CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Dân tộc La Chí

| | 0 nhận xét
Dân tộc La Chí có khoảng 10.700 người, cư trú chủ yếu ở huyện Xín Mần (Hà Giang), huyện Mường Khương và Bắc Hà (Lào Cai). Dân tộc La Chí còn có tên gọi khác là Cù Tê, La Quả… Tiếng La Chí thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai. Người La Chí giỏi nghề khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Họ gặt lúa nếp bằng hái nhắt còn gặt lúa tẻ bằng liềm, đập lúa vào máng gỗ lấy thóc ngay ở ngoài ruộng. Họ sử dụng cả ba loại nương với các công cụ sản xuất khác nhau: gậy chọc lỗ, cuốc, cày. Người ta dành nương tốt nhất để trồng chàm, bông. Các gia đình thường nuôi trâu, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, cá, nhưng theo nếp cũ thì không nuôi bò. Nghề dệt vải bông và nhuộm chàm của phụ nữ La Chí có truyền thống lâu đời.
Người La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản. Mỗi gia đình có nhà sàn để ở và nhà đất liền kề để làm bếp. Nhà sàn gồm 3 gian, chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần đầu hồi phía giáp nhà đất, bàn thờ tổ tiên đặt tại gian nhà sàn to nhất. Nhà của mỗi gia đình là một quần thể kiến trúc gồm nhà sàn - nhà trệt - kho thóc trong một phạm vi không gian hẹp. Kiểu kiến trúc kết hợp chặt chẽ giữa sàn và nhà trệt là một sáng tạo văn hoá độc đáo. Mỗi nhà gồm hai phần bằng nhau, mái lồng vào nhau, phần nhà sàn để ở, phần nhà trệt là nơi làm bếp. Lên nhà mới phải mời thầy cúng về cúng xua đuổi ma bằng cách dùng ba cây cỏ lá khua bốn góc nhà, bắt đầu từ góc của bố mẹ trước. Nếu người con trai đã có bàn thờ ở nhà cũ thì tháo bàn thờ đó về lắp ở nhà mới trong vị trí của người chủ gia đình. Trong suốt 13 ngày kể từ hôm lên nhà mới, bếp lửa luôn luôn sáng thì mới may mắn.
Họ thích để răng đen. Răng càng đen càng đẹp. Thanh niên thích bịt răng vàng coi đó là hình thức làm duyên làm dáng, dấu hiệu của sự trưởng thành.
Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ. Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân (ngày nay áo ngắn hơn), cài khuy bên nách phải, quần lá tọa, đầu đội khăn cuốn hay khăn xếp, thích đeo túi vải chàm có viền đỏ xung quanh. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân xẻ giữa, yếm thêu, thắt lưng bằng vải, đội khăn dài, mặc quần hay váy tuỳ người. Vào dịp tết, lễ người ta còn diện ba chiếc áo dài lồng vào nhau, mặc quần, một số ít còn mặc váy.  Nữ giới ưa dùng khăn đội đầu dài gần 3 mét. Màu chàm đen rất được ưa thích. Phụ nữ La Chí thường quen đeo địu qua trán, dù địu làm bằng vải hay đan bằng giang cũng vậy. Nam giới lại đeo gùi qua hai vai. Nữ đeo vòng tai, vòng tay. Nam chỉ đeo vòng tay. Thầy cúng mỗi khi hành lễ có y phục riêng. Đó là bộ quần áo thụng, dài quá mắt cá chân, xẻ giữa, có thắt lưng bằng vải, đầu đội mũ vải rộng, có quai. Trong một số nghi lễ, người hành lễ đeo một miếng da trâu khô hoặc đội nón.
Mỗi dòng họ người La Chí có riêng trống và chiêng dùng vào việc cúng bái, có ông trưởng họ là người biết cúng. Con cái đều theo họ cha. Gia đình ba thế hệ hay các cặp vợ chồng cùng thế hệ chung sống với nhau là phổ biến. Mỗi họ có người đứng chăm lo việc cúng. Đó không phải là trưởng họ mà chỉ là người biết cúng. Người ta chọn người giữ vị trí này bằng cách bói xem xương đùi gà.
Người La Chí có cách gọi tên theo nguyên tắc phụ tử liên doanh với công thức là: họ-pô (bố)-tên con- tên riêng của người được gọi. Người phụ nữ có con được gọi theo công thức sau: Mìa (mẹ) - tên con cả - tên chồng.
Tục nhận bố mẹ nuôi cho trẻ sơ sinh khá phổ biến. Trẻ chào đời sau ba buổi sáng, gia chủ đặt một sợi chỉ đỏ trên một trên một bát nước đầy ở trên bàn thờ, chờ ai đó vào nhà trước sẽ được làm bố mẹ nuôi, đặt tên cho cháu bé. Trẻ khóc nhiều được quan niệm là tên chưa hợp, phải bói tìm dòng họ thích hợp làm bố mẹ nuôi đặt tên cho con.
Hàng năm, người La Chí có nhiều ngày lễ định kỳ tính theo âm lịch. Lễ xin thóc giống cho cả bản, lễ mở kho gọi hồn thóc giống, lễ mừng cày cấy xong, tết tháng Bẩy, lễ hội cơm mới, lễ đưa hồn lúa về nhà, tết Nguyên đán… Trong đó Tết tháng Bẩy là tết lớn nhất và vui nhất.
Người La Chí có nhiều truyện cổ, kể về ông tổ của dân tộc là Hoàng Dìn Thùng, về Pủ Lô Tô sinh ra các giống các loài và dạy họ mọi phong tục tập quán, về sự xuất hiện các hiện tượng tự nhiên… Trai gái La Chí thường hát ni ca. Nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính 3 dây, đàn môi bằng lá cây… Dịp lễ hội thường tổ chức các trò chơi ném còn, đánh quay, đu quay, đu dây… nơi bãi rộng cho đông người tham gia./.

Kim Nguyên
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel