Phong tục tập quán về lễ cúng rừng: Tháng 3 âm lịch
hàng năm chọn ngày tốt để cúng rừng. Tất cả làng ra rừng, trong rừng có miếu.
Lễ vật cúng là một con bò hoặc con trâu thịt ra để cúng,
thầy cúng cúng cả ngày sau đó cả làng cùng ăn, ăn không hết cũng không được
mang về nhà. Xương đầu trâu bò làm lễ cúng treo tại nhà Miếu của làng tại rừng
cấm. Cúng thờ Miếu của dân tộc La Chí có ý nghĩa để xin giống lúa về gieo cầu
cho mùa màng bội thu. Cầu xin cho nhân dân trong làng mạnh khoẻ và làm ăn may
mắn thóc gạo nhiều.
Tết tháng 3 các gia đình làm lễ
cúng tại nhà, họ thịt một con gà trống, hoặc thịt lợn, lễ cúng bắt buộc phải có cá, thịt chuột tất cả đều nấu chín để cúng tổ tiên dòng tộc.
Tết tháng 7, trước ngày mồng 1
tháng 7 người La Chí đắp sửa lại mộ cho người chết. Ngày 1 tháng 7 tổ chức ăn
tết (đây là ngày tết quan trọng nhất của người La Chí). Dân làng tập trung tại
nhà của chủ tộc (người được giữ trống,
là việc rất quan trọng) của dòng họ: Ly (Lý); Vàng (Vương); Lùng (Long); Tẩn
người La Chí chỉ có 4 dòng họ. Puh tas quangh (Người biết đánh trống) tham gia.
Dân bản cúng tổ tiên dòng họ của người La Chí. Ttrong ngày tết dân làng tập
trung ở nhà trưởng tộc đánh trống. Trai gái hát giao duyên cả ngày và thâu đêm
đến sáng.
Thầy cúng mặc áo dài theo tập
quán, đội mũ nồi vác dao trên vai làm lễ. Tập quán uống rượu của dân tộc La Chí
là người con trai uống rượu bằng sừng trâu. Sừng trâu để uống rượu là vật rất
linh thiêng đại diện cho tổ tiên, vì mỗi khi
trong nhà có người đàn ông chết họ thịt trâu để chia trâu cho người chết
xuống cõi âm có trâu cày ruộng. Khi thịt trâu họ lấy đầu trâu cúng, sau đó họ
lấy sừng trâu đẽo gọt rất công phu treo lên bàn thờ nhà nào có nhiều sừng trâu
là nhà ấy tổ tiên, dòng họ bề thế. Vào ngày tết họ mang sừng trâu ra rửa bằng
rượu cho sạch rồi đổ rượu vào, đàn ông đều phải uống rượu bằng sừng trâu. Đàn
bà, con gái uống rượu bằng bát. Rượu dùng trong cúng lễ, ăn tết là rượu hoãng,
rượu hoãng làm bằng gạo nếp nấu cơm rượu chờ nguội trộn men lá cây ủ trong chum trước 3 tháng khi uống đổ nước lạnh vào chắt
lấy rượu ra uống. Trong nhà của người La Chí lúc nào cũng có rượu hoãng (Cui).
Ngoài ra người La Chí còn nấu rượu, (cu phi) rượu nấu để uống và tiếp khách.
Quan niệm người La Chí cho rằng khi cúng thầy mo uống rượu thì ma người chết mới
được uống.
