Ở miền sơn cước bốn bề rừng xanh núi bạc,
có một nữ trưởng thôn vang tiếng được đồng bào dân tộc Cơ Tu thôn J’Da (xã
Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) tín nhiệm, mến yêu vì đã góp công lớn
nâng cao đời sống cho bà con thôn bản. Chị là Cơ Lâu Thị Giáp, trưởng thôn
J’Da.
Nữ trưởng thôn đầu tiên của đồng bào Cơ
Tu.
Vượt qua “lời nguyền” rằng phụ nữ đời đời
kiếp kiếp không được nắm quyền tham gia vào các việc trọng đại của bản làng, Cơ
Lâu Thị Giáp đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của người Cơ Tu huyện vùng cao
Tây Giang đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn. Chính cái điều tưởng chừng như không
thể mà Giáp đã làm được cộng với tiếng lành đồn xa về một cô gái sinh ra và lớn
lên ở bản làng nghèo thôn J’Da một thời khốn khó đã vực dậy, đưa kinh tế địa
phương nghèo ngày một đi lên đã thôi thúc chúng tôi vượt gần 200 km băng rừng,
vượt núi tìm về bản làng trên rẻo cao chênh vênh giữa núi non.
Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, gia
cảnh cơ hàn lúc thiếu thời đã rèn cho Cơ Lâu Thị Giáp một ý chí tự cường vượt
khó. Ngay từ khi học hết lớp 10, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên Giáp đã xin
ba mẹ được nghỉ học để phụ giúp việc canh tác nương rẫy kiếm tiền nuôi các em
nhỏ ăn học. Tranh thủ thời gian rảnh, cô gái trẻ hăng hái tham gia các phong
trào thanh niên, chi đoàn của địa phương, cáng đáng bất cứ công việc dù lớn dù
nhỏ mà cấp trên giao phó. Dần dần, lãnh đạo địa phương nhận thấy năng lực và phẩm
chất làm “thủ lĩnh” của Giáp nên đã đề cử cô tranh cử chức trưởng thôn J’Da.
Thôn khi đó vừa được tách ra khi cô đoàn
viên trẻ mới chân ướt chân ráo về tiếp quản “chiếc ghế trống”. “Hồi đó nghe mấy
chú cán bộ trên xã cất nhắc, đề bạt làm trưởng thôn, tôi bất ngờ lắm. Tự ngẫm
mình chẳng tài cán gì không biết lấy sức đâu giúp bà con. Thế nhưng trong ngày
bầu cử lấy ý kiến trưng cầu, được sự ủng hộ đồng lòng của toàn thể bà con trong
thôn, tôi mạnh dạn hơn. Ban đầu cảm thấy công việc khá vất vả, vì là phận nữ
nhi mà ngày nào cũng chạy đôn chạy đáo sâu sát, tìm hiểu tâm tư bà con để hiểu
bà con mình có gì khó khăn, thắc mắc”, Giáp chia sẻ.
Suốt 6 năm trong cương vị của một trưởng
thôn chăm lo mọi mặt đời sống của bà con trong thôn từ đời sống vật chất đến đời
sống tinh thần, Cơ Lâu Thị Giáp đã lao động không biết mệt mỏi, ngày đêm trăn
trở giúp thôn nhà ngày một đi lên. Nhận thấy công tác dân số là một trong những
trọng điểm tối ưu góp phần xóa đói giảm nghèo nên ngay từ khi nhận trách nhiệm
của cấp trên, nữ cán bộ trẻ đã bắt tay vạch ra các định hướng nhằm vận động bà
con trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, việc làm mà từ trước đây luôn
khiến các trưởng thôn nơi khác phải đau đầu gỡ rối.
“Trước đây bà con suy nghĩ đơn giản sinh
con càng nhiều càng được phúc tuổi về già. Họ cho rằng đó là lộc của trời ban
nên nhà nào nhà nấy cứ ồ ạt sinh con trong khi đời sống còn nhiều khó khăn, sản
xuất chỉ trông chờ vào nương rẫy. Những ngày đầu, mình tổ chức họp chi bộ thôn,
khuyên răn bà con đủ điều nhưng cũng chẳng ăn thua, về sau mình tranh thủ mỗi
buổi tối gõ cửa từng nhà bắt chuyện rồi giãi bày cho mọi người hiểu tầm quan trọng
của sinh đẻ kế hoạch, một thời gian sau bà con cũng hiểu và thực hiện”.
Từ một thôn luôn có tỷ lệ sinh hằng năm
cao, kể từ khi có trưởng thôn Giáp, thôn J’Da đã thực hiện tốt chủ trương kế hoạch
hóa gia đình và trong 3 năm trở lại đây, thôn J’Da không có hộ sinh con thứ 3,
điều hiếm gặp của một địa phương ở vùng cao. Năm nào, Cơ Lâu Thị Giáp cũng đại
diện cho xã đi tập huấn học tập các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nhờ
được đi nhiều, tiếp thu nhiều nên các loại hình trồng trọt chăn nuôi hiệu quả
nhận thấy có thể đem lại lợi ích cho bà con, Giáp đem về truyền đạt và khuyến
khích mọi người trong thôn thử nghiệm.
Không ít hộ dân trong thôn đã vươn lên làm
giàu nhờ sự hướng dẫn của Giáp. “Trước đây đồng bào nơi đây chỉ quen phát nương
làm rẫy, từ ngày trưởng thôn Giáp khuyên chăn nuôi lợn bằng thức ăn hỗn hợp, lợi
nhuận cao hơn hẳn. Làng J’Da may mắn vì đã có một trưởng thôn trẻ tuổi nhiệt
huyết, giỏi giang, luôn tận tâm với bản làng”, già làng Bnướch Hồng, thôn J’Da,
vui vẻ bộc bạch.
Kho thóc tình thương giúp người nghèo.
Ngay trung tâm bản làng J’Da có một kho
thóc mà đồng bào nơi đây gọi bằng cái tên nghĩa tình là kho thóc tình thương. Gần
5 năm qua, kho thóc chính là “vị cứu tinh” của nhiều hộ dân còn khốn khó trong thôn,
giúp họ vượt qua cảnh ngặt nghèo. Kho thóc này cũng do nữ trưởng thôn đầu tiên
của huyện miền núi xa xôi này đề xướng rồi tự mình cất công xây dựng, sau đó vận
động bà con trong thôn hàng năm trích mỗi hộ 30 kg gạo quyên góp về kho thóc
khi vụ mùa kết thúc.
“Một lần đi công tác dưới xuôi, thấy người
dân dưới đó một số nơi có chương trình hũ gạo tình thương nên khi về trên này,
tôi đã đi thuyết phục, kêu gọi người dân trong thôn hưởng ứng xây dựng kho thóc
tình thương với mục đích nhường cơm sẻ áo, chung tay góp sức cứu giúp những
hoàn cảnh còn khó khăn trong thôn”. Từ năm 2008 đến nay, kho thóc tình thương của
thôn J’Da đã đi vào đời sống bà con nhân dân và được nhiều địa phương khác học
tập noi theo.
Cơ Lâu Thị Giáp cho biết, năm 2007, tỷ lệ
hộ nghèo thôn J’Da chiếm 15%, nhưng kể từ khi có kho thóc tình thương hỗ trợ mỗi
tháng 10kg gạo cho những hộ khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn
xuống còn 2 hộ trên tổng số 37 hộ. Kho thóc tình là nghĩa cử cao đẹp trong tinh
thần tương thân tương ái của đồng bào làng xóm.
Chia tay nữ thủ lĩnh miền sơn cước, chúng
tôi quả thực vui mừng cho đồng bào nơi đây vì đã may mắn có được một cán bộ đầy
tâm huyết, hết lòng vì bà con. Chúng tôi tin chắc rằng trong một tương lai
không xa, bản làng của vị nữ thủ lĩnh này sẽ khoác lên mình một diện mạo mới vì
đơn giản họ đang có một “báu vật” hết lòng vì nhân dân, ngày đêm vạch hướng tìm
lối đi đến tương lai tươi sáng²
Tam Ca – Nguyễn Lệ
No comments:
Post a Comment