CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Mấy suy nghĩ về giải quyết việc truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

| | 0 nhận xét

Từ những năm cuối của thế kỷ XIX, Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng các cha cố người Pháp truyền đạo Thiên Chúa vào vùng đồng bào dân tộc Mông ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái), nhưng qua nhiều năm đạo này cũng không phát triển thêm được. Năm 1999, bọn phản động trong nước câu kết với bọn phản động nước ngoài âm mưu dựng lên cái gọi là “Tin lành Đềga” ở Tây Nguyên. Trước đó, từ năm 1973 bọn phản động nói trên đã có kế hoạch mở rộng, phát triển đạo này ra các tỉnh miền núi phía Bắc, cụ thể bằng nhiều cách và thủ đoạn khác nhau, chúng đã dựng ra được “Vax Tsưr” cho vùng đồng bào dân tộc Mông và “Thìn Hùng” cho bà con người dân tộc Dao. Có thể nói, đến nay tình hình phát triển các tôn giáo nói trên đã có sự biến động phức tạp và chúng cũng đã lôi kéo được một số đồng bào dân tộc thiểu số cả tin ở Tây Nguyên và phía Bắc nước ta.
Để tồn tại và phát triển “Vax Tsưr”, “Thìn Hùng”, “Tin lành Đềga”, một số người cầm đầu truyền đạo trái pháp luật đã có âm mưu hợp pháp hóa truyền đạo bằng việc gắn với đạo Tin lành và Thiên Chúa giáo, vì đây là các đạo có tư cách pháp nhân được Nhà nước ta cho phép hoạt động. Để đạt được âm mưu, mục đích của mình, bọn phản động  đã nghiên cứu và có nhiều đổi mới trong cách truyền đạo và sinh hoạt đạo. Chúng vẫn dùng nhà thờ và Hội thánh làm danh nghĩa để hoạt động nhưng các thủ tục, lễ nghi đã được đơn giản hóa đi nhiều, nơi thì thờ cây thánh giá, nơi thì thờ chúa Jêsu, không nhất thiết phải đi nhà thờ rửa tội, cũng không có nhà nguyện hát thánh ca Tin lành; họ có nhà họp để phổ biến chương trình hành động và để hát ca ngợi Jêsu bằng tiếng Mông, tiếng Dao theo nhạc Tây. Nói cách khác, cả hình thức lẫn nội dung truyền giáo đang từng bước được dân tộc hóa. Sự đan xen và gắn kết đó làm cho một số cán bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số không phân biệt được phải trái, đúng sai, lợi hại, đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, đâu là tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan, đâu là thật, đâu là giả. Về thực chất, đây là sự lợi dụng tôn giáo và hoạt động chính trị,... không chỉ trực tiếp làm tăng thêm tính phức tạp của vấn đề dân tộc và tôn giáo mà còn dẫn tới sự chia rẽ các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong thực tế, bằng thủ đoạn lợi dụng, trực tiếp và gián tiếp tuyên truyền, vận động, lừa bịp và mị dân, xuyên tạc và bịa đặt, cưỡng ép và đe dọa và bằng cả vật chất, chúng đã lôi kéo “phần hồn” của những người nhẹ dạ cả tin, trong đó có một số ít đảng viên vùng dân tộc theo đạo. Từ tin theo đạo, tin theo những lời tuyên truyền xuyên tạc của chúng đã dẫn đến giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước ta. Ở một số nơi, sự mê hoặc của thứ giáo lý nói trên đã gây chia rẽ và phân hóa ngay trong làng, bản, trong từng gia đình và họ hàng của từng dân tộc, giữa các dân tộc khác nhau, giữa người theo đạo và người không theo đạo; làm xáo trộn, sai lạc hoặc làm mất đi một số thuần phong mỹ tục và văn hoá tốt đẹp của dân tộc; gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống, thậm chí gây thiệt hại về người và của cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vốn đã bao đời sống đoàn kết gắn bó bên nhau.
Đảng và Nhà nước ta không cấm việc truyền đạo, nhưng việc truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Căn cứ vào những quy định của pháp luật thì việc truyền đạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như trên là trái pháp luật và không bình thường. Bởi vì, “Tin lành Đề ga”, “Vax Tsưr” và “Thìn Hùng”,... là những tổ chức bất hợp pháp; những người truyền đạo đó chưa được Nhà nước thừa nhận; nội dung, phương pháp, cách thức truyền đạo không chỉ không đúng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo mà còn đi ngược, có ý chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Thực chất đó là sự lợi dụng tôn giáo để truyền tà đạo, là tạo ra các hoạt động mê tín dị đoan, ép buộc đồng bào dân tộc theo đạo để nhằm mục đích chính trị trong âm mưu “diễn biến hoà bình”, tranh thủ giành giật và lôi kéo đồng bào dân tộc chống phá lại Đảng và Nhà nước ta, dân tộc ta.
Xét về chủ quan và thực trạng truyền đạo trái pháp luật nói trên, cho thấy các cấp và các ngành, nhất là tổ chức đảng và chính quyền cấp cơ sở trực tiếp còn thiếu nhạy cảm về chính trị, từ nhận thức đến việc làm cụ thể còn chưa thống nhất và bị động. Cấp ủy và chính quyền một số nơi không phải không đoán biết các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, nhưng lại chưa chủ động xây dựng các phương án phòng, chống trước; không ít cán bộ địa phương chưa phân biệt rõ nhu cầu tâm linh của đồng bào dân tộc với việc chúng lợi dụng dân tộc và tôn giáo để hoạt động chính trị. Một số cán bộ, đảng viên của ta lại chưa được giải thích cặn kẽ để hiểu biết về “Đềga”, “Vax Tsưr” và “Thìn Hùng” là gì, ngay cả việc đồng bào Mông bỏ bàn thờ ma, bỏ bàn thờ tổ tiên cũng không biết, có người còn cho các hoạt động truyền đạo trái pháp luật nói trên là “nhu cầu” của đồng bào dân tộc.
Nguyên nhân quan trọng và sâu xa là, cán bộ chưa nắm chắc được lòng dân, thiếu cảnh giác cách mạng; việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách Mặt trận... của Đảng và Nhà nước ta đến với cán bộ và đồng bào các dân tộc chưa đầy đủ, sâu sắc và kịp thời, có tác dụng như bức rào chắn để đồng bào các dân tộc tự giác chống lại việc truyền đạo trái pháp luật cũng như các âm mưu, thủ đoạn xấu của các thế lực thù địch. Mặt khác, còn phải kể đến việc cấp ủy đảng và các cấp chính quyền một số địa phương còn chưa chăm lo đáp ứng yêu cầu chính đáng về đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và nhân dân các dân tộc, nhất là bà con người dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới đang còn nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Để đối phó với tình thế bất lợi trong truyền đạo trái pháp luật nói trên, có nơi đã tỏ ra hữu khuynh, thụ động, buông lỏng quản lý, coi lờ “Vax Tsưr” và “Thìn Hùng”, sợ động vào nó là động vào dân tộc, sợ quốc tế can thiệp, lên án ta đàn áp tôn giáo. Ngược lại, có nơi thì làm quá tả, chủ quan, giản đơn trong giải quyết, coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào mà nóng vội sử dụng các biện pháp hành chính, như triệu tập những người đi theo “Tin lành Đề ga”, “Vax Tsưr” và “Thìn Hùng” đến kiểm điểm, phê phán, làm giấy cam đoan không theo đạo...
Trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt về vấn đề tôn giáo và dân tộc, giải quyết tốt việc truyền đạo trái pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, của quân và dân ta trong tình hình mới hiện nay. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, có tính đặc thù, có quan hệ đến sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đặc biệt là tư tưởng và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát triển đạo vẫn còn nhiều phức tạp, các thế lực thù địch không ngừng tăng cường tác động, tiến hành “chiến tranh ngầm tôn giáo” và “Chiến tranh ngầm dân tộc”, chi viện tiền, cài cắm người hòng xây dựng cơ sở, phục vụ cho mưu đồ tranh giành, lôi kéo đồng bào dân tộc chống phá lại cách mạng, chống phá lại Đảng và chế độ ta.
Chính vì vậy, việc ngăn chặn, đầy lùi, tiến tới xóa bỏ việc truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở. Vấn đề đặt ra là vừa phải ngăn chặn không để các thế lực thù địch và đạo giáo lợi dụng, hòng lôi kéo đồng bào dân tộc chống lại ta; vừa phải đáp ứng “nhu cầu tâm linh” của một bộ phận đồng bào dân tộc.
Phải giáo dục và vận động đồng bào các dân tộc bằng nhiều hình thức thiết thực, cụ thể để họ hiểu rõ và tự giác làm đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, như tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc và công tác tôn giáo, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1-3-2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành đã đặt ra. Phải làm cho bà con người dân tộc nhận thức rõ ràng rằng, tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do truyền đạo trái pháp luật, tự do gieo rắc tà đạo, tự do xây cất đền chùa, tự do đả kích, tuyên truyền lật đổ chế độ, vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật và sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, càng không có nghĩa là tự do quan hệ, tiếp tay cho bọn phản động trong và ngoài nước,...
Đảng và Nhà nước ta công khai bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Song các hoạt động tôn giáo phải tuân theo pháp luật, nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái pháp luật, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng và đạo giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ và làm hại đồng bào các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Phải khơi dậy khả năng cách mạng, phát huy những mặt tích cực, những người tốt việc tốt, khắc phục cho được những mặt tiêu cực và yếu kém của đồng bào dân tộc để cùng với đồng bào cả nước phấn đấu vươn lên trong thời kỳ mới của cách mạng.
Đối với các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ trước hết phải am hiểu Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, biết quản lý tôn giáo bằng pháp luật, đó là sự quản lý có kết hợp chặt chẽ giữa pháp lý và đạo lý, nhằm đưa các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, bảo hộ các hoạt động tôn giáo hợp pháp, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo và dân tộc để vi phạm pháp luật; làm cho giáo luật và đạo đức tôn giáo xích lại gần với pháp luật của Nhà nước và đạo đức xã hội, xây dựng cuộc sống “tốt đời - đẹp đạo”, “nước vinh - đạo sáng”...
Đối với những người đi truyền đạo trái pháp luật và đồng bào dân tộc đi theo đạo cũng cần có phân loại để có xử lý hoặc tuyên truyền cho phù hợp, ví như cảm hóa, tranh thủ, đoàn kết với những người nhẹ dạ cả tin do nhận thức và trình độ hạn chế; ngược lại kiên quyết đấu tranh với những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, chống phá cách mạng. Quá trình công tác cần tránh chủ quan, xử lý tùy tiện và thô bạo; khi xử lý những người vi phạm pháp luật phải thu thập đủ chứng cứ, xử đúng người, đúng tội, đúng luật; tranh thủ những người có uy tín, đứng đầu dòng họ, các chức sắc và quần chúng tốt để tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi.
Tuy nhiên, điều cơ bản, lâu dài vẫn là tập trung phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mọi mặt ở những vùng có đồng bào dân tộc sinh sống; giữa miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các khu đô thị, vùng đồng bằng. Trong đó, phải chú trọng sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch và kế hoạch, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, giúp đồng bào tiêu thụ nông sản, giải quyết xoá đói giảm nghèo, tạo cuộc sống ổn định và phát triển, ấm no và hạnh phúc. Thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) về văn hoá dân tộc, xây dựng thuần phong mỹ tục, vận động xóa bỏ hủ tục, củng cố trật tự trong xã hội truyền thống của các dân tộc.
Cần chăm lo củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể, nhằm nhanh chóng tạo ra đội ngũ cán bộ và đảng viên người các dân tộc tại chỗ, làm cơ sở vững chắc không chỉ cho thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc mà còn cho sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội nói chung.

Lù Văn Que
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel