CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Những triệu phú ở huyện miền núi vùng cao Phước Sơn

| | 0 nhận xét
Trong dịp về công tác tại huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam, người đầu tiên mà chúng tôi có dịp trò chuyện là Anh Hồ Văn Phước, 25 tuổi, người Bhnoong ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn chúng tôi không chỉ biết đến anh với vai trò là một Bí thư Đoàn xã năng động, mà còn là một chủ trang trại trẻ ở một xã vùng sâu, vùng xa này, được nhiều người dân trong làng rất khâm phục. Trước khi về xã vùng sâu Phước Năng tạo dựng cơ nghiệp sản xuất cho gia đình, với mô hình vườn-ao-chuồng, anh Phước đã từng công tác trong lực lượng thanh niên xung phong huyện Phước Sơn. Chàng trai người Bhnoong này theo cha mẹ xuống núi định canh, định cư từ nhỏ. Nhưng, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh Phước phải nghỉ học từ năm lớp 9. ý nguyện của Phước là từ mảnh đất vùng cao này làm ra được nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần hướng dẫn cho thanh niên trong toàn xã không bỏ trống một thước đất nào trên vùng núi đồi của quê hương mình.
Với ý nguyện đó, từ năm 2002 đến nay, anh Phước đã trồng được 5 ha quế xen keo và hơn 1 ,5 ha cây ăn quả trên đất đồi xã Phước Năng, Anh Phước cho biết, năm 2007, riêng cây keo, cây ăn quả đã cho thu hoạch trị giá hơn 80 triệu đồng, chưa kể đàn lợn thịt hơn 15 con, mỗi năm cho xuất chuồng hai lứa, sẽ có thêm lãi hàng chục triệu đồng nữa. Còn riêng cây quế thì khoảng 5-7 năm bảy năm nữa thôi mình sẽ khai thác. Với mô hình vườn-ao- chuồng được bố trí bài bản, khép kín phía dưới chân đồi anh đào ao nuôi cá, với diện tích ao rộng 1500m2, từ năm 2008 đến nay anh đã thả nuôi 4 tạ cá giống các loại: trắm cỏ, mè đã cho thu hoạch bán mỗi năm thu lời cả chục triệu đồng.
Từ một thanh niên mới lập nghiệp, chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng với sự cần cù nỗ lực phấn đấu của mình trong lao động, cũng như biết tự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đặc biệt là với óc dám nghĩ dám làm nên đến nay, anh Hồ Văn Phước đã có trong tay trang trại hàng trăm triệu đồng. Điều đáng trân trọng ở anh không chỉ làm giàu cho riêng mình mà anh còn tích cực hướng dẫn cho các đoàn viên, thanh niên trong xã, thôn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa hình đồi núi ở nơi đây để vươn lên làm giàu chính đáng.
Cũng giống như anh Phước, anh Hồ Văn Thương, ở thôn KaĐủ, xã Phước Đức, năm nay mới chưa đầy 35 tuổi nhưng hiện nay anh đã sở hữu 3 ao thả cá và 5 ha keo, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Để có được như ngày hôm nay, anh Thương đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn ban đầu mà hầu như thanh niên nông thôn nào khi bước vào lập nghiệp cũng đều gặp phải. Anh Thương cho biết: Năm 2003, khi mới học xong phổ thông cơ sở, ước mơ vào trường cấp III không đạt được, anh đã từ một xã vùng cao Phước Thành khăn gói theo cha mẹ xuống núi định cư làm ăn. Khi đến xã Phước Đức thấy đất đai ở đây màu mỡ, đất rộng người thưa nên anh nghĩ con đường lập thân, lập nghiệp đâu nhất thiết phải vào các trường đại học, cao đẳng mà có thể từ thực tiễn cuốc sống, vậy là biết bao nhiêu suy nghĩ trong đầu mình rồi anh quyết tâm bám trụ tại vùng đất này. Vào dịp hè, các sinh viên tình nguyện của Trường trung cấp Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) về hướng dẫn bà con nhân dân các dân tộc trong xã cách nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp, vậy là cách làm ăn mới bắt đầu đã hình thành trong suy nghĩ của Thương. Anh tìm kiếm diện tích mặt nước ở trong xã anh thấy khu đập nước của thôn chưa có người khai phá, đầu tư anh về lập dự án xin chính quyền địa phương cho thuê mặt nước để nuôi cá. Được chính quyền xã chấp thuận cho thuê mặt nước, anh bắt tay vào triển khai dự án phát triển sản xuất nhưng, với đồng vốn hạn hẹp, lúc này anh phải chạy đôn, chạy đáo đi vay, rồi nhờ Đoàn thanh niên trong xã tín chấp, cuối cùng, Thương cũng có tiền đầu tư vào mua cá giống, thức ăn để nuôi cá.
Trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả, ban đầu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm dần dần, với 1,5 ha mặt nước Thương mua các loại cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cá lóc... về nuôi, với kỹ thuật chăn nuôi được học hỏi theo cách tiên tiến, nên trung bình mỗi năm anh thu hoạch và xuất hơn 2 tấn cá thu về gần 20 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, Thượng đầu tư vào trồng hơn 5 ha keo mỗi năm cũng thu gần 50 triệu đồng. Nhiều thanh niên trong thôn, xã thấy mô hình nuôi cá của anh có hiệu quả nên đến học tập kinh nghiệm làm ăn, anh đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và giúp đỡ vốn, đến nay mô hình này đã được nhân rộng và nhiều thanh niên trong xã đã lập nghiệp thành công.
Chúng tôi còn được gặp anh Hồ Văn Điều, ở thôn Lô Lố, xã Phước Đức, tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng với tinh thần ham học hỏi và sự quyết tâm cao nên đã vượt qua được những khó khăn ban đầu trở thành triệu phú trẻ, hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng từ keo, quế, hay anh Hồ Văn Mé ở thôn Plây Lô Lố, xã Phước Đức đã chăn nuôi, trồng cây ăn quả đúng kỹ thuật, nên mang lại hiệu quả cao, trong những năm vừa qua anh đã thu gần trăm triệu đồng, anh Mé còn đầu tư chăn nuôi với số lượng lớn, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 20 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí thu nhập còn lãi gần 50 triệu đồng mỗi năm.
Lên với huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, chúng tôi được gặp người dân nơi đây họ đều hồ hởi phấn khởi trong một không khí chan hòa, ấm áp tình người, ngoài những thanh niên kể trên mà tôi có dịp được chứng kiến, khi trao đổi với anh Hồ Văn Điều, Bí thư Huyện đoàn chúng tôi được biết hiện nay ở Phước Sơn còn có hàng trăm thanh niên khác được tổ chức Đoàn thanh niên và Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện giúp cho vay vốn giúp họ nắm bắt khoa học-kỹ thuật để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi trở thành những triệu phú trẻ trên vùng đất huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, đầy nắng gió này, trong số đó không ít thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao này ngày càng giàu lên trông thấy./.

Cao Anh
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel