Hát quan lang (thơ lẩu, hát cưới...) là những
bài hát được diễn xướng trong đám cưới người Tày.
Điều quan trọng là, hát quan
lang không phải để biểu diễn mà để thể hiện sự kết nối giữa con người với con
người và với thế giới tâm linh. Vì ý nghĩa này mà trong bất kỳ đám
cưới truyền thống nào của người Tày cũng đều phải có hát quan
lang, dù nhiều hay ít. Vì lẽ đó, hát quan lang luôn giữ vị trí quan trọng và
có vai trò chi phối toàn bộ diễn trình của một đám cưới. Giữa đám cưới và hát quan
lang luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau, có đám cưới là có hát quan
lang và ngược lại. Vì vậy, hát quan lang trở thành một nét văn hóa đặc
trưng, tiêu biểu cho phong tục cưới xin của người Tày.
Hát quan lang là những bài hát được quan lang diễn xướng trong lễ cưới của
người Tày. Mặc dù đó là những bài hát tồn tại trong dân gian một cách dân dã,
ai cũng có thể thuộc, có thể hát nhưng không vì thế mà có thể diễn xướng một cách
tự do, tùy tiện mà phải theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định. Vì vậy, dù
hát quan lang tồn tại giống như một
sân khấu văn nghệ tự do nhưng không phải ai cũng có thể tham gia vào cuộc hát.
Người hát đại diện cho nhà trai là quan
lang, còn phía nhà gái là pả mẻ,
người nhà, bạn bè cô dâu. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng hình thức hát mà có
những yêu cầu cụ thể đối với từng nhân vật tham gia cuộc hát. Hơn nữa, mỗi một
loại hình dân ca đều có phương thức diễn xướng, tức “cách thức và phương pháp
tiến hành”(1) riêng. Ở đây đó là cách thể hiện các bài hát theo một hệ thống và
hình thức hát nhất định.
Có
thể nói, hát quan lang là một thể loại dân ca được diễn xướng trong hoàn cảnh
tương đối đặc biệt, đó là không gian và thời gian của một đám cưới. Và cũng chỉ
trong đám cưới, những bài hát quan lang mới thể hiện hết được những giá trị vốn
có của nó. Đối với một cuộc hát quan lang truyền thống, diễn xướng thường tuân
thủ theo tiến trình của một đám cưới, mỗi giai đoạn lại có những bài hát và cách diễn xướng khác nhau. Nếu
là giai đoạn đầu, khi đoàn nhà trai mới đến nhà gái thì sẽ
có những bài hát thách, hát đối đáp, nhằm mục đích thử tài, thử độ ứng xử khôn khéo của
quan lang trước các chướng ngại vật
nhà gái đưa ra. Cho nên, những
bài hát đối đáp đó thường biến không gian của đám cưới thành một sân khấu biểu
diễn dân gian thực thụ. Nhưng khi
đã vào trong nhà làm lễ trình tổ thì quan lang lại phải hát với một sắc thái
hoàn toàn khác, trang trọng và thiêng liêng. Do đó, tùy thuộc vào mỗi
thời điểm trong lễ cưới, quan lang có
cách thể hiện bài hát một cách
phù hợp.
Hình
thức diễn xướng chủ đạo của hát quan lang là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, nhưng khác với sli lượn, hát quan lang được diễn ra trong không
gian, thời gian của một đám cưới. Cho nên, ngoài việc thể hiện những bài hát nhằm
mục đích giải trí thì hát quan lang còn có sự kết hợp với tính thiêng của nghi
lễ, tạo nên một lối diễn xướng
tương đối đặc biệt. Nếu như những
bài hát thử thách có nhiều người tham gia hát đối đáp, không khí của cuộc hát
cũng ồn ào, vui vẻ thì ngược lại những bài hát nghi lễ, thủ tục lại trang trọng,
thiêng liêng. Vì tính chất đó mà khi chuyển sang giai đoạn hát nghi lễ thì chỉ
có thể là một người hát, diễn xướng đối đáp khép lại. Sự phong phú trong hình
thức thể hiện đòi hỏi người hát cũng phải có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp với
không gian của buổi lễ. Nên dù là
hát theo lối nào, đối đáp hay tự thể hiện, thì về cơ bản, hát quan lang cũng đều “nhất loạt hát
theo một điệu hát chung gọi là điệu hát quan làng”(1), “mang nhiều tính chất
ngâm vịnh trang trọng, thanh lịch, nhẹ nhàng, và gắn với nhiều lời thơ, do đó
mà âm nhạc cũng trang trọng, đàng hoàng, không dùng nhiều nốt bay bổng, luyến
láy như trong hát sli lượn”(2). Vì
thế, hát quan lang mặc dù không phong phú về điệu hát nhưng lại không đơn điệu,
không gây nhàm chán…
Có
thể nói, hát quan lang là một loại hình diễn xướng nguyên hợp, là sự tổng hợp của
nhiều hình thức diễn xướng mà hầu như không có hình thức nào là chủ đạo. Những
bài hát quan lang cũng vì thế mà có được một cách thức diễn xướng phù hợp với
không gian, thời gian của đám cưới và với phong tục sinh hoạt văn hóa văn nghệ
đặc trưng của người Tày.
Không
gian của một đám hát quan lang thường là không gian mở, nhờ đó mà những bài hát
quan lang cũng được sử dụng một cách rộng rãi, không có đám cưới nào là sở hữu
riêng một kiểu bài hát, ông quan lang đi đến đâu thì những bài hát quan lang
cũng theo chân đến đó. Tuy nhiên, trong không gian mở đó, những bài hát quan
lang cũng giới hạn cho mình một không gian đặc trưng, đó là không gian của đám
cưới, không gian của những ngôi nhà sàn. Trong không gian mộc mạc ấy, những bài
hát quan lang được diễn ra trước sự chứng kiến của toàn thể những người đang
tham dự đám cưới. Chúng gắn với cuộc sống đời thường, bình dị,
với môi trường sống gần gũi, thân thuộc hàng ngày. Vì thế, trong cuộc thi hát, thi thơ
này, sẽ không có sân khấu, không trang trí,
không có tiếng nhạc, không hạn chế công chúng tham dự và thưởng thức, cũng
không kén chọn người nghe, người xem mỗi khi quan lang cất lên tiếng hát là tất
cả mọi người đang có mặt tại đám cưới đều có thể trực tiếp xem hát, thưởng thức
và bình phẩm xem quan lang hát có giỏi không, đối đáp có hay không...
Nhưng
điều làm nên sự khác biệt của một cuộc hát quan lang không chỉ có không gian đặc
trưng của nó mà còn phải kể đến thời gian của cuộc hát. Có lẽ không có cuộc hát
nào lại có thời gian dài như cuộc hát quan lang. Hát quan lang gắn liền với lễ
cưới, do đó lễ cưới kéo dài đến bao lâu thì hát quan lang cũng kéo dài chừng ấy
thời gian. Tuy nhiên, thời gian của những bài hát không hoàn toàn liên tục mà
phụ thuộc vào diễn biến từng giai đoạn của lễ cưới. Vì vậy, nếu là những bài
hát thử thách thì thời gian có thể diễn ra trong thời gian tương đối dài và diễn
biến liên tục. Cứ mỗi lần vượt qua được một thử thách thì quan lang lại gặp
ngay một thử thách khác. Vì vậy thời gian kết thúc cuộc hát nhanh hay chậm đều
phụ thuộc vào tài đối đáp, ứng xử khéo léo của ông quan lang. Còn những bài hát
nghi lễ, do tính chất trang trọng, nên thời gian hát thường ngắn gọn, chỉ do
Quan lang trình bày.Do đó, những bài hát quan lang chỉ kết thúc khi mọi nghi lễ
của đám cưới kết thúc.
Trong lời hát, có thể nhận thấy thời gian
trong hát quan lang vừa có tính xác định vừa có tính ước lệ. Đó có thể là một
khoảng thời gian xác định nào đó, cụ thể, hiện tại như giờ nẩy, hoằn nẩy, bươn nẩy, pi nẩy (giờ này, ngày này, tháng này, năm
này), nhưng cũng có khi là thời gian ước lệ của thởi xưa (thời xưa). Nhưng dù là thời xa xưa
hay lúc này, các khái niệm thời gian đó đều được đặt trong một không gian, địa
điểm có thực, gần gũi với đời sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người dân -
đó là không gian của đám cưới, cũng là không gian của một buổi biểu diễn nghệ
thuật truyền thống sôi nổi, náo nhiệt nhưng cũng rất trang trọng, thiêng liêng.
3. Đặc điểm về nội dung và
nghệ thuật
Hát
quan lang là sản phẩm sáng tạo của tầng lớp nhân dân lao động trong quá trình
lao động sản xuất và đúc kết các kinh nghiệm sống trong xã hội. Do đó, có thể thấy
những bài hát quan lang có các khía cạnh nội dung cơ bản sau:
Trước
hết, những bài hát quan lang phản
chiếu về một hiện thực xã hội rộng lớn. Trong hát quan lang, hiện thực về đời
sống xã hội trong cả một quá trình lịch sử đã được thể hiện và phản ánh một
cách rõ nét ở tất cả các khía cạnh của đời sống, từ những nét sinh hoạt thường
ngày cho đến những phong tục tập quán, nếp sống truyền thống của người Tày. Đó
có thể là hiện thực của một xã hội với những điều tốt đẹp, là phép tắc, lễ nghĩa truyền thống:
Nhà bạn thật sang giàu mọi thứ
Họ hàng cũng đông đúc thật vui
Chiếu mới dựng để không phí phạm
Trải cho chúng tôi ngồi được chăng…
(Chiếu
dựng)
Nhưng ngoài những điều tốt đẹp, trong hát quan lang trước đây còn phản ánh cả một xã hội nghèo đói,
xấu xa, loạn lạc:
Nhà chúng tôi nghèo quá xót xa
Nghèo bởi bị bọn giặc hung tàn
Cướp phá làm bản làng xơ xác.
(Dân
ca đám cưới Tày Nùng)
Đời
sống phong tục tập quán của người dân cũng được phản ánh. Đó có thể là tập quán
cưới xin, ma chay, là tập quán về lao động, về tình người, là lòng biết ơn cha mẹ, là ước mơ, tình cảm quý mến, yêu thương
con người...
Hôm nay ngày tôn tử vu quy
Quan lang có lễ nghi hoàn chú
Hôm nay nhà còn tang chưa bỏ
Tôi xin được có lễ kính bà
(Trình
bàn thờ người mới mất)
Bên
cạnh đó, những bài hát quan lang còn là những những lời răn dạy về đạo lý làm
người, tôn ti thứ bậc trong gia đình:
Là đạo ông bà hãy ngồi trên
Là cháu con hãy ngồi bên dưới
(Trình
tổ tiên)
Là những lời dặn dò, trao gửi của nhà gái
với quan lang, của quan lang với
con dâu:
...Cháu tôi ơi hãy làm cho khéo
Mới có đường quang rộng mà đi
Đi khắp chốn gần xa chợ búa
Mưa trút xuống cũng được nhờ ơn, cháu nhé
(Dặn
con dâu)
Nội
dung những bài hát quan lang vô cùng phong phú, vừa phản ánh đời sống xã hội, vừa
răn dạy, ca ngợi những con người miền núi thật thà, chất phác. Qua những khúc
hát quan lang, có thể thấy toàn bộ nội dung bao trùm của tục hát, đó là những
bài học, bài răn dạy người đời về lối ứng xử và đạo lý làm người, sự trân trọng
đối với người phụ nữ, và những ước mơ, những lời chúc tụng cho lứa đôi hạnh
phúc, cửa nhà an vui, xóm giềng gắn bó. Nhờ nội dung phản ánh hiện thực sâu sắc
cùng với những lời thơ, hình ảnh thơ đẹp đẽ, trang nhã, mang đậm phong cách dân
tộc miền núi, hát quan lang người Tày đã đóng góp tiếng nói làm giàu thêm kho
tàng văn học dân gian miền núi nói riêng, cả nước nói chung. Hơn thế, hátquan lang còn là một tập tục có ý nghĩa nhân văn sâu
sắc đối với đời sống tinh thần của người Tày xưa nay.
Đồng
bào Tày, Nùng thường coi thơ và ca là một. Làm thơ là để hát và chính vì hát
nên mới phải làm thơ. Họ thường làm thơ và cũng tự mình hát chính những câu thơ
đó. Vì thế giữa thơ và ca luôn có mối quan hệ gần gũi với nhau, thơ mà được
ngâm nga thì sẽ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Những bài hát quan lang, vì thế, thường
mang đậm màu sắc dân tộc và thể hiện tính địa phương rõ nét. Do thể loại dân ca
đám cưới có nguồn gốc kết hợp giữa thơ và nhạc, nên có thể xem xét đặc điểm nghệ
thuật của loại hình dân ca này ở hai phương diện, đó là nghệ thuật thơ ca (ngữ
văn) và nghệ thuật âm nhạc.
Về
nghệ thuật thơ ca: Những bài hát quan lang hết sức phong phú về ngôn ngữ, đa dạng các
thể thơ. Hầu hết những bài thơ quan lang là những sáng tác thơ dân gian vừa
có tính bác học lại vừa dân dã, gần gũi với những quan niệm, lối sống của người
dân. Bởi thế, những bài hát quan lang không chỉ là sáng tác của người dân lao động
mà còn có sự đóng góp của những người có học thức - tầng lớp nho học bình dân,
trí thức địa phương, những người biết làm thơ, hay làm thơ. Hơn nữa, trong quá
trình tồn tại, những bài thơ quan lang lại được nhiều tầng lớp người dân bổ
sung, sáng tạo làm cho những bài hát quan lang ngày càng tăng lên về số lượng
và rộng hơn về nội dung phản ánh. Vì vậy, nếu xem xét ở khía cạnh hình thức,
thơ quan lang là sự tổng hợp của nhiều thể loại
và thành phần sáng tác. Phần lớn những bài thơ quan lang đều thuộc thể thơ bảy
chữ có bắt vần lưng, nhưng nhiều khi để diễn tả tình cảm phức tạp, sâu sắc hơn,
người hát quan lang còn vận dụng cả những bài thơ thể bốn tiếng, năm tiếng, có
lúc còn dùng cả thể thơ tự do để dễ thể hiện.
Tiếp
theo còn phải kể đến sự pha tạp
về ngôn ngữ trong lời hát
quan lang.Do người Tày Cao Bằng là kết quả của sự hợp tộc từ nhiều tộc người
khác nhau trong lịch sử như Nùng, Kinh,
Hán ... cho nên, ngôn ngữ được sử dụng trong những bài
thơ quan lang cũng là sự kết hợp ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau. Có những
bài thơ được viết bằng tiếng Tày nhưng cũng có những bài thơ hoàn toàn bằng tiếng
Hán, tiếng Kinh hoặc có những bài lẫn lộn cả âm Tày lẫn Kinh, Hán. Sự pha trộn
đó ngoài việc làm cho ngôn ngữ thơ trở nên phong phú, đa sắc thì nhiều khi cũng
khá rắc rối, lộn xộn, khó hiểu. Chẳng
hạn:
Slứ chúng tôi ở Tấn sang Tần
Qua về xin giống thóc vạn niên
Trước thì nhờ tiên thiên họp háo
Sau thì nhờ hồng phúc phù huê
Tươi tốt slám kim chi ngọc sliệp
Bởi kết thành ngọc sliệp nhất nha
Chúa
phái đạo thông gia báo háo...
Điều đó dẫn tới hiện tượng, mặc dù nhiều
người Tày thuộc lòng tất cả những bài hát hát quan
lang, thậm chí hát đi hát lại nhiều lần, nhưng lại không hề biết tiếng Kinh, tiếng
Hán, nên họ cũng không hiểu hết chính những lời mà
mình đã hát. Tuy nhiên, những hiện
tượng đó không nhiều, và về cơ bản, ngôn ngữ trong thơ quan lang hấp dẫn người đọc, người
nghe. Nét tiêu biểu trong ngôn ngữ thơ hát quan
lang là tính giàu hình ảnh, ưa ví von, so sánh mang đậm
màu sắc của miền núi, cũng là dạng
ngôn ngữ đa thanh, giàu nhịp
điệu, dễ nhớ, dễ thuộc:
Lá tảng nhà dùng đem lót sọt
Họ tôi không có sọt hoa sen …
Gạo đỏ thì làm sao trắng được
Gạo ruộng lụt mẩy ít lép nhiều…
(Nộp
gánh)
Đồng
thời còn sử dụng nhiều từ ngữ có tính công thức: xin
thưa, xin trình, kính trình với tổ
tiên, với người nhà gái một cách trịnh trọng, hoặc những từ ngữ về thời gian
như giờ này, ngày này, tháng này…
Về
nghệ thuật âm nhạc: Từ trước đến nay, hầu như rất ít có công trình viết về
phương diện âm nhạc của tục hát này. Trong số những tài liệu thu thập được,
chúng tôi chú ý đến nhận xét nghệ
thuật âm nhạc của hát quan lang trong hai cuốn:
Dân ca đám cưới Tày - Nùng của Nông Minh Châu, Vi Quốc Bảo quan tâm tới giá trị của dân ca đám cưới về
mặt nghệ thuật âm nhạc nhưng chỉ có nhận xét khái quát về nghệ thuật đó: “Chỉ
biết rằng, dân ca đám cưới Tày - Nùng chỉ vận dụng nội dung lời ca để hát theo
một số giai điệu nhất định, cho nên nó không có nhiều giọng điệu phong phú như
dân ca quan họ Bắc Ninh chẳng hạn”(3). Và
giai điệu mà các tác giả có nói đến đó là điệu hát quan làng. Nhưng thế nào là
điệu hát quan làng thì các tác giả không có giải thích gì thêm.
Họ coi giá trị nổi bật của dân ca đám cưới không phải ở nghệ thuật âm nhạc mà
là nghệ thuật văn học, coi đó là những áng văn chương ưu tú. Vì vậy, cái mà hát
quan lang đóng góp có giá trị cho kho tàng văn hóa dân tộc là về mặt văn học.
Công trình tìm hiểu và có nhận xét sâu sắc về nghệ thuật hát quan lang là cuốn Bước đầu tìm hiểu ca nhạc dân
gian Việt Bắc. Trong phần tìm hiểu vềđặc
điểm, phong cách của một số làn điệu dân ca, cố nhạc
sĩ Đỗ Minh đã nhận xét như sau: “Ở đây, âm nhạc được xoay quanh các nốt trục
trung tâm, có tính vòng tròn thu đóng, giữ cho màu sắc âm nhạc được nhẹ, trang
trọng và êm dịu để dẫn dắt lời thơ thưa gửi bước đầu dễ dàng đi vào lòng người,
chuẩn bị cho những ý thơ sau có tính triết lý và sâu sắc hơn”(4). Bên cạnh đó,
tác giả cũng nhấn mạnh tính chất của những bài hát đám cưới của người Tày -
Nùng, đặc biệt hơn, hát đám cưới người Tày ở Cao Bằng đã được nhận xét hết sức
cụ thể: “Hát đám cưới ở vùng Cao
Bằng có một nhịp điệu tự do xây dựng trên những nốt đen, nốt cờ có dấu luyến,
các nốt nằm trên một thang âm ba âm mì - la - si; phần kết thúc mỗi câu đều đọng
trên nốt si, có đôi câu kết thúc ngân dài ở nốt la nhưng cuối cùng vẫn gieo về
nốt si, gây một cảm giác không bao giờ hết, không có sự kết thúc, yêu cầu người
nghe chờ đợi tiếp hết câu này đến câu khác cho tới khi trọn vẹn những lời thơ,
ý mà tác giả cần trình bày”(5).
Có
thể nói rằng những nhận xét trên đây về âm nhạc hát đám cưới của người Tày và
người Tày Cao Bằng là những đánh giá vô cùng giá trị. Dựa trên cơ sở khảo sát
thực tế về hát quan lang (hát đám cưới), chúng tôi nhận thấy những nhận xét của
tác giả trên đây đã đủ sức khái quát toàn bộ phong cách, đặc điểm âm nhạc của
hát quan lang. Tuy nhiên trong thực tế diễn xướng, không phải bài hát nào của
quan lang cũng hoàn toàn thể hiện nhất loạt theo một dạng âm điệu mà tùy thuộc
vào đó là diễn xướng nghi lễ hay sinh hoạt văn hóa mà âm
điệu bài hát lại có những nét riêng.
_______________
1, 3. Nông Minh Châu, Vi Quốc Bảo, Dân ca đám cưới Tày - Nùng,
Nxb Việt Bắc, Bắc Thái,
1973, tr.15, 13.
2,
4, 5. Đỗ Minh, Bước đầu tìm hiểu ca nhạc dân
gian Việt Bắc, Nxb Việt Bắc, Bắc Thái, 1975,
tr.126, 132.
Tác giả: Nguyễn Thị Thoa
No comments:
Post a Comment