Miền
núi phía Bắc nước ta với hai tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc trải rộng trên một
hệ thống núi và cao nguyên rộng lớn, là vùng có tiềm năng đa dạng về đất đai,
tài nguyên rừng, khoáng sản, có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái và
có vị trí chiến lược đặc biệt về an ninh, quốc phòng, với hàng ngàn kilômét
đường biên giới quốc gia và hàng chục cửa khẩu thông thương với nước Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc anh em trong cộng đồng
54 dân tộc Việt Nam .
Đặc điểm nổi bật của sự phân bố dân cư trong vùng là các dân tộc sống xen kẽ
với nhau. Đồng bào các dân tộc trong vùng cùng chung một sứ mệnh lịch sử nên
sớm có truyền thống đoàn kết, yêu nước. Trong thời kỳ cách mạng còn "trứng
nước", đồng bào các dân tộc nơi đây đã che chở, đùm bọc, giúp đỡ, ủng hộ
và tham gia cách mạng. Chính tại núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh (1941). Trong kháng chiến chống thực
dân Pháp, Việt Bắc, Tây Bắc là căn cứ địa kháng chiến, là nơi chứng kiến Đại
hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt
(3-3-1951). Đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi trong Mặt trận Liên Việt, tiếp theo là
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc đã góp nhiều
công sức cùng với nhân dân cả nước giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác để
cuối cùng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước.
Từ
sau ngày đất nước thống nhất, nhất là sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi
mới, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nền kinh tế nhiều thành phần đang được hình
thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từng bước theo hướng sản xuất
hàng hoá; cơ sở hạ tầng xây dựng ngày càng đồng bộ; hầu hết các xã đã có lưới
điện quốc gia, có đường ô tô đi đến trung tâm; mức tăng trưởng kinh tế năm sau
cao hơn năm trước; đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện; giáo
dục, hệ thống các trường cao đẳng, trường trung học nội trú được phát triển,
chất lượng ngày càng tốt hơn; văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy;
chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc
trong vùng ngày càng được củng cố và tăng cường...
Những
năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đa dạng hoá các hình thức
đoàn kết, tập hợp đồng bào các dân tộc trong vùng thông qua các phong trào, các
cuộc vận động thi đua yêu nước; qua các tổ chức thành viên; qua việc tập hợp,
phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu
số, chức sắc tôn giáo và thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân
cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam hàng
năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; đấu
tranh chống lại các thế lực thù địch.
Uỷ
ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên còn tích cực vận động
đồng bào các dân tộc hưởng ứng và thực hiện các phong trào, các cuộc vận động
thi đua yêu nước, nhất là hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hoá ở khu dân cư" và "Ngày vì người nghèo", lồng
ghép vào các chương trình, mục tiêu quốc gia, như: phòng chống ma tuý, phòng,
chống tội phạm, dân số - kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ môi trường...; đồng
thời, xây dựng nếp sống văn minh, bỏ dần những hủ tục lạc hậu...; góp phần thực
hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong vùng và
cả nước theo hướng khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân, "lấy sức dân mà
xây dựng cuộc sống cho dân".
Mặt
trận Tổ quốc các cấp trong vùng cũng đã vận động đồng bào các dân tộc phát huy
quyền làm chủ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân và
vì dân; tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước ở
địa phương, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án về phát triển kinh
tế - xã hội... theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra", nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Để
góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng, Mặt trận các
tỉnh có đường biên giới chung với các nước Trung Quốc, Lào đã chú trọng đến
công tác phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là Bộ đội Biên phòng tuyên
truyền, vận đồng đồng bào các dân tộc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu
nghị và hợp tác với nước bạn.
Tuy
nhiên, hiện nay đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng còn rất
nhiều khó khăn, một số nơi tỷ lệ đói nghèo còn cao, khoảng cách giàu nghèo so
với cả nước có xu hướng ngày càng tăng. Sự chuyển biến kinh tế mới tập trung ở
những nơi gần đường giao thông, có điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hoá.
Diện phủ sóng truyền hình còn thấp. Ở trung tâm các xã biên giới, tỷ lệ trẻ em
thất học, tái mù còn cao. Mạng lưới y tế cơ sở ở các xã còn thiếu, yếu, nhiều
nơi không hoạt động thường xuyên, tỷ lệ người được khám chữa bệnh rất thấp, tỷ
lệ sinh đẻ cao. Một số vùng, do phong tục tập quán còn lạc hậu nên một số bà
con còn nghe theo kẻ xấu làm ảnh hưởng đến chính sách đoàn kết dân tộc.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận ở các tỉnh trong vùng còn không
ít khó khăn, hạn chế, phương thức hoạt động của Mặt trận tuy được quan tâm đổi
mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa phát huy hết vai trò trong việc
vận động, tập hợp và phát huy người tiêu biểu, nhất là các già làng, trưởng
bản, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số... Việc tham gia xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền của dân, do dân và
vì
dân, nhất là công tác giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành
chính có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ở một số nơi, chất lượng phong
trào thi đua chưa đồng đều, còn mang tính hình thức. Đội ngũ cán bộ Mặt trận
các cấp còn nhiều bất cập, cán bộ còn hạn chế về năng lực, chưa tâm huyết với
công tác Mặt trận. Có nơi, cấp uỷ và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai
trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đúng quan điểm, đường lối của
Đảng; việc bố trí cán bộ chủ chốt cho Mặt trận ở nhiều nơi chưa tương xứng với
yêu cầu nhiệm vụ mới, có nơi thay đổi quá nhiều, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận nhiều nơi chưa được quan tâm đúng
mức; chế độ, chính sách đối với cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên chưa
phù hợp, nhưng chưa được quan tâm điều chỉnh kịp thời; điều kiện đảm bảo hoạt
động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhiều nơi còn rất
khó khăn.
Để
nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận, nhằm phát huy truyền thống đoàn kết các
dân tộc, phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả vùng, từng tiểu vùng, thực hiện
thắng lợi Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng
phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và
miền núi Bắc Bộ: "Đẩy nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và
miền núi Bắc Bộ cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt
hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng; khai thác mạnh các nguồn tài nguyên,
thế mạnh về đất đai, khí hậu, khoáng sản, thuỷ điện, lợi thế về cửa khẩu để
phát triển các ngành kinh tế; hoàn thành định canh, định cư và đưa dân trở lại
biên giới, hạn chế tối đa việc di dân tự do vào phía Nam và các vùng khác; bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo
đảm quốc phòng, an ninh, ổn đinh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc
gia"; và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, dưới sự lãnh
đạo của cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong vùng cùng với chính quyền, các
tổ chức thành viên cần thực hiện tốt các nội dung sau:
1.
Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự nghiệp đại
đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong
tình hình mới. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tập hợp, củng cố và tăng
cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng trên tinh thần "bình đẳng,
đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ". Đẩy mạnh tuyên
truyền và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Nghị quyết
Trung ương 7 (phần 2) khoá IX. Phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm thực
hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Vận động, hướng dẫn các tôn giáo thực
hiện hành đạo theo đúng những quy định của pháp luật; đoàn kết giữa các tôn
giáo; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo phù hợp với
giai đoạn mới theo phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", tham gia thực
hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
2.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và cuộc
vận động "Ngày vì người nghèo"; góp phần thực hiện thắng lợi các mục
tiêu kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Vận động đồng bào thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh sản xuất, tự vươn lên và giúp đỡ nhau
cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, thúc đẩy sự chuyển
dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng tiểu vùng, từng địa phương; vận động mọi
thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Vận động đồng bào các
dân tộc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hoá, đạo đức, lối
sống tốt đẹp của từng dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá,
bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh,
trật tự xã hội. Động viên, phát huy vai trò người tiêu biểu, có uy tín trong
các dân tộc thiểu số gương mẫu đi đầu trong sản xuất, thực hiện xoá đói giảm
nghèo, nâng cao mức sống và giữ gìn an ninh trật tự. Phát động rộng rãi trong
đồng bào các dân tộc thiểu số phong trào "Người dân tộc thiểu số sản xuất
giỏi, công tác xã hội tốt".
3.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc
trong đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,
những hành động xem thường kỷ cương phép nước, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân
chủ để vi phạm pháp luật, làm mất an ninh, trật tự. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu
quả các hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện các chương trình
135, 134, 186, chính sách cử tuyển vào đại học và trường dân tộc nội trú, chính
sách trợ giá, trợ cước.
4.
Các tỉnh có chung biên giới với nước bạn Lào và Trung Quốc cần tăng cường vận
động nhân dân tham gia xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác; xây
dựng cuộc sống bình yên, phát triển trong các khu dân cư dọc tuyến biên giới,
góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân
dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các nước bạn
trong tình hình mới.
5. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các
cấp uỷ Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể; quan tâm kiện toàn và nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách, nhất là cán bộ chủ chốt; tạo
thuận lợi về chế độ, chính sách và điều kiện đảm bảo để Mặt trận, các đoàn thể
phát huy vai trò của mình. Trước mắt, quan tâm lãnh đạo tổ chức tốt Đại hội Mặt
trận Tổ quốc các cấp theo tinh thần Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 22-11-2007 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng; làm cho quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội trở thành
đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, là ngày hội của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt
trận và các đoàn thể, hướng mạnh về cơ sở và từng thôn, bản, phát huy vai trò
của các cá nhân tiêu biểu, nhất là các già làng, trưởng bản, người tiêu biểu
trong các dân tộc thiểu số; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công
tác Mặt trận ở các thôn, bản và hiệu quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ
quốc nói chung, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.HUỲNH ĐẢM
>> Tạp chí Mặt trận số 58 (8-2008)
No comments:
Post a Comment