà từ bàn tay em gọi lúa lên xanh, gọi ngô mẩy hạt, bông ngời sắc trắng, hóa thân trong muôn sắc mầu thổ cẩm, đến những dòng suối già nua trầm tư kia mỗi khi tay em hồn nhiên khỏa nước, bỗng thổn thức một trái tim yêu trẻ trung cháy bỏng một ước mơ hạnh phúc vẹn tròn. Trong hội hái hoa ban, những đôi yêu nhau gửi gắm bao ước nguyện trong mỗi nhành hoa trao nhau: “Hoa ban nở, hoa ban tàn/ Tình ta đẹp như hoa ban/ Còn dài lâu thì như hoa nào/ Hỡi người ta yêu...”. “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/ Không thấy ngày ban tàn/ Mãi mãi như mùa ban bắt đầu, ngày ta yêu nhau”. Cũng vì vậy người Mông Tây Bắc gọi hoa ban là: “Pà lầu”, pà là hoa, lầu là già, xuân về, ngắm hoa ban người già thấy lòng trẻ lại. Giữa mênh mông rạo rực chồi non lộc biếc của đại ngàn ngút ngát, từng chùm hoa ban trắng bồng bềnh như áng mây trên đầu núi, bâng khuâng trong không trung rồi ùa xuống các lòng thung và ngời trên tận những đỉnh núi chọc trời, sáng bừng từng nếp nhà, bản nhỏ. Hoa ban từ lâu gắn bó với đất và người Tây Bắc và được xem là biểu tượng của Tây Bắc.
Tây Bắc còn bao nhiêu loại hoa rừng: Hoa dó mang một hương sắc riêng như một cung bậc tinh tế trong bản hòa tấu sắc mầu, dịu dàng trong câu si câu lượn: “Hoa dó giục đàn ông vào rừng lấy củi/ Giục đàn bà vào rừng lấy lá dong/ Giục mọi nhà khẩn trương cày, bừa, cây lúa/ Khắp nơi nhộn nhịp tưng bừng”. “Bên suối, bên nương hoa dó thả từng chùm/ Như những bàn tay trắng xinh vẫy gọi/ Hoa khoác vai nhau soi mình bên suối/ Hương ngọt ngào dưới trăng/ Có chiều xuân gió khẽ đu cành/ Cả rừng dó lao xao ca hát”. Chính vì vậy, tết đến xuân về, trên mâm cúng tổ tiên của người Tày không thể thiếu đĩa hoa dó. Rồi một bông hoa chuối đỏ rực trong đại ngàn xanh, mỗi con gió dập dờn, bông hoa lửa lập lòe, bập bùng như trái tim đỏ thắm, hoa gạo thắp lửa đỏ trời, hoa dã quỳ vàng rực ven đường, hoa cải trắng làm duyên bên triền nương và còn bao loại lan rừng kiêu sa, tiên cách... tất cả như được một bàn tay tuyệt vời vẽ vờn trên lụa, thực mà sao cứ như mơ.
Mùa xuân trên mọi nẻo đường Tây Bắc, du khách được thỏa thích ngắm những bông hoa rừng đủ loại, gợi nhớ, gợi thương. Hương hoa thấm đẫm trong từng ngọn gió, thơm trong tiếng khèn thanh thoát vút cao, ngọt ngào trong tiếng hát ai thiết tha, nồng cháy trong tiếng đàn môi thầm thì gọi bạn, ngây ngất đam mê trong làn tóc ai náo nức hội xòe. Những đàn bướm hàng ngàn con dập dờn trong vũ điệu giao duyên, những chú ong say hương mùa mật ngọt, những tiếng chim gọi bạn cặp đôi xanh trong vòm lá.
Hương sắc rừng xuân Tây Bắc ấy chân thật, tự nhiên, đồng hành và tự lúc nào đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Tây Bắc, trở thành một phần không thể thiếu, mỗi độ xuân về lại náo nức hồi hộp đợi chờ như lời hẹn hò với một mối tình thuở hoa niên. Còn với những người con xa xứ, tình yêu, nỗi nhớ với hương sắc rừng xuân Tây Bắc thật khó mà đặt tên, cứ dư ba, đau đáu day dứt khôn cùng trong ký ức và khát khao một cuộc hành hương về cội./.

Trần Văn Hạc
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel