CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Các dân tộc tỉnh Bình Thuận đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp

| | 0 nhận xét
Bình Thuận là tỉnh duyên hải thuộc miền Đông Nam bộ, có tổng diện tích tự nhiên 781.042 ha; có 10 huyện, thị xã, thành phố, với 127 xã, phường, thị trấn; tổng dân số: 229.453 hộ/1.140.429 khẩu, với 27 dân tộc anh em sinh sống; trong đó có 26 dân tộc thiểu số, với 14.647 hộ/79.320 khẩu, chiếm tỷ lệ trên 7% so với dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung tại 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép; trong đó: dân tộc Chăm 5.229 hộ/29.352 khẩu, dân tộc K’Ho 2.028 hộ/10.610 khẩu, dân tộc Raglay 1.384 hộ/7.083 khẩu, dân tộc Rai 922 hộ/4.802 khẩu, dân tộc Châu Ro 496 hộ/2.711 khẩu, còn lại là các dân tộc khác.
Trong các thời kỳ lịch sử của đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đều có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng. Với truyền thống đoàn kết, gắn bó, không tiếc máu xương, nhiều người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chiến đấu kiên cường, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần làm nên những chiến công chói lọi, điển hình nhất là chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng, mở ra một trang sử mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, các dân tộc anh em của tỉnh nhà tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới, trong tiến trình phát triển chung của tỉnh; miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận đã và đang có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép với các đề án, các chương trình theo Quyết định số 134 và 135 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc. Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, ngân sách tỉnh đã chi trên 4,9 tỷ đồng khai hoang, cấp đất sản xuất với mức từ 01 - 1,5 triệu đồng/ha; đến cuối năm 2004, đã cấp 3.307,94 ha đất sản xuất cho 2.734 hộ, bình quân 1,21 ha/hộ. Thực hiện Quyết định 134, từ năm 2004 - 2009, toàn tỉnh đã cấp 1.426,2 ha đất sản xuất cho 1.335 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, bình quân 1,07 ha/hộ, với tổng kinh phí 5,811 tỷ đồng. Như vậy, qua thực hiện Nghị quyết số 04 và Chương trình 134, đến nay toàn tỉnh đã cấp 4.734,14 ha đất sản xuất cho 4.069 hộ, bình quân 1,16 ha/hộ; trong đó: tại các xã vùng cao bình quân đạt 1,15 ha/hộ, tại các xã vùng đồng bào Chăm đạt 1,16 ha/hộ và tại các thôn xen ghép đạt 1,23 ha/hộ; cơ bản đã giải quyết đủ đất sản xuất cho đồng bào. Ngoài ra, theo Quyết định số 134, từ năm 2004 - 2009, toàn tỉnh đã xây mới 4.601/3.415 căn nhà, đạt 134,7% chỉ tiêu đề án được duyệt, với tổng kinh phí 48,316 tỷ đồng. Ngoài ra, các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… cũng đã xây mới 375 nhà, sửa chữa 02 nhà tình thương tặng hộ dân tộc thiểu số nghèo, với tổng kinh phí 3,892 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phân bổ nguồn vốn theo Quyết định 134 lồng ghép với vốn ngân sách tỉnh đầu tư 39 hệ thống nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 69,335 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào định canh, định cư. Thông qua việc đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào. Đến nay, đa phần các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa nước và các loại cây công nghiệp như cao su, điều, ca cao....; Một số nơi đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa. Về cơ bản đồng bào chủ động giải quyết đủ nhu cầu lương thực, chấm dứt tình trạng thiếu đói giáp hạt. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Chăn nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển. Thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Tỉnh đã giải quyết cho 3.160 hộ vay 21.864 triệu đồng để mua 4.680 con bò cái sinh sản và cấp 186 con bò đực để phối giống. Các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được đầu tư phát triển như nghề dệt thổ cẩm ở các xã: Phan Thanh, Phan Hòa (huyện Bắc Bình) và các xã: Đông Tiến, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), nghề gốm gọ ở xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình),... vừa góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào, vừa trở thành điểm tham quan du lịch.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy. Đến nay, toàn tỉnh đã giao khoán 89.059,79 ha rừng cho 2.447 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ; bình quân mỗi hộ nhận khoán quản lý 36,4 ha rừng, với mức thu nhập bình quân từ tiền công giữ rừng khoảng 3,6 triệu đồng/hộ/năm. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, tăng độ che phủ của rừng, khôi phục vốn rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thông qua Chương trình 135, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Đến nay, 100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm xã, thôn, bản; hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, nâng số vụ sản xuất lúa nước từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ/năm; 100% các thôn, xã đã có đường điện trung, hạ thế, tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 96%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt trên 75%; hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở và các trạm y tế xã được nâng cấp hoặc xây mới. 
Sự nghiệp giáo dục, y tế miền núi, vùng cao tiếp tục được quan tâm đầu tư. Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ gìn và phát huy, nhất là vào các dịp Tết Ramưwan, Tết Katê, Tết Đầu lúa.... Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tại chỗ được quan tâm đào tạo chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng khá tốt yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào ngày càng tốt hơn. Nhận thức của đồng bào trong cách nghĩ, cách làm, tự chủ vươn lên trong lao động sản xuất có nhiều chuyển biến tiến bộ. Qua quá trình lao động sản xuất, những điển hình người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều. So với trước, đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; củng cố thêm lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Những thành quả trên đã khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên không ngừng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận phát triển còn chậm và chưa vững chắc. Việc tổ chức sản xuất ở nhiều nơi còn bấp bênh, trình độ sản xuất của đồng bào còn thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao; mức thu nhập của phần lớn đồng bào còn thấp, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông còn yếu kém, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giữ gìn vệ sinh môi trường trong một bộ phận đồng bào chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao còn hạn chế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt còn yếu kém, đội ngũ cán bộ vẫn còn nhiều bất cập. 
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Trước hết, các cấp, các ngành phải luôn xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện các mặt của tỉnh. Các địa phương cần tiếp tục khai thác và phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng ổn định, bền vững.
Thứ hai, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đồng bào ứng dụng vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ra sức giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa X). Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của đồng bào về bảo vệ và phát triển rừng, giữ gìn vốn rừng và các nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú ý phát triển những ngành nghề truyền thống, gắn với tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thứ tư, chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, chung tay góp phần cùng các dân tộc anh em trong cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp tục triển khai nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; từng bước loại bỏ các tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội, gắn với đấu tranh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các loại tệ nạn xã hội.
Thứ năm, không ngừng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở theo Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa X). Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ. Tiếp tục phát huy sự đóng góp những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là các chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản vào quá trình xây dựng và phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội của địa phương. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, chú ý phát triển đảng viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chú trọng làm tốt công tác tập hợp, vận động quần chúng, giúp đồng bào nắm bắt đầy đủ thông tin, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
Trên nền tảng những thành quả đã đạt được, hy vọng rằng trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận với truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương trợ giúp đỡ nhau, sẽ nỗ lực chung tay cùng với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức khai thác, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy các mặt dân sinh, kinh tế, xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững; góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Ngô Minh Hòa
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel