Mường Khương là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh
Lào Cai. Địa hình cao, dốc, bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, xen kẽ có các dải
thung lũng hẹp; khí hậu khắc nghiệt. Dân số 10.215 hộ, 52.030 khẩu gồm 14 dân
tộc anh em chung sống, trong đó gần 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số (Dân
tộc Mông: 41,78%, Nùng 26,8%; Dao 5,75%; Dáy 3,74%, còn lại là các dân tộc ít
người như: Tu Dí, Phù Lá, Hoa, Lô Lô, Cao Lan, Xa Phó...). Về kinh tế có gần
90% dân số làm nông nghiệp và các ngành nghề thủ công nhỏ.
Khắc phục khó khăn của một
huyện vùng cao, huyện đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, tỉnh
thông qua các Chương trình, Dự án; tập trung đầu tư giải quyết các vấn đề nông
nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả
khả quan. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-TTg ngày 27/12/2008 của Chính phủ, Mường Khương đã thực hiện hiệu
quả với những bước tiến vững chắc, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Trong năm 2009, tổng kế hoạch
vốn Trung ương giao cho huyện Mường Khương là 28.178 triệu đồng. Huyện đã chọn
đầu tư 33 công trình trọng điểm như: nước sạch sinh hoạt, 5 công trình; thuỷ
lợi 09 công trình, giao thông 06, điện 05,trường học 8. Đến thời điểm này,
huyện đã tổ chức khởi công 25 danh mục công trình, đạt 75,75% kế hoạch đề ra với tổng kinh phí
13,615 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện các công trình hạ tầng, huyện đã tiến
hành giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè, thuốc lá; chăm
sóc bảo vệ rừng; trồng rừng kinh tế; chăm sóc trâu, bò đực giống; chuyển đổi
diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Người nông dân trong khu
vực dự án cũng được tập huấn kiến thức và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản
xuất thu được hiệu quả cao về năng suất cây trồng, vật nuôi và giảm được sức lao
động.
Nghị quyết 30a mặc dù mới được
triển khai ở Mường Khương nhưng đã cho thấy tác dụng tích cực. Trong hơn 1 năm
qua, từ nguồn vốn này, đã có 545 hộ nghèo có nhà tạm được hỗ trợ để sửa chữa và
làm mới nhà. Có hàng trăm hộ gia đình nghèo được vay vốn phát triển sản xuất,
xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Một số vùng chuyên canh cây ăn quả, chè, thảo
quả đã được hình thành và phát huy hiệu quả. Điểm đặc biệt trong việc thực hiện
Nghị quyết 30a ở Mường Khương là huyện đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống
chính trị, của cả cộng đồng và người dân hưởng lợi tham gia. Một số xã như: Bản
Lầu, Bản Xen, Lùng Vai, Tả Ngài Chồ đã hoàn thành và đã thanh toàn 100% tiền hỗ
trợ cho thấy đây là biện pháp đúng đắn, có tác dụng to lớn.
Tính đến hết năm 2009, tốc độ
phát triển kinh tế của huyện đạt 11%; GDP bình quân 5,2 triệu người/năm; cơ cấu
kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông, lâm nghiệp 53,9%; công nghiệp, xây dựng
là 13,19%; dịch vụ, thương mại, du lịch là 32,9%. Đặc biệt, trong sản xuất
nông, lâm nghiệp có bước phát triển vượt bậc, đã làm tốt công tác quy hoạch và
đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá rõ nét như mang lại nguồn thu
nhập cao cho người dân. Tiêu biểu như: Vùng lúa đặc sản Séng Cù trồng 700 ha,
sản lượng gần 3.000 tấn, giá trị hàng hoá đạt khoảng 25 tỷ đồng; Vùng ngô hàng
hoá với diện tích là 6.100 ha, tỷ lệ giống lai kỹ thuật chiếm trên 90%, sản
lượng gần 18.000 tấn, trị giá trên 60 tỷ đồng; Vùng chè Shan trên 800 ha, diện
tích chè kinh doanh là 500 ha, chất lượng khá, thị trường tiêu thụ ổn định,
doanh thu xuất khẩu đạt trên 9 tỷ đồng. Đến nay, huyện tiếp tục mở rộng diện
tích chè tập trung ở vùng hạ huyện, phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích chè
toàn huyện đạt khoảng 2.000 ha; Hình thành vùng nguyên liệu thuốc lá với diện
tích quy hoạch 800 ha/năm, riêng năm 2009 đã trồng 172 ha, cho kết quả tốt;
vùng cây ăn quả Dứa (700 ha); Chuối Mô (200 ha) đã mang lại hiệu quả kinh tế
cao. Bên cạnh đó, đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng khá; việc trồng rừng, bảo vệ
rừng được đẩy mạnh. Trong năm 2009, giao khoanh nuôi bảo vệ rừng: 12.418 ha,
trồng mới được 634 ha đạt 105% kế hoạch). Tỷ lệ tán che phủ đạt 39%. Cơ sở hạ
tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư (riêng năm 2009 được đầu tư 158 tỷ đồng từ
17 nguồn vốn với trên 350 danh mục).
Cơ sở hạ tầng của các xã cơ bản
được hoàn thiện, trong đó đã có 14/16 xã có đường nhựa đến trung tâm xã; 15/16
trụ sở xã đã và đang xây dựng theo mẫu chuẩn; 16/16 xã với 159/226 thôn, bản
được sử dụng điện lưới Quốc gia; 59/59 trường học ở trung tâm xã được xây dựng
kiên cố. Bệnh viện đa khoa, phòng khám khu vực, các Trạm y tế xã cơ bản đã được
đâu tư theo hướng chuẩn hoá, 80% kênh mương được kiên cố hoá; 70% dân số được
sử dụng nước hợp vệ sinh, mạng lưới thông tin liên lạc được mở rộng 16/16 xã.
Huyện đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo
dục trung học cơ sở cả 16/16 xã. Có 07 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc
gia; 08/16 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế.
Thực hiện có hiệu quả Nghị
quyết 30a đã góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 63,36% (năm
2005) còn 36% như hiện nay. Số hộ khá tăng lên. Số hộ tái nghèo hàng năm thấp
và ngày càng giảm dần.
Tuy đã đạt được những kết quả
đáng mừng như vậy nhưng Mường Khương vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục
như: Tốc độ phát triển kinh tế còn chậm; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu
cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; trình độ, năng lực của một bộ phận
cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đời sống nhân
dân nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn; một số phong tục,
tập quán lạc hậu còn tồn tại ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân; vẫn còn
một số tệ nạn xã hội có ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống… Chính vì vậy, Mường
Khương cần khắc phục được những hạn chế đã nêu để Nghị quyết 30a thực sự phát huy
được hết hiệu quả đối với nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo bền vững cho những vùng
khó khăn, đưa huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo như hiện nay./.
No comments:
Post a Comment