CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Những đóng góp to lớn của các Dân tộc thiểu số trong kháng chiến thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ

| | 0 nhận xét
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Chỉ 3 tuần sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Chiến sự ngày càng lan rộng từ Nam ra Bắc. Tình thế đã buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ trong 9 năm chống thực dân Pháp; sau đó là 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, bất chấp hiểm nguy, đồng bào các dân tộc thiểu số đã vượt lên mất mát, hy sinh tham gia kháng chiến với nhiều hình thức phong phú, cả trực tiếp và gián tiếp, cả ở vùng căn cứ, vùng tự do cũng như vùng địch hậu; giữ bí mật, nuôi và bảo vệ cán bộ, bộ đội; tham gia tiễu phỉ, trừ gian, bố phòng chiến đấu, chống càn, phục vụ hậu cần cho chiến trận.
Hàng triệu con em đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng vũ trang cách mạng. Khi Nam Bộ kháng chiến, trong đoàn quân Nam tiến có nhiều chiến sỹ dân tộc Tày, Mường… Riêng vùng Việt Bắc đóng góp hơn 20 chi đội, 10.000 người, trong đó đồng chí Hoàng Đình Giong là Tư lệnh Quân khu 9 thời kỳ 1946-1947 đã có nhiều cống hiến cho kháng chiến Nam Bộ. ở vùng người Tày có lúc động viên  15-20% số dân tham gia lực lượng vũ trang. ở Liên khu 5, lực lượng dân quân du kích trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số, vào năm 1948 có hơn 100.000 người, đến giữa năm 1950 tăng lên đến 50 vạn.
Trong chiến đấu, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn ngoan cường, lập nhiều chiến công oanh liệt. Đã xuất hiện nhiều tấm gương trung kiên, tiêu biểu mãi mãi là niềm tự hào chung như các Anh hùng quân đội: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đinh Núp… cùng hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.
Trong 9 năm kháng chiến, dù hoàn cảnh loạn lạc, kẻ thù đàn áp, o ép, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nhưng ở đâu, nhân dân các dân tộc thiểu số cũng đều hết lòng cưu mang, giúp đỡ bộ đội và cán bộ. Riêng Việt Bắc đã góp đến 13 triệu ngày công tham gia các chiến dịch lớn. Tính trung bình mỗi người dân đã góp 1/2 thời gian để phục vụ kháng chiến. ở miền Nam, đồng bào huyện An Khê, phần đông là người Ba-na đã ủng hộ chiến dịch đông xuân 1946-1947 hàng trăm tấn thóc; hàng trăm trâu, bò. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ ngoài Bắc, các dân tộc Thượng ở Nam Trung Bộ đã góp 6 triệu ngày công, 1.000 ngựa thồ, hàng chục thớt voi và tham gia vận chuyển trên 10.000 tấn vật phẩm tiếp tế cho bộ đội.
Cuộc chiến đấu của đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần đáng kể vào chiến công chung qua các chiến dịch quan trọng, trong đó lớn nhất và quan trọng nhất là chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ giáng đòn quyết định xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng hoà bình, độc lập của Việt Nam, rút quân về nước.
Tuy nhiên, ngay từ mấy năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã can thiệp vào chiến trường Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng với người Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã bước vào cuộc kháng chiến thứ hai để bảo vệ Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ - tên sen đầm quốc tế giàu mạnh và hung hãn nhất.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, vùng các tộc Thượng trên Trường Sơn - Tây Nguyên trở thành căn cứ địa kháng chiến. Tiếp đó, các căn cứ địa được mở rộng ra nhiều vùng khác như: vùng người Cơ-ho ở Lâm Đồng, vùng người Giẻ-Triêng, Xơ đăng, Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Mạ, Mnông… ở Tây Nguyên, vùng người Chăm, Hroi và Ba-na ở Phú Yên, sóc Bom Bo của người Stiêng ở Sông Bé, sóc Tà Thiết của người Khmer… Đặc biệt, xuyên Trường Sơn - Tây Nguyên, hệ thống đường chiến lược nối từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ chạy dọc, ngang qua nhiều vùng các dân tộc Thượng, với tổng chiều dài gần 17.000km, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi tuyến đường đi qua đã góp công sức mở đường, tu sửa, bảo vệ đường trước sự phá hoại điên cuồng của kẻ địch. Gắn liền với đường Trường Sơn là hệ thống các kho tàng quốc phòng được đồng bào Thượng giữ gìn, phòng gian bảo mật một cách tin cậy và dũng cảm. Có những làng người Thượng phải hàng chục lần dời lên vùng rừng núi hẻo lánh, kiên trì chịu đói rét, bom đạn, vượt qua cả sự dụ dỗ và đe doạ của kẻ thù để bảo vệ cách mạng. Nhiều người, nhiều gia đình, nhiều làng sẵn sàng hứng chịu khủng bố, trả thù, bắt bớ, tàn sát để cưu mang, che giấu, bảo vệ cán bộ, giữ bí mật về tổ chức và công việc của cách mạng.
ở các vùng căn cứ, vùng giáp ranh và vùng mới giải phóng bị địch tập trung tàn phá, phải chịu nhiều cuộc càn quét, bom, pháo, chất độc

màu da cam huỷ diệt. Trên địa bàn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong nhiều năm, đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên và các tỉnh dọc Trường Sơn hầu như chỉ ăn sắn, ngô là chính, dành thóc, gạo cho bộ đội. Có những gia đình mỗi năm tự nguyện ủng hộ hàng trăm gùi thóc, trâu, lợn. Có những nơi chỉ giữ lại 1/2 hoặc 1/3 số thu hoạch, thậm chí chỉ để lại một lượng nhỏ cho trẻ em, người ốm còn lại đưa hết ra  mặt trận. Việc tăng gia sản xuất ở vùng căn cứ được tích cực đẩy mạnh để đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ và bộ đội ngày một đông thêm.
Các dân tộc thiểu số còn đóng góp nhiều nhân lực cho cuộc kháng chiến. Hơn 20 năm chống Mỹ, nhiều gia đình chỉ có 1 con cũng cho đi kháng chiến. Các lực lượng vũ trang và bán vũ trang kháng chiến đã thu hút đông đảo người dân tộc thiểu số tham gia. ở các vùng người Chơ-ro, Stiêng, Mnông, nhất là tại các vùng căn cứ, hầu như làng nào cũng có thanh niên vào bộ đội. Càng về sau, đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia lực lượng vũ trang cũng như vào du kích ngày càng đông. Địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 10-50% dân số thoát ly đi kháng chiến. ở Kon Tum, du kích chiếm tỷ lệ 15% dân số ở vùng căn cứ. Không chỉ hăng hái tòng quân, đồng bào còn đóng góp nhiều công sức giã gạo, làm đường và vận chuyển cho kháng chiến. Trên đường 559-con đường bí mật nối từ bắc vĩ tuyến 17 vào Đông Nam Bộ có hàng nghìn thanh niên nam, nữ ngày ngày tham gia công việc chi viện từ miền Bắc vào theo tuyến huyết mạch này. Sức lực của đồng bào các dân tộc thiểu số trở nên mạnh mẽ lạ thường. Nhiều kỷ lục gùi chuyển hàng đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến. Tiêu biểu như hai chàng trai Tà-ôi sau được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: A Nui gùi mỗi chuyến 75kg; riêng năm 1967 đã gùi được 7 tấn hàng cho mặt trận. Trong 7 năm (tính đến 1968), anh đã gùi chuyển gần 138 tấn hàng. Kiện tướng “chân đồng vai sắt” Hồ Dục, có năm đi gùi liên tục 300 ngày, có đợt gùi tới 100 kg mỗi chuyến trong suốt 4 tháng liền. Từ các buôn làng, những em bé mới 13-14 tuổi, những cụ già đã 70-80 tuổi cũng đi dân công.
ở vùng rừng núi, chiến tranh du kích là một ưu thế đặc biệt và đóng vai trò quan trọng. Du kích khi độc lập tác chiến, khi phối hợp với bộ đội, vừa tham gia chiến dịch, vừa chống càn; ở vùng địch kiểm soát diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp hỗ trợ quần chúng nổi dậy đạt hiệu quả chiến đấu cao. Phối hợp nhịp nhàng với mặt trận quân sự, cuộc đấu tranh chính trị và hoạt động binh vận của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng rất sôi nổi và thắng lợi liên tiếp. Đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam đã tích cực binh vận trong hàng ngũ địch, cảm hoá được khá nhiều nguỵ quân; điển hình là bà Thạch Thị Siếng người Khmer ở Châu Thành (Trà Vinh) đã tay không lấy được 5 đồn quân nguỵ trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
ở miền Bắc, hậu phương lớn của chiến trường miền Nam anh hùng, nhân dân đã nỗ lực chi viện sức người, sức của, chia lửa cho đồng bào miền Nam. ở các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ là người dân tộc thiểu số phát triển nhanh. Các dân tộc Tày, Mường, Thái… hàng vạn thanh niên các dân tộc lên đường nhập ngũ. Các chiến sỹ dân tộc thiểu số hoà vào dòng người “Xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước đã chiến đấu dũng cảm trên khắp các chiến trường. Nhiều người đã hiến dâng cả xương máu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Họ đã lập nên nhiều chiến công lớn. Có những người đã được giao cương vị chỉ huy ở mặt trận, tiêu biểu là 3 vị tướng người Tày: Đàm Quang Trung chỉ huy ở thành cổ Quảng Trị; tướng Nam Long ở thành phố Huế, tướng Đàm Văn Nguỵ chỉ huy sư đoàn 316, sư đoàn có một số lớn là con em dân tộc Tày, Nùng phối hợp với các đơn vị bạn đánh giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắc Lắc mở đầu chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhiều chiến sỹ là người dân tộc thiểu số đã được tặng danh hiệu “Anh hùng quân đội”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
ở các địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực tăng gia sản xuất. Với tinh thần: “mỗi người làm việc bằng hai”, đồng thời tích cực tham gia xây dựng các công trình quốc phòng, bảo đảm giao thông, trực chiến, phòng gian bảo mật… Quân dân các dân tộc thiểu số còn góp phần giữ gìn an ninh, bảo vệ chế độ, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ngay trên quê hương mình cũng như trên toàn miền Bắc. Những “thần sấm”, “con ma” của không lực Hoa Kỳ cực kỳ hiện đại bị bắn rơi giữa vùng rừng núi.  Kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quân dân các tỉnh Việt Bắc hạ được 300 chiếc máy bay địch, bắt nhiều giặc lái. 801 máy bay các loại đến ném bom và bắn phá  ở các tỉnh miền núi của miền Bắc bị hạ. Nhân lực, vật lực, sự hy sinh của đồng bào và chiến sỹ các dân tộc thiểu số đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên những chiến thắng lẫy lừng: đánh bại quân đội Mỹ, đánh sập nguỵ quân-nguỵ quyền, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Trong 2 cuộc chiến tranh vĩ đại chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng miền núi hoàn toàn có quyền tự hào bởi những điều thật đặc biệt: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng được thành lập giữa vùng miền núi Cao Bằng, với các thành viên đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một người Tày- đồng chí La Văn Cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ-chiến thắng quan trọng nhất và là chiến thắng cuối cùng quyết định đánh bại thực dân Pháp đã diễn ra ở vùng miền núi. Chiến thắng Buôn Ma Thuột năm 1975 - chiến thắng đầu tiên nhưng tạo điều kiện để Đảng ta quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam cũng xuất phát ở vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những minh chứng đó khẳng định: công lao và cống hiến của quân dân đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn vùng dân tộc miền núi - căn cứ địa cách mạng kháng chiến của dân tộc đã đóng góp vô cùng to lớn vào cuộc chiến đấu chung; là sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung và đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang trước thử thách sống còn của đất nước Việt Nam anh hùng. Đại gia đình các dân tộc Việt Nam một lần nữa bằng sức mạnh quật cường của lý tưởng độc lập-tự do đã giáng trả bọn xâm lược những đòn thích đáng, ghi tiếp chiến công trên trang sử vàng truyền thống giải phóng và bảo vệ Tổ quốc./.

>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel