- Là người cao tuổi trong làng, trong dòng họ và trong các tộc người ở làng.
- Sống gương mẫu, có công trong việc hình thành và phát triển cộng đồng làng.
- Am hiểu việc làng việc nước, phong tục tập quán, lễ nghi của dòng họ và của dân tộc mình hoặc các dân tộc cùng sống trong làng.
- Có khả năng và kinh nghiệm xử lý hài hòa, hiệu quả việc làng việc nước, quan hệ dòng họ và các dân tộc.
- Được dân cư trong làng kính trọng, suy tôn là “già làng” một cách tự nhiên, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng.
“Già làng” nổi trội hơn trong các “già làng” là “già làng tiêu biểu”. Đây là những người hiểu biết sâu rộng, nói dân nghe, làm dân tin, uy tín như là “thủ lĩnh”, tiêu biểu cho dân cư trong làng, trong dòng họ và trong tộc người đó; luôn có tâm huyết với dân làng và đất nước, bản thân và gia đình gương mẫu, có công lao, là tấm gương cho con cháu học tập.
“Già làng” không chỉ là nam giới mà còn có cả nữ giới, tùy theo đặc điểm từng làng dân cư. Mỗi làng chỉ có một “già làng”, có nơi có “Hội đồng già làng” (ba, bốn “già làng”) nhưng trong đó vẫn chỉ có một “già làng” là người đứng đầu, do các “già làng” khác cử để điều hành công việc chung. Có “già làng” được dòng họ cử làm trưởng họ; được cộng đồng tộc người cử làm trưởng tộc; được dân làng bầu làm trưởng bản (trường hợp trưởng bản tuổi trẻ không thể đồng thời là “già làng” được). Có “già làng” tiêu biểu toàn diện, có “già làng” tiêu biểu từng mặt hoặc từng dòng họ, từng tộc người. Dù là tiêu biểu toàn diện hay tiêu biểu từng mặt, “già làng” đều đáng được coi trọng bởi công lao đóng góp cho cộng đồng.
Từ hoạt động thực tế cho thấy, vai trò của “già làng” được trọng thị chính từ sự hiểu biết và gương mẫu của họ, bằng khả năng và kinh nghiệm họ xử lý hài hòa giữa việc làng và việc nước, luật tục và luật pháp, việc dòng họ và tộc người; họ biết thuyết phục và động viên, nói dân nghe, làm dân tin, dân phục và dân theo. Phẩm chất ấy được thể hiện trên các mặt chủ yếu:
- Các “già làng”, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng luôn nỗ lực làm việc, phối hợp với tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở vận động dân làng ra sức cần kiệm, phát triển kinh tế, đổi mới cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa giảm hộ đói nghèo..., chăm lo cho dân làng ai cũng có cơm ăn, áo mặc.
- Động viên dân làng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh các quan hệ xã hội ngay trong từng gia đình; động viên các gia đình cho con em học hành, thực hiện sống khỏe, sống vui và hạnh phúc, sống có ích, chống các tệ nạn xã hội.
- Khi kẻ xấu xúi giục và dụ dỗ, kích động, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình của dân làng thì các “già làng” luôn đi đầu cùng với Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đến từng gia đình thuyết phục bà con không nghe lời kẻ xấu, phải đoàn kết chống lại âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch; đồng thời tham gia hòa giải những bất hòa trong dân làng, góp phần giữ cho quê hương yên bình.
Như vậy, vai trò của “già làng” thường xuyên có tác động quan trọng đến nhiều mặt của cuộc sống cộng đồng làng, giúp ổn định chính trị - xã hội, để phát triển kinh tế - văn hoá, không chỉ với hiện tại mà còn lâu dài. Có một số việc làng, việc dòng họ và tộc người nếu không có “già làng” làm thì khó ai làm thay được. Đây chính là “cầu nối” rất tốt giữa Đảng và Nhà nước với người dân, làm cho nhiều việc được giải quyết “thấu tình đạt lý”, có khi cán bộ nói mười không bằng họ nói một, cán bộ khó làm mà họ làm được dễ dàng...
Có vấn đề đặt ra, phát huy vai trò của “già làng” như thế nào?
Điều quyết định là phải thấy được tác động quan trọng của các “già làng” trong thời kỳ mới. Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng các vị phụ lão, chân thành “chiêu hiền, đãi sĩ”, trọng dụng nhân tài, người tiêu biểu trong các dân tộc. Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945, Người đã lấy danh nghĩa là một người già nói chuyện với các cụ, Người không tán thành ý kiến cho rằng, “tuổi già thì tài hết, người già nên ở yên”. Ngày 1-10-1960, trong bài Tuổi càng cao, lòng yêu nước càng lớn, Người nói: “Càng già, càng dẻo lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai”. Đến tết Nhâm Dần (5-2-1962), mừng tuổi các cụ phụ lão, Người còn có thơ: “Tuổi già nhưng chí không già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”...
Thời nay, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện để các “già làng” phát huy tốt vai trò của mình, nhận rõ đó là vinh dự và trách nhiệm của mình với dân làng và đất nước. Tuy nhiên, cũng phải tùy từng việc và tùy sức của người già mà phát huy vai trò của họ giúp cho con cháu.
Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở cần chủ động nắm và dựa vào các “già làng” để làm “cầu nối” với người dân, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo và vô hiệu hóa họ. Biết giữ quan hệ mật thiết với các “già làng” bằng lòng thành của mình, tin tưởng và tôn trọng họ, bàn bạc dân chủ với họ, không chỉ nói phát huy họ một cách chung chung mà phải cho họ thông tin, nhất là các thông tin mới về chủ trương, chính sách, pháp luật, biết học họ, lắng nghe ý kiến họ, giải quyết thấu tình hợp lý, tạo được điểm tương đồng và đồng thuận, tạo điều kiện cho họ làm việc hợp với khả năng và sức khỏe, kịp thời động viên về tinh thần và vật chất đối với bản thân và gia đình họ...
Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm chỉ đạo vấn đề này, giao cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam sớm xây dựng quy chế phát huy vai trò của “già làng” trong thời kỳ mới. Làm được như vậy, chúng ta sẽ có đội ngũ “già làng” vững mạnh, cùng đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị có khả năng tập hợp mọi lực lượng, tạo nên sức mạnh của quần chúng nhân dân ở cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LÙ VĂN QUE - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương.
No comments:
Post a Comment