Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam
là một phức hợp những kinh nghiệm được hình thành trong thế ứng xử giữa hoạt
động của cộng đồng trong một vùng môi trường có các điều kiện tự nhiên cụ thể
để sinh tồn. Nó được chọn lọc và truyền từ đời này qua đời khác trong cộng
đồng. Tri thức bản địa có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển, nhưng
cũng có những mặt hạn chế. Sự hạn chế này xuất phát từ đặc tính địa phương
(tính bản địa, tính tộc ngưười) của nó rất cao, nên khó phổ biến rộng rãi đến
các tộc người khác, vùng khác.
Tri thức bản địa hiểu theo
nghĩa rộng cũng nằm trong nội hàm của khái niệm “văn hoá”, nhưng nó ở dạng văn
hoá phi vật thể. Cũng có thể coi dạng văn hoá này như là một “nguồn lực” có thể
trực tiếp huy động cho sự phát triển ở từng vùng, từng cộng đồng. Trong qúa
trình phát triển và hình thành các giá trị văn hóa, các tộc người thiểu số ở
Việt Nam
không có khái niệm: “tri thức bản địa”. Đây là khái niệm được các nhà khoa học
phương Tây (sau đó là các nhà khoa học Việt Nam) “định ra” khi nghiên cứu văn
hóa truyền thống của tộc người, đặt trong mối tương quan và so sánh với “tri
thức khoa học” hiện đại.
Thông thường, tri thức bản địa
được phân thành hai nhóm: một nhóm là các tri thức dưới dạng “kỹ thuật”; nhóm
khác là các tri thức dưới dạng văn hoá tín ngưỡng, luật tục... Trong việc thực
hành phát triển tại các khu vực nông thôn và miền núi, nhóm thứ nhất (các tri
thức về kỹ thuật) được kết hợp với các tri thức khoa học hiện đại để thiết lập
các dự án kinh tế-xã hội; nhóm thứ hai (các tri thức về văn hoá-xã hội) được sử
dụng cho mục đích quản lý các nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu
vực của cộng đồng.
Tri thức bản địa đã và đang
đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương và
tộc người. Những tri thức về nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, đa dạng
cây trồng, chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, chọn giống cây trồng); chăm sóc sức khoẻ
con người (bằng các phuơng thuốc truyền thống); sử dụng và quản lý tài nguyên
thiên nhiên (bảo vệ đất, thuỷ lợi và các hình thức quản lý nước khác); giáo dục
(kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương)… đã có những tác dụng nhất
định trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không
phải tri thức bản địa nào cũng được sử dụng như nhau và phát huy hiệu quả trong
bối cảnh mới. Do vậy, không thể chỉ lựa chọn và áp dụng tri thức khoa học, cũng
không thể chỉ dựa vào tri thức bản địa, vấn đề đặt ra là phải kết hợp hai nguồn
tri thức ấy vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là khi triển khai
các dự án, chúng ta phải nghiên cứu để lồng ghép và chuyển tải những kinh
nghiệm trong bảo vệ đất, tính lịch sản xuất, trong xen canh, luân canh…; những
tri thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… vào việc trồng, bảo vệ rừng, xây dựng
mô hình VAC (vườn ao chuồng), VACR (vườn, ao, chuồng, rừng); xây dựng các mô
hình vườn nhà, vườn rừng. Từ đó góp phần vào việc thay đổi nhận thức và thế ứng
xử trong không gian sinh tồn của người dân vùng cao, chuyển từ tập quán khai
thác thiên nhiên một chiều sang tập quán đầu tư và tái tạo thiên nhiên. Bên
cạnh đó, những tri thức trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; trong điều
hành, quản lý con người, quản lý làng bản, xã hội với việc đề cao vai trò của
người già, của tính cộng đồng, tính nhân văn…, của những quan hệ bền chặt trong
gia đình, dòng họ… là những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng nông thôn có
tăng trưởng về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được công bằng xã hội và bảo vệ được
môi trường. Đó chính là mục tiêu của phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng
tới.
Hiện nay tri thức bản địa của
các tộc người được coi là một trong những lợi thế so sánh của một số nước đang
phát triển, trong đó có Việt Nam .
Bởi vậy, việc bảo vệ các tri thức bản địa ở quy mô quốc gia và quốc tế, đặc
biệt là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức bản địa, được coi là một
yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, do bản chất của tri thức bản địa là tồn tại dưới
dạng thông tin được lưu truyền qua các thế hệ, hoặc được trao đổi giữa các cộng
đồng, nên nhiều tri thức quý giá có nguy cơ bị mai một dần theo thời gian, hoặc
bị chiếm đoạt khai thác trái phép ngoài phạm vi kiểm soát của cộng đồng nắm giữ
tri thức. Những hành vi đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho cộng đồng mà nguy hại hơn là phá
vỡ nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa cộng đồng nắm giữ và chủ thể khai thác tri
thức bản địa, hủy hoại nỗ lực bảo tồn và phát triển tri thức, đi ngược lại
truyền thống văn hóa, phong tục tập quán… của cộng đồng. Do đó, cộng đồng quốc
tế rất quan tâm tới các biện pháp, công cụ thích hợp nhất để bảo vệ hữu hiệu
loại tài sản đặc biệt này, thực chất là bảo hộ khía cạnh sở hữu trí tuệ của tri
thức bản địa. Tri thức bản địa là tài sản chung thuộc cộng đồng hoặc một địa
phương cụ thể, do đó không thuộc độc quyền của một cá nhân, tổ chức nào và nếu
bị thương mại hóa sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tập quán, tín ngưỡng, văn hóa…
của cả cộng đồng. Trên thực tế không phải tất cả các tri thức bản địa đều mang
tính tập thể, mà trong nhiều trường hợp các cá nhân có thể tự nghiên cứu, cải
tiến, tạo ra những tri thức mới trên cơ sở vốn tri thức đã có và được cộng đồng
thừa nhận. Điều quan trọng là, những nhóm người hay cộng đồng nắm giữ tri thức
bản địa có những quy định riêng trong việc lưu truyền, khai thác, phát triển
nguồn tri thức đó bằng phong tục tập quán, văn hóa, luật tục, tôn giáo, tín
ngưỡng, ngôn ngữ… của mình.
Sự quan tâm đến tri thức bản
địa được thể hiện rõ trong những báo cáo của các tổ chức chính phủ và phi chính
phủ ở nhiều quốc gia. Các tổ chức này cũng như các tổ chức quốc tế như Ngân
hàng thế giới (WB), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc
(UNESCO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Liên hợp quốc (WIPO) và Tổ chức Nông lương thế
giới (FAO) đều thừa nhận về vai trò và những đóng góp của tri thức bản địa
trong phát triển bền vững. Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị của tri thức
bản địa là một yêu cầu được đặt ra cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn ở
nhiều nước đang phát triển trên thế giới.
Để bảo tồn và phát huy các giá
trị của tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất, nghiên cứu một cách
có hệ thống về tri thức bản địa của từng tộc người thiểu số nói riêng và các
tộc người ở Việt Nam
nói chung; bảo tồn và xây dựng bộ hồ sơ về kho tàng tri thức bản địa, tư liệu
hóa và cung cấp cho cán bộ và nhân dân địa phương.
Thứ hai, thông qua nhiều hình
thức khác nhau nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục… để người dân khắc phục
tâm lý tự ti mặc cảm, coi thường vốn tri thức truyền thống của cha ông, sùng
bái kỹ thuật phương Tây. Trả lại giá trị và niềm tự hào của các tộc người về di
sản trí tuệ của chính bản thân họ.
Thứ ba, khuyến khích việc sưu
tầm, nghiên cứu và phổ cập trở lại vốn tri thức bản địa, dần dần đưa vào chương
trình giáo dục nhà trường những nội dung tri thức bản địa phù hợp với điều kiện
cụ thể từng địa phương và văn hóa truyền thống của tộc người.
Thứ tư, xác định tri thức bản
địa nào còn phù hợp, đánh giá hiệu quả và tính bền vững của nó; kết hợp sử dụng
tri thức bản địa và tri thức khoa học một cách hợp lý trong những dự án phát
triển kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường… hiện nay.
Thứ năm, các nhà khoa học khi
lập kế hoạch nghiên cứu hoặc trực tiếp tham gia vào các dự án bảo tồn tài
nguyên sinh học nói chung, cần chú ý phải bảo tồn cả tri thức bản địa. Dựa vào
tri thức bản địa việc lập các dự án phát triển sẽ giúp các nhà khoa học không
phải điều tra sàng lọc từ đầu, một công việc rất tốn kém và mất nhiều thời
gian.
Thứ sáu, có chính sách động
viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu thầy thuốc dân gian, thầy thuốc cộng
đồng đối với những người có nhiều công lao trong việc chữa bệnh; danh hiệu nghệ
nhân dân gian… đối với những người lưu giữ nhiều giá trị tri thức bản địa của
tộc người.
Thứ bảy, nhiều tộc người thiểu
số riêng gắn bó với rừng, đời sống chủ yếu dựa vào rừng, chính vì thế họ có một
hệ thống kiến thức bản địa rất phong phú liên quan đến rừng. Thực hiện giao đất
giao rừng thì những nhận thức và hoạt động của người dân theo cách truyền thống
của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý các
nguồn tài nguyên rừng.
Thứ tám, xây dựng lộ trình để
bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức bản địa nhằm bảo hộ các quyền kinh tế và
quyền tinh thần của những người nắm giữ tri thức bản địa. Bảo hộ sở hữu trí tuệ
đối với tri thức bản địa trước hết nhằm bảo vệ quyền tinh thần của người nắm
giữ tri thức bản địa và quyền ngăn cấm người khác thương mại hóa tri thức của
mình. Việc khai thác thương mại các tri thức bản địa sẽ mang lại lợi ích kinh
tế cho bản thân những người nắm giữ tri thức bản địa và nguồn thu nhập mà cộng
đồng có được sẽ sử dụng để phát triển phúc lợi của cả cộng đồng.
Tóm lại, Tri thức bản địa là
một trong những thành tố quan trọng của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc tộc
người. Tri thức bản địa có thể coi là tài sản của mỗi tộc người trong qúa trình
phát triển, phản ánh mối quan hệ của từng cộng đồng đối với môi trường tự nhiên
và xã hội.
Kinh nghiệm phát triển của
nhiều quốc gia châu á và châu Phi trong những thập kỷ qua cho thấy cách tiếp
cận khoa học và công nghệ phương Tây không đủ đáp ứng những quan niệm phức tạp
và đa dạng của nông dân cũng như những thách thức về kinh tế-xã hội, môi
trường… mà ngày nay chúng ta đang phải đương đầu. Ngược lại, rất nhiều kỹ thuật
truyền thống đã đưa lại hiệu quả cao, được thử thách và chọn lọc trong một thời
gian dài, có sẵn tại địa phương, phù hợp với văn hóa và phong tục tập quán của
tộc người.
Việt TS. Vũ Trường Giang
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment