CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Phát triển cây cao su ở Sơn La

| | 0 nhận xét
Trở lại Sơn La lần này, tôi thực sự ngỡ ngàng trước màu xanh của những cánh rừng cao su đã thay thế cho màu xám đỏ ảm đạm của đất trống, đồi trọc. Bằng nhiều biện pháp, nhất là việc giải ngân ồ ạt của các bên liên quan thông qua việc hỗ trợ sản xuất, đã giúp loài cây công nghiệp này nhanh chóng tạo được chỗ đứng vững chắc, dần thay thế các loại cây trồng truyền thống.
Bắt đầu từ năm 2007, cây cao su được trồng trên diện rộng theo mô hình đại điền ở Sơn La. Tổng số vốn ban đầu là 500 tỷ đồng cổ phần của Tập đoàn cao su và một số đơn vị thành viên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4.302 hộ ở 86 bản thuộc 5 huyện ký hợp đồng góp vốn bằng diện tích đất, đạt gần 4.000ha tương đương 40 tỷ đồng. Số người được ký hợp đồng lao động là 2.132 người, được chia thành 12 đội và 1 tổ sản xuất, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Cây cao su đã từng bước chiếm lĩnh diện tích đất trống, đồi trọc và thay thế dần diện tích trồng cây ngắn ngày của đồng bào. Theo tính toán của đơn vị thực hiện (Tập đoàn cao su Việt Nam): “cao su là loại cây đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế cao lại kiêm luôn nhiệm vụ của những cánh rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất. Về hiệu quả kinh tế, cây cao su có thể thu mủ (nhựa) có giá trị kinh tế cao sau khoảng 7 năm chăm sóc, ngoài ra, hạt, gỗ cũng được thu làm sản phẩm hàng hoá. Mục tiêu phát triển đến 2012 của Tổng công ty cao su Sơn La là đạt 20.000 ha”.
Ông Võ Nhật Duy, Tổng giám đốc Công ty cao su Sơn La cho biết: Hiện nay, hồ sơ xin vào Công ty làm công nhân của bà con còn xếp đầy trên bàn. Điều đó cho thấy cách nghĩ của đồng bào đã thay đổi nhiều khi thấy việc góp đất trồng cao su là có việc làm, có lương, quan trọng nhất họ vẫn là chủ sở hữu diện tích đất canh tác cho Công ty cao su thuê... Mỗi lao động có thu nhập khoảng 13 triệu đồng/năm, chưa kể thu nhập khác do các hộ được phép canh tác trên diện tích trồng cao su, cao hơn nhiều so với thu nhập có được do canh tác các loại cây truyền thống. Chưa tính đến lợi tức thu được khi cây cao su cho sản phẩm sẽ được chia theo số “cổ phần” mà các hộ góp vào.
Để thực tế lời ông Tổng giám đốc, chúng tôi đến đội ít Ong, gồm nhân dân bản Tìn và bản Nà Trang (thị trấn ít Ong, Mường La), là 2 bản được thử nghiệm trồng cao su đầu tiên của tỉnh, với gần 70 ha, đến nay đã phát triển được 460 ha. Hai bản có 143 hộ, 661 khẩu thì được nhận 205 người làm công nhân. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế của 2 bản đã được đầu tư xây dựng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Khi tham gia góp vốn trồng cao su, mỗi hộ dân ở đây được hỗ trợ từ 5-7 triệu đồng phát triển sản xuất. Sau 2 năm tham gia, hộ nào có người làm công nhân đã xóa được nghèo, trung bình thu nhập trên 7 triệu đồng một hộ. Cô gái Tòng Thị Tình đang chăm sóc lô cao su đang ươm, vẻ e thẹn của cô gái Thái vẫn không giấu được trong bộ đồ công nhân màu xám tro. Em cho biết đã làm ở đây được gần 1 năm, sau khi học hết lớp 9 cùng với các bạn ở bản Nà Trang. “Làm công nhân vui lắm, vui hơn làm nương nhiều mà”, em cười. Cô bạn Tòng Thị Lịch đang làm gần đó nói với sang: “Cái Tình đi làm công nhân nên có nhiều người đến hỏi làm vợ rồi đấy”. Ông Lò Văn Sĩ, Bí thư chi bộ bản Nà Trang nhớ lại: “Bà con mình từ trước giờ chỉ quen trồng cây gì cho cái ăn được ngay, khi nghe trồng cây cao su nhiều năm mới được thu hoạch bà con sợ lắm. Nhiều người còn đến nhà tôi hỏi trồng cây cao su thì lấy gì mà ăn. Tôi bảo đây là chủ trương của Nhà nước, Nhà nước đã làm thì không để cho bà con đói. Bà con nghe, đến giờ thì nhiều người muốn đến xin làm công nhân còn không có chỗ đấy”. Vào thăm nhà ông Tòng Văn Cao, ở bản Tìn, ông vui mừng cho biết: “Nhà mình có 2 người được nhận làm công nhân cao su, mình có tiền sắm nhiều thứ lắm. Vừa rồi mới bắt con lợn gần 1 tạ ăn Tết đấy”. Những đồ vật mới tinh như ti vi, đầu đĩa và cả chiếc xe máy dựng ngoài sân nhà đã nói lên tất cả. Điều đó cho thấy, ở khía cạnh tích cực, cây cao su đã góp phần đưa cuộc sống của đồng bào sang một trang mới, no ấm hơn, ổn định hơn.
Việc phát triển cây cao su trên địa bàn Tây Bắc là điều đáng mừng và thực sự hữu ích nếu nó mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, về lâu dài, các bên liên quan cần lưu ý giải quyết những vấn đề đang nảy sinh, có thể coi là nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trước tiên là giải quyết số lao động chưa có việc làm tại địa bàn. Có những con số biết nói, nó khiến nhiều người không khỏi giật mình. Tính đến thời điểm này, hơn 4 nghìn hộ dân đã góp 4 nghìn ha đất, tổng số công nhân được nhận vào của Công ty là hơn 2 nghìn người. Tính chi li hơn, 2 nghìn công nhân ấy phải nuôi khoảng 15 nghìn người trong gia đình không có việc làm, không có thu nhập. Báo cáo của Công ty cao su Sơn La, trong 2 năm đầu có tính nguồn thu nhập của các hộ gồm cả tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn vay sản xuất, thu nhập từ các loại cây trồng xen canh và hỗ trợ chuyển giao đất. Thế nhưng, sau 2 năm, phần lớn nguồn thu ấy không còn. Cho dù số người tiếp tục được nhận vào làm công nhân cao su có thể tăng thêm nhưng cơ bản vẫn không giải quyết được tất cả số lao động hiện có tại địa bàn.
Vấn đề thứ hai là kiểm soát chặt chẽ các loại tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng như nghiện hút, gây mất an ninh, trật tự, đốt nương, phá rừng... Nguyên nhân từ người dân không có việc làm “nhàn cư vi bất thiện”, lại có một khoản tiền hỗ trợ khá lớn (đối với người dân tộc thiểu số bản địa) và cũng không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Theo tìm hiểu của người viết, nhiều người dốc hết tiền được hỗ trợ mua sắm vật dụng, xe máy mà không đầu tư chuyển đổi sản xuất hay học nghề... Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây gần như không có bất cứ một nghề phụ nào có thể cho thu nhập. Nhiều hộ hàng chục người chỉ trông vào tiền lương công nhân của 1 hoặc 2 lao động, những người khác không làm gì cả, chỉ đợi đến chiều là tụ tập tại nhà văn hoá đánh bóng, chơi cầu hoặc chạy xe máy ra thị trấn uống rượu. Đã xuất hiện một số trường hợp buôn bán và sử dụng ma tuý trong khu vực người dân góp đất trồng cao su bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Chuyện tái nghèo, thậm chí nhiều hộ rơi vào tình trạng đứt bữa hoàn toàn có thể xảy ra khi tiền hết mà không có đất để sản xuất.   
Vấn đề thứ ba cần phải tính đến là phương án cải tạo đất, nghiên cứu, chuẩn bị loại cây trồng thay thế nếu cây cao su không phát huy hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Điều này (nếu xảy ra) sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân trên địa bàn./.

Trần Thường
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel