CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Mấy ý kiến về chính sách dạy và học tiếng Dân tộc thiểu số ở Việt Nam

| | 0 nhận xét
Ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) của các dân tộc thiểu số được xem như là sự thể hiện về trình độ phát triển văn hoá và tư duy của từng dân tộc. Nó là di sản văn hoá của nhân loại thế giới vì vô số kiến thức (toán học, y học, văn học...) và toàn bộ sự hiểu biết về cuộc sống, thiên nhiên hữu ích qua hàng chục ngàn năm tiến hóa được tích tụ trong ngôn ngữ. Nó lưu giữ quá khứ lịch sử truyền thống, phản ảnh quan điểm về vũ trụ, cái nhìn về cuộc sống và tương lai mà từng dân tộc đã đúc kết và xây dựng nên.. Khi một ngôn ngữ biến mất, thì những kiến thức này cũng sẽ mất theo và điều đó đồng nghĩa với việc một phần lịch sử và văn hóa của nhân loại bị xóa sổ và nền văn hoá chung của thế giới cũng bị “nghèo đi”.
Tuy quan trọng như vậy, nhưng hiện nay nhân loại chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ về sự mất dần một số ngôn ngữ dân tộc. Theo Viện Nhân chủng học và Lịch sử quốc gia Mexico, trên thế giới tồn tại khoảng 6.700 loại ngôn ngữ khác nhau, các con số thống kê và dự đoán dự báo đã chỉ ra rằng cứ 2 tuần thì thế giới này mất đi một ngôn ngữ và đến khoảng cuối thế kỷ XXI sẽ có đến 50% ngôn ngữ trên trái đất sẽ có thể biến mất. Sự mất đi này diễn ra với mức độ ngày càng nhanh hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay và nếu chúng ta không có các giải pháp tích cực để bảo tồn và phát triển nó. Chính vì thế mà dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đã được các quốc gia trên thế giới coi là một trong những giải pháp hữu hiệu hàng đầu để ngăn chặn nguy cơ nói trên.
Đối với Việt Nam chúng ta, một quốc gia có 54 dân tộc với tổng dân số gần 86 triệu người, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với số dân gần 14 triệu người, chiếm tỷ lệ 13,8% dân số của cả nước. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có quy mô dân số không đều nhau: 12 dân tộc có dân số từ 100.000 đến trên 1 triệu người như Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Êđê, Gia Rai, Chăm..; 21 dân tộc có dân số từ 10.000 đến 100.000 người như Xơ Đăng, Mnông, Xtiêng, Dao, Cơ Ho, Châu Ro, 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Sila, Pu Péo, Brâu, Rơ măm, Ơ Đu. Đa số các dân tộc ở Việt Nam đều có tiếng nói riêng, nhưng chỉ có một số dân tộc có chữ viết. Ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam được chia thành 8 nhóm: Nhóm Việt-Mường, nhóm Môn-Khmer, nhóm Tày-Thái, nhóm Mông-Dao, nhóm Mã Lai-Đa đảo, nhóm Hán-Hoa, nhóm Tạng-Miến và nhóm ngôn ngữ Kađai.
Cùng chung với xu thế của ngôn ngữ tộc người trên thế giới, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở nước ta cũng đã và đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một. Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số, ngay từ Văn kiện đầu tiên, Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935) đã xác định: “Các dân tộc.... được dùng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá”. Chủ trương này được quán triệt xuyên suốt trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây khi đất nước chúng ta thực hiện công cuộc mở cửa và đổi mới cơ chế kinh tế, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V, khoá VIII chỉ rõ: “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình...”. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng cũng đã tiếp tục khẳng định: “Ngoài tiếng phổ thông, các dân tộc có chữ viết riêng được khuyến khích học chữ dân tộc... dùng tiếng nói dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng đồng bào dân tộc”. Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc, trong mục tiêu về nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã nêu rõ: “Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh việc dạy và học chữ dân tộc”.
Xuất phát từ chủ trương, định hướng của Đảng, các chính sách cụ thể liên quan đến bảo tồn và phát triển tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số đã được thể chế hoá trong Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992, các Bộ luật, luật và văn bản quy phạm pháp luật. Tại Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Điều 21 Luật Di sản văn hoá năm 2001 quy định: “Nhà nước có chinh sách và tạo điều kiện để bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam”. Các Bộ luật như: Luật Giáo dục, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Toà án, Luật Báo chí, Luật Xuất bản... đều có những quy định rất rõ ràng về quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Ngày 22/2/1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/CP về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, trong đó quy định: ở vùng dân tộc thiểu số, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tieang và chữ phổ thông... Chữ dân tộc được dạy xen kẽ với chữ phổ thông ở cấp I trong các trường phổ thông và bổ túc văn hoá, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học vừa hiểu biết chữ dân tộc, vừa nắm được nhanh chữ phổ thông... ở cấp II của các trường phổ thông thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu đã có chữ viết dân tộc, có thể tổ chức dạy môn ngữ văn dân tộc... Những cán bộ giáo viên hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất thiết phải học tiếng và chữ của dân tộc thiểu số nơi mình công tác. Để tạo điều kiện tăng cường khai thác vốn văn hoá và phát huy truyền thống văn hoá của các dân tộc thiểu số, các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học có liên quan cần đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tiếng nói, chữ viết văn học... của các dân tộc thiểu số.
Từ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, việc tổ chức thực hiện chính sách dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được triển khai nghiêm túc. Tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc đã được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường. Năm 1959, ngành Giáo dục bắt đầu đưa ngôn ngữ dân tộc thiểu số (chữ Thái, chữ Mông) vào giảng dạy. Năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 206/CP phê chuẩn các phương án chữ Tày - Nùng, chữ Thái, chữ Mèo (Mông) để triển khai dạy ngôn ngữ dân tộc ra diện rộng ở các tỉnh phía Bắc. Năm 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 53/CP về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số. Qua đó, ngôn ngữ dân tộc thiểu số các tỉnh phía Nam lần lượt được đưa vào dạy học trong nhà trường theo dạng song ngữ (ngôn ngữ dân tộc-phổ thông (tiếng Việt) như: ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên - Phổ thông, ngôn ngữ Chăm-Phổ thông, ngôn ngữ Khmer - Phổ thông, ngôn ngữ Hoa-Phổ thông... Từ năm 1991, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/GD-ĐT hướng dẫn việc dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số. Từ đó, việc chuẩn bị điều kiện về chương trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, đội ngũ giáo viên của ngành và ở các địa phương đã tổ chức dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày càng có chuyển biến tích cực hơn. Ngày 9/11/2004, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi.
Cho đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được chương trình cho 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số và chính thức đưa vào trường tiểu học, phổ dân tộc nội trú để dạy học gồm: tiếng Thái, tiếng Mông (Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu...), Ba Na (Kon Tum, Gia Lai), Gia Rai (Gia Lai), Xơ Đăng, Chăm (chữ Chăm cổ truyền Akhar Thrah tại Ninh Thuận, Bình Thuận và chữ Chăm Ja Wi tại An Giang, Tây Ninh), Khmer Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau...), tiếng Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bạc Liêu...), tiếng Êđê (Đắc Lắc)... Các ngành chức năng cũng đã chỉ đạo biên soạn nhiều đầu sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc, sách tham khảo song ngữ ngôn ngữ dân tộc - phổ thông) chứa đựng nhiều nội dung văn hoá các dân tộc và văn hoá từng địa phương để đưa vào sử dụng trong nhà trường. Biên soạn các loại từ điển so sánh, đối chiếu bằng ngôn ngữ dân tộc - phổ thông, các sổ tay song ngữ phổ thông - dân tộc, ngữ pháp các tiếng dân tộc thiểu số dùng cho học sinh, sinh viên. Việc biên soạn sách phục vụ dạy học ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày càng được cải tiến, chú trọng về hình thức, hình ảnh minh hoạ phù hợp với tâm lý dân tộc, nâng dần chất lượng về nội dung khoa học. Chất lượng in ấn, giấy mực, màu sắc được chú trọng và phát hành rộng rãi đến vùng dân tộc. Chương trình dạy học tiếng dân tộc từng bước được hoàn thiện dần. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc cũng được đào tạo, bồi dưỡng khá hơn. Hiện nay, có khoảng 30 tỉnh, thành đang tổ chức dạy học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nhà trường.
Để đảm bảo cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các chính sách với nguồn lực đủ mạnh giúp cho các địa phương xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cho ngành, trong đó có việc in ấn các ấn phẩm bằng tiếng các dân tộc, từ đó tác động tích cực đến chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số.
Chính sách dạy và học tiếng dân tộc thiểu số không chỉ chú trọng đối với lực lượng học sinh, sinh viên mà còn đặt ra cả với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ và đội ngũ giáo viên... công tác tại vùng dân tộc. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg, ngày 9/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc và miền núi. Ban hành và thực hiện những quy định trong tuyển dụng, bố trí cán bộ kèm theo tiêu chuẩn phải biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số nơi mình đang công tác và được thay thế như là yêu cầu về ngoại ngữ. Cùng với yêu cầu bắt buộc nêu trên, Nhà nước cùng với các địa phương cũng đã có cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ này để họ có thể tham gia dạy và học một cách tốt hơn.
Bên cạnh việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường, trong cán bộ công chức, tại nhiều nơi một số tiếng dân tộc thiểu số còn được dạy và học một cách rất độc đáo và đem lại hiệu quả như: việc dạy và học chữ tại nhà chùa đối với con em đồng bào Khmer; dạy chữ Khmer tại Trường Bổ túc văn hoá - Pa li trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng; dạy truyền khẩu trong gia đình và trong các lễ hội đối với các dân tộc Mông, Thái, Chăm... Những hình thức này tuy chưa thật phổ biến trong các dân tộc nhưng tỏ ra có hiệu quả cao đối với từng cộng đồng của từng dân tộc thiểu số cụ thể.
Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Nhà nước, các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số (Đài tiếng nói Việt Nam đã phát một số tiếng dân tộc như: Mông, Thái, Xơ Đăng, Bana, Giarai, Êđê, Cơho, Khmer... với thời lượng 1h30’/ngày, riêng tiếng Khmer phát 3h/ngày. Các chương trình được phát lại 3 lần/ngày). Chương trình truyền hình bằng tiếng dân tộc được triển khai và phủ sóng toàn quốc (VTV5) với 10 thứ tiếng dân tộc: Thái, Mông, Chăm, Khmer, Rắc lây, Giarai, Xơ Đăng, Êđê. Các chương trình phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống cũng được phát sóng liên tục với thời lượng khá dài... Các ấn phẩm văn hoá bằng tiếng dân tộc thiểu số không ngừng được xuất bản với nội dung và quy mô ngày càng lớn; các lễ hội văn hoá truyền thống của từng dân tộc thiểu số khắp 3 miền đất nước được phục dựng và tổ chức hàng năm. Một số ngôn ngữ dân tộc có chữ viết cũng đã được đưa lên trang tin điện tử với nhiều nội dung thiết thực... những hoạt động này đã góp phần hỗ trợ không nhỏ đối với việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta khẳng định rằng chính sách dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đã được Nhà nước ta quan tâm tổ chức thực hiện và đem lại những kết quả rất tích cực. Trong 53 dân tộc thiểu số, đến nay có gần 30 dân tộc thiểu số có chữ viết. Số lượng người dân tộc thiểu số biết tiếng mẹ đẻ và số người dân tộc đa số biết tiếng dân tộc thiểu số không ngừng được tăng lên. Vốn từ vựng của từng dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, chuẩn hoá và phát triển thêm. Nhiều ngôn ngữ và các loại hình nghệ thuật dân tộc thiểu số được đưa lên sóng phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí ở địa phương, khu vực và trong cả nước. Nhờ hiểu biết ngôn ngữ dân tộc đã giúp cho nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, phóng viên... người dân tộc thiểu số có điều kiện viết bài, sáng tác thể hiện sự sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình để phục vụ cho đồng bào. Đội ngũ cán bộ do vậy ngày càng gần gũi hơn với quần chúng ở vùng dân tộc, từ đó kịp thời trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Trong lĩnh vực tư pháp, các dân tộc thiểu số cũng có điều kiện thực hiện quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước toà để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình... Nhìn chung việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Nó góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc, ổn định chính trị, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Kết quả đạt được từ chính sách dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở nước ta là rất to lớn. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong xu thế hội nhập, thì việc phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát triển văn hoá, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi chính sách dạy và học tiếng dân tộc phải giải quyết, trong đó có những khó khăn và thách thức sau đây:
(1) Sức ép rất lớn của ngôn ngữ dân tộc đa số lên ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Trong xu thế hiện nay, tiếng phổ thông, (kể cả ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Trung...) đang ngày càng “phình to” và “lan toả” vào mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội, tạo ra sức ép và làm cho ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày càng “thu hẹp” và trở nên ít phổ biến hơn. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự xâm nhập của ngôn ngữ phổ thông vào ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngôn ngữ của dân tộc thiểu số này xâm nhập vào ngôn ngữ của dân tộc thiểu số khác, từ đó làm cho ngôn ngữ của dân tộc thiểu số bị pha tạp và mất dần sự, trong sáng vốn có, kết quả làm cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số bị nghèo đi và dẫn tới nguy cơ suy thoái, đây là vấn đề đặt ra đòi hỏi nhà nước phải có chính sách đủ mạnh vừa dạy và học tiếng dân tộc thiểu số vừa giảm thiểu những tác động bất lợi đối với ngôn ngữ của dân tộc thiểu số.
(2) Phạm vi và cơ hội để người dân tộc thiểu số sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là rất hạn chế, chủ yếu diễn ra trong gia đình, trong cộng đồng nhỏ và trong một số lễ hội truyền thống... Điều này đặt ra là chúng ta có thể đầu tư tốt cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nhưng phạm vi và cơ hội để họ dùng ngôn ngữ được dạy và học lại rất hạn chế, hoặc nếu có thì chỉ dùng trong phạm vi hẹp, như vậy việc dạy và học tiếng dân tộc xem như hiệu quả chưa cao. Do vậy cần phải có chính sách để nhằm tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho người dân tộc thiểu số được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
(3) Dấu hiệu từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ để chuyển sang dùng ngôn ngữ phổ thông đã xuất hiện ngày càng rõ nét, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì rất khó thu hút người tham gia dạy và học tiếng dân tộc thiểu số kể cả với chính con em của đồng bào. Vấn đề này yêu cầu chúng ta phải có chính sách tác động, tuyên truyền đủ mạnh để làm cho người dân tộc thiểu số cảm thấy hãnh diện, tự hào với ngôn ngữ của mình trong xã hội, họ thích được nói bằng ngôn ngữ đó và muốn truyền đạt lại cho con cháu của chính họ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
(4) Phải coi việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó giải pháp ưu tiên hàng đầu đó là phải tập trung đầu tư thực hiện xoá đói, giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào các dân tộc, để đồng bào đủ ăn, đủ mặc, tiếp theo đó là quan tâm đầu tư nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho đồng bào.
Đặc biệt chú trọng đến đầu tư giáo dục, trong đó chú ý đến việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, nhanh chóng khắc phục những bất cập trong việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nhất là về cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị, giáo trình, đội ngũ giáo viên; có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cả người học và người dạy. Nghiên cứu đề xuất việc hình thành mã ngạch đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc như giáo viên dạy các bộ môn khác. Hình thành các khoa hoặc bộ môn tiếng dân tộc thiểu số ở các trường cao đẳng, đại học để có thể đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc. Đáp ứng về tài liệu, sách giáo khoa tiếng dân tộc cho học sinh các cấp. Nghiên cứu đề xuất giải pháp cấp bách cho việc bảo tồn ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ mai một, xây dựng chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết nhưng đang có nhu cầu và có điều kiện để hình thành chữ viết của dân tộc đó. Thực hiện việc thể chế hoá ngày càng cụ thể hơn đối với công tác này để có thể đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(5) Tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức và ý thức đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương về ý nghĩa to lớn việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia và từng bước thực hiện xã hội hoá việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống./.

Sơn Phước Hoan
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel