Bản Xoóng Con (xã Tam Thái, huyện Tương
Dương, tỉnh Nghệ An) có tổng số 44 hộ dân, hơn 90% dân số là người dân tộc
Thái, trong đó có 33 hộ trong độ tuổi sinh đẻ. Đời sống của người dân Xoóng Con
chủ yếu sống dựa vào rừng, kinh tế tự cung tự cấp, thế nhưng đã hơn 10 năm nay
bản không có trường hợp nào sinh con thứ 3.
Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của
chính quyền địa phương, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân
thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhưng điều quan trọng nhất
là nhận thức của người dân bản Xoóng Con về gánh nặng gia đình nếu sinh nhiều
con.
Ông Lương Văn Vinh, Bí thư Chi bộ bản
Xoóng Con, người đã có thời gian hơn 10 năm làm công tác dân số kiêm bí thư chi
bộ và trưởng bản, cho biết: Vào thời điểm trước những năm 2000, đời sống của
các gia đình ở xã Tam Thái rất khó khăn, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự
nhiên, cộng với việc sinh nhiều con đã dẫn đến tỷ lệ đói nghèo gia tăng; trẻ em
không được học hành chu đáo, nhiều em phải bỏ học giữa chừng để cùng gia đình
vào rừng kiếm cái ăn hàng ngày.
Những năm qua công tác tuyên truyền vận động
nhân dân thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã bắt đầu
được tăng cường thông qua các cuộc họp bản. Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ đã
tuyên truyền, vận động chị em với nhiều hoạt động cụ thể như thành lập “Câu lạc
bộ không sinh con thứ 3”, hàng năm tổ chức tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ
8/3, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, xây dựng phong trào
văn hóa, văn nghệ... Nhờ đó, người dân đã nhận thức được những khó khăn khi
sinh đẻ nhiều con, qua đó đồng tâm với chính quyền địa phương thực hiện tốt
chính sách dân số.Vì vậy, hơn 10 năm nay, ở bản Xoóng Con không có gia đình nào
sinh con thứ 3 nữa.
Chị Vy Thị Khương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã
Tam Thái cho biết: Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bản
Xoóng Con, mặc dù có rất nhiều hộ có 2 con đều là gái nhưng đã cam kết không
sinh thêm con thứ 3. Tiêu biểu như gia đình anh Lô Văn Tám (SN 1984) và chị
Lương Thị Nga (SN 1987), gia đình anh Lương Văn Huyến (SN 1983) và chị Lô Thị
Tiên (1988), dù tuổi còn trẻ, nhưng họ đã tự nguyện đăng ký cam kết không sinh
con thứ 3, dừng lại 2 con để nuôi dạy, chăm lo học hành đến nơi đến chốn và xây
dựng gia đình phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.
Có thể nói, hơn 10 năm trở lại đây, khi bản
Xoóng Con không có người sinh con thứ 3, điều kiện kinh tế của các gia đình ở
đây đã thay đổi hẳn. Tận dụng đặc thù vùng địa phương, người dân bản Xoóng Con
đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi lợn, trâu bò, trồng
ngô, bí xanh. Nhiều gia đình đã bắt đầu có của ăn của để, nâng cao đời sống và
chăm lo chu đáo cho con cái học hành, từ chỗ tỷ lệ học sinh phải nghỉ học giữa
chừng nhiều nhất trong xã, đến nay bản không còn tình trạng học sinh bỏ học, thất
học trong độ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 25% năm 2010, hiện nay giảm
xuống còn 11%.
Lục Thị Liên
No comments:
Post a Comment