Tỉnh Lạng Sơn trong những năm
qua, cùng với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an
ninh, quốc phòng; thì mặt trái của cơ chế thị trường cũng làm nảy sinh nhiều
vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong đó nổi lên hoạt động
của các loại tội phạm về ma túy, buôn lậu, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tệ nạn
nghiện hút ma túy và nhiều tệ nạn xã hội khác. Trước tình hình đó, cấp ủy đảng,
chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp đã nêu cao vai trò trách
nhiệm, tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia
đấu tranh phòng, chống tội phạm để góp phần ổn định đời sống xã hội, phấn đấu
hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc
phòng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp
thống nhất hành động phòng, chống tội phạm giai đoạn 2006 - 2010 và các chương
trình, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đẩy mạnh thực hiện Đề án 01-138/CP về
“Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục
người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư”, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các
cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan,
ban, ngành chức năng vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện công
tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống tội phạm gắn với cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trên cơ sở các mục tiêu cụ
thể đã đề ra, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đặc biệt chú
trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức hiểu biết về pháp
luật thông qua các văn bản hướng dẫn tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến mọi
gia đình trong cộng đồng dân cư. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động được
thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp thích hợp, như: tổ chức nhiều đợt cao
điểm tuyên truyền vận động, đấu tranh, tấn công truy quét các loại tội phạm,
phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh xây dựng được 80% xã, phường, thị trấn an toàn,
không có tội phạm. Vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng “Xã,
phường, thị trấn an toàn, không có tội phạm” và ký cam kết giữ gìn trật tự an
toàn xã hội ở khu dân cư. Đặc biệt chú trọng đến vai trò của các già làng,
trưởng bản, trưởng thôn, trưởng dòng họ (gọi chung là người có uy tín trong
cộng đồng dân cư) đối với công tác tuyên truyền, vận động gia đình, con cháu và
mọi người dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm ở khu dân cư.
Công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, đấu tranh phòng, chống
tội phạm đã được tổ chức thực hiện đồng bộ, thông qua chương trình phối hợp
thống nhất hành động giữa các ngành công an, văn hóa, thông tin với Mặt trận Tổ
quốc để tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân. Coi đó là một trong
những biện pháp bảo đảm ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức
sống, tích cực làm giàu cho gia đình và cho xã hội. Toàn tỉnh đã có 2.307/2.307
khu dân cư triển khai, học tập và đăng ký thực hiện các nội dung tham gia
phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện 6 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tiến hành tổ chức triển khai chọn điểm
chỉ đạo xây dựng “xã, phường, thị trấn an toàn, không có tội phạm” để nhân ra
diện rộng. Kết quả đã xây dựng được 134 khu dân cư ở 111 xã, phường, thị trấn
làm điểm chỉ đạo; phối hợp với các tổ chức thành viên ở cơ sở tuyên truyền được
125 hội nghị chuyên đề phòng, chống tội phạm và thực hiện nội dung đề án: phối
hợp tổ chức được 38 đợt với 39.938 lượt khu dân cư được tuyên truyền, cổ động
phòng, chống tội phạm ma túy. Tổ chức phân phát được 146.143 tập tài liệu tuyên
truyền phòng, chống các loại tội phạm; lập được 19 hòm thư tố giác tội phạm;
phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 23 hội nghị tập huấn và tuyên truyền cho
cán bộ Trưởng thôn, bản và đại diện các dân tộc ở các xã vùng cao; vận động
được 180.160 lượt hộ đăng ký cam kết tham gia bảo đảm trật tự an ninh ở thôn,
bản và xây dựng “Khu dân cư an toàn, lành mạnh không có tội phạm”. Việc bình
xét tiêu chuẩn “Làng, bản văn hóa”, “Gia đình văn hóa” dần đi vào nề nếp. Năm
2007, toàn tỉnh có 1.178 khu dân cư tiên tiến; 93.292 hộ gia đình được công
nhận “Gia đình văn hóa”. Trong đó đã duy trì được 1.664/2.307 khu dân cư,
170/226 xã, phường, thị trấn không có tội phạm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên cùng các
ban, ngành liên quan ở cơ sở, khu dân cư; người có uy tín trong cộng đồng… đã
phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân. Tiến hành
triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, giáo dục và hội nghị chuyên đề lồng
ghép phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy đến cơ sở thôn, bản ở vùng
nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa, cửa khẩu và các xã có đường biên giới
chung với nước bạn.
Việc thực hiện chương trình phối hợp phòng, chống, đấu tranh truy
quét các loại tội phạm được xác định lấy phòng ngừa là cơ bản, nên công tác
tuyên truyền vận động luôn được đặt lên hàng đầu; đặc biệt coi trọng hình thức
tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền miệng của người có uy tín trong cộng đồng
giúp cho việc nâng cao ý thức tự giác, tự phòng ngừa của mỗi người dân, mỗi gia
đình, mỗi cơ sở, địa bàn dân cư nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh,
vùng đồng bào Công giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác kiểm tra, sơ, tổng
kết, biểu dương khen thưởng từ cơ sở, cổ vũ động viên người tốt, việc tốt để
duy trì và mở rộng phong trào cũng thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính
quyền, Mặt trận coi trọng.
Sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền các
cấp đã có sự phối hợp hành động chặt chẽ hơn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các
tổ chức thành viên ở cơ sở. Hầu hết hội viên, đoàn viên của tổ chức hội, những
người có uy tín trong cộng đồng đều hăng hái tham gia và ủng hộ phong trào.
Thông qua phong trào xây dựng “xã, phường, thị trấn an toàn, không
có tội phạm”, vai trò, chức năng của đội ngũ cán bộ Mặt trận, của Trưởng ban
Công tác Mặt trận ở khu dân cư, của người uy tín trong cộng đồng dân cư ngày
một thể hiện rõ. Nội dung của công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đấu tranh
phòng, chống tội phạm được lồng ghép với các nội dung cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Tuy nhiên, phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm chuyển biến
vẫn chưa đồng đều. Bên cạnh những khu dân cư hoạt động tốt, thực hiện nội dung
Đề án có hiệu quả, thì trong bình xét vẫn còn 49% số khu dân cư chưa đạt danh
hiệu tiên tiến, danh hiệu văn hóa. Nhiều khu dân cư tình hình tội phạm còn
nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và
các đoàn thể nhân dân, mà trực tiếp là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn
yếu. Nhiều nơi còn chưa phát động được phong trào quần chúng nhân dân tham gia
đấu tranh để đẩy lùi và giảm bớt tội phạm. Công tác phối hợp triển khai nhiệm
vụ và nhậân diện các mô hình điển hình để chăm lo phát triển còn chậm nên đến
nay vẫn chưa có nhiều điển hình xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống
tội phạm. Việc trợ cấp kinh phí, hướng dẫn, tổ chức phối hợp và tạo điều kiện
cho phong trào quần chúng phát huy ở nhiều cơ sở chưa được các cấp ủy đảng,
chính quyền, Mặt trận quan tâm đúng mức nên chưa phát huy được các nhân tố tích
cực, xuất sắc, việc biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời, ở nhiều nơi còn hình
thức chung chung.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, nội dung Đề án
01-138/CP và đẩy mạnh phong trào xây dựng “xã, phường, thị trấn khu dân cư an
toàn, không có tội phạm” gắn với 6 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Phương hướng chung là, tiếp tục tuyên
truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác
phòng, chống tội phạm, lồng ghép với chương trình phòng, chống ma túy, tệ nạn
nghiện hút, các tệ nạn xã hội nói chung đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở
các vùng trọng điểm. Việc xây dựng mô hình, chỉ đạo điểm, nhân ra diện rộng, tổ
chức rút kinh nghiệm cần được thực hiện thường xuyên giúp thúc đẩy phong trào.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các cấp thực hiện phối hợp để
có nhiều hình thức cam kết từ mỗi khu dân cư, từng gia đình, từng đoàn viên,
hội viên thực hiện tốt các nội dung của Đề án 01-138/CP.
Tiếp tục chọn điểm chỉ đạo, xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm
giúp đẩy mạnh phong trào quần chúng, đa dạng hóa các mô hình điển hình, phương
thức vận động để nhân dân tự giác tham gia. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp,
các tổ chức thành viên phối hợp với ngành chức năng chăm lo thực hiện có hiệu
quả, mang lại cuộc sống bình yên cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội,
cũng là góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững
quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và cả nước nói chung.
SƠN BÁ
No comments:
Post a Comment