CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Hình tượng điêu khắc ở chùa Khmer Nam bộ qua truyện kể dân gian

| | 0 nhận xét
Hình ảnh ngôi chùa được xem là điểm sáng, nổi bật nhất trong kho tàng văn hóa đặc sắc của người Khơme Nam Bộ. Ngôi chùa chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống của người Khơme bởi đó không chỉ là hình tượng văn hóa vật chất mà còn là hình tượng văn hóa tinh thần, là nơi hội tụ những giá trị về lịch sử, văn hóa xã hội và cả về nghệ thuật. Trong đó, các tác phẩm điêu khắc về các hình tượng có nguồn gốc và ý nghĩa tín ngưỡng xuất phát từ những truyện kể dân gian được xem là điểm nhấn, góp phần tạo nên nét riêng biệt, độc đáo trong văn hóa Khơme Nam Bộ.
Khi có dịp đến tham quan vùng ĐBSCL, nhất là ở một số tỉnh có đông đồng bào Khơme sinh sống như: Trà Vinh, Sóc Trăng,… hình ảnh ngôi chùa được khoác lên mình một màu vàng rực rỡ với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút vươn thẳng lên trời xanh vừa lộng lẫy vừa uy nghi, cổ kính. Nhìn từ xa, ngôi chùa hiện lên thấp thoáng giữa rừng cây cổ thụ: cây thốt nốt, cây sao, cây dầu rợp bóng mát trông thật yên tĩnh. Càng đến gần thì nét đẹp dần hiện ra bởi lối kiến trúc cầu kỳ độc đáo, những tác phẩm điêu khắc và hội họa được được tạo nên bởi bàn tay khéo léo, công phu của các nghệ nhân dân gian thể hiện một cách sinh động và mang ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc qua từng hình tượng, từng họa tiết trang trí. Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Khơme phải kể đến là những hình tượng, cổng, tường rào, hàng cột, cầu thang, mái vòm như: Tượng đầu thần bốn mặt Maha Prum, Rắn thần (Neak), Reahu, chim thần Krut,… ẩn đằng sau mỗi hình tượng là những câu chuyện kể dân gian giải thích nguồn gốc về các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, đã gieo vào lòng con người niềm tin nhất định về những gì đã và đang tồn tại trong thế giới này. Và cũng từ đó, ta có thể hiểu được giá trị văn hóa tín ngưỡng mà người Khơme đã trân trọng và gửi gắm qua từng tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật và đậm chất nhân văn.
1. Nguồn gốc và ý nghĩa về hình tượng đầu thần bốn mặt Kabưl Maha Prum
Bao quanh khuôn viên ngôi chùa là hàng rào được xây kiên cố và trang trí nổi bật, điều mà chúng ta sẽ thắc mắc đó là tượng thần chỉ có cái đầu bốn mặt được bố trí đồng đều theo một khoảng cách nhất định dọc trên tường rào quanh chùa. Hình tượng này xuất phát từ truyện dân gian mang màu sắc Phật giáo và Bà la môn giáo. Vẫn nếp tư duy chịu ảnh hưởng của thần thoại Ấn Độ song các truyện kể dân gian của người Khơme Nam Bộ vẫn có nét đặc trưng riêng. Nếu thần Maha Prum được các tăng lữ Bà la môn tôn thờ ngưỡng vọng thì người Khơme lại để cho thần thua trí của một cậu bé 7 tuổi Thom ma bal. Truyện xoay quanh cuộc đấu trí để phân tài cao thấp, một môtip thường thấy trong văn học dân gian các dân tộc, khi thấy nhân dân chỉ nghe lời thuyết pháp của Thom ma bal mà không nghe mình nữa thì thần nảy sinh lòng ganh tỵ. Thần tìm cách thách đấu với Thom ma bal để củng cố địa vị đang lung lay của mình (1).
Thần Ma ha Prum thua cuộc nên đã tự chặt đầu mình theo lời hứa. Mặc dù bị thua cuộc nhưng sức mạnh của thần Ma ha Prum vẫn được công nhận và chính vì vậy mà người Khơme vẫn tín ngưỡng thần và chọn hình tượng đầu bốn mặt của thần xem như một hình tượng không thể thiếu góp phần tạo nên kiến trúc độc đáo cho ngôi chùa cũng như thể hiện văn hóa tín ngưỡng đa dạng của dân tộc mình. Đó là lý do tại sao hiện nay chúng ta thấy các tượng thần bốn mặt chỉ có cái đầu được xây trên tường rào, trên đỉnh tháp ở nóc chùa, hay tháp để cốt của các chùa, tượng trưng cho ngọn núi Mê ru, trung tâm của vũ trụ, nơi ở của các thiên thần. Đấy là nơi cao ráo, biệt lập với mọi thứ theo ý của thần Ma ha Prum căn dặn trước khi mất, toàn thể ngôi chùa được người Khơme quan niệm như một trái núi. Tại đây, thần có thể canh giữ bảo vệ tất cả mọi thứ bên trong chùa cũng như bảo vệ cả phum, sóc.
          2. Nguồn gốc và ý nghĩa về hình tượng rắn thần Naga (rồng) - Neak
Trong văn hóa, loài rắn hiện diện từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ văn minh cổ xưa cho đến quan niệm về rắn thời hiện đại. Rắn không chỉ là loài động vật sống trên khắp thế giới, nó còn được xem là biểu tượng cho nước, lửa, linh hồn, nhục dục, quyết đoán và đa nghi. Khi nói đến nền văn hóa ở phương Đông, người ta nghĩ đến vương quốc Ấn Độ, vốn là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Từ Ấn Độ, các tôn giáo và biểu tượng tín ngưỡng, tâm linh được truyền nhập vào văn hóa bản địa của các quốc gia khác, đặc biệt là văn hóa một số nước Đông Nam Á, đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Naga - tiếng Phạn có nghĩa là con rắn lớn, cũng là tên gọi của vị thần rắn trong Ấn Độ giáo. Rắn Naga được gắn với hai vị thần quan trọng là Vishnu và Shiva, với ý nghĩa cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và hủy diệt, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định của thế giới. Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong các lễ hội Phật giáo mà còn xuất hiện trong các công trình kiến trúc và điêu khắc được xem như là một biểu tượng của sự bất tử, người bảo vệ. Trong văn hóa Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng tôn giáo chỉ trừ Phật giáo của người Khơme Nam Bộ. Xuất phát từ ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp, người Khơme với tín ngưỡng bản địa thờ rắn Naga chín đầu (tiếng Khơme gọi là Neak), là biểu tượng cho thần đất và thần nước, giúp ích cho cuộc sống con người. Về sau, dưới ảnh hưởng của Bà la môn giáo, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc của các vị vua lập quốc.
Truyền thuyết lập quốc của người Khơme cho rằng có một người Bà-la-môn tên là Kaudinya, đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khơme, chiến thắng một nữ vương hay một nàng công chúa có tên là Soma hoặc Nagini con của vua rắn Naga, rồi lấy người phụ nữ này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khơme. Người Khơme tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Còn người Campuchia coi rắn Naga là vị thần canh giữ nơi vua chúa ngự. Vì vậy, rắn Naga là môtip trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Khơme. Phật thoại đã mô tả cuộc đời của Phật từ khi mới sinh cho đến khi nhập cõi Niết Bàn đều có liên quan ít nhiều đến rắn Naga (2).
Theo quan niệm của người Khơme, số lẻ là số dương, là biểu tượng của sự sinh sôi phát triển và không bao giờ chết. Vì vậy, hình tượng rắn thần được thể hiện ở các ngôi chùa với nhiều dạng thể khác nhau dựa trên số đầu lẻ: rắn thần một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu hoặc chín đầu. Mỗi dạng có nguồn gốc và mang ý nghĩa khác nhau theo Bà la môn giáo và Phật giáo: rắn một đầu tượng trưng của vương triều đầu tiên theo chế độ mẫu hệ; rắn ba đầu tượng trưng của ba mối quan hệ: chồng, vợ và con; rắn năm đầu tượng trưng cho thân xác, khổ ải, biểu tượng, cuộc đời, linh hồn; rắn bảy đầu có ý nghĩa luôn mang đến nguồn sống hạnh phúc của con người, che chở con người khỏi bị ngập úng trong biển nước khi bị lũ lụt. Đặc biệt chính loài rắn này đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu làm thành chiếc ô che cho đức Phật khi ngài tọa thiền. Vì thế rắn bảy đầu được coi như một hộ pháp đắc lực của đức Phật Thích ca Mâu Ni, ngoài ra còn tượng trưng cho các ngày trong tuần; rắn chín đầu tượng trưng cho bát chính đạo và cõi tiên (3).
Khi xây dựng đền đài, chùa chiền  các công trình tâm linh khác, người Khơme chọn hình tượng rắn và xem đó là vị thần canh giữ chốn linh thiêng, biểu trưng cho sự thịnh vượng, bảo vệ mùa màng, mang nước về cho các dòng sông. Hình tượng rắn xuất hiện khắp nơi từ cổng, cột cờ, cầu thang, lối đi, trên đầu các tủ đựng kinh sách, trên mái tháp với ý nghĩa bảo vệ Phật, xua đuổi tà ma. Trong kiến trúc nhiều ngôi đền cổ của người Khơme, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga còn tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khơme có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hỏa hoạn và bảo vệ đức Phật (4). Người Khơme xem rắn thần là biểu tượng cho tôn giáo, tượng trưng cho sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh. Rắn thần Naga không chỉ là biểu tượng của hoàng đế, xuất phát từ truyền thuyết lập quốc của Campuchia mà việc thể hiện ở bất kỳ hình tượng nghệ thuật nào trong văn hóa Khơme thì hình tượng rắn nguyên thủy vẫn mang ý nghĩa biểu tượng cho nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người (5).
3. Nguồn gốc và ý nghĩa về hình tượng Rea hu
Một hình tượng khác cũng rất phổ biến trong kiến trúc chùa Khơme Nam Bộ, đó là Rea hu. Hình tượng Rea hu xuất hiện với nhiều kiểu dáng ở các vị trí khác nhau trong ngôi chùa như: trên cổng, trên vòm mặt tiền của chính điện, trên vòm cửa hay tại bàn thờ Phật,… Dễ thấy nhất là môtip Rea hu chỉ có nửa thân người với khuôn mặt dữ tợn, luôn nhìn thẳng, đôi mắt trợn trừng, vành miệng rộng, nhe răng lởm chởm, hai bàn tay nắm giữ mặt trăng hay mặt trời đưa vào miệng nuốt. Sở dĩ có được hình tượng như thế là xuất phát từ tích truyện: Ngày xưa, gia đình nọ sinh ba anh em trai. Hôm nào ba anh em cũng dành phần cơm đặt bát cho các vị tu sĩ khất thực. Một hôm, người em út vì nấu cơm trễ không kịp đặt bát cho sư nên bị hai người anh la mắng và dùng vá xúc cơm đánh vào đầu. Người em út tủi thân bỏ ra bờ sông ngồi khóc, nhìn dòng nước chảy xiết thầm cầu nguyện kiếp sau được hóa thành người có sức mạnh như dòng nước kia để không ai đuổi bắt kịp và bắt nạt mình. Hai người anh nghe được lời cầu nguyện lấy làm lo lắng và cũng cầu nguyện khi chết đi mong hóa thành người có sức mạnh hơn hẳn em mình. Về sau, lời nguyện cầu của ba anh em nọ đều thành sự thật. Người anh cả được hóa kiếp thành Pờ răs A tít, tức là mặt trời, người anh thứ hóa kiếp thành Pờ răs Chanh tức là mặt trăng, và người em út hóa thành Rea hu, một người to lớn, mặt mũi nhăn nhó xấu xí, có sức mạnh vô địch, không ai có thể ngăn cản, chống chọi lại nổi. Vì mối thâm thù kiếp trước Rea hu thường chặn bắt mặt trời và mặt trăng nuốt vào bụng để trả thù. Lúc đó, trời đất bị mờ đi, hay tối hẳn lại. Thần Pờ rặc In, vị thần cai quản vũ trụ thấy vậy, bèn dạy cho Pờ răs A tít và Pờ răs Chanh hai bài thần chú đọc khi lâm nạn, buộc Rea hu phải nhả mình ra. Do vậy, Rea hu chỉ nuốt được mặt trời và mặt trăng một lát thì buộc phải nhả ra. Trời đất lại được sáng sủa như trước. Rea hu ỷ mình có sức mạnh nên rất kiêu ngạo. Nghe nói Phật Co đom là người lớn nhất thế gian bèn đi tìm gặp cho bằng được. Với phép thần thông, Phật cho Rea hu bài học khiến Rea hu tâm phục khẩu phục về sự nhỏ bé của mình trước thần Ma ha Pờ rum và Phật Co đom.
Truyện về Rea hu có nhiều dị bản khác nhau, nhất là chi tiết cuối (6).
Cách kết thúc truyện được lý giải theo nhiều kiểu khác nhau về hình ảnh Rea hu. Đó là dấu ấn về cuộc đấu tranh và sự thắng thế của Phật giáo trước Bà la môn giáo trong thời kỳ này. Người Khơme chọn Rea hu làm hình tượng điêu khắc trong chùa với quan niệm một mặt nói lên sức mạnh và lòng vị tha của đức Phật đã chế ngự được loài quỷ dữ. Mặt khác còn thể hiện tư duy, tín ngưỡng nông nghiệp của người Khơme Nam Bộ. Bằng trí tưởng tượng phong phú của người thời xưa, truyện kể dân gian không chỉ giải thích các hiện tượng huyền bí của thiên nhiên mà còn cho ta thấy rõ nếp nghĩ của con người ngày nay, họ vẫn tin vào lối tư duy đó. Thực tế, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực đã được các nhà khoa học nghiên cứu và giải thích. Con người một mặt tin vào cách giải thích dựa trên cơ sở khoa học nhưng đồng thời người ta cũng tin vào sức ảnh hưởng của các vị thần, con vật linh thiêng đối với đời sống của người nông dân lao động nhất là trong sản xuất. Người Khơme quan niệm rằng, nếu mặt trăng bị Rea hu nuốt từ đông sang tây thì thường xảy ra nạn đói kém bởi hạn hán mất mùa. Còn ngược lại, nếu mặt trăng được Rea hu nhả từ tây sang đông thì năm đó sẽ được mùa, người người no ấm. Vì vậy, họ vẫn cầu nguyện và tin vào điều đó. Sức ảnh hưởng to lớn của những câu chuyện kể dân gian đến đời sống, tư duy và tín ngưỡng con người là như vậy.
4. Nguồn gốc và ý nghĩa về hình tượng chim thần Krut
Bên cạnh các môtip trang trí tại các chùa Khơme ĐBSCL như: Ma ha Prum (thần 4 mặt), Neak (rắn thần Naga), Rea hu,… ta còn thấy xuất hiện môtip chim thần Krut được đúc ở đầu cột hành lang chính điện với hai tay hoặc hai cánh giơ lên đỡ lấy mái chùa. Krut là hình tượng được các nghệ nhân quan tâm và tác tạo rất phổ biến trong các ngôi chùa. Chim thần Krut là con vật linh thiêng có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, còn gọi là Garuda, Garuda là con vật được thần Visnu - một trong những vị thần tối thượng của Bà la môn giáo dùng để cưỡi. Vì vậy, chim thần Krut xuất hiện khá phong phú trong các mẫu truyện thần thoại và nhất là hình tượng của chim thần đã đi sâu vào đời sống tâm linh, thẩm mỹ của người Khơme bằng sự thể hiện tài hoa qua công trình kiến trúc chùa. Theo truyền thuyết, Kasyapa là nhà hiền triết quyền uy có hai người vợ được Kasyapa yêu quý nhất là hai chị em nữ thần Vin ta (chị) và nữ thần Kro dhus (em), cả hai đều là con của thần Russey ka la pas. Nữ thần Vin ta sinh ra chim thần Krut (Garuda) và nữ thần Kro dhus sinh ra rắn Naga. Ngay từ khi mới ra đời, Krut đã sở hữu một hình thể khổng lồ, dữ tợn được biểu hiện một loài chim săn mồi, có hình đầu người, ba mắt và chiếc mỏ nhọn và cong quắp, cùng móng chân sắc nhọn của chim đại bàng và có một sức mạnh khủng khiếp có thể hủy diệt cả vũ trụ. Với sức mạnh trên, theo lời thỉnh cầu từ các vị thần, chim thần Krut đã giảm bớt kích thước và sinh lực của mình. Ngoài ra, Krut còn bị đọa đày trong thân phận của một kẻ tôi tớ, chỉ vì thua sau một lần cá cược của mẹ Krut với nữ thần Kro dhus. Riêng về chim thần Krut và rắn Naga luôn có xung đột mỗi khi họ gặp nhau và chim thần luôn là người chiến thắng.
Chính từ truyền thuyết này mà người Khơme đã chọn hình tượng chim thần đúc trên góc các mái chùa, cổng và cột cờ trong tư thế dang đôi cánh rộng như những cánh tay săn chắc, lực lưỡng nắm chặt thân rắn Naga căng ngang và xé xác ra. Hình ảnh ấy chính là biểu tượng của sức mạnh, giúp đỡ người hoạn nạn, chống lại những kẻ độc ác, xấu xa. Việc đặt Krut ở vị trí như thế nhằm tăng sự uy nghi của công trình. Theo thời gian, hình tượng Krut ngày nay đã được các nghệ nhân Khơme cải biên đi rất nhiều; chất liệu không chỉ bằng gỗ còn đúc bằng xi-măng; nét mặt cũng được chạm khắc trông hiền hòa hơn, dáng dấp giống với con người hơn, ở một số nơi có thêm con mắt ở giữa, đôi cánh thì được thu nhỏ lại hoặc bỏ hẳn, thay vào đó là cánh tay người; cũng có những nghệ nhân thể hiện đồng thời cả hai vừa có cánh chim vừa có tay người. Riêng hình ảnh rắn Naga - một nạn nhân bị Krut xé xác cũng không còn xuất hiện nhiều, có những nơi đã mất hẳn. Việc người Khơme cải biên như thế phải chăng nhằm thể hiện tư tưởng từ bi, hỉ xả của đạo Phật, luôn có xu hướng đẩy lùi cái ác, cái vô minh ra khỏi cuộc sống, hướng con người tới giá trị của trí tuệ và những điều tốt lành.
Truyện kể dân gian Khơme giải thích về nguồn gốc của một số hình tượng được điêu khắc trong chùa Khơme cho ta thấy người Khơme Nam Bộ tuy theo Phật giáo Tiểu thừa song họ vẫn tín ngưỡng các vị thần của Bà la môn giáo. Bên cạnh đó, các truyện kể trên có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng thờ thần linh mà cơ sở ban đầu là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của cư dân nông nghiệp. Người Khơme vốn sống bằng nghề nông nên phải gắn với tự nhiên, phụ thuộc tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Từ những thực tế canh tác khó khăn ngoài đời thực, khi gặp thiên tai dẫn đến mùa màng bị thất bát, dân gian đã tưởng tượng ra những câu chuyện để giải thích các hiện tượng ấy. Mỗi câu chuyện là một ước mơ về đời sống ấm no, mùa màng tươi tốt. Mỗi vị thần được sáng tạo ra đều với mong muốn sẽ bảo vệ cho con người qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Cho dù có bị ảnh hưởng của Bà la môn giáo hay Phật giáo thì các vị thần dưới sự sáng tạo của người Khơme ít nhiều mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp. Nếu tượng đầu Ma-ha-Prum “đặt rơi xuống biển thì biển sẽ khô cạn, quăng lên trời thì trời không có mưa, để trên mặt đất thì đất sẽ khô cứng”(7). Đó chính là nguyên nhân làm cho nông sản bị mất mùa. Để hóa giải những điều xui rủi và để bảo vệ ngôi chùa, bảo vệ phum sóc, mùa màng, người ta chọn những vị trí thích hợp trong ngôi chùa để đúc và thờ các tượng thần Ma ha Prum, rắn thần Naga, Rea hu và chim thần Krut. Sự tồn tại của ba cơ tầng văn hóa: Bà la môn giáo, Phật giáo và bản địa trong nguồn truyện dân gian về các vị thần là những minh chứng cụ thể giúp ta thấy được một giai đoạn có cả sự du nhập, tiếp xúc, suy yếu và sự thắng thế của các tôn giáo. Nếu câu chuyện về rắn thần Naga, Rea hu cho ta thấy sự hưng thịnh của Bà la môn giáo thì câu chuyện về vị thần Ma ha Prum lại chứng minh sự suy yếu của Bà la môn giáo nhường chỗ cho đạo Phật lên ngôi. Hay ở một dị bản khác về Rea hu, ta lại thấy sự tồn tại song song, hòa hợp của hai tôn giáo vì dù có thân hình to lớn nhất trong vũ trụ lúc bấy giờ, nhưng khi Ma ha Prum thấy Phật đến vẫn vội đem cơm đặt bát cho đức Phật. Dù ngày nay trong văn hóa tín ngưỡng Khơme Nam Bộ, đạo Phật là tôn giáo thống trị, tuy nhiên, Bà la môn giáo đã một thời tồn tại trên vùng đất này, những dấu ấn của lớp văn hóa xưa hiện lên rất rõ qua những hình tượng với những câu chuyện dân gian, để con cháu người Khơme nói riêng và những ai quan tâm đến văn hóa Khơme nói chung có thêm nguồn cứ liệu phong phú.
Truyện kể dân gian Khơme đã góp phần kiến tạo nên những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa tín ngưỡng, trong đời sống của người Khơme Nam Bộ. Xuất phát từ những tích truyện, ta biết được nguồn gốc, ý nghĩa của các hình tượng điêu khắc trong chùa Khơme Nam Bộ, nhất là tính dung hợp trong tín ngưỡng tôn giáo giữa đạo Phật, Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian của người Khơme Nam Bộ. Có thể sẽ có những nét chung với nguồn truyện về các vị thần của các nước Đông Nam Á, những nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, song nguồn truyện về các vị thần trong đề tài điêu khắc của người Khơme Nam Bộ có sức sống mãnh liệt, mang nét đặc trưng.
_______________
1, 6, 7. Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện dân gian Khơme, tập 1, Nxb Đồng Nai, 2002.
2. Hứa Sa Ni, Sơ lược về hình tượng rắn Khơme, tư liệu Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
3, 5. Sơn Lương, Tìm hiểu về rồng trong đời sống văn hóa - xã hội của người Khơme Nam Bộ,tuyengiao.soctrang.gov.vn.
4. Phan Anh Tú, Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa Khơme, Thông báo khoa học, số 5-2004, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tác giả: Phạm Tiết Khánh

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel