Trong bối cảnh nước ta đang chủ động hội nhập
kinh tế khu vực và quốc tế; đồng thời, xuất hiện những khó khăn, thách thức mới
đan xen. Phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để các
dân tộc trong nước cùng phát triển trong quá trình phân công lao động, sử dụng
tài nguyên, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại…
Bên
cạnh đó, có thể phát sinh những tiêu cực tác động đến nhiều mặt trong đời sống
của đồng bào các dân tộc, đó là sự phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội xuống
cấp, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, môi trường sinh thái đang
bị xâm hại nghiêm trọng; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá khối
đại đoàn kết toàn dân tộc bằng âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chúng lợi dụng vấn
đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chế độ, kích động, chống
lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Hiện
nay, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều
khó khăn; qua điều tra hộ nghèo theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/11/2010 của
Thủ tướng Chính phủ, số hộ Khmer nghèo tăng lên trên 30% (theo tiêu chí mới).
Do đó, để thực hiện tốt chính sách dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình
hiện nay đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn
thể chính trị cần được tăng cường thông qua việc thực hiện đồng bộ và cụ thể,
thiết thực những giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm
cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, trong sư sãi, học
sinh, sinh viên, tri thức và đồng bào dân tộc thấy rõ những thành tựu kinh tế
xã hội của tỉnh đạt được trong thời gian qua, trong đó có vùng đồng bào dân
tộc; nhận thức đúng đắn các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước đối với đồng bào dân tộc, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, tin
tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; phát huy
truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực tự cường, đề cao tinh thần cảnh
giác, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành bằng nhiều hình thức thích hợp
để đồng bào dân tộc hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước.
Thứ hai: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tập trung
triển khai xây dựng nhanh các công trình trọng điểm. Tiếp tục đầu tư tạo cơ hội
cho nông dân, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc chuyển đổi cơ cấu sản
xuất, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá
trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và tăng giá trị thu nhập cho người lao
động. Quy hoạch và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi phục vụ
nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến
ngư. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, nông hộ hoàn chỉnh, mô hình sản
xuất, kinh doanh tổng hợp để nhân rộng. Tăng cường trang bị kiến thức cho các
hộ đồng bào dân tộc nghèo biết lập kế hoạch sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học,
kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, có
chính sách phát huy khả năng và tiềm năng về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý
của một số dân tộc.
Thứ ba: Tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề, nhất là dạy nghề cho đồng bào
dân tộc thiểu số. Khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo yêu
cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo và cung ứng lao động kỹ thuật
làm việc trong các khu công nghiệp; thực hiện tốt hơn chính sách về dạy nghề
cho lao động nông thôn, trong đó có lao động là người dân tộc. Phát triển mạnh
dịch vụ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, gắn với đẩy mạnh
công tác xuất khẩu lao động...
Thứ tư: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người
nghèo. Tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện,
nước sinh hoạt theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Song song đó,
đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào
dân tộc.
Thứ năm: Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo, trong đó có đồng
bào dân tộc nghèo, chú trọng đổi mới qui trình, thủ tục cho vay, nhằm tạo điều
kiện giúp cho người dân tộc nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng với lãi suất
hợp lý, kịp thời và đúng thời vụ để phát triển sản xuất.
Thứ sáu: Tiếp tục phát triển mạnh và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về
giáo dục dân tộc; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào
tạo, nhất là hệ thống trường dân tộc nội trú các cấp và Trường Bổ túc Văn hóa
Pali Trung cấp Nam Bộ. Đẩy nhanh chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; xây
dựng trường dân tộc nội trú ở các huyện có đông đồng bào dân tộc. Mở thêm cấp
trung học phổ thông, tiếp tục đầu tư nâng cấp Trường Trung học phổ thông Dân tộc
nội trú Huỳnh Cương và các trường dân tộc nội trú cấp huyện. Triển khai có chất
lượng chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc ở tiểu học và trung học cơ sở.
Thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục trung học phổ thông trong đồng bào
dân tộc.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ là người dân tộc ở các
cấp học, kể cả sư sãi. Xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, dạy nghề cho đồng bào
dân tộc; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú gắn với đa
dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng
dân tộc. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cử tuyển, chính sách đối với học
sinh dân tộc ở các trường dân tộc nội trú và các trường phổ thông khác.
Thứ bảy: Triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện
tốt chế độ bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia trong vùng đồng bào
dân tộc, nhất là chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ suy
dinh dưỡng ở trẻ em. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế vùng đồng bào dân tộc. Đẩy
mạnh các hoạt động y tế dự phòng, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường,
góp phần hạn chế dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,
xây dựng các mô hình hoạt động văn hoá - thông tin trong vùng đồng bào dân tộc.