Ngày hôm sau mọi người về nhà
mình làm thủ tục gọi tổ tiên các cụ đã mất về ăn tết tháng 7 với gia đình. Lễ
cúng có thịt gà, thịt lợn, thịt chuột nấu chín. Quan niệm của người La Chí con
chuột là con vật thông minh, biết tự tìm thức ăn, ở đâu có thức ăn thì ở đó có
chuột, chuột ngoài rừng, chuột trong nhà cứ có nhà là chuột đến ở. Các gia đình
đến nhà nhau ăn tết uống rượu, vui chơi, ngày tết diễn ra từ mồng 1 - 8 tháng
7. Vào tháng 11 hàng năm họ cúng đóng cửa kho thóc.
Phong tục tập quán về việc
cưới: Người La Chí quan niệm việc cưới xin cho con là việc bình đẳng của hai
bên gia đình. Khi con trai đến tuổi lấy vợ gia đình tìm xem ở trong bản có cô
gái nào hợp với gia đình thì gia đình nhà trai mời bố mẹ người con gái ấy về ăn
bữa cơm nói chuyện, bữa cơm đó họ thịt
gà xem xương gà nếu không tốt thì thôi. Nếu tốt thì đặt vấn đề xin con gái của
họ về làm dâu. Sau đó nhà trai chọn ngày tốt, báo cho nhà gái đến ăn hỏi và đón
dâu việc ăn hỏi và đón dâu diễn ra trong cùng một ngày.
Lễ ăn hỏi gồm có bánh dầy làm
to bằng chiếc sàng, rượu 50 giuộc, thịt lợn khoảng 30 đến 40 kg, 1 đôi gà, 40
đồng bạc trắng (không có bạc trắng trị giá theo tiền Việt Nam đồng). Nhà trai
phải mang sang nhà gái một con trâu to khoẻ. Đoàn nhà trai mang lễ vật sang nhà
gái gồm 8 người. Nhà trai đến nhà gái, nhà gái cúng báo với tổ tiên (Tuyh mie)
nhà gái tổ chức ăn 1 bữa cơm sau đó nhà trai đón con dâu về nhà chồng, cô dâu
đội nón về nhà chồng, bố mẹ bên nhà gái cùng con gái về nhà chồng dự lễ cưới.
Bố mẹ con dâu mặc áo dài và mang theo 1 chum (nơx phuh) rượu hoãng. Cho con gái
mang về nhà chồng hai chăn bông và một chiếc chiếu. Khi về đến nhà trai bố mẹ
nhà trai giơ chum rượu lên cho mọi người xem và báo với mọi người dự đám cưới
là bên nhà gái có rượu mang sang. Đôi vợ chồng quỳ lạy tất cả các mâm cơm bắt
đầu từ mâm có bàn thờ, rồi đến gian giữa, sau đó đến mâm phụ nữ, rồi tiếp tục
đến các mâm khác. Khách đến dự đám cưới tặng vòng tay, hoặc tiền mặt tuỳ theo
tấm lòng của khách.
Con gái về nhà chồng vẫn thường
xuyên qua lại bên nhà bố mẹ đẻ để dệt vải làm quần áo, hoặc cả hai vợ chồng về
giúp bố mẹ vợ khi vào mùa vụ hoặc gia đình có công việc.
Phong tục tập quán của người La
Chí về người con trai: Khi người mẹ sinh ra dù trai hay gái sau 3 ngày làm lễ
đặt tên. Mời anh em đến ăn cơm mừng cho trẻ mới sinh. Là con trai phải làm lễ 3
lần đó là: Lần 1: lễ (Chàng khai) cúng làm bàn thờ cho người con trai. Đồ lễ
gồm có thịt nấu chín mời thầy cúng về cúng. theo quan niệm của người La Chí
người con trai phải có bàn thờ riêng để được tổ tiên công nhận là người con
trai. Lần 2: Lễ (Chàng ni bè) Cúng bàn thờ của người con trai. Đồ lễ Phải thịt
dê mời thầy cúng đến cúng. Để tổ tiên phù hộ cho khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thông
minh, may mắn. Lần 3: Lễ (Chàng pu tỳ mảy pà) Cúng làm người đàn ông. Đồ lễ
phải thịt trâu mời thầy cúng đến cúng. Sau khi cúng xong xương đầu trâu treo
lên vách. Để sau khi chết sẽ mang bàn thờ và xương đầu trâu để trên mộ.
Khi đến tuổi già (từ 60 tuổi
trở lên) người La Chí cả nam và nữ đều làm quan tài (Toong mex) và cúng quan
tài (ni pê tong mex). Lễ cúng là gà hoặc lợn con. Cầu cho mạnh khoẻ, không ốm
đau bệnh tật. Trên quan tài để một cum thóc nếp.
Tập quán về đám ma: Khi có
người chết, người nhà tắm rửa cho người chết rồi mời thầy cúng về cúng rửa áo
quan cho người chết vào áo quan, mời thấy cúng xem đất chôn người chết (mổ gà
xem xương). Đưa người chết đi chôn, thầy cúng dùng chiếc rìu cúng mở đường đưa
người chết ra khỏi nhà mang đi chôn. Đám ma thắp bó đuốc dẫn người chết (thường
dùng bằng mỡ trâu đốt lửa đưa ma). Chôn người chết phải chôn sớm nếu muộn trời
tối thì phải để lại đến hôm sau. Chôn người chết đắp mộ hình chóp nón. Khi chôn
xong cắm trên mộ một cái nón và một cái túi. Người nhà phải đưa cơm cho người
chết 3 ngày. Ngày thứ nhất bắt đầu tối người nhà đưa cơm đến tận mộ người chết,
ngày thứ hai đưa cơm đến 2/3 đoạn đường, ngày thứ ba đưa cơm đến 1/3 đoạn đường
từ nhà đến mộ người chết. Người chết sau 13 ngày kể từ ngày chết thầy cúng gọi
hồn người chết về nhà tổ chức làm ma, gia đình mổ một con trâu lấy xương đầu
trâu để trên mả người chết. 6 tháng sau người nhà đến rào xung quanh mộ và
trồng 3 loại cây: Mangh tangs, Mangh leeh, Meex mi piuh. Tuỳ theo điều kiện của
gia đình có thể từ 5 năm đến 7 năm mời thầy cúng về mổ trâu hoặc bò cúng cho
người chết. Người La Chí không để tang người chết, không dùng giấy tiền vàng âm
phủ đưa ma, không thắp hương khi thờ cúng cũng như đưa ma người chết.
Mỗi một người đàn ông chết gia
đình làm một cái sừng trâu, nhà nào có nhiều các ông cụ chết thì có nhiều sừng
trâu treo bên bàn thờ. Bàn thờ của người La Chí thường ở góc nhà, là một cái
dàn nhỏ để bánh và đồ lễ, bên cạnh treo sừng trâu. Sừng trâu được gọt đẽo cẩn
thận khi cúng dùng sừng trâu đổ rượu vào uống (chỉ có đàn ông mới được cầm sừng
trâu uống rượu).
Người La Chí cúng tổ tiên chỉ
trong ba đời còn đời thứ 4 trở đi thì không cúng đến các cụ nữa. Cúng tổ tiên
chỉ cúng vào tết tháng 7. Trước ngày 1/7 gia đình đi vun mộ gọi tổ tiên và ma
người chết về ăn tết.
Tập tục về ẩm thực của người La
Chí: Thịt chua là món ăn phổ biến nhất của người La Chí. Thịt chua thường làm
bằng thịt lợn, thịt trâu ướp với thính gạo rang xay nhỏ cho vào chum đập khín
không cho không khí lọt vào để khoảng 6 tháng đến một năm mang ra ăn, khi ăn ăn
kèm với lá ổi non.
Da trâu, bò sấy khô là món ăn
rất được ưa chuộng. Khi thịt trâu bò lột da nướng qua cho cháy hết lông sau đó
để trên gác bếp cho khô, khi ăn lấy vùi vào bếp than cho chín vàng sau đó mang
đập dập thả vào nước sôi hoặc đua lên để ăn. Các món ăn thịt tươi (thịt trâu,
bò, dê) thường nấu thắng cố, trong chảo thắng cố thường có các gia vị như thảo
quả nướng đập dập, gừng đập dập, xả đập dập, lá chanh. Nước chấm thắng cố
thường có hạt tiêu giã nhỏ, lá chanh, lá mùi tầu thái nhỏ và muối ớt, nước chấm
có một hương vị đặc biệt thơm ngon mà những vùng khác không có./.
No comments:
Post a Comment