Kể từ khi Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa IX ra Nghị quyết chuyên đề số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 về công tác dân
tộc, Tây Nguyên đang có một số việc đáng mừng và lo. Mừng là vì hiện nay, kinh
tế Tây Nguyên phát triển theo chiều hướng tích cực, tổng sản phẩm (GDP) tăng 15,8%
so với năm 2006. Giải quyết việc làm cho 96.000 lao động, trong đó có 15.500
lao động người dân tộc có việc làm mới trong doanh nghiệp cao su và cà phê. Có
hơn 4.440 hộ dân tộc được nhận 30.705 ha đất rừng để sản xuất và nhận khoán
37.220 ha rừng để bảo vệ chăm sóc, độ che phủ của rừng còn giữ được 56,2%. Giải
quyết cho 3.069 hộ dân tộc có thêm 1.634 ha đất sản xuất, 3.860 hộ có đất ở,
làm mới và sửa chữa 25.074 nhà ở, cấp được nước sinh hoạt cho 24.640 hộ. Qua
đó, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao hơn
trước. Tỷ lệ hộ đói nghèo vùng Tây Nguyên còn 18,9%, giảm 3,95% so với năm
2006. Có khoảng 1/4 số xã thuộc Chương trình 135 thoát khỏi diện đặc biệt khó
khăn.
Bản sắc văn hoá dân tộc Tây Nguyên được duy trì và phát huy.
Di sản “không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công
nhận; có 8/12 tiếng dân tộc Gia rai, Ê-đê, Ba-na, Cơ-ho, Xơ-đăng, Mnông,
Giẻ-Triêng, Chu-ru) được phát trên sóng đài phát thanh, truyền hình của Trung
ương, địa phương và mở được các trường dạy nghề cho thanh niên dân tộc học.
Công tác phát triển Đảng được coi trọng, các dân tộc bản
địa đều có đảng viên, hai dân tộc có số dân ít nhất ở Tây Nguyên là Brâu và
Rmăm thì nay đều có đảng viên, làm cán bộ ở thôn và xã. Đến cuối tháng 11-2007,
Tây Nguyên đã xóa thêm được 205 thôn, buôn “trắng” đảng viên. Kết nạp 7.500
đảng viên mới, trong đó có 20,63% là người dân tộc và 5,23% là người có đạo, do
đó thực hiện được chủ trương tỉnh nắêm xã, huyện nắm buôn, xã nắm hộ; các sở,
ban, ngành, cơ quan, đơn vị kết nghĩa với hầu hết các buôn đồng bào dân tộc để
nắm dân, xóa đói nghèo, giữ an ninh.
Sau Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai
tháng 3-2006, tăng cường được đoàn kết và giúp nhau giữa các dân tộc chống được
tư tưởng chia rẽ dân tộc, đòi tự trị và ly khai của địch. Việc có ấn tượng nhất
là Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam ở Plei Ku ngày
19-4-1946 được in bằng tiếng dân tộc, trao đến từng hộ dân để hàng ngày học và
làm theo lời Bác. Ở thị xã Kon Tum có khoảng 100 thôn, cứ sáng thứ 2 hàng tuần,
trưởng thôn tổ chức cho dân chào cờ Tổ quốc và nhắc nhau công việc trong tuần.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã nhận rõ
âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, kiên quyết chống lại âm
mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên.
