Với quan niệm “nhiều ruộng không bằng đông
con”, đồng bào dân tộc Dao thôn Nà Hắc (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng
Ninh) đã “vô tư” sinh con mà không thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Cuộc sống
người dân đã khó khăn, lại thêm đông con nên đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Từ trung tâm xã Hà Lâu, phải vượt qua hơn
15km đường đất đỏ, lội qua hai con suối chúng tôi mới đến được thôn Nà Hắc. Đây
là một trong những thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã. Theo chân anh cán bộ
chuyên trách dân số xã Hà Lâu, chúng tôi tìm đến gia đình anh Chìu Châu Sầu,
sinh năm 1980 và chị Giềng Tà Múi, sinh năm 1982. Căn nhà của vợ chồng anh chị
được làm bằng tường tre, lợp mái tôn, diện tích chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30m2.
Trong căn nhà chật chội ấy chỉ đủ kê một chiếc giường ọp ẹp và một chiếc bàn uống
nước cũ kĩ, quần áo, chăn màn bừa bộn nhếch nhác nhưng có tới 6 người đang sinh
sống. Đó là hai vợ chồng anh Sầu và 4 đứa con nhỏ (hai trai, hai gái). Hiện chị
Múi đang mang bầu tháng thứ 5. Chúng tôi hỏi chị Giềng Tà Múi: “Đẻ nhiều như vậy,
chị có đủ gạo ăn không?”. Chị bảo: “Không đủ gạo ăn đâu, có lúc phải ăn khoai sắn
ngô, nhưng chồng bảo đẻ thì cứ đẻ thôi”.
Được biết, công việc chủ yếu của anh Sầu
chỉ là lên rừng, làm rẫy hoặc làm thuê, làm mướn nhưng việc trang trải cuộc sống
hàng ngày vẫn rất khó khăn. Còn chị Múi, do sinh đông và sinh dày nên suốt ngày
bận bịu với việc chăm sóc con nhỏ, sức khoẻ suy giảm nhanh chóng. Chưa đến 30
tuổi nhưng ai trong chúng tôi cũng ngỡ chị đã ngoài 40 tuổi. Bởi vậy, đối với vợ
chồng anh chị, việc chăm lo cho các con ăn học luôn là một thách thức lớn.
Trong khi nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa được ăn ngon, mặc đẹp, được cắp
sách tới trường thì hai đứa lớn nhà anh lại phải thường xuyên theo bố mẹ lên
nương, lên rẫy, vào rừng đào củ sắn, củ khoai đem bán. Chị Múi tâm sự: “Gạo còn
không đủ ăn, chứ lấy tiền đâu mà cho bọn trẻ đi học”.
Trao đổi với anh Phạm Thế Ninh, cán bộ
chuyên trách dân số xã Hà Lâu về tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều của người dân
trong thôn, anh Ninh cho biết: “Do đường sá đi lại khó khăn nên công tác tuyên
truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình đến các hộ trong thôn Nà Hắc gặp rất nhiều
khó khăn. Hơn nữa, đa số người dân còn mang nặng tư tưởng phong kiến “đông con
đông của”, “nhiều ruộng - không bằng nhiều con”, người phụ nữ không có tiếng
nói trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Bởi vậy, số gia đình
sinh nhiều con và trẻ em ở đây bỏ học là chuyện thường thấy. Thậm chí, hiện
nay, nhiều hộ trong thôn vẫn không chịu áp dụng các biện pháp tránh thai. Do vậy,
nguy cơ sinh thêm con chỉ là vấn đề thời gian” và số cặp vợ chồng trong độ tuổi
sinh đẻ hiện đang áp dụng các biện pháp tránh thai tính đến cuối quý I năm 2013
chỉ có 7 cặp.
Hiện nay, 100% hộ dân ở Nà Hắc đều sinh
con thứ 3 trở lên. Có gia đình sinh đến 7 người con. Và hệ quả tất yếu với bản
đông con như Nà Hắc là cả bản có 25 hộ thì 100% là hộ nghèo. Chính vì vậy, để
giải quyết được vấn đề này ở các thôn bản vùng cao xã Hà Lâu cần phải thay đổi
được quan niệm lạc hậu của người dân, giúp họ nâng cao nhận thức về công tác
dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt công tác truyền thông dân số ở địa
phương cũng cần phải được tăng cường thường xuyên, đổi mới nội dung và hình thức
phù hợp với phong tục tập quán của người dân, giúp họ nhận thức tốt được vấn đề
“chỉ nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”.
Lưu Linh
No comments:
Post a Comment