Để thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển 5 dân tộc rất ít
người Nhà nước đầu tư 75,7 tỷ đồng với mục tiêu: “Thực hiện xoá đói giảm nghèo,
từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng
số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy bản sắc
văn hoá của dân tộc”. Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã bộc
lộ một số tồn tại; nhưng phải khẳng định rằng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ,
đạt kết quả tốt và có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào nơi dự án
được triển khai.
Đã bao đời nay đồng bào dân tộc
Si La ở bản Nậm Sin xã Chung Chải huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên; ở bản Seo
Hai, bản Sì Thâu Chải xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sống trong cảnh
đói nghèo, lạc hậu, khép kín và đang có nguy cơ suy thoái giống nòi. Khi dự án
triển khai đồng bào Si La ở Nậm Sin đã có đường ô tô, ở Seo Hai, Sì Thâu Chải
có cầu bắc qua sông Đà, chấm dứt cảnh chia cắt sự giao lưu của đồng bào Si La
với các địa phương khác trong vùng. Đồng bào có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt,
có hệ thống kênh mương đảm bảo nước cho sản xuất, có trường cho con em đi học,
có nhà ở tốt hơn, có nơi sinh hoạt cộng đồng, được hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời
sống, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ để khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc…
Dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An
trước đây sống ở bản Kim Hoà, bản Xốp Pột xã Kim Đa huyện Tương Dương. Khi dự
án triển khai đồng bào được chuyển về khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ tại bản
Văng Môn xã Nga My huyện Tương Dương. Do được thụ hưởng nguồn vốn tái định cư
nên cơ sở hạ tầng nơi đây được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; nguồn vốn
dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu đã hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào về sản
xuất, đời sống, văn hóa, giáo dục...
Dân tộc Brâu trước kia sống du
canh, du cư, phá rừng làm rẫy ở vùng sâu biên giới Việt Lào, đời sống gặp rất
nhiều khó khăn. Khi dự án triển khai đồng bào được về định canh, định cư tại
làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (nằm trong khu kinh tế cửa
khẩu quốc tế Bờ Y). Đồng bào được cấp đất sản xuất, cơ sở hạ tầng như: điện,
đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa được xây dựng khá
đồng bộ; ngoài ra còn được hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ công cụ
sản xuất, mua sắm cồng chiêng… Nhờ đó điều kiện ăn, ở, đi lại học tập, khám
chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của đồng bào ổn định và nâng lên rất nhiều so với
trước.
Dân tộc Rơ Măm sống ở làng Le,
xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum
với nghề chủ yếu là làm nương, rẫy; điều kiện sống rất nhiều khó khăn.
Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Rơ Măm đến nay đã hoàn thành 3 nội dung (xây
dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ các hoạt động văn hóa), nội dung hỗ
trợ sản xuất và hỗ trợ giáo dục đang được tiếp tục triển khai. Dự án đã tạo
điều kiện thuận lợi để đồng bào vươn lên cải thiện cuộc sống.
Cùng với 4 dân tộc nói trên,
đồng bào dân tộc Pu Péo tại các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê ở tỉnh Hà
Giang cũng được thụ hưởng dự án. Đến nay các nội dung đầu tư chủ yếu của dự án
đã hoàn thành, dự án có tác dụng tích cực tạo cơ hội cho đồng bào vươn lên hoà
nhập với các dân tộc khác trong vùng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai
thực hiện dự án có một số vấn đề đặt ra cần được nhìn nhận, đánh giá một cách
nghiêm túc. Qua điều tra, khảo sát cho thấy:
Đại bộ phận đồng bào của 5 dân
tộc thuộc vùng dự án có mức sống rất thấp, ý thức tự vươn lên chưa cao, tư
tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn thấm sâu trong tiềm thức của người dân.
Khi được hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp bằng
tiền, bằng hiện vật đồng bào đón nhận với một tâm trạng hồ hởi, phấn khởi.
Nhưng khi công trình xây dựng xong, bàn giao để cộng đồng dân cư đưa vào sản
xuất hoặc khai thác sử dụng người dân tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, có khi sử dụng
sai mục đích, thậm chí thiếu trách nhiệm, gây lãng phí. Một số dẫn chứng cụ
thể: công trình thuỷ lợi bản Nậm Sin với tổng mức vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng, công
suất tưới cho trên 10 ha ruộng nước, hoàn thành bàn giao đến nay gần 3 năm
nhưng hiện tại ruộng vẫn bỏ hoang; công trình đường Chung Chải - Nậm Sin dài
8,6 km, vốn đầu tư 14,3 tỷ đồng đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã bị tháo dỡ
gần hết các cọc tiêu, biển báo, nhiều đoạn sụt lở nhỏ cộng đồng dân cư có thể
tự khắc phục được nhưng không tổ chức nào đứng ra lo liệu. Dự án đầu tư 35 con
trâu cho 35 hộ nhưng do thiếu sự chăm sóc nuôi dưỡng nên số lượng trâu giảm đi
nhanh chóng. Các hộ của dân tộc Brâu được cấp đất ở nhưng một số hộ đem chuyển
nhượng dẫn tới thiếu đất xây dựng nhà ở; chính quyền địa phương cấp bò giống
nhưng 50% số hộ đem bán hoặc giết mổ. Khu dân cư của dự án hỗ trợ, phát triển
dân tộc Rơ Măm được quy hoạch và xây dựng khang trang, đồng bộ nhưng công tác
quản lý của địa phương, ý thức bảo vệ của người dân chưa tốt làm cho các công
trình xuống cấp nhanh chóng, môi trường sống bị ô nhiễm. Trong dự án hỗ trợ, phát
triển cho từng dân tộc đều có chương trình hỗ trợ sản xuất, áp dụng các tiến bộ
khoa học-kỹ thuật, tập huấn cho các hộ nông dân, nhưng trên thực tế việc áp
dụng là rất khó khăn. Số tiền Nhà nước hỗ trợ cho các em học sinh từ bậc mầm
non đến phổ thông trung học nhưng nhiều các bậc phụ huynh đã lợi dụng dùng một
phần số tiền này chi dùng vào việc khác…
Việc triển khai thực hiện dự án
thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hệ thống chính trị ở địa
phương; chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp vì vậy đã hạn chế rất nhiều đến
quá trình thực hiện mục tiêu của dự án.
Dự án hỗ trợ, phát triển 5 dân
tộc rất ít người là một dự án đặc thù có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quá trình
triển khai thực hiện, dự án đã từng bước tạo dựng cho cộng đồng và các hộ gia
đình thuộc 5 dân tộc một “gia tài” nhằm tạo cơ hội cho đồng bào có điều kiện
vươn lên xoá đói giảm nghèo, hoà nhập với các dân tộc khác trong vùng. Tuy
nhiên để dự án đạt mục tiêu đề ra rất cần có sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả
của cộng đồng, của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị ở địa phương. Vì
vậy trong thời gian tới sự quan tâm giúp đỡ nên tập trung vào một số việc sau
đây:
Các địa phương có dự án triển
khai cần tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính để hỗ trợ, giúp đỡ các thôn, bản
trong vùng dự án; tổ chức các đơn vị thanh niên tình nguyện hoặc các đội công
tác của quân đội về “3 cùng” trực tiếp giúp đỡ với phương thức “cầm tay chỉ
việc” cho đồng bào. Củng cố hệ thống chính trị ở các thôn, bản trong vùng dự án
để từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đặc biệt là tổ chức
của các đoàn thể nhân dân, coi đó là lực lượng nòng cốt để thực hiện các nhiệm
vụ chính trị ở thôn, bản. Tiến hành giao lưu, kết nghĩa dưới nhiều hình thức
giữa dân tộc được thụ hưởng dự án với các dân tộc khác trong vùng nhất là trong
độ tuổi thanh niên nhằm xoá đi sự tự ty, mặc cảm, tạo cơ hội và điều kiện cho
thanh niên nam, nữ chưa kết hôn tìm kiếm bạn tình tiến tới kết hôn với bạn tình
thuộc các dân tộc khác từng bước xoá bỏ việc kết hôn cận huyết thống nhằm nâng
cao chất lượng dân số. Khôi phục bản sắc văn hoá của các dân tộc, quan tâm chăm
lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho con em 5 dân tộc, từng bước nâng cao trình
độ dân trí cho đồng bào trong vùng dự án đó là điều kiên tiên quyết để đồng bào
vươn lên hoà nhập với các dân tộc khác trong đại gia đình 54 dân tộc Việt
Nam./.
Đỗ Trọng Cố
>> Tạp chí Dân tộc, số 112 (4-2010)
No comments:
Post a Comment