Có được kết quả như vậy là do việc quán triệït và thực hiện
Nghị quyết 7 về công tác dân tộc được tiến hành theo chỉ dẫn của Trung ương, có
phổ biến Nghị quyết đến cơ sở và có Chương trình hành động. Các cấp và các
ngành, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu
nước và cách mạng, có nhiều cố gắng thực hiện Nghị quyết, bước đầu cơ bản là ổn
định được chính trị - xã hội, Tây Nguyên đang đổi mới và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng nói trên, điều
đáng lo là, Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thu ngân
sách tại chỗ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu chi. Đồng bào dân tộc tại chỗ số
đông vẫn còn nghèo, chưa lo định canh định cư xong thì nay vẫn có nhiều dân di
cư tự do từ nơi khác đến, gây ra tranh chấp đất và phá rừng, trong khi nguồn
quỹ đất rừng nay đã hết cũng không có đủ vốn để ổn định dân cư. Theo thống kê,
hiện còn 13.160 (51,6%) hộ thiếu đất sản xuất, 4.746 (37,3%) hộ thiếu đất ở,
thiếu cả nước sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, công tác xoá đói giảm nghèo
ở Tây Nguyên chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Có nhiều nguyên nhân
nghèo đói, nhất là nguyên nhân chủ quan do đồng báo thiếu ý chí xóa nghèo “chưa
tự cứu mình trước khi trời cứu”. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực I là 12,8%, khu vực
II là 30,3%, khu vực III là 58,5%; số hộ nghèo trong dân tộc thiểu số còn cao
tới 58,3%, hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ nghèo của tỉnh Kon Tum
chiếm 88,5%, Gia Lai 83%, Đắk Lắk 52,35%. Dân tộc có đời sống khó khăn hơn là
Brâu, Rmăm, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Mnông, Ba-na,...
Xã hội Tây Nguyên đang có sự phân hóa và khoảng cách chênh
lệch nhiều mặt giữa thành thị và nông thôn - nhất là ở vùng sâu và xa, vùng căn
cứ cách mạng, vùng biên giới. Các tệ nạn xã hội cũng gia tăng, nạn mê tín và
các hủ tục lạc hậu tiếp tục làm cho đời sống của bà con ở một số nơi gặp nhiều
khó khăn về kinh tế và văn hoá. Tổ chức UNESCO mới công nhận di sản “không gian
văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” thì ở xã IABăng huyện Đắk Đoa có 6/8 thôn không
còn cồng chiêng, vì đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành chỉ hát thánh ca, không
ai múa và học đánh cồng chiêng nữa, bản sắc văn hoá Tây Nguyên đang bị mai một.
Tây Nguyên có 32,61% số dân là dân tộc, đảng viên là người
dân tộc mới chiếm 16,72%, hiện nay còn 316 thôn buôn chưa có đảng viên. Tỉnh
Đắk Lắk có hơn 30% số dân là dân tộc thì trong đó cán bộ dân tộc có 3.439 người
(11,23%). Số cán bộ dân tộc tỉnh Kon Tum chiếm 52%, riêng cán bộ dân tộc cấp
tỉnh có 27 người (6,65%), cấp huyện có 148 người (25,78%). Tỉnh Gia Lai cán bộ
dân tộc ở cấp tỉnh có 408 người (7,04%), cấp huyện có 2.463 người (15,33%)...
Nhìn chung, việc phát triển đảng, đào tạo và sử dụng cán bộ
dân tộc tuy đã chú trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, có đại diện từng dân tộc
nhưng số lượng và chất lượng chưa tương xứng; còn nhiều bất cập trong công tác
phát triển đảng, cử tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số đi đào tạo, học nội
trú, kể cả tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, sử dụng và phát huy cán bộ dân tộc.
Qua khảo sát, đánh giá ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều yếu kém,
nhất là công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Kon Tum cho thấy, “Hệ thống chính trị ở cơ sở còn bộc
lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Một số cấp ủy cơ sở
chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo; vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, điều
hành của Uỷ ban nhân dân chưa được phát huy; nội dung và phương thức hoạt động
của Mặt trận - đoàn thể chậm đổi mới. Một số cán bộ còn biểu hiện thiếu trách
nhiệm, chưa gương mẫu, phong cách làm việc chưa khoa học...”1.
Tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên vẫn còn tiềm ẩn
những yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chia rẽ Kinh -
Thượng, đòi tự trị, rồi ly khai, lập “nhà nước Đề Ga” ở Tây Nguyên, âm mưu câu
móc, lôi kéo một số thanh niên dân tộc nhẹ dạ cả tin vượt biên gây phức tạp về
an ninh ở nông thôn. Chúng còn âm mưu lợi dụng đồng bào dân tộc trong việc
tranh chấp đất rừng, giải tỏa đề bù, khiếu kiện kéo dài, gây nội bộ bất hòa,...
tạo ra các điểm bất ổn ở thôn buôn nhằm phân tán lực lượng ta.
Trong những năm qua, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo,
tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch và bọn người xấu ở Tây
Nguyên đã lợi dụng đạo Tin Lành để xen vào nắm chức sắc, lôi kéo quần chúng và
tuyên truyền cái gọi là “người dân tộc Tây Nguyên phải có hội thánh riêng”,
“Tin lành Đề ga” được hoạt động bình thường như các tôn giáo khác.
Với sự cố gắng của mình, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân
đã làm nhiều việc để tập hợp và đoàn kết đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Tuy
nhiên xung quanh công tác chính trị, tư tưởng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc
biệt để chiếm được lòng tin trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong khi kẻ
địch thì luôn chia rẽ, tranh giành, lôi kéo đồng bào các dân tộc của ta. Đáng
lưu ý là lực lượng thanh niên ở Tây Nguyên hiện nay, chiếm 26% số dân, trong đó
thanh niên dân tộc chiếm 34%, song việc tập hợp thanh niên vào Đoàn và Hội mới
đạt 39,4%. Một bộ phận thanh niên các dân tộc Tây Nguyên sinh trưởng sau ngày
giải phóng do chưa qua rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, công tác chính trị
tư tưởng của Đoàn, của Hội còn chưa sâu sát, nên số này ý thức chính trị kém,
không chịu khó làm ăn lương thiện, chạy theo lối sống tiêu cực, tham lợi kinh
tế và rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng về chính trị.
Những tồn tại và đáng lo đó có cả nguyên nhân khách quan
nhưng chủ yếu là do chủ quan của ta. Mặc dù Nghị quyết về công tác dân tộc đã
ban hành được hơn 5 năm nhưng nhiều người dân vẫn không biết, không nhớ nội
dung Nghị quyết.
Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng đòi hỏi
phải quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 7 về công tác dân tộc của
Đảng đối với Tây Nguyên. Cụ thể, cần nhanh chóng giải quyết dân di cư tự do và
du canh du cư nhằm phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội ở Tây
Nguyên. Bên cạnh việc thực hiện tốt Chương trình 135, chương trình hỗ trợ để
đồng bào dân tộc sinh hoạt cộng đồng như xây nhà văn hoá, đầu tư trang thiết bị
nghe nhìn và các loại sách, báo cần quan tâm công tác giáo dục con em dân tộc
và cán bộ dân tộc. Hiện nay, đồng bào và thanh niên dân tộc vẫn thiếu kiến thức
và không có tay nghề để tìm việc làm và chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Do đó
cơ quan dân tộc các cấp phải có quy hoạch và kế hoạch về giáo dục với từng dân
tộc, quản lý học sinh người dân tộc cả đầu vào và đầu ra. Tăng cường mở các
trường lớp, hỗ trợ kinh phí để dạy và học nghề, học khuyến nông khuyến lâm,
chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho thanh niên và đồng bào các dân tộc là việc
làm cấp thiết, phù hợp với đồng bào dân tộc. Việc cần làm ngay là đề nghị Ban
Bí thư Trung ương Đảng cho sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này, kịp thời điều
chỉnh và bổ sung chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, tạo thống
nhất ý chí và hành động thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
_______________
1. Báo cáo số 73-BC/TU, ngày 5-4-2007 của Tỉnh ủy Kon
TumPhó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về chính sách dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
>> Tạp chí Mặt trận số 56 (6-2008)
No comments:
Post a Comment