Trong nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã chú
trọng đến công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã thu được nhiều
kết quả. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và
phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Hệ
thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được chú trọng phát triển từ
Trung ương tới địa phương. Ở Trung ương có 11 trường dân tộc nội trú, trung
bình mỗi năm thu hút hơn 5 ngàn học sinh theo học. Trường phổ thông dân tộc nội
trú cấp tỉnh có 48 trường, thu hút mỗi năm khoảng hơn 20 ngàn học sinh. Ở cấp
huyện có 268 trường, thu hút khoảng hơn 60 ngàn học sinh theo học. Quan tâm,
chăm lo đến sự nghiệp “trồng người”, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số đã
sáng tạo ra hình thức hệ thống trường bán trú dân nuôi ở bậc phổ thông cơ sở,
đó là sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp “trồng người” và đã
xây dựng được hơn 700 trường bán trú dân nuôi cụm xã và bán trú xã, tiếp nhận
được hơn 70 ngàn học sinh theo học. Hệ thống các trường dự bị đại học và các
khoa dự bị đại học dân tộc đang được phát triển cả về quy mô đào tạo và cơ sở
vật chất. Các chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số bước
đầu được quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn được một số bộ sách giáo
khoa dạy chữ viết cho các dân tộc Khmer, Mông, Mnông, Bana, Êđê, Chăm, Hoa...
Nhiều tỉnh đã xây dựng chương trình dạy song ngữ tiếng phổ thông và tiếng dân
tộc thiểu số trong nhà trường, như các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu,
Vĩnh Long, Đắc Lắc, Gia Lai, Yên Bái, Lào Cai...Chế độ cử tuyển học sinh dân
tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang
được thực hiện và đã đạt kết quả bước đầu. Với chính sách cử tuyển, nhiều dân
tộc thiểu số lần đầu tiên có con em được cử tuyển vào các trường trung cấp, cao
đẳng, đại học, như các dân tộc: Hà Nhì, Cơ Lao, Pà thẻn, Kháng, Xinh Mun, Bố Y,
Lào... Chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp
phổ thông trung học ngày càng tăng, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng hơn 3
nghìn học sinh các dân tộc thiểu số được đi học theo chế độ cử tuyển ở các
trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Tính ưu việt trong chính sách phát triển
giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước cùng với những thành tựu đã
đạt được của sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc là điều không thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước
trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời nhằm thực hiện chính sách
“Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân
tộc”, xoá dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa “miền ngược và miền
xuôi”, đòi hỏi công tác giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số phải tiếp tục được
quan tâm, đầu tư hơn nữa. Nhưng thực tế sự chênh lệch vẫn còn quá lớn, công tác
phát triển giáo dục ở những vùng dân tộc khó khăn vẫn chưa đáp ứng được yêu
cầu, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào còn khá cao; một số dân tộc thiểu
số ít người như Brâu, Rơ măm, Si La, Xinh Mun, Chứt... tỷ lệ người có trình độ
học vấn cao là rất thấp, dân tộc Brâu thậm chí vẫn chưa có người đi học đại
học. Hiện nay, nói đến đồng bào các dân tộc thiểu số không ít người còn đánh
đồng dân tộc thiểu số với trình độ văn hoá thấp kém, thậm chí còn mang tính
miệt thị, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến chính sách đoàn kết giữa các dân tộc. Do
nhiều nguyên nhân, như: đói nghèo, địa bàn cư trú và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó
khăn, yếu kém nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc học tập, nâng cao trình
độ dân trí, nhận thức và sự hiểu biết chưa đầy đủ về chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; dễ tin và nghe theo kẻ xấu lừa
phỉnh gây mất ổn định an ninh chính trị ở địa phương. Chính vì vậy, việc nâng
cao trình độ dân trí cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng là vấn đề
cấp thiết.
Để nâng cao trình độ học vấn cho mọi người dân,
đòi hỏi phải có sự quan tâm của Nhà nước bằng việc mở thêm trường, lớp, đào tạo
giáo viên, đặc biệt đội ngũ giáo viên là người dân tộc tại chỗ, ngay tại miền
núi, vùng sâu, vùng xa là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chỉ có như
vậy, mới có thể nói đến công tác phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn
của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trình độ học vấn của đồng bào các dân tộc
thiểu số hiện nay thấp hơn trình độ học vấn chung là do chính sách trong giáo
dục của Nhà nước chưa quan tâm đầy đủ và đầu tư chưa thoả đáng cho sự nghiệp
giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Biểu hiện cụ thể là, chưa
thực sự quan tâm đúng mức từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục
và dạy học đến chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ
giáo viên đã thiếu về số lượng lại yếu về chuyên môn, chính sách đãi ngộ, sử
dụng đối với đội ngũ giáo viên dạy ở các vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất
hợp lý, chưa tạo ra được động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu
hút giáo viên có tâm huyết với nghề, với sự phát triển sự nghiệp giáo dục ở các
vùng dân tộc. Một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển giáo dục ở nhiều
vùng dân tộc mà ngành giáo dục chưa quan tâm thoả đáng là vấn đề bất đồng ngôn
ngữ trong quá trình dạy và học. Trẻ em chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ đã phải học
tiếng phổ thông. Vì học không hiểu, học kém, thua bạn bè, gây ra tâm lý chán
nản, sợ phải học, sợ phải đến trường nên bỏ học, dẫn đến tình trạng mù chữ và
tái mù chữ.
Một vấn đề luôn là câu hỏi đối với đồng bào các
dân tộc thiểu số là “học để làm gì”? Điều này có liên quan trực tiếp đến việc
các gia đình có quyết định cho con đi học hay không. Chính vì đa số đồng bào
các dân tộc thiểu số còn chưa nhận thức thấy lợi ích của việc học tập, nên họ
chưa quan tâm cho con em đi học. Hiện nay, bên cạnh việc nâng dần tỷ lệ con em
người dân tộc thiểu số được đào tạo cao đẳng, đại học thì việc đào tạo nghề đối
với học sinh học xong trung học cơ sở và trung học phổ thông là vấn đề cốt lõi
cho công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Trong nhiều năm qua,
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với con em đồng bào các dân
tộc trong sự nghiệp giáo dục, nhất là đầu tư cho giáo dục phổ thông, nhưng hiện
nay tình trạng không ít học sinh người dân tộc thiểu số ra trường không có việc
làm, một số lại không muốn trở về địa phương công tác cũng đặt ra nhiều vấn đề
liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý chung của đồng bào. Vấn đề đặt ra là,
phải có những giải pháp đồng bộ thì công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
mới có thể đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện
đại hoá ở vùng này.
Có thể khẳng định, trình độ học vấn của đồng bào
các dân tộc thiểu số chưa được nâng cao là sự trăn trở của Đảng, của Chính phủ
trong nhiều năm qua. Giáo dục luôn là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi
quốc gia, dân tộc, vì nó là cơ sở tạo ra những con người có tài năng, có trí
tuệ, nguồn nhân lực quyết định đến sự thịnh suy, sự phát triển chính trị, kinh
tế, văn hoá, xã hội của một đất nước. Sự lạc hậu và kém phát triển của một dân
tộc, một quốc gia biểu hiện trước hết ở sự lạc hậu và kém phát triển của nền
giáo dục. Đặc biệt là trong thời đại của khoa học, công nghệ hiện nay, khi mà
hàm lượng chất xám chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các sản phẩm lao động, thì
điều đó có nghĩa là dân tộc nào, quốc gia nào không coi trọng phát triển giáo
dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài sẽ không có cơ hội, điều kiện để vươn
lên và tụt hậu là điều không tránh khỏi. Nói như vậy để thấy rằng, một trong
những trở lực ngăn cản sự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của vùng đồng
bào dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay là sự bất cập trong vấn đề giáo dục,
nâng cao học vấn của đồng bào. Trình độ học vấn thấp đã hạn chế việc tiếp thu
các kiến thức khoa học hiện đại, giảm hiệu quả việc thực hiện các chương trình,
dự án của Nhà nước, hạn chế việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và
nghĩa vụ của đồng bào với đất nước, với quê hương, với sự phát triển chung của
cả dân tộc.
Chúng ta không thể chờ kinh tế phát triển mới
phát triển giáo dục. Giáo dục phải đi trước một bước, cần vận dụng và phát huy
kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục trong những ngày đầu giành độc lập và
khơi dậïy truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Chính vì vậy, công tác phát
triển giáo dục phải đi trước một bước, phải được đầu tư một cách khoa học, thỏa
đáng, đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, miền núi. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho đồng bào các
dân tộc thiểu số vươn lên hòa nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền
bình đẳng của mình về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Chỉ khi nào đồng bào
dân tộc thiểu số có được một trình độ học vấn cao thì khi ấy họ mới có điều
kiện để vượt qua nghèo nàn, lạc hậu và góp phần vào sự nghiệp chung của đất
nước, mới có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình và cũng chỉ khi ấy các
dân tộc thiểu số mới thực sự được bình đẳng. Do vậy, để đẩy mạnh sự nghiệp giáo
dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, các cấp, các ngành cần quan tâm những vấn
đề sau:
Một là, tăng nguồn đầu tư cho công tác phát
triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có
dân số ít. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với
hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục
ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện xã hội hoá giáo dục để toàn dân
cùng quan tâm đóng góp một cách thiết thực là một trong những biện pháp hết sức
cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, nhanh chóng đào tạo được một đội ngũ
giáo viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ có trình độ cả về sư phạm và kiến
thức cho từng vùng và với riêng từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây
dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục,
sao cho họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở chính
quê hương của họ.
Ba là, ngành giáo dục phải xây dựng chương
trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng
dân tộc, từng vùng trên cơ sở tiếng, chữ viết phổ thông và tiếng, chữ viết
riêng của từng dân tộc.
Bốn là, có chính sách đặc thù đối với con em
đồng bào các dân tộc sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu không thi được
vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí cho đi học nghề. Có cơ
chế, chính sách khuyến khích con em các dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học,
trung học chuyên nghiệp, học nghề trở về địa phương mình công tác để tránh lãng
phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình và xã hội, là nguồn nhân
lực, lực lượng cốt lõi, cơ sở cho sự phát triển vùng dân tộc trong thời kỳ đất
nước đổi mới , hội nhập quốc tế.
No comments:
Post a Comment