Trong Tục
lấy vợ lấy chồng của người Thổ,
tác giả Bế Huỳnh khái quát như sau: “Người Thổ từ xưa không có lễ gia quan, chỉ
có tục lấy vợ lấy chồng đại thể cũng tuân theo sáu thứ lễ của Chu Công”(1), bao
gồm: nạp thái, vấn danh, trưng lễ, cát lễ, thỉnh kỳ, thân nghênh. Trong từng lễ,
tác giả đều miêu thuật một cách cụ thể về thời gian, cách thức, lễ vật cụ thể của
từng vùng người Thổ ở Cao Bằng (vùng miền đông và miền tây). 6 lễ trên tương ứng
với tên tục gọi, gồm:
Lễ nạp thái (má (dấm,
dạm) - dạm vợ). Trong lễ này nếu được nhà gái thuận ý thì sẽ xin bát tự của người con gái (ngày, tháng, năm,
giờ sinh), hay còn gọi là loỏc
mỉnh khao (giới thiệu hết về
mình), nay tục vẫn gọi là lủc
mỉnh.
Lễ vấn danh (páo sư đây
- báo hợp mệnh). Sau khi đã
xin được bát tự của cô gái, nhà trai đem về so với tuổi con trai. Nếu có xung
khắc thì nhà trai sẽ trả lại nhà gái tờ giấy ghi bát tự, còn nếu hợp thì nhà
trai phải sắm sửa lễ vật để nhờ bà mối đến trả lời, tức là báo hợp số mệnh. Từ
sau lễ này trở đi gặp lễ tết hàng năm (tết Nguyên đán và tết Trung nguyên) nhà
trai phải chuẩn bị lễ vật lễ tết đủ ba năm mới được rước dâu về nhà chồng.
Trưng lễ (báo đáp): xin đặt lễ trầu cau.
Cát lễ (Tẳt tháp - đặt
gánh, nạp cát). Lễ này thực hiện khi đã sắp đến ngày cưới, nhà trai phải chuẩn
bị, sắm sửa lễ vật (lễ vật lớn dần) nhờ bà mối đưa đến nhà gái xin hồng chỉ bát tự (nữ tự giới thiệu hết ngày tháng năm
giờ sinh của mình vào một tờ giấy hồng, tục gọi là loỏc mỉnh đeng).
Lễ thỉnh kỳ (páo hoằn - báo cưới, thách cưới). Sau khi đã đặt
gánh, đi lại được hơn hai năm, trước khoảng dăm ba tháng, nhà trai nhờ bà mối
đem lễ vật đến báo tin ngày rước dâu (páo hoằn), đồng thời hỏi nhà gái lấy bao
nhiêu bạc để chuẩn bị. Số bạc này dùng để nhà gái sắm sửa quần áo, chăn màn cho
con đem về nhà chồng.
Lễ thân nghênh (rẳp lùa - đón dâu). Trước ngày đón dâu khoảng
vài ngày, nhà trai sang hỏi nhà gái xem yêu cầu lấy số lễ vật là bao nhiêu để
chuẩn bị cho đủ. Lễ vật có thể không định rõ số lượng nhưng cũng khoảng hai, ba
con lợn, 100 lít rượu, 100kg gạo, 200 đến 1000 chiếc bánh dày, trầu nến, tiền,
bạc... để mang sang nhà gái trước, gọi là tục sống
tháp (nộp lễ gánh), ngày đón
dâu thì còn phải có đại lễ bao gồm trầu cau, hương nến, thịt gà, bánh chưng, thịt
lợn, các loại tiền lễ, phải rằm khấư, phải quả hồng... Trong ngày đón dâu có mở
tiệc rượu đãi khách thịnh soạn, xa xỉ vô cùng, tục gọi là kin lẩu (uống rượu, ăn cỗ cưới), ở châu Nguyên
Bình vẫn còn có tục cổ, đó là tục hát hỏi quan làng.
Còn sau ngày cưới ba ngày, nhà trai chuẩn bị lễ vật làm lễ
lại mặt, vợ chồng cùng về nhà gái làm lễ bái yết. Từ đó cô dâu sẽ lưu lại nhà
cha mẹ đẻ, nếu nhà chồng có việc thì mới về nhà chồng vài ngày, xong lại quay
trở về nhà cha mẹ đẻ. Sau đó có thể một, hai hay ba năm hoặc có thai mới an cư
tại nhà chồng.
Như vậy, đại thể tục cưới xin của người Thổ (Tày) bao gồm 6
nghi lễ trên, đã được ghi chép lại từ những năm 20 của thế kỷ trước. Sáu nghi lễ
này đến nay người Tày Cao Bằng vẫn duy trì, một số nghi lễ có thể dùng tên gọi
khác hoặc thêm hoặc bớt cho phù hợp.
Còn trong các công trình nghiên cứu gần đây, tục cưới xin của người Tày
cũng được các nhà nghiên cứu, tìm hiểu và tùy thuộc vào quan điểm và hướng khai
thác, các nhà nghiên cứu lại có những cách mô tả trình tự nghi lễ của một đám
cưới khác nhau.
Theo Lã Văn Lô, tục lệ cưới xin của người Tày Lạng Sơn bao
gồm: lễ dạm hỏi, lễ mình hom, lễ khả cáy, lễ sêu tết, lễ ăn hỏi, lễ cưới chính
thức, lễ nhị hỷ.
Theo Triều Ân, Hoàng Quyết (2), tục cưới xin của người Tày
được diễn ra trong một thời gian tương đối dài, kể từ khi chuẩn bị ban đầu như
tiền bạc, gửi gom vật chất, tham gia vào phường họ bạn, tìm ướm lựa chọn con
dâu tương lai, con rể nạp tế, đưa con trai ra xã hội, dạy con gái biết trồng
bông, dệt vải, buôn bán, trồng cấy, học tập các việc nữ công... cho đến khi tiến
hành xong lễ cưới. Các nghi lễ cưới xin người Tày phải trải qua theo trình tự
sau: buổi gặp gỡ đầu tiên, lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ báo ngày cưới,
ngày lễ cưới, lễ đón dâu, đưa dâu, lễ ba buổi (hòi ròi). Sau những lễ trên còn
có tục lệ con rể đối với gia đình bố mẹ vợ và tục lệ con dâu ở nhà chồng.
Hoàng Trung Nam và Bế Thanh Tuyền lại chủ yếu trình bày một số nghi thức về việc đón
con dâu con rể trong ngày làm lễ cưới, theo đó, trình tự bao gồm: xin bản lủc
mỉnh, lễ dạm hỏi, chuẩn bị làm lễ cưới, ngày làm lễ cưới, việc đón con dâu
trong ngày cưới, tẻo sam nâư... tất cả gồm 12 bước.
Việc cưới gả, tùy từng vùng, từng dân tộc có những tục lệ,
nghi lễ kèm theo rất khác nhau. Người Tày ở Cao Bằng ở mỗi vùng cũng có thể có
phong tục cưới xin đặc trưng. Đồng thời, xã hội ngày càng chịu nhiều tác động từ
văn minh đô thị cho nên các nghi lễ cưới xin của người Tày cũng đã có một số biến
đổi nhất định. Nhưng đại thể, một đám cưới truyền thống của người Tày Cao Bằng
thường trải qua các nghi thức, nghi lễ sau đây.
Trải qua một thời gian được tự do tìm hiểu hoặc gia đình
nhà trai cũng đã có ý ướm người con gái nọ về làm dâu con nhà mình thì phía nhà
trai bắt đầu tiến hành nghi thức đầu tiên, đó là cử một người thân cận trong
dòng họ có cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc làm đại diện đến ướm hỏi, trao
đổi ý tứ với cha mẹ cô gái. Lần này, nhà trai chỉ đến với mục đích vấn danh, bởi
thế họ không phải chuẩn bị lễ vật gì. Câu chuyện của ngày hôm nay được cha mẹ
giữ kín và chưa bắt buộc phải xin ý kiến của con cái. Chỉ khi mọi việc sau lần
gặp gỡ ấy suôn sẻ, và nếu được nhà gái ưng ý, chọn được ngày lành tháng tốt thì
nhà trai sẽ chính thức đem lễ vật đến và xin nhà gái ngày tháng năm sinh của cô
gái để đem về làm thủ tục so tuổi.
Lễ xo lủc mỉnh (xin lục mệnh)
Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, nếu như mọi việc thuận lợi thì
gia đình nhà trai sẽ tiến hành nghi lễ tiếp theo là dạm hỏi, xin nhà gái lấy bản lủc mỉnh chính thức. Nghi lễ này như một
hình thức đính hôn cho đôi bạn trẻ. Vì thế, trong nghi lễ, nhà trai sắm sửa lễ
vật đầy đủ cùng người mai mối, người gánh lễ đem đến để nhà gái làm lễ mời
khách. Đến dự trong ngày lễ này bao gồm những người họ hàng thân cận gia đình
nhà gái như: ông bà, cô bác, dì cậu, anh chị... Lễ vật mang đến cũng tùy theo
điều kiện gia đình, song về cơ bản là đôi gà trống thiến, hai chai rượu ngon tự
cất, bánh dày hoặc xôi đỏ đủ để mời khách trong ngày lễ. Trong lễ này, nhà trai
chính thức xin lục mệnh của cô gái (ngày tháng năm và giờ sinh âm lịch). Tờ lục
mệnh được nhà gái viết một cách trang trọng lên một tờ giấy hồng hay một tấm vải
lụa điều và trao cho nhà trai. Hình thức trao lục mệnh cho nhà trai mà như hiện
nay chính là hình thức đính hôn của đôi bạn trẻ. Và cũng kể từ đây, hai gia
đình và đôi bạn trẻ được phép đi lại, thăm hỏi ngày lễ tết, giúp đỡ khi gia
đình có công việc. Hơn thế, khi đã trao, nhận tờ lá số rồi thì cả hai bên phải
có trách nhiệm với nhau, giữ mối quan hệ tình cảm khăng khít, không bên nào được
phản bội lại. Trong trường hợp nhà gái thay lòng đổi dạ thì phải hoàn trả lại lễ
vật cho nhà trai, còn nếu nhà trai phản bội thì phải trả lại nhà gái tờ lục mệnh.
Đây là những quy ước giữa hai gia đình nhưng dường như nó trở thành một quy định
bất thành văn trong phong tục cưới hỏi của người Tày. Nó ăn sâu vào hệ thống
các quy tắc ứng xử trong cuộc sống, cho nên ai cũng phải coi đó là lễ nghĩa, là
việc nên làm của mỗi người. Vì thế, việc trao lục mệnh của con gái cho gia đình
nhà trai là việc làm hệ trọng. Bởi theo họ, trao lục mệnh tức là trao cả số mệnh
của con gái mình cho gia đình người ta, số phận của người con gái như vậy là đã
được đoán định. Theo quan niệm duy tâm, nếu nhà trai xử sự như thế nào với tờ lục
mệnh của cô gái thì số phận của cô gái cũng sẽ có kết cục tương ứng. Cho nên mỗi
khi chuẩn bị cưới xin, người Tày làm rất kỹ thủ tục này.
Mọi việc diễn ra nơi làng bản người Tày thường có sự ảnh hưởng
to lớn và rất rộng. Do đặc điểm sống có tính cộng đồng cao, cho nên người dân sống
nơi vùng núi dù cách xa về mặt địa giới nhưng họ thường biết rất nhiều về nhau,
thậm chí còn là anh em họ hàng, trừ trường hợp khác hẳn về vùng địa lý. Bởi vậy,
nếu một cô gái mà sau khi đính ước chẳng may gặp phải cơ duyên bất trắc mà
không đến được với nhau thì những ảnh hưởng và hệ lụy là rất lớn. Bởi thế, đã
có không ít những cô gái vì thế mà sống cả cuộc đời đơn độc, không thể kết hôn.
Xin lục mệnh là một phong tục đẹp. Vì thế, trong các nghi lễ
thủ tục để đi đến hôn nhân, đây là việc làm không thể thiếu và có phần ảnh hưởng
quan trọng trong suốt cuộc hôn nhân sau này. Hiện nay, dù điều kiện đời sống
kinh tế, văn hóa có nhiều thay đổi, xã hội ngày một hiện đại hơn, song xin lục
mệnh trong cưới xin của người Tày cũng vẫn là một thủ tục quan trọng không thể
bỏ, chỉ là đã có chiều hướng được người dân thanh lọc, hoặc đã giản tiện đi ít
nhiều. Lễ xin lục mệnh có thể được tổ chức kết hợp với lễ pây xam nếu nhận được sự đồng thuận của cả hai
bên gia đình.
Sau khi nhà trai so lục mệnh của cô gái, nếu như hạp mỉnh (hợp tuổi nhau) thì sẽ tiến hành làm lễ
ăn hỏi. Mục đích của lễ hỏi cưới là để nhà gái thách cưới và nhà trai cũng chuẩn
bị được chu đáo những lễ vật cưới xin cần thiết theo ý tứ của nhà gái. Tuy
nhiên, lễ này đôi khi lại gặp phải những cản trở nhất định. Có những nhà dù hai
đứa trẻ đã mỉnh hom (hợp tuổi), nhà trai cũng đã thông báo
và làm lễ páo mỉnh nhưng đến khi làm lễ hỏi cưới thì phía
nhà gái lại gây khó dễ, hoặc thách cưới thật cao mục đích để nâng cao giá trị của
con gái lên khiến nhà trai phải đi lại vất vả nhiều lần mới nhận được sự đồng ý
của nhà gái. Vì vậy, có nhiều trường hợp, do nhà gái quá gây khó dễ hoặc đòi hỏi,
thách cưới quá cao khiến nhà trai không đáp ứng được. Khi gặp trường hợp như thế,
cũng có số ít gia đình cố gắng để cưới xin bằng được nhưng cũng có nhiều gia
đình không thể theo được và lúc này phía nhà trai sẽ đem trả lại nhà gái tờ giấy
ghi số mệnh cô gái. Trong trường hợp này, nhà trai không phải đem bất kỳ lễ vật
gì sang nhà gái, thậm chí nếu trước đó, nhà gái đã nhận tiền dèn thua của nhà trai thì hôm đó phải trả lại
cho nhà trai nhưng khi trả, nhà gái kiêng trả ở trong nhà để tránh xui.
Với người Tày, việc thách cưới vẫn là một thủ tục quan trọng
trong phong tục cưới gả của đồng bào, phía nhà gái sẽ căn cứ vào điều kiện kinh
tế gia đình nhà trai và giá trị của cô gái, vị thế gia đình cô gái mà có những
món đồ thách cưới phù hợp. Thách cưới cho thấy tầm quan trọng của việc dựng vợ
gả chồng cũng như cho thấy vị trí của người phụ nữ trong xã hội vẫn rất được
tôn trọng, có được danh phận cao quý. Nhưng ngược lại, có một số trường hợp do
quan niệm còn nặng về vấn đề thách cưới, cùng tâm lý là người có quyền đòi hỏi,
coi việc thách cưới như cuộc mua bán (con gái) nên việc thách cưới lại thành ra
nặng nề, thậm chí gây mất tình cảm giữa hai bên gia đình. Do vậy, đã có không
ít gia đình vì câu chuyện thách cưới mà nhiều đôi bạn trẻ phải chịu cấm đoán, bị
phía nhà kia coi thường, hoặc hai bên gia đình không kết được thông gia lại trở
nên mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau, hoặc cũng có trường hợp việc cưới xin của đôi
bạn trẻ vẫn được lo chu tất nhưng sau đó mọi hậu quả của việc nghi kỵ, vay mượn
sẽ do con dâu gánh chịu.
Lễ dầư nèn, có nơi gọi là dầư lùa là
lễ mà con rể mang lễ vật đến để thắp hương tổ tiên nhà gái vào những dịp lễ tết.
Theo tập quán của người Tày thì việc định ngày cưới có thể rất xa so với ngày
ăn hỏi vì nhiều lý do khác nhau nhưng thường vào khoảng từ 3 tháng, 5 tháng đến
3 năm. Vì thế, hàng năm, cứ vào hai dịp tết lớn của người dân tộc Tày là rằm
tháng Bảy và tết Nguyên đán, thì nhà trai lại mang lễ vật sang sêu tết bên nhà
gái. Lễ vật sêu tết của mỗi vùng cũng khác nhau. Người Tày ở vùng Hạ Lang, Cao
Bằng: rằm tháng Bảy gồm có đôi vịt sống, bánh dợm hay bánh dày, rượu ngon, chè,
thuốc lá…; tết Nguyên đán gồm các gánh lễ: bánh chưng, gà sống thiến, bánh khảo,
bánh bỏng (tùy số lượng), thịt lợn, rượu... Số lễ vật này được mang sang nhà
gái vào ngày mùng 2 tết âm lịch. Còn ở vùng Hòa An, Cao Bằng, lễ vật sêu tết
cũng đơn giản hơn, thường rằm tháng Bảy thì mang đến nhà gái 1 đôi vịt béo, vài
chục chiếc bánh dợm, bánh gai, hai chai rượu, thuốc lá, chè; còn tết Nguyên
đán, lễ vật thường là 1 đôi gà sống thiến béo, bánh chưng, bánh khảo, bánh chè
lam ngũ sắc, rượu... Việc thực hiện lễ sêu tết này được người Tày coi như một tập
tục và thực hiện thường xuyên trong cả đời người. Chỉ riêng năm đầu mới cưới,
sêu tết cầu kỳ và nhiều lễ vật hơn.
Đối với người Tày, lễ sêu tết là một hình thức báo hiếu của
con rể đối với cha mẹ vợ, thể hiện nghĩa tình lớn lao và đạo lý làm người sâu sắc
của người Tày nói chung và người Tày Cao Bằng nói riêng.
Sau một thời gian dài chuẩn bị và trải qua nhiều thử thách,
lễ báo cưới là ngày bên gia đình nhà trai chính thức đến để thông báo cho nhà
gái ngày tổ chức lễ cưới. Nghi lễ báo cưới thường được tổ chức không quá cầu
kì, do đó, nhiều gia đình thường bỏ qua lễ này. Hoặc có thể, thực hiện kết hợp
cùng với lễ tổ chức ăn hỏi, trong dịp này, nhà trai bàn bạc và thống nhất ngày
tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ.
Những thử thách đã qua, các thủ tục cần thiết đã được hai
bên gia đình chuẩn bị xong. Lễ cưới được tổ chức công nhận đôi bạn trẻ thành vợ
thành chồng.
Ngày cưới người Tày gọi là kin lẩu (uống rượu), nghĩa là ngày vui nhất,
hai bên gia đình tổ chức mời anh em, họ hàng, làng xóm đến ăn uống linh đình,
không tính toán. Bởi thế, đám cưới của người Tày thường diễn ra ít nhất là 2
ngày, có đám kéo dài đến 3, 4 ngày.
Ngày cưới chính là ngày diễn ra tất cả các nghi lễ đưa và
đón dâu, là lễ lớn nhất, quan trọng nhất và mọi thủ tục quan trọng đều diễn ra
trong nghi lễ này.
Bên cạnh cô dâu chú rể, người giữ vai trò chính trong
lễ cưới không ai khác chính là ông quan lang. Có thể nói, ông không chỉ là người
giữ vai trò quan trọng nhất trong đoàn đón dâu mà ông còn là người đại diện kết
nối tâm linh giữa hai dòng họ. Ông là người đi xin dâu, nộp rể vì thế mà ông
cũng chính là người phải thực hiện các nghi lễ, thủ tục quan trọng trước bàn thờ
tổ tiên hai họ. Nghi lễ trình tổ tiên và nghi lễ xin dâu, nộp dâu, rể vì thế được
diễn ra một cách trang trọng, tỉ mỉ. Nếu như dâu, rể mà chưa qua trình và bái lạy
tổ tiên cũng đồng nghĩa với việc chưa được công nhận là dâu, rể ở trong nhà.
Cho nên trước khi làm lễ ra mắt nhận họ hàng, mời khách đến dự đám cưới, cô
dâu, chú rể bắt buộc phải trải qua lễ trình tổ tiên trước tiên. Người Tày Cao Bằng
rất coi trọng nghi lễ đó bởi lấy cô dâu về là để sinh con đẻ cái, nối dòng tổ
tiên. Nghi lễ trình tổ trong đám cưới là một biểu hiện quan trọng trong tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên của người Tày.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị lễ vật cùng phù rể
(tùy từng địa phương, có nơi chỉ hai vợ chồng trẻ) cùng mang lễ vật về thắp
hương tổ tiên và cảm ơn cha mẹ, anh em trong gia đình nhà gái đã đến giúp đỡ
trong những ngày tổ chức lễ cưới. Sau ngày lễ này, theo phong tục cũ mà nay một
số nơi vẫn duy trì, thì chỉ có chú rể quay trở về nhà, cô dâu vẫn tiếp tục ở lại
nhà mẹ đẻ, chỉ khi nào gia đình nhà trai có công việc sang đón về thì cô dâu mới
lại về nhà chồng, xong việc lại quay trở về nhà mẹ đẻ. Khi nào cô dâu có mang
hoặc có con thì mới về ở hẳn bên nhà chồng. Hơn nữa, theo phong tục người Tày,
con gái đã đi lấy chồng thì kỳ sinh nở phải trải qua ở bên nhà chồng chứ con
gái không được ở lại sinh nở bên nhà mẹ đẻ.
Lại mặt là nghi lễ cuối cùng liên quan đến tục thờ cúng tổ
tiên, kết thúc hệ thống các nghi lễ, thủ tục tiến trình một đám cưới của người
Tày.
Mặc dù thời nay đã có nhiều đổi mới, xã hội hiện đại hơn, đời
sống văn minh đã ảnh hưởng đến từng làng bản, đến tận vùng sâu vùng xa, thế
nhưng phong tục cưới xin truyền thống vẫn được người Tày hết sức coi trọng.
_______________
1. Bế Huỳnh, Cao Bằng tạp chí nhật tập,
1921, tr.92.
2. Triều Ân, Hoàng Quyết, Tục
cưới xin của người Tày, Nxb Văn
hóa Dân tộc, Hà Nội, 1995.
Tác giả: Nguyễn Thị Thoa
No comments:
Post a Comment