CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Kinh nghiệm và yêu cầu vận động bà con các DTTS tỉnh Lâm Đồng “Xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các luật tục lạc hậu”

| | 0 nhận xét

Những năm qua nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển, đời sống của bà con các dân tộc đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trình độ dân trí của bà con các dân tộc thiểu số còn thấp là một cản trở lớn. Chính vì vậy, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đến được với đồng bào dân tộc thiểu số, các bộ tộc khác nhau của tỉnh, nhằm làm chuyển biến nhận thức của đồng bào. Từ đó mới nói tới việc tổ chức các hoạt động thực tiễn để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng; các luật tục lạc hậu sẽ từng bước bị đẩy lùi; nếp sống văn minh, đời sống văn hoá mới sẽ từng bước được xây dựng, củng cố.
Thực hiện Công văn số 1572-CV/TU, ngày 4-7-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc thực hiện Kế hoạch số 14 của Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp tuyên truyền, vận động, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp cùng với các tổ chức thành viên Mặt trận tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân “xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan... Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức khó khăn do sự tác động, phát triển của kinh tế thị trường cùng với sự phát triển nhanh của đạo Tin Lành, sự di dịch cư tự do của một bộ phận các dân tộc thiểu số phía Bắc vào... đã gây nên không ít các tiêu cực, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Đặc biệt, phải kể đến một số yếu tố của truyền thống văn hoá, thiết chế xã hội cũ, nhưng tốt đẹp bị xáo trộn, pha lẫn với lối sống mới chưa được chọn lọc. Đây thực sự là khó khăn cho công tác giữ gìn, bảo lưu truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, làm lúng túng cho cả các cấp chính quyền, các nhà quản lý văn hoá. Với các thế lực thù địch, đây lại là dịp thuận lợi để chúng tiến hành các hoạt động gây rối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm bắt kịp thời thực trạng nói trên, nhất là để chống lại các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đã chủ động và coi công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực sự là một bước đột phá, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển của tỉnh cũng như cả vùng Tây Nguyên.
Vấn đề bức xúc, cần làm ngay là rà soát, vận động đồng bào bài trừ, phê phán những tục lệ lạc hậu đang tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số; trên cơ sở đó có những kiến nghị với cấp trên và trực tiếp cộng đồng bàn bạc, kịp thời đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về phát triển văn hoá và các nghị quyết của tỉnh về đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả nhất định, trên cơ sở có định hướng:
- Trước hết, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...
- Thứ hai, vận động nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng, như: tục thách cưới (ở mức cao); tục nối dòng (loạn luân); tục vợ khi chết, người chồng phải về với gia đình bố mẹ đẻ (hoặc gia đình chị em ruột, dòng tộc) để lại những đứa con không cha, không mẹ; nhiều trường hợp không có người nuôi dưỡng..., tục phạt vạ (ở mức cao); tảo hôn; không làm giấy khai sinh cho con, hoặc không đăng ký khi kết hôn. Tin vào bùa ngải, ma lai, thầy cúng, thầy mo khi ốm đau. Tổ chức ăn uống dài ngày khi có đám tang, gây tốn kém cho gia đình có người chết.
- Thứ ba, duy trì phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc như: Lễ hội cồng chiêng, khèn, các điệu múa, hát dân gian...; tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc; phát huy vai trò của ông cậu, già làng, người phụ nữ, người tiêu biểu... để tuyên truyền vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ.
- Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, lồng ghép và đưa các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; từ bỏ các tục lệ lạc hậu... vào cuộc vận động. Thực hiện việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng, nhằm từng bước vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, xóa bỏ các tục lệ lạc hậu, mê tín, dị đoan...
Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng và chủ động nói trên, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể việc tuyên truyền mới tập trung làm tốt ở khu vực đô thị, các trung tâm huyện mà chưa đến rộng khắp được vùng sâu, vùng xa, từng khu dân cư nơi có bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Phương thức tuyên truyền vẫn còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau giữa ngành văn hoá thông tin với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... Đó là chưa kể đến tình trạng kinh phí eo hẹp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, nội dung công tác tuyên truyền. Trong khi đó các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng trình độ dân trí thấp, kinh tế đồng bào khó khăn để chia rẽ, lôi kéo đồng bào tin theo chúng.
Để triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện “nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các luật tục lạc hậu” ở tỉnh Lâm Đồng, nhằm tạo chuyển biến tích cực và đạt kết quả thiết thực, bên cạnh trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, thì trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên là rất lớn. Để công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận phát động và chủ trì cần được phối hợp, lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động khác của các đoàn thể, các tổ chức thành viên. Vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư cần được củng cố và đẩy mạnh lên một bước. Phương châm hoạt động phải là gần dân, sát dân, lắng nghe và am hiểu đầy đủ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị, thành phố trong tỉnh ngay khi xây dựng kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cần phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện một số mô hình điểm ở khu dân cư để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Mặt trận các cấp cùng chính quyền, các đoàn thể phải chăm lo phát huy vai trò của người tiêu biểu, ông cậu, già làng, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo... trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động, giáo dục bà con dân tộc thiểu số học tập nếp sống văn minh, tiến bộ, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan... Hàng năm phải có đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện và căn cứ nội dung, tiêu chí để bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hoá”.
Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số “xây dựng nếp sống văn minh” ở tỉnh Lâm Đồng nhiều năm qua, đã được các cấp, các ngành trong tỉnh thường xuyên quan tâm tổ chức thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hoá, khóm, ấp, xã, phường đạt chuẩn văn hoá là hạt nhân có ảnh hưởng sâu sắc nhất. Dù vậy, các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ phải được đẩy mạnh hơn một bước để có nhiều tiến bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hoá, xã hội lành mạnh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cụ thể:
- Từ những định hướng đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) mang lại, từ tỉnh đến cơ sở cần có kế hoạch, lộ trình phát triển đời sống văn hoá, tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà cụ thể là đồng bào các dân tộc thiểu số cho những năm trước mắt và cả lâu dài. Muốn vậy, phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hoá cơ sở có đủ trình độ chính trị và chuyên ngành về văn hoá cơ sở. Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc tại chỗ để họ có thể gắn bó lâu dài với cơ sở, có khả năng am hiểu thực tiễn, phong tục, tập quán của đồng bào.
- Thông qua việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã cho thấy cần thiết phải tổ chức xây dựng được các mô hình điểm “xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các luật tục lạc hậu” đối với từng dân tộc, từng vùng. Mỗi mô hình hay, có hiệu quả cần thiết phải tổ chức sơ kết, đánh giá và điều quan trọng phải tổ chức học tập và nhân rộng được mô hình điểm trong thực tế; phải có kế hoạch nuôi dưỡng để các mô hình đó không chỉ tiếp tục phát triển mà còn phát triển theo hướng đa dạng, phong phú. Với yêu cầu và đặc trưng phải là phong trào của dân tự tổ chức, dân nuôi, mới đảm bảo được sự phát triển lâu dài, bền vững.
- Cấp tỉnh, huyện và từng cơ sở tùy theo yêu cầu, đặc điểm, điều kiện địa phương thường xuyên duy trì và khôi phục lại các lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp, có thể gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm để thông qua đó lồng ghép các nội dung văn hoá mới.
- Coi trọng việc biên soạn tài liệu, các chương trình văn hoá phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc đáp ứng yêu cầu của cán bộ cơ sở và nhân dân. Quan tâm chú trọng để đáp ứng các yêu cầu về thông tin, cập nhật thông tin chung và thông tin của tình hình địa phương cơ sở, nhất là các thông tin có tính chất trao đổi kinh nghiệm hoạt động văn hoá, giúp nâng cao trình độ cán bộ cơ sở và nhân dân.
CAO THỊ NGỌC THỦY- Ngành văn hoá thông tin nên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức điều tra, khảo sát nhằm đánh giá, thống kê lại các di tích lịch sử văn hoá cơ sở, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đối với từng dân tộc thiểu số, từng địa bàn, giúp kịp thời ngăn chặn tình trạng “chảy máu”, mất gốc văn hoá.

CAO THỊ NGỌC THỦY
Chuyên viên Ban Tôn giáo - Dân tộc, cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel