CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Lộc Tân phát huy tiềm năng để phát triển kinh tế

| | 0 nhận xét
Là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, Lộc Tân có 1.300 hộ, hơn 8.100 nhân khẩu, 90% người dân tộc thiểu số và hơn 80% đồng bào theo đạo thiên chúa giáo, cuộc sống chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp. Lộc Tân có diện tích tự nhiên khá rộng với 13.500 ha, phần lớn là rừng và đất rừng, đất nông nghiệp hơn 5.000ha.
Những năm trước thực hiện chủ trương của Đảng, bà con dân tộc nơi đây đã sớm ổn định định canh định cư, chuyển tập quán sản xuất từ phát nương làm lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp chè, cà phê, cây ăn trái, một số có điều kiện làm thêm nghề rừng... Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương về tiềm năng đất đai lao động, Đảng bộ chỉnh quyền xã Lộc Tân đã có chủ trương “Ngoài việc quy hoạch bố trí đất sản xuất cho từng hộ dân, xã khuyến khích các thành phần kinh tế từ các nơi vào đầu tư lập trang trại phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã” đây là một hình thức vừa có tác dụng khuyến khích hỗ trợ nông dân trong xã về nhiều mặt, nhất là việc tiếp thu ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến. Đồng thời cũng là cơ hội tiếp cận với cây con giống mới có năng xuất và chất lượng cao hơn.
Quá trình củng cố định canh định cùng với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án, ở xã Lộc Tân có tổng diện tích canh tác 4.150 ha; hình thành vùng chuyên canh cây chè với 2.300 ha và 1.800 ha cà phê, 30 ha cây rau màu, cây ăn trái. Nhằm thích ứng với thị trường sản xuất hàng hoá, bà con tích cực chuyển đổi giống cây trồng, đã có 40% diện tích cà phê giống ghép... năng xuất khá hơn trước đạt hơn 2 tấn/ha năm đầu, cùng với hơn l.l00ha chè giống mới Olong Đài Loan, Kim Tuyên, TB 14... được bà con nhận đưa vào trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng xuất đạt bình quân 4 đến 5 tấn/ha năm... đặc biệt có 100ha chè Olong chất lượng cao tạo thêm điều kiện để bà con dân tộc tiếp xúc quen dần với phương thức canh tác loại giống mới này.
Với chính sách thông thoáng được sự hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh, huyện cùng những điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè nên đến nay địa bàn xã Lộc Tân có 17 doanh nghiệp trong đó có một số doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư lâu dài ở Lộc Tân, phát triển trang trại nông, công nghiệp chủ yếu trồng, chế biến chè giống mới, một số doanh nghiệp đã có thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế như Công ty chè Tâm Châu, Tiến Đạt, Cầu Tre, Hùng Tổng, Vạn Phong, Đăng Phong, Hấn Minh, Tứ Hải, v.v. vừa mở trang trại trồng chè lại có nhà máy công nghệ cao chế biến sản phẩm tại chỗ, gắn với vùng nguyên liệu.
Các doanh nghiệp vào địa phương tạo nhiều thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của xã, bà con dân tộc có cơ hội tiếp cận nhiều loại cây trồng mới, tiếp thu khoa học-kỹ thuật, quen dần với phương thức sản xuất có hiệu quả. Được các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển vùng chè, cà phê của kinh tế gia đình, có thêm việc làm tăng thu nhập... nay xã có từ 1.600 đến 1.700 lao động làm thường xuyên cho các doanh nghiệp trên địa bàn với những việc thông thường như làm cỏ, xịt thuốc trừ sâu, bón phân, tưới nước, hái chè... và một số làm việc trong cơ sở chế biến chè của các công ty, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Thời điểm mùa vụ xã phải điều phối luân phiên lao động mới đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, nhưng cũng có lúc lao động thiếu không còn để cân đối.
Các doanh nghiệp còn hỗ trợ địa phương đầu tư vốn xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như: làm đường giao thông, xây dựng trường học, lớp mẫu giáo, kéo điện thắp sáng, mở rộng thông tin về thôn buôn. Ngoài ra các công ty còn hỗ trợ gần 200 triệu đồng xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, giúp sửa nhà các đối tượng chính sách, gia đình nghèo.
Được đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, bằng sự cần cù siêng năng lao động, khai thác thế mạnh tiềm năng về đất đai lao động của mình phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập đáng kể cho từng hộ, năm 2006-2007 đạt 3,45 triệu đồng người và năm 2008 đạt gần 4 triệu đồng, năm 2007 xã ra khỏi Chương trình 135 và đã là xã trung bình khá của huyện.
Kinh tế-xã hội phát triển, đời sống của nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt số hộ nghèo giảm thiểu qua từng năm. Năm 2005 - 2006 số hộ nghèo trong xã có tới 668 hộ chiếm 52%, năm 2007 còn 265 hộ chiếm 20,7%, năm 2008 còn hơn 17% số hộ toàn xã. Sản xuất nông nghiệp phát triển nhiều hộ có thu nhập khá như hộ K’Branh ở thôn 3, hộ K’Brim ở thôn 2, làm 1,5 ha chè, cà phê khá tốt, phát triển thêm dịch vụ buôn bán có thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng, xây nhà mới, mua sắm các đồ dùng, công cụ đắt tiền phục vụ đời sống, sản xuất như xe máy, ti vi, máy bơm nước... hộ K’Nút ở thôn 1 đầu tư chuyển đổi 2 sào chè giống mới TB 14, ông K’Lót ở thôn 3 chuyển đổi 3 sào giống chè Đài Loan 27 đầu tư thoả đáng, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu, thu hái... đúng quy trình kỹ thuật nên cho hiệu quả kinh tế khá cao, có năm ông thu lời vài chục triệu đồng... Hầu như gia đình nào cũng có thu nhập khá từ trồng chè, cà phê và lao động làm công trong các xí nghiệp, công ty trên địa bàn.
Đời sống khá dần lên, các mặt xã hội có chuyển biến tiến bộ, giáo dục phát triển trường lớp được đầu tư kiên cố hoá đáp ứng yêu cầu học tập, tỷ lệ các cháu trong độ tuổi ra lớp là người dân tộc đạt 92%, hạn chế bỏ học giữa chừng, xã thành lập Hội Khuyến học, nhiều cháu đã học lên cấp 3, đi học trung cấp, cao đẳng, đại học. Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được quan tâm, trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh các cháu trong độ tuổi tiêm chủng đạt chỉ tiêu kế hoạch, được công nhận là xã thanh toán bệnh sốt rét, phong, bướu cổ… không còn tái phát. 90% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, có phương tiện nghe nhìn và xe gắn máy...
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, sống tốt đạo đẹp đời được nhân dân hưởng ứng tích cực 7/7 thôn và 100% gia đình đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng thôn, gia đình văn hoá, năm 2008 có 4/7 thôn và 70% hộ được công nhận gia đình văn hoá, đoàn kết các dân tộc, bà con lương giáo ngày càng tốt thêm, các tập tục tập quán lạc hậu dần xoá bỏ, các tệ nạn xã hội hầu như không có, các hoại động văn hoá văn nghệ thể thao lành mạnh thường xuyên được tổ chức thu hút hàng trăm người tham gia, nhất là các cháu học sinh, thanh thiếu niên... tạo ra môi trường lành mạnh trong sinh hoạt xã hội. Chưa giàu nhưng bà con tích cực tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo giúp hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ... từ năm 2006 đến nay góp vốn xây dựng 20 nhà tình thương số tiền hơn 150 triệu đồng giúp gia đình chính sách, người nghèo.
Tuy chưa hết khó khăn nhưng có sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, sự giúp sức từ các doanh nghiệp trên địa bàn và phát huy tiềm năng về đất đai lao động của chính mình để phát triển kinh tế, vượt lên xoá đói giảm nghèo... từ một xã nghèo nay Lộc Tân đã khá lên, đời sống nhân dân ổn định, các mặt về xã hội đều có chuyển biến tiến bộ, đảm bảo an ninh... bà con dân tộc Lộc Tân phấn khởi tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, xây dựng củng cố tăng cường khối đại đoàn kết trong nhân dân vững mạnh, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo theo đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi Linh mục K’Chẻoh người được phân công phụ trách giáo sở trong niềm phấn khởi trước những đổi thay của xã mình cho biết: Được Nhà nước quan tâm đầu tư có hiệu quả và khá đồng bộ, sản xuất phát triển đời sống bà con giáo dân cải thiện rõ rệt, thật sự đổi đời so với trước, nay diện mạo Lộc Tân chẳng thua kém ngoài thị trấn: có điện thắp sáng, có cửa hàng, cửa hiệu, trường học trạm xá thuận tiện, đường nhựa vào đến từng thôn lại được nhà nước cho xây dựng nhà thờ giáo sở bà con không phải đi lễ xa... họ rất phấn khởi vui mừng và chúng tôi cũng thấy được điều đó để rồi cùng có trách nhiệm động viên giáo dân phát huy truyền thống dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, sống tốt đạo đẹp đời” góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội làm cho cuộc sống mọi người được ấm no tự do hạnh phúc”./.

Tạ Xuân Lý
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel