Vùng biên giới của Thanh Hóa trải dài với 192km đường biên
với nước Lào, bao gồm 16 xã. Sinh sống trên địa bàn các xã biên giới có 6 dân tộc
anh em: Thái 72,9%, Mông 19,5%, Mường 4,8%, Khơ mú 1,2%, Dao 0,9%, Kinh
0,8%(1). Trong bối cảnh đó, văn hóa của người Thái, chi phối mạnh mẽ đến các tộc
người khác cùng cộng cư và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ở vùng các xã
biên giới, có nhiều yếu tố, trong đó có vai trò tri thức địa phương (TTĐP), nghĩa là "hệ thống tri thức bất kỳ
về thế giới do cộng đồng người sáng tạo nên, được phát triển gắn liền với lịch
sử của cộng đồng cũng như các điều kiện cụ thể của địa phương nơi cộng đồng ấy
sinh sống"(2). Sinh sống lâu
đời trên vùng đất núi rừng, dân tộc Thái vùng biên giới đã đúc rút được những
TTĐP có giá trị, thiết thực giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đặc điểm nổi bật về mặt địa hình của các xã biên giới là
vùng núi cao, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, suối sâu, xen giữa thung lũng nhỏ
hẹp chảy dọc theo hệ thống sông suối. Các
con sông lớn như sông Mã, sông Luồng, sông Lò, cùng với một hệ thống con suối lớn
khác.
Độ cao của vùng các xã biên giới từ 500m đến 1.300m so với
mặt biển , điển hình là đỉnh Pha Luông giáp ranh giữa huyện Mường Lát với huyện
Mộc Châu của tỉnh Sơn La (cao 1320m). Các núi đá ở đây chủ yếu có nguồn gốc mác
ma. Địa hình trong vùng thấp dần từ tây sang đông, độ dốc cao nhất là 48 độ. Do
địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều nên diện tích đất đai sử dụng vào việc phát
triển sản xuất sản xuất nông nghiệp của các xã biên giới hạn chế, giao thông đi
lại khó khăn, sự giao lưu và hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các xã
trong khu vực biên giới và giữa khu vực biên giới với vùng khác còn hạn chế.
Dân tộc Thái có 7736 hộ, 441.126 khẩu, phân bố ở khắp 16 xã biên giới trong 12
mường. Nhiều xã biên giới đông dân cư có người Thái chiếm đa số như Mường
Chanh, Quang Chiểu, Tam Chung, Trung Lý, Tén Tằn huyện Mường Lát; Sơn Thủy, Na
Mèo, Mường Mìn, Sơn Điện, Tam Lư, Tam Thanh huyện Quan Sơn; Hiền Kiệt huyện
Quan Hóa; Yên Khương huyện Lang Chánh; Bát Mọt huyện Thường Xuân.
Có nhiều bản biên giới người Thái chiếm gần 100% như: Bản
Cang, Na Hin, Chai, Lách, Táo huyện Mường Lát. Trong đó bản Táo xã Trung Lý có
146 hộ, gần 1000 người với 100% là người Thái; các bản Yên xã Mường Mìn, bản
Ngàm, bản Pa, Cha Lung, Kham xã Tam Thanh, bản Sại xã Tam Lư (huyện Quan Sơn)
người Thái gần 100%; các bản Ho, Cháo xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa) người Thái
chiếm trên 96%; bản Xắng Hằng xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) người Thái chiếm
90%; bản Vịn, Khẹo, Lục xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân) người Thái chiếm trên
95% (3).
Xét về mặt lịch sử người Thái ở các xã biên giới nói riêng,
người Thái ở Thanh Hóa nói chung được hình thành và bổ sung từ nhiều nguồn. Do
vậy huyết thống và văn hóa có sự hòa đồng của nhiều yếu tố, từ đó tạo nên bản sắc
riêng, vừa mang đặc trưng Thanh Hóa, vừa phản ánh tính chất chung của cộng đồng
Thái Việt Nam.
1. Tri thức khai
thác sử dụng nguồn nước sản xuất
Người Thái ở các xã biên giới có kinh nghiệm nước tưới ruộng
phải làm đập (phai) ngăn suối ở độ cao hơn ruộng, từ đó đào mương dẫn nước về.
Hệ thống mương dẫn nước vào ruộng thường được làm từ trên cao xuống thấp các lối
dẫn nước này luôn được làm so le nhau, và tốt nhất là được nối với các nguồn nước
chảy từ các khu rừng già ra, nó không chỉ cung cấp nước tưới mà còn là chiếc cầu
nối giữa ruộng với kho phân bón tự nhiên từ rừng vào ruộng theo dòng nước.
Để có những khu ruộng tốt cho canh tác lúa thì yếu tố quan
trọng đầu tiên là nước. Nhưng để có đủ nước cho mỗi mùa vụ canh tác thì vấn đề
bảo vệ các nguồn nước là hết sức quan trọng. Do vậy đồng bào thường có câu ví nặm húa tá, nà húa mướng (nước đầu bến, ruộng đầu mương), chữ đầu
ở đây có nghĩa là chỗ ruộng tiếp giáp đầu tiên với mương sẽ nhận được nhiều phù
sa hơn do vậy lúa tốt hơn. Còn đầu bến có nghĩa là phía trên đầu nguồn nước thì
nước sạch hơn. Nếu dùng nước cuối bến sẽ bẩn vì nhiều người tắm giặt, rửa thải
các chất bẩn trôi về cuối bến. Nước cho cây trồng cũng tránh được nước đá vôi
càng tốt. Vì nước đá vôi làm cứng đất, bó rễ cây làm cây màu khó tiếp thụ chất
màu, phân bón.
Đồng bào Thái biên giới cũng thường làm ruộng nước hai vụ,
dùng nước tưới cho các cây trồng khác, phục vụ cho sinh hoạt, tắm giặt hàng
ngày, nên nước là một tài nguyên không thể thiếu đối. Từ đó người Thái thường
chọn chỗ gần nước để ở.
Để bảo vệ được nguồn nước, đồng bào thường có những quy định,
luật tục ghi trong hương ước hoặc truyền miệng với nhau như: cấm rừng đầu nguồn
nước; không làm rẫy, làm vườn đầu bến, không phá rừng đầu nguồn: Nhà ệt háy, ệt suốn húa tá/ Nhà
khèo pa húa huối (Đừng làm rẫy,
làm vườn đầu bến/ Đừng phát rừng đầu suối).
Nước tưới ruộng cũng có quy định chặt chẽ tránh lãng phí nước
và điều hòa tưới tiêu công bằng, tránh mạnh ai người nấy lấy nước tùy tiện.
Theo đó bản quy định: trên đường mương qua ruộng làm các ống (tó) chia nước về
các cánh đồng phù hợp với nhu cầu diện tích cụ thể; Từ trong một cánh đồng có
các tạng, các ten (rãnh) phân phối nước xuống thửa ruộng dưới. Không ai được tự
ý mở rộng hoặc đắp, ngăn dòng chảy. Như vậy vừa điều hòa tưới tiêu cho ruộng vừa
giữ đươc tình làng nghĩa xóm: Mướng
mì tó, hó mì cơ (Mương có
nhánh, rãnh có cỡ).
2. Tri thức trồng tỉa
Người Thái ở các xã biên giới quan niệm mùa vụ, ngày giờ trồng
tỉa với từng loại cây trồng rất quan trọng. Thường ngày giờ bắt đầu đi trồng
lúa, ngô, khoai, sắn được chọn rất nghiêm túc. Trồng cây lúa và cây có bông
ngày bắt đầu là các ngày chẵn vào giữa tháng trở lại. Trồng cây có củ chọn ngày
lẻ vào đầu tháng từ ngày 9 âm trở lại do đồng bào quan niệm ngày chẵn sai bông,
ngày lẻ tốt củ: Mự há pến mác
tằng cộc/ Mự hộc pến mác tằng pái (Ngày
năm sai quả đường gốc/ Ngày sáu sai quả đường ngọn).
Theo đó, đồng bào thường tỉa cây có bông, có bắp vào ngày
chẵn như: 2, 4, 6, 12, 14, 16, không bắt đầu tỉa vào ngày cuối tháng vì như vậy
làm mùa không lên. Riêng trồng bông vào ngày 5 hàng tháng theo âm lịch. Đồng
bào quan niệm cây bông có quả nhưng cần nở bông do vậy khác với cây có quả
khác.
Trồng tỉa cây có củ vào các ngày 3, 5, 7, 9, tất nhiên đây
là những ngày bắt đầu công việc, còn sau đó thì làm liên tục không không phân
biệt ngày chẵn, ngày lẻ. Những ngày, tháng chọn làm mùa vụ thường là ngày,
tháng âm lịch.
Rẫy đồng bào Thái thường có quy ước theo vùng và chuyển đổi
sau 3 năm canh tác (luân canh): vụ đầu gọi là háy láo, vụ 2 gọi là háy lộc, vụ
3 gọi là háy lựm. Sau đó đồng bào chuyển sang vùng khác (thung, đồi khác). Những
chỗ trồng xen cây lâm nghiệp thì tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cây lâm nghiệp lâu
dài. Những rẫy không trồng cây lâm nghiệp thì đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 quay lại.
Khi đó rừng đã tái sinh thành rừng non gọi là pa láu, là rẫy cũ phục hồi tái
sinh tự nhiên vẫn do chủ rẫy có quyền quản lý trong vòng 5 năm trở lại. Qua thời
gian đó gia chủ không canh tác thì người khác mới được làm: Háy xám pí nhằng táu/ Lau há pí nhằng
dám(Rẫy ba năm còn đến/ Rừng sau rẫy năm năm còn thăm), ý nói trong 3 năm
chủ vẫn đến làm rẫy, rừng non sau rẫy 5 năm chủ vẫn trở lại làm tiếp hoặc có
quyền quản lý những cây trồng khi làm rẫy còn lại trong rừng tự nhiên.
3. Tri thức về ổn định và phát triển kinh tế hộ
Về nhận thức, từ xa xưa tập quán thích định canh, định cư để
ổn định đời sống đã giúp cho người Thái có ý thức sớm về ổn định kinh tế hộ. Đồng
bào đã có tục ngữ để nhắc nhở nhau: Chóng
páy sớ ni/ Du đí sớ hắng (Hay
chuyển thì nghèo/ ở yên thì giàu).
Vì người hay đi, hay chuyển sẽ không ổn định, sẽ phá đi, bỏ
đi thành quả mình đã làm, đã có. Người ở lại, ổn định nơi ăn, nơi ở, việc làm sẽ
phát triển kinh tế hộ đi lên. Sẽ làm được nhà mới tốt hơn, khai hoang mở rộng
ruộng vườn, trồng cây trái được thu hoạch, nuôi trâu bò, gia cầm, gia súc sẽ
sinh đẻ thành đàn, thành lũ. Hơn nữa ổn định nơi ở thì người thập phương mới biết
địa chỉ của mình mà đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Con cháu được đến trường, đến
lớp học hành, ốm đau có thày thuốc, có nơi chữa bệnh… Kinh tế làm ra tiết kiệm
được, không phải chi tiêu phung phí cho việc di chuyển.
Từ những nhận thức đó mà đồng bào sống thành làng bản, quần
cư, gắn bó với nhau từ đời này sang đời khác. Con cháu có thể đi làm ăn xa, đi
thoát ly làm việc nước, đi lấy vợ, lấy chồng nhưng quê cha, đất tổ của mình vẫn
là ổn định. Mặc dù vùng biên giới là vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nhưng đồng
bào vẫn trung thành gắn bó. Tập quán trong sản xuất của người Thái là: Ệt háy nhà vàng nà/ Háy tếm tá bau
pớn nà hơi nọi (Làm rẫy đừng
bỏ ruộng/ Rẫy đầy mắt chưa bằng thửa ruộng nhỏ).
Có nghĩa là rẫy chỉ là làm thêm, rất bấp bênh, phụ thuộc thời
tiết, khí hậu. Do đó làm rẫy chớ bỏ ruộng. Rẫy đầy mắt (rẫy dù nhiều) thì sản
phẩm thu về chưa chắc đã bằng thửa ruộng nhỏ. Một kinh nghiệm lâu đời người
Thái Thanh Hóa vẫn giữ gìn trong kinh tế hộ là sản xuất mang tính tổng hợp, xen
canh, đa ngành nghề: làm rẫy lúa thì trồng xen đậu tương, ngô, đậu đũa, dưa; trồng
sắn thì xen ngô, khoai lang, chuối, mía…; trồng ngô thì xen kê, vừng, đậu đũa,
đậu tương… vãi rau cải, trồng chuối, đu đủ xung quanh rẫy…
Cách làm này mang về cho người lao động nhiều sản phẩm và lấy
ngắn nuôi dài rất tốt. Trong lúc đi làm cỏ lúa đã có dưa để ăn có đậu đũa để
dùng. Làm cỏ sắn có ngô để ăn, có khoai lang, đậu đũa cho thu hoạch. Trước khi
thu hoạch ngô đã có kê để dùng. Hơn nữa cây đậu tương, cây vừng tạo cho đất tốt
góp phần cho lúa, ngô phát triển. Làm ruộng cũng cấy nhiều giống lúa để tránh
những rủi ro, nên người Thái có rất nhiều giống lúa nếp và lúa tẻ trên nương và
dưới ruộng. Nếu nhà nhiều ruộng thời gian làm đất và cấy lúa kéo dài thì gieo mạ
làm hai đợt cách nhau 3-5 ngày để tránh mạ già, mạ lên óng quá tuổi không cấy
được. Có hai lứa sẽ luôn có mạ vừa tuổi để cấy.
Vừa tăng gia, vừa chăn nuôi gia súc kết hợp gia cầm, làm ao
thả cá. Đồng thời kiếm sống từ sản phẩm tự nhiên như vào rừng hái măng, rau, củ,
quả. Xuống sông, suối kiếm cá, cua, tôm để dùng và có khi được nhiều thì bán
góp phần tăng thu nhập.Từ tập quán, kinh nghiệm đó nên khi ta vào các bản Thái
hầu như hộ nào cũng có ruộng, rẫy, vườn, ao, chuồng. Trong nhà có chài, lưới, nỏ,
vinh, vợt...
Ngày nay kinh tế thị trường phát triển, đồng bào nhiều nơi
đã bỏ rẫy để sản xuất lâm nghiệp tạo thêm thu nhập, nhưng vẫn không bỏ ruộng và
chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm ao thả cá. Ngoài ra, đồng bào còn làm rượu cần,
nấu rượu, dệt, thêu, đan lát vừa tự cung, tự cấp vừa có sản phẩm hàng hóa tiêu
thụ.
Người Thái còn có thói quen về dự trữ. Nơi biên giới, trên
địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, xa trung tâm kinh tế xã hội, nên đồng
bào rất có ý thức trong sinh hoạt, tiêu dùng là phải tiết kiệm, phải có dự trữ,
nhất là lúa giống, muối, gạo ăn, để dành gia súc, gia cầm phòng khi có công có
việc…
Người Thái đã có các câu tục ngữ để nhắc nhau như: Khóng kín bau hạy, khóng bạy nhà lừm (Của ăn đều đặn, của để đừng quên), ăn
đều đặn có nghĩa là không xa hoa lãng phí, có ăn phải nhớ để dành phòng khi ốm
đau, mưa bão… hoặc Pu ệt hớ
lán kín (Ông làm cho cháu
ăn), có nghĩa là phải để dành phần cho đời sau, cho con cháu, nhất là trồng cây
lâu năm, nuôi gia súc để cho đời sau.
Từ những lời răn dạy đó hầu như đồng bào rất có ý thức
trong việc tích lũy, dự trữ cho cuộc sống của mình, nên ít phải đi ăn xin khi
giáp hạt. Lúc ốm đau hiểm nghèo vẫn có thể có tài sản vật chất trong nhà phục vụ
cho mình. Quần áo cho người quá cố, quan tài cho người chết đều được các hộ người
Thái dự phòng từ trước. Do đó vào nhà người Thái hầu như nhà nào cũng có 1-2 bộ
quan tài dưới gầm nhà, nơi kho lúa… Khi nhà có việc là đồng bào đã chủ động
không phải chạy vạy đâu xa. Ý thức đó một phần cũng từ nền kinh tế tự cung, tự
cấp mà tạo thành thói quen cái gì mình cũng phải có, cái gì cũng phải do mình
làm ra cho chủ động.
Người Thái cũng rất có ý thức trong việc cân đối thu chi,
tiêu dùng: Kháu bau lái kín
cánh/ Hành lau lái páy con (Cơm
không nhiều ăn canh/ Sức không nhiều đi trước), ý nói nếu ít cái này thì phải
dùng cái khác bù vào, sức mình yếu thì phải đi trước, biết lo biết liệu trước mới
hòng có thu nhập: Du dòng
khún, kín dòng khói/ Du dòng phú nọi kín dòng phú luống (Ở như ông quan, ăn như đầy tớ/ Ở như
đầy tớ, ăn như ông quan), có nghĩa là dù đã
giàu sang thì vẫn phải tiết kiệm ăn như đầy tớ. Hoặc chỉ người thích ăn ở sang
trọng như ông quan, xa hoa, nhác làm thì miếng ăn không có, phải ăn đói mặc
rách như đầy tớ mà thôi. Còn ở như đầy tớ có nghĩa là chịu khó làm, tiết kiệm,
chịu khổ như đầy tớ thì sẽ có của ăn, của để đàng hoàng như ông quan.
Khóng tín mừ nặm bo/ Khóng pó mé láy nòng (Của chân tay mỏ nước/ Của bố mẹ trôi lũ), nghĩa là: của
mình biết làm ra thì sẽ có mãi mãi như nguồn nước chảy, của bố mẹ cho như thể
trôi lũ sẽ mau hết, mau cạn mà thôi. Nguồn thu và chi sẽ mất cân đối người sẽ
khổ nghèo. Do vậy con người phải biết dùng sức lực, trí tuệ của mình làm ra của
cải, đừng ỷ lại trông chờ, dựa dẫm vào người khác.
Từ nhận thức đó mà người thái rất cần cù lao động và chú ý
tích lũy cho mình bằng tài sản, của cải, vật chất, trâu bò, ruộng, vườn, cây, cối…
Trong cuộc sống thực tế hàng ngày phụ nữ Thái dù bận mấy công việc ruộng nương,
chăn nuôi nhưng vẫn tích cực dệt vải làm chăn đệm, gối, áo, váy cho mình. Mặc dù trong bế, trong rương đã đầy,
các bà các chị vẫn làm thêm và ít khi đem bán. Đồng thời sử dụng cho mình cũng
rất tiết kiệm. Những việc làm đó chính là ý thức tiết kiệm, dự trữ cân đối thu
hơn chi đề phòng khi già yếu không làm được nữa thì có cái để dùng hoặc là bán
ra thị trường có thu nhập cho mình về già.
4. Tri thức bảo vệ rừng
Người Thái ở các xã biên giới đều sống gần rừng, nhờ rừng,
xem rừng là chỗ nương tựa cả về vật chất và tinh thần của con người. Đồng bào
quan niệm cây rừng, động vật, thiên nhiên đều có linh hồn. Cây cũng biết đau, rừng
cũng biết buồn, biết giận, biết hờn. Ai tôn thờ chăm sóc bảo vệ cây, bảo vệ rừng
thì cây, rừng sẽ phù hộ cho con người được hưởng sự ưu ái tốt lành. Cây cho
hoa, cho quả, cho lá, vỏ rễ, thân gỗ làm thuốc, làm thức ăn, vật dụng cho người,
che mưa nắng, chắn bão gió khi người hoạn nạn. Rừng cho cảnh quan đẹp, bảo vệ
người không bị hoạn nạn, che chắn giặc giã, mũi tên, hòn đạn cho con người. Nếu
con người có lỗi với cây, với rừng thì những thứ đó không còn nữa. Mà có khi vô
cớ bị cành cây rơi vào đầu, cây đổ trận vào người và súc vật, tài sản của con
người. Rừng tức giận sẽ cho hổ báo, voi bắt giết người và súc vật nuôi, voi,
nai gấu phá hoại hoa màu, rừng không giữ nguồn nước cho sông suối lũ ống lũ
quét cuồn cuộn chảy về phá hoại đồng ruộng, ao cá, nhà cửa, cuốn trôi cả người
và tài sản, vật nuôi của con người. Do vậy, con người phải chú ý bảo vệ rừng,
tôn thờ thần rừng, hồn cây.
Người Thái trong vùng có nhiều kinh nghiệm nhất về khai
thác và bảo vệ rừng. Đồng bào rất yêu quý rừng, có ý thức bảo vệ, phát triển rừng
và điều này đã được đúc kết thành tục ngữ để răn dạy con cháu muôn đời, được
quy định thành luật tục để bản mường cùng thực hiện:
- Mì lín chăng mì dá
Mì pa chăng mì nặm
(Có đất mới có cỏ
Có rừng mới có nước)
- Dóm pa bạy lùn lăng chăng má
Bạy hớ nặm chú bo láy lồng
Phớ chứ láy khoắn nặn mằn chăng pến quần
(Giữ rừng cho muôn đời rừng xanh phát triển
Để cho muôn mó nước tuôn trào
Ai nhớ được câu nói ấy thì mới nên người)
Trên cơ sở những quan niệm đó người Thái từ xưa đã chia rừng
thành 3 loại chính: rừng thiêng, rừng cấm, rừng sản xuất để có quy đinh luật tục
bảo vệ từng loại rừng. Từ năm 1998 đến nay, nhà nước đã thực hiện việc giao đất
lâm nghiệp đến tổ chức và hộ gia đình, rừng đã có chủ thật sự. Đồng thời các dịch
vụ tiêu thụ lâm sản phát triển mạnh nên việc phát rừng làm rẫy hầu như không
còn. Sản xuất lâm nghiệp đang trở thành nguồn thu nhập chính của hộ nông dân ở
vùng biên giới. Nhờ có rừng mà nhiều hộ nông dân đã xóa được đói nghèo tiến lên
khá, giàu.
5. Tri thức giao tiếp ứng xử
Phong tục tập quán tốt đẹp lâu đời của người dân trong vùng
các xã biên giới là sống hòa hợp, chân tình, không phân biệt dân tộc, giàu
nghèo, họ giúp nhau trong lúc khó khăn không tính toán thua thiệt giúp nhau vô
tư. Có nhiều hộ gia đình sống chung trong một nhà từ 3 đến 4 thế hệ, nhưng nhờ
có quy tắc ứng xử tình cảm, công bằng, chân thành có sức thuyết phục cao cho
nên đã tạo dựng được một nếp sống tôn ty trật tự và giáo dục con cháu sống có
tình làng nghĩa xóm, câu tục ngữ sau của người Thái thể hiện lên lòng mến khách
của người dân trong vùng
Mà dàm chạu kin ngài
Mà dàm xai kin láu
Tấu dàm khắm nòn dam
(Đến buổi sáng ăn cơm
Đến buổi trưa uống rượu
Đến buổi tối ngủ thăm).
Khách đến nhà lúc nào cũng được quý trọng. Quan hệ của nhân
dân hai bên biên giới là quan hệ đặc biệt lâu đời, là quan hệ thân tộc sống
chan hòa vui buồn có nhau. Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào trên địa bàn tỉnh Thanh
Hóa khẳng định chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ. Nhân dân hai nước mà trực tiếp
là đồng bào khu vực biên giới có trách nhiệm bảo vệ, nó vừa thể hiện trách nhiệm
danh dự, vừa là quyền lợi. Đồng bào các tộc người ở đây nói chung và người Thái
có ý thức rất cao trong việc bảo vệ đường biên. Đường ranh giới là chủ quyền quốc
gia, trách nhiệm gìn giữ là của mọi người dân nói chung, nhân dân biên giới nói
riêng. Người Thái ở vùng này có các câu tục ngữ:
- Pành xái lín pớn ken tá cháu.
(Yêu đường biên như con mắt mình).
- Chăm xai đén dướng pành lúc nọi
(Chăm đường biên như yêu con nhỏ)
Về cột mốc đường biên đồng bào nhắc nhở nhau:
- Đén lín tó lằm mạy láy
Huốn chư vạy mừa ná nhà lừm
(Ranh giới dù nhỏ như cây le
Chung nhớ lấy về sau đừng quên).
ý nói rằng dù đường ranh giới chưa to, chưa hiện đại, còn
đơn sơ nhỏ bé như cây le nhưng hai bên vẫn phải cùng tôn trọng ghi nhớ mãi về
sau đừng làm xê dịch nó, xâm phạm nó.
- Nặm mì phú kín, đín mì cháu
(Nước có người quản, đất có chủ).
Từ kín ở đây dịch theo nghĩa đen là ăn nhưng ta phải hiểu
theo nghĩa bóng là đất nước có người quản, đất có chủ. Ranh giới thường lấy
dông núi, sông, suối, tảng đá lớn làm mốc. Từ đó mà người dân biên giới không
những tôn trọng đường biên, mốc giới quốc gia bằng các văn bản của nhà nước,
các hiệp ước quốc tế mà còn đặt ra cho mình các luật tục để bảo vệ nó. Tương tự
như thế mà có luật tục bảo vệ ranh giới bản làng của mình cho vững chắc, yên ổn
để yên tâm sản xuất sinh sống.
Trong lịch sử, hai nước Việt - Lào đã từng xây dựng mối
quan hệ bang giao lâu đời. Nhân dân hai bên biên giới là các dân tộc thiểu số
có cùng ngôn ngữ chữ viết nên việc giao tiếp có những thuận lợi. Thêm vào đó,
do cùng cư trú lâu đời bên nhau nên có nhiều điều kiện gặp gỡ, giao hữu và chia
sẻ với nhau trong các trong nhiều hoạt động: Cùng đi săn thú, cùng đi hái măng,
khai thác cá, tôm; cùng dùng một nguồn nước sinh hoạt… Vì vậy nên nhiều đời nay
đồng bào hai bên biên giới có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng nhau xây dựng
mối quan hệ hôn nhân, tạo nên mối thông gia kết nghĩa. Mỗi khi có đám hiếu, lễ
tang người ta báo cho nhau biết để đến chia buồn. Có đám cưới, lễ hội, săn được
thú rừng mời nhau đến liên hoan. Mối quan hệ tình cảm ấy đươc thể hiện qua lời
khặp:
- Kín mác cuối huốm ví
Kín mác pí huốm cáp
áp nặm huốm bằng điếu
(Ăn chuối chung nải
Ăn hoa chuối chung bẹ
Cùng tắm chung vũng nước)
- Lìn nặm nọi xóng mường huốm tặc
Xạ phặc khéo xóng mường huốm xuối
Thuốc kháu nọi hàn huốm pắn điếu
Phành yếu cắn tay dàm páng cón
(Máng nước nhỏ hai mường cùng múc
Rổ rau xanh hai mường cùng rửa (dùng)
Bát cơm nhỏ ta cũng chia đều
Yêu thương nhau từ xưa đã có) (4)
Tóm lại, TTĐP là một nội dung thuộc văn hóa tộc người của
các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, có vai trò quan trọng trong bảo đảm đời
sống và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, có giá trị như là một nguồn lực quan
trọng cho sự phát triển bền vững ở vùng cao biên giới. Vì vậy, nó được bảo lưu
và trao truyền qua nguồn văn học dân gian, một cách thức bảo tồn và phát huy
các giá trị của tri thức địa phương một cách hữu hiệu trong cuộc sống đương đại.
_______________
1. Số liệu do các xã biên giới
cung cấp (tháng 12-2011)
2. Dẫn theo Lâm Bá Nam, Khai
thác tri thức địa phương các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển bền vững - tiếp
cận nhân học, trong Kỷ yếu Hội
thảo quốc tế Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển bền vững,
Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học
BansomDejchaoPraya Rajabhat, Hà Nội, tháng 12-2010, tr.2-9.
3. Số liệu do các Trưởng bản cung cấp.
4. Những người cung cấp tư liệu và dịch các câu tục ngữ,
các bài khặp trích dẫn trong bài viết: ông
Phạm Xuân Cừ, bản Yên xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn; ông Phạm Quang Thẩm, Hội
Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa.
Tác giả: Mai Thị Hồng Hải
No comments:
Post a Comment