Trai lớn lấy vợ gái lớn gả chồng, lễ cưới là lúc đôi
vợ chồng mới ra mắt họ hàng hai bên và bè bạn xóm làng gần xa. Cỗ cưới sẽ được
chuẩn bị để thết đãi mọi người đến chung vui. Mỗi vùng miền, cỗ cưới có đặc
trưng khác nhau. Với người Mường ở Thanh Sơn- Phú Thọ cỗ cưới được chuẩn bị khá
độc đáo vì đó là mâm cỗ lá.
Trong lễ cưới truyền thống của
người Mường, cỗ cưới được xếp trên mẹt lá hoặc mâm gỗ lót lá chuối rừng đã hơ
qua lửa. Lá được xếp thành 5 hay 6 vòng hình xoắn ốc. Lớp lá ngoài cùng bày
thịt lợn chín hơi tái, lớp thứ hai là thịt nạc, lớp thứ ba là thịt chân, lớp
thứ tư là thịt thủ và lớp trong cùng giữa mâm là gan, lòng, dồi và tiết lợn
luộc. Miếng thịt được thái lát mỏng vừa độ, bày trên nền lá xanh theo hình vòng
tròn nhỏ dần nhìn rất đẹp mắt, đồ ăn chấm với muối trắng giã ớt kim xanh hoặc
mẻ sống, ăn kèm các thứ rau húng quăn, mùi, me non, bắp chuối bào mỏng… rất thú
vị. Vòng ngoài mâm cỗ lá là hai bát canh măng chua nấu xương lợn. Măng này
thường là măng cây giang hoặc cây nứa do những người phụ nữ của gia đình đi lấy
trong rừng về luộc kỹ và ủ trong chum đất. Khi cần ăn vớt ra rửa sạch cho bớt
chua và mặn rồi mới nấu. Xôi cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ lá của
người Mường. Gạo nếp được ngâm kỹ trong nước lá có màu xanh, vàng, đỏ. Lá này
hái ở rừng về, vò nát lọc lấy nước, có mùi thơm dịu. Khi gạo đã ngấm màu, đem
đồ bằng những hông gỗ lớn, khi chín đổ ra sẽ cho vào các khuôn gỗ có nhiều hình
dáng khác nhau để tạo quả xôi đẹp. Thưởng thức món xôi cùng muối vừng đen và
muối lạc thật khó quên được hương vị đặc biệt vừa thơm mùi lá cây, mùi gạo mới
vừa ngọt béo vị bùi dẻo của gạo nương, đậu, mè. Một món nữa cũng rất ngon và
thường xuất hiện trong cỗ cưới truyền thống người Mường Thanh Sơn - Phú Thọ, đó
là món canh chuối xanh nấu xương sườn lợn. Chuối xanh gọt vỏ, thái lát mỏng, om
nhuyễn, xương sườn lợn hầm nhừ dội vào đánh đều, lá xương xông vặn nhỏ rắc lên
trên mỗi bát. Người Mường hay nấu món này để thết bạn quý đến thăm nhà. Đồ uống
trong lễ cưới thường là rượu hoãng, là loại rượu giống rượu cần của người Tây
Nguyên, làm từ gạo, khoai, ngô, sắn và men lá, ủ càng lâu càng ngon, ủ bằng các
chum sành với dung lượng tuỳ ý của chủ nhân rượu được uống bằng cần cây hóp
hoặc ống nhựa nhỏ. Rượu nếp cái thì được uống bằng những ống nứa cắt khúc. Một
mâm cỗ lá thường 5 người ngồi quanh, ăn bằng tay, vừa ăn vừa cuyện trò rôm rả.
Người đến mừng cưới bằng tiền hoặc bằng các vật dụng: vòng bạc, vải tự dệt,
gùi, dao phát rẫy, gà con… Cô dâu chú rể đi khắp các mâm cỗ mời rượu và nhận
những lời chúc phúc.
Bây giờ cỗ cưới hiện đại đã về khắp vùng nông thôn,
nên lễ cưới với các mâm cỗ lá như kể trên ít còn. Song con cháu người Mường
Thanh Sơn-Phú Thọ vẫn biết cách thiết kế một mâm cỗ lá trong những dịp lễ, vì
đó là ẩm thực truyền thống nên người già truyền cho người trẻ để giữ gìn phát
huy./.Hoàng Thanh Hương
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment