Ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân
tộc. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, ngày 12-6-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra
Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết nói trên. Có thể nói Chương trình hành động của Chính phủ là thể
hiện quyết tâm cao, cụ thể và sâu sát, cụ thể hóa nhiệm vụ và phân công các cơ
quan trực thuộc, các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề
ra.
1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết là khâu quan
trọng đối với Nghị quyết về vấn đề dân tộc. Đúng như Nghị quyết đã chỉ ra hạn
chế, yếu kém là “Nhận thức của các cấp, các ngành và của nhiều cán bộ, đảng
viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa
toàn diện”. Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Ban Dân vận, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên
giáo) và các cơ quan hữu quan triển khai với các Thông tư hướng dẫn. Trong thời
gian qua, các cơ quan trên đã có những nỗ lực nhất định trong việc triển khai,
như biên soạn tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa IX (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương), các bài
nghiên cứu trên Tạp chí Dân tộc (Ủy ban Dân tộc); Tạp chí Mặt trận (Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam); Tạp chí Cộng sản; báo Dân tộc và Phát triển (Ủy ban Dân
tộc)..., triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ cung cấp luận cứ
tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), Chương trình VTV5, Đài Tiếng nói Việt Nam... và
nhiều báo, tạp chí của các bộ ngành liên quan. Có thể nói với sự ra đời của
Nghị quyết về công tác dân tộc đã tạo ra sự thúc đẩy một bước nhất định trong
hệ thống chính trị, các ngành các cấp, các tầng lớp xã hội về vị trí, vai trò
của vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Tuy nhiên, đến nay
chưa có một “Thông tư” hướng dẫn, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết nhằm đáp
ứng yêu cầu đối với công tác dân tộc và việc giải quyết vấn đề dân tộc trong
giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta. Sau 5 năm nhìn lại, sự “hạn chế, yếu
kém” như nhận định trên của Trung ương chưa được khắc phục là bao, mặc dù Chính
phủ đã có chương trình hành động và phân công cụ thể cho cơ quan chủ trì cũng
như cơ quan phối hợp.
2. Việc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ chủ
yếu và cấp bách, được biểu hiện bằng chuyển biến nhất định trong quan điểm
hoạch định, quan điểm đầu tư, xây dựng nội dung chính sách của các bộ, ngành,
cơ quan hữu quan.
Nhiệm vụ phát triển sản xuất, xóa đói giảm
nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc là những nội dung trọng tâm
được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Cụ thể,
là triển khai các nhiệm vụ như: tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (ưu
tiên các xã đặc biệt khó khăn), cấp điện đến tất cả các xã, đầu tư các công
trình hạ tầng và dự án đưa điện thoại xuống xã; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo
hướng phát triển hàng hóa; thực hiện một số giải pháp, chính sách đẩy mạnh xóa
đói giảm nghèo như tập trung cho giải quyết vấn đề đất đai, giống, khuyến nông,
khuyến lâm, khuyến ngư, cấp nước sinh hoạt, giải quyết vấn đề nhà ở; tiêu thụ
sản phẩm; trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách xã hội, hỗ trợ
vùng dân tộc đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp lại dân cư ở những nơi cần
thiết... Nhìn chung, những nhiệm vụ trên do được chú trọng triển khai nên đã
đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều nhiệm vụ được tập trung trong các
chương trình quan trọng như: Chương trình 134 ban hành theo Quyết định
134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ
trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào nghèo, đời
sống khó khăn. Chương trình đã có tác động quan trọng đến việc thực hiện các
nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân tộc. Đến nay, còn
những ý kiến khác nhau về việc thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, song không
ai phủ nhận được những kết quả và những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương
đối với đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số... Việc quy hoạch
sắp xếp lại dân cư vừa qua đối với đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu liên
quan đến các công trình thủy điện, các công trình phát triển theo hướng đô thị
hóa, công nghiệp hóa... Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được rà soát, tổng kết
theo định hướng nhiệm vụ của sản phẩm có tính pháp lý như các Quyết định, Thông
tư của Chính phủ.
Các nội dung thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu văn
hóa - xã hội được giao cho các bộ, cơ quan chức năng phối hợp với Ủy ban Dân
tộc triển khai theo bốn nhóm nhiệm vụ: a) Phát triển giáo dục nâng cao dân trí,
tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; b) Phát triển y tế; c) Phát triển thể dục
thể thao; d) Phát triển văn hóa thông tin (thông qua các Dự án phát thanh,
truyền hình và các vấn đề văn hóa khác). Việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của
các ngành trong sự phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan chức năng phải ra
được các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tăng tính pháp lý, tính chỉ đạo
điều hành và hiệu quả các nhiệm vụ... Bên cạnh sự nỗ lực thường xuyên của các
bộ ngành thực hiện Nghị quyết, đến nay các văn bản chỉ đạo của Chính phủ trong
việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc là chưa
nhiều, chưa đầy đủ. Tiêu biểu như nhiệm vụ Bảo vệ môi trường vùng dân tộc và
miền núi được triển khai thông qua các dự án đầu tư, xây dựng mô hình và nhiều
hoạt động khác do Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các bộ ngành và Ủy
ban Dân tộc đảm nhận với yêu cầu đề ra phải có các Thông tư hướng dẫn thực
hiện; bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực
hiện, mặc dù đây là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm với đời sống và hoạt động
kinh tế của đồng bào các dân tộc cũng như liên quan đến mục tiêu phát triển bền
vững của quốc gia.
Củng cố để nâng cao chất lượng hệ thống chính
trị cơ sở là nhiệm vụ có tính đặc thù vì liên quan đến phát triển con người,
liên quan đến hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc. Nhiệm vụ này được giao cho
Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc nhằm triển khai các nội dung về xây dựng kế hoạch
đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; đào tạo bồi dưỡng đội
ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; tăng cường cán bộ xuống địa bàn trọng điểm;
xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán của mỗi vùng và ban hành
các văn bản Quyết định và Thông tư hướng dẫn để các nhiệm vụ đó đi vào cuộc
sống thực tiễn. Tuy nhiên đến nay, bên cạnh một số kết quả đạt được còn nhiều
nội dung chưa được triển khai thực hiện đúng mức.
Nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, bảo đảm ổn định
chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi được giao cho Bộ
Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân
tộc và các cơ quan hữu quan. Trong thời gian qua với sự nỗ lực của các bộ chủ
quản, nhiệm vụ trên đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần giải quyết
những điểm nóng, phức tạp; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn
với bảo đảm an ninh quốc phòng; tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
khu vực biên giới... song sự phối hợp để ban hành các Quyết định, Chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa được
quan tâm đúng mức.
3. Bốn nhiệm vụ cụ thể về Đổi mới công tác dân
tộc được Nghị quyết Trung ương cũng như Chương trình hành động của Chính phủ
chỉ ra không chỉ có ý nghĩa “chủ yếu trước mắt” mà còn có tính chiến lược đối
với công tác dân tộc là: xây dựng Luật Dân tộc; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện
một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc và miền núi; đổi mới nội dung quản
lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý
nhà nước về công tác dân tộc. Các nhiệm vụ trên được giao cho Ủy ban Dân tộc,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du
lịch), Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ làm nhiệm vụ chủ trì các nội dung liên quan
trực tiếp, phối hợp với các cơ quan hữu quan để ra Nghị định của Chinh phủ và
các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai công việc. Những năm qua Ủy
ban Dân tộc, Bộ Nội vụ và các bộ ngành được giao nhiệm vụ đã có những nỗ lực
nhất định phối hợp với các địa phương, các ngành hữu quan tổ chức xây dựng Luật
Dân tộc, tổng kết đánh giá và xây dựng Chương trình 135 giai đoạn 2, xây dựng
và triển khai Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, xây dựng cơ quan công tác dân tộc các
cấp địa phương và nhiều chính sách khác, xây dựng đề án “Nội dung nhiệm vụ chủ
yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc” ban hành theo Quyết
định 1277/2005/QĐ-TTg ngày 7-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ... Song nhìn
chung, các nhiệm vụ nói trên còn nhiều nội dung cần được quan tâm, đầu tư hơn
nữa mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân tộc đề ra trong bối cảnh tình
hình mới theo định hướng mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đã đề ra...
4. Vấn đề đặt ra
Hai năm nữa là đến 2010, năm cuối cùng của
những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương
7 (khóa IX) về công tác dân tộc. Năm năm đã qua (2003 - 2008), một số đầu việc
liên quan đến tổ chức thực nghị quyết cần rà soát lại, xem việc gì làm được,
việc gì chưa làm được để có kế hoạch khắc phục trong thời gian tới. Nhìn một
cách tổng thể các tiến độ thời gian theo yêu cầu đã chậm, các sản phẩm hình
thức văn bản thực hiện còn nhiều điểm trống theo sự phân công của Chính phủ
trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã đề ra.
Dưới góc độ công tác dân tộc cho thấy, đây là
Nghị quyết rất quan trọng, hợp ý Đảng, lòng dân. Những gì Nghị quyết sơ kết,
đánh giá và chỉ ra sẽ không chỉ mang tính lý luận mà còn có giá trị thực tiễn
quan trọng trong bối cảnh và tình hình trong nước và thế giới hiện nay. Những
người giàu tâm huyết và trách nhiệm với công tác dân tộc đang dõi theo việc
thực hiện Nghị quyết có tính lịch sử này không chỉ trong công tác dân tộc mà
còn có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng và Nhà nước
ta trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước những năm đầu thế kỷ XXI
(2006 - 2010).
PGS-TS. LÊ NGỌC THẮNG
PGS-TS. LÊ NGỌC THẮNG
Uỷ ban Dân tộc; Tổng thư ký hội
Dân tộc học và Nhân học Việt Nam
No comments:
Post a Comment