Quan tâm xây dựng hệ thống các thiết chế văn hoá, đầu tư cơ sở vật chất và
trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động văn hoá - thông tin vùng đồng bào dân
tộc. Nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh, các đội
thông tin lưu động dân tộc, các tụ điểm văn hoá chùa Khmer và các đội nhóm văn
nghệ quần chúng. Thực hiện tốt việc phục vụ phim ảnh và các ấn phẩm bằng song
ngữ. Tăng thêm thời lượng và nâng cao chất lượng các hoạt động báo chí, phát
thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm,
giữ gìn, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các dân
tộc, nhất là duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc
và nâng một số lễ hội lên tầm khu vực và quốc gia.
Thứ
tám: Tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong đồng bào
dân tộc. Đặc biệt là vạch trần những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch,
làm cho đồng bào không nghe, không tin và không làm theo sự xúi giục của bọn
chúng. Coi trọng công tác nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng
bào dân tộc và sư sãi. Thường xuyên củng cố tình đoàn kết chặt chẽ giữa đồng
bào các dân tộc. Giáo dục đồng bào và sư sãi qua lại biên giới Việt Nam -
Campuchia, đi tu học nước ngoài phải làm thủ tục đúng theo qui định của Nhà
nước. Xây dựng quy chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng quân
đội, công an, bộ đội biên phòng trong công tác nắm tình hình, quản lý chặt đối
tượng và đấu tranh vô hiệu hoá các hoạt động phá hoại của bọn xấu và các thế
lực thù địch. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống tội phạm, giữ gìn an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc. Tập trung
chỉ đạo giải quyết đúng pháp luật các vụ việc khiếu kiện có liên quan đến đồng bào
dân tộc, nhất là vấn đề giải toả, bồi hoàn, tranh chấp đất đai, không để kéo
dài, phức tạp, không để xảy ra điểm nóng.
Thứ
chín:Tăng cường củng
cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, nhất là ở cơ sở, nhằm
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực,
hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch củng cố, nâng cao chất
lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn
giáo; quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc
Khmer của tỉnh theo Quyết định 449/QĐ-TTg của Chính phủ về chiến lược công tác
dân tộc đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn phát
triển mới. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, dân
tộc, tôn giáo; chăm lo, đãi ngộ đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán
bộ công tác ở vùng dân tộc, các vị chức sắc tiêu biểu, người có uy tín trong
xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án phát triển đảng viên
vùng đồng bào dân tộc. Quan tâm công tác phát triển đoàn viên, hội viên là
người dân tộc thiểu số.
Tăng
cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ cơ quan dân tộc từ tỉnh đến cơ
sở và các cơ quan tham mưu, giúp việc về dân tộc - tôn giáo các huyện, thị, thành
phố và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh. Xây dựng và phát huy vai trò của lực
lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo trong việc
thực hiện chính sách dân tộc, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ về kinh tế, chính
trị, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương.
Thứ mười: Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh công tác
tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc
biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc. Thực hiện tốt việc công khai hóa
các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư… để đồng bào biết và tham gia
quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Vận động đồng bào dân tộc phát huy
truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực
vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chú
trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến,
các mô hình sản xuất, kinh doanh, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào
dân tộc. Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị định số
05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chỉ thị số 1971/CT-TTG của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Tóm lại: Với những chủ trương, chính sách đúng đắn
của Đảng, Nhà nước và những kết quả đạt được trong công tác dân tộc thời gian
qua, chúng ta tin tưởng rằng các dân tộc thiểu số tỉnh nhà trong đại gia đình
Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng
nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời chính
sách đầu tư, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước,
trong những năm gần đây, đồng bào Khmer Sóc Trăng đã được ưu tiên nhiều chính
sách hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát
triển kinh tế-xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để nông dân có nguồn lực
đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chăm lo an sinh xã hội,
nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc
xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc.
Nhờ vậy, đời sống đồng bào Khmer Sóc Trăng đã không ngừng phát triển, kinh tế
gia đình vươn lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer đang thay đổi nhanh
chóng từng ngày. Có được chính sách quan tâm, đãi ngộ tốt, đồng bào Khmer Sóc
Trăng luôn phấn khởi, tin tưởng và có tinh thần đoàn kết với cộng đồng, cùng
chung tay, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày một
phát triển, giàu đẹp, văn minh và thịnh vượng.
Âu Hiền Đạt - Sóc Trăng
No comments:
Post a Comment