Trà Vinh là một tỉnh ven biển
thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.369km2; dân
số xấp xỉ một triệu người, trong đó có khoảng 30% là người dân tộc Khmer. Với
truyền thống đoàn kết, đồng bào Khmer đã cùng với cộng đồng các dân tộc trong
tỉnh viết nên những trang sử vẻ vang của quê hương, được Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam trước đây tặng thưởng lá cờ thêu tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết
lập công” ghi nhận những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ
và bè lũ tay sai.
Trong những năm gần đây, để nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đối với đồng
bào Khmer, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối
hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên và ngành Văn hoá thống nhất việc thực
hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”,
trong đó chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Các
ban ngành, đoàn thể đã đầu tư nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, phát huy hiệu
quả nguồn nội lực trong dân nhằm ưu tiên phát triển vùng đồng bào Khmer theo
phương châm xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở gắn với 6 nội dung của cuộc vận
động. Nhờ vậy, bên cạnh việc ổn định, nâng cao đời sống kinh tế thì đời sống
văn hoá tinh thần của đồng bào Khmer đang có sự chuyển biến rõ nét theo chiều
hướng tích cực.
Xuất phát từ phong tục, tập quán
của đồng bào Khmer là nhà chùa Phật giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong
đời sống văn hoá tinh thần của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng phum
sóc, nên chùa được coi là một trọng điểm xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Dựa
vào những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer, các cấp Mặt trận đã
vận dụng sáng tạo để lồng ghép với 6 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, 141 chùa Phật giáo từ khi triển
khai thực hiện cuộc vận động nói trên đã biến thành những điểm sinh hoạt văn
hoá cho đồng bào. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hầu hết các
ngôi chùa này đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, đẹp đẽ hơn, được trang bị
máy truyền thanh, ti vi, tủ sách báo, dàn ngũ âm, đội bóng chuyền... để nhà
chùa đảm nhận tốt vai trò trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần mang tính cộng
đồng của phum sóc. Các vị sư sãi, archar... được vận động, bồi dưỡng kiến thức
để trở thành những người tiên phong trong việc vận động đồng bào Khmer phát
triển kinh tế, văn hoá, xoá đói giảm nghèo, phát triển giáo dục...
Quá trình vận động cho thấy, đối
với vùng đồng bào Khmer nếu được sự đồng tình hưởng ứng và tiên phong của sư
sãi thì phong trào quần chúng sẽ phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả khả
quan. Bên cạnh việc đầu tư để nhà chùa đảm nhiệm vai trò trung tâm sinh hoạt
văn hoá, tinh thần của phum sóc, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng các thiết
chế sinh hoạt văn hoá - thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo động lực
đẩy nhanh việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Chính nhờ sự gắn kết chặt chẽ
giữa Mặt trận và ngành văn hoá, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá ở khu dân cư” đã đạt được những thành tựu đáng kể như: các phum
sóc đều có hệ thống giao thông thuận tiện, hơn 60% hộ dân được sử dụng điện
lưới quốc gia, hơn 80% hộ dân được sử dụng nước sạch, gần 70% hộ có tivi...
Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dân số - kế hoạch hoá gia đình, chống suy
dinh dưỡng trẻ em... đều được tiến hành một cách có hiệu quả. Đã có nhiều khu
dân cư đạt danh hiệu tiên tiến và nhiều gia đình đạt danh hiệu văn hoá. Điển
hình như: ấp Trà Kim, ấp Trà Cú, ấp Trì Phong (huyện Châu Thành)... đi đôi với
việc xây dựng các điển hình tiên tiến, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn chú
trọng vận động nhân dân chống lại các biểu hiện văn hoá thiếu lành mạnh, văn
hoá ngoại lai độc hại cũng như các hủ tục lạc hậu khác. Các loại hình văn hoá
truyền thống của đồng bào Khmer được ngành văn hoá chú trọng sưu tầm, bảo tồn
và phát huy, như nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, thơ ca dân
gian... Các lễ hội được tổ chức ngày càng có qui mô lớn hơn, chất lượng cao
hơn, phong phú hơn. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được bảo tàng văn hoá dân tộc
Khmer ngay trong khu văn hoá du lịch liên hoàn Chùa Âng - Ao bà Om, trưng bày
hàng trăm hiện vật thể hiện truyền thống đoàn kết, bản sắc văn hoá của đồng bào
Khmer.
Những thành tựu của cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận phát
động đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định và nâng
cao đời sống người dân, kiện toàn hệ thống chính trị ở địa phương, đồng thời
góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của
dân tộc, tạo nên tính đặc thù của văn hoá dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh trong nền
văn hoá Việt Nam đa dạng và thống nhất. Ngày nay đồng bào Khmer đã có được nếp
sống, nếp suy nghĩ, nếp sinh hoạt ngày càng văn minh hiện đại, phù hợp với yêu
cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngay tại quê hương, phum sóc
mình, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và
các đoàn thể các cấp trong tỉnh; tăng cường khả năng đề kháng đối với các âm
mưu của các thế lực phản động.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn
còn những tồn tại cần được quan tâm khắc phục, như: Cơ sở vật chất, kinh phí
dành cho công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư trong vùng đồng bào
Khmer chỉ có nguồn ngân sách địa phương lại mang tính phân bổ bình quân, chưa
có sự ưu tiên đầu tư tập trung của ngân sách Trung ương. Trong khi đó, đồng bào
Khmer Trà Vinh thường là ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nên
nếu không có sự ưu tiên trong đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng tụt hậu so với các
vùng dân cư khác. Đội ngũ cán bộ người Khmer Nam bộ làm công tác văn hoá, nhất
là đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở, có tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, vì vậy công
tác tổ chức điều hành, quản lý các hoạt động văn hoá thông tin cũng như các
phong trào văn hoá nghệ thuật quần chúng còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ
đề ra. Số lượng văn hoá phẩm bằng ngôn ngữ, chữ viết Khmer còn thiếu nhiều so
với nhu cầu, chất lượng lại chưa cao, nên văn hoá phẩm bằng ngôn ngữ Khmer nhập
lậu từ Campuchia vào với số lượng lớn, nội dung khó kiểm soát được.
Để công tác xây dựng đời sống văn
hoá cơ sở gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư” trong vùng đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đạt được hiệu quả cao hơn,
cần có những giải pháp sau:
1. Trong qui hoạch các vùng văn hoá
cũng như trong phân bổ ngân sách của các chương trình mục tiêu, Bộ Văn hoá -
Thể thao và Du lịch cần quan tâm nhiều hơn, ưu tiên hơn cho các tỉnh có đông
đồng bào dân tộc Khmer, vì đây là những tỉnh nghèo, nguồn thu từ ngân sách
thấp. Thời gian qua, ngân sách chi cho công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở
và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”
trong vùng còn hạn chế, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt
động văn hoá, thông tin ở đây lại mỏng và yếu kém. Nếu không có sự ưu tiên nhất
định thì đời sống văn hoá cơ sở trong vùng khó có thể đuổi kịp những vùng khác,
khó lòng để người Khmer Nam bộ có thể thực hiện quyền bình đẳng về văn hoá đối
với các dân tộc anh em trong cả nước.
2. Từ thực tiễn xây dựng đời sống
văn hoá cơ sở gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hoá ở khu dân cư” trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh cho thấy, cần
nhận thức đúng và phát huy cao nhất vai trò trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh
thần đối với phum, sóc của nhà chùa. Bởi lẽ, chùa ở đây không chỉ đơn thuần là
trung tâm sinh hoạt tôn giáo, gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào, nơi
gửi cốt của tổ tiên mà còn là nơi bảo lưu và truyền bá văn hoá, nơi quy tụ bà
con thành các cộng đồng phum, sóc.
3. Cần xây dựng các cơ quan đầu mối
có chức năng sản xuất, phát hành văn hoá phẩm bằng ngôn ngữ, chữ viết Khmer,
như: Đài phát thanh truyền hình, Nhà xuất bản, báo Khmer, trung tâm sản xuất và
phát hành phim ở khu vực các tỉnh có đông đồng bào Khmer với sự phong phú về
chủng loại, dồi dào về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng
nhu cầu về hưởng thụ văn hoá của đồng bào Khmer Nam bộ. Trường Đại học Cần Thơ
cần mở thêm khoa Văn hoá Dân tộc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đào tạo
văn nghệ sĩ Khmer, nhằm đáp ứng yêu cầu cho trước mắt và lâu dài.
4. Phần đông bà con Khmer hiện nay
có trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung trong vùng, đặc biệt là chị em
phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi do thất học, ít giao tiếp xã hội... Chính vì
vậy, Nhà nước cần quan tâm và có những chính sách thật cụ thể nâng cao dân trí
cho bà con
___________
ThS. MÁ THỊ HÀ
*
Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuyên viên Ban Tôn giáo-
Dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
No comments:
Post a Comment