CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Gia Lai - Những thành tựu to lớn sau 35 năm giải phóng

| | 0 nhận xét
Tỉnh Gia Lai trước ngày giải phóng được biết đến như một chiến trường ác liệt, nơi đây những địa danh tên đất, tên người cũng đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, những quyết sách của Đảng và Nhà nước về Tây Nguyên là đòn bẩy quan trọng giúp cho sự phát triển của tỉnh Gia Lai.
Những ngày đầu sau giải phóng, Gia Lai bị chiến tranh tàn phá nặng nề, xuất phát điểm rất thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dân cư một phần sống tập trung ở các trung tâm huyện, thị xã, số còn lại sống rải rác ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, đời sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự túc, tự cấp, năng suất thấp, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: Cao su 76.450 ha, cà phê 76.600 ha, tiêu gần 5.000 ha, điều 20.260 ha, chè 1.154 ha; bắp 57.000 ha, mì 56.350 ha, mía 20.000 ha và gần 31.000 ha rau, đậu đỗ các loại; đã tạo ra trên 495.000 tấn lương thực, 68.000 tấn mủ cao su, 140.000 tấn cà phê nhân, 10.560 tấn điều nhân, 21.700 tấn tiêu, 5.400 tấn chè (búp tươi)… là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến... Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch trồng cao su trên đất lâm nghiệp gắn với giải quyết việc làm, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 125.000 ha cao su; đàn gia súc gia cầm tăng nhanh, hiện đàn bò có khoảng 336.500 con (bò lai chiếm 35%), đàn heo có 353.700 con.
Là vùng đất giàu tài nguyên, trong 35 năm qua, tỉnh đã bảo vệ và phát triển có hiệu quả tài nguyên rừng, khoáng sản, hệ thống sông suối gắn với bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái.
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, với nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy được đầu tư xây dựng như: Thủy điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông-lâm sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu. Đã hình thành một số khu-cụm công nghiệp với quy mô nhỏ, làm cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.
Các ngành dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải, tư vấn... phát triển cả về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ, hệ thống phân phối hàng hóa, giao thông, thông tin liên lạc thông suốt từ trung tâm thành phố, thị xã đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Năm 2009, tỉnh và ngành chức năng đã chính thức mở đường bay thẳng Hà Nội-Pleiku-Hà Nội và tăng tần suất bay đi Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động xuất khẩu ngày càng được đẩy mạnh, một số sản phẩm của tỉnh đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ một tỉnh gần như nhận trợ cấp hoàn toàn từ Trung ương, đến nay đã tự cân đối được 50% ngân sách trên địa bàn. Năm 2009 thu ngân sách đạt gần 2.000 tỉ đồng.
Gia Lai có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm Thành phố Pleiku (đô thị loại II), 2 thị xã, 14 huyện và 222 đơn vị hành chính cấp xã với rất nhiều công trình mới được xây dựng, bộ mặt của thành thị và nông thôn ngày một đổi mới. Các tuyến đường từ tỉnh xuống huyện, thị xã đã được đầu tư xây dựng, đường giao thông nông thôn từng bước được bê tông hóa và nhựa hóa. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Tất cả các xã và hầu hết các thôn, làng, tổ dân phố đều có điện lưới quốc gia với 95% số hộ được sử dụng điện. 80% số hộ ở nông thôn được dùng nước sạch. 95% xã có báo đến trong ngày. Bình quân 74,6 máy điện thoại/100 dân (cố định và di động).
Cơ chế, chính sách và môi trường thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỉ đồng. Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã được đầu tư xây dựng, cùng với việc hình thành khu vực Tam giác phát triển giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, khánh thành đường 78-Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khu vực cửa khẩu phát triển nhanh, Thành phố Pleiku sẽ trở thành tâm điểm của khu vực.
Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, tỉnh không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,32%; đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm. Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên lần thứ nhất được tổ chức tại Gia Lai và Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh thành công đã khẳng định tinh thần đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước được cả cộng đồng quan tâm.
Đời sống tinh thần và trình độ dân trí của người dân được nâng cao, các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 100% xã đã phủ sóng phát thanh, 95% xã phủ sóng truyền hình; 100% hộ được nghe đài phát thanh, 95% số hộ được xem truyền hình. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là sự khẳng định giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Ngành Giáo dục-Đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng, với hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố, đủ điều kiện phục vụ dạy và học. Đến nay có 44 trường đạt chuẩn quốc gia; quy mô học sinh đạt 2.653 học sinh phổ thông/vạn dân; đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị, Phân hiệu Đại học Nông  Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai đã hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân không ngừng được quan tâm; đã đẩy lùi được dịch sốt rét, khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, giảm tỷ lệ tăng tự nhiên dân số; đã cơ bản xóa mù do đục thủy tinh thể cho người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; số cơ sở khám-chữa bệnh, trang-thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ y tế luôn được đầu tư và củng cố, đến nay bình quân có 5 bác sĩ/1 vạn dân, 48,2% trạm y tế xã có bác sĩ; 25% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, vận tải,... đạt được những kết quả đáng khích lệ; với sự ra đời của Câu Lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm Đào tạo Bóng đá Hoàng Anh Arsenal-JMG, Bến xe Đức Long Gia Lai, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh... Đó là những mô hình xã hội hóa tiêu biểu, đã góp phần quảng bá về hình ảnh của Gia Lai.
Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
35 năm xây dựng và phát triển, Gia Lai đã trở thành một địa phương có tốc độ phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao; quy mô nền kinh tế sau 35 năm tăng gấp 34 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng, đến năm 2009 tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 43,16%; công nghiệp-xây dựng chiếm 29,57% và dịch vụ chiếm 27,13%; GDP bình quân đầu người đạt 12,43 triệu đồng.
Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ có đường lối sáng suốt của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh; đó là kết quả từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc Gia Lai trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong hơn 2 thập kỷ đổi mới. Đây là động lực mạnh mẽ để tỉnh Gia Lai phát triển đi lên.
Tự hào về những thành tựu đã đạt được trong 35 năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu vì một Gia Lai phát triển nhanh, mạnh và bền vững; vì ấm no và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và cho cả cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước./.
Phạm Thế Dũng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Gia Lai

